Sách
Giáo Lý Nhà Phật
Huỳnh Văn Niệm
01/09/2011 15:23 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giáo Lý Nhà Phật
Mục lục


[03]

Học Nhiều Hiểu Rộng

 

 

Phật-Giáo không quá chú-trọng đến những kẻ thông-minh trí-thức, nghe nhiều học rộng, ăn nói hoạt bát nhưng tánh nết đê-hèn, tham-lam ích-kỷ. Mà chỉ quan tâm đến những bậc có tâm Từ-Bi, Hỷ, Xả, những bậc suốt thông kinh-luật. Biết nhận định đâu là Chánh, đâu là Tà. Biết chê trách mình. Biết nhớ ơn người đã làm cho mình dù nhỏ-nhặt đến đâu và biết quên ơn mình đã làm đến người. Là những bậc có nếp sống tinh thần cao cả, khao-khát chân-lý và có tâm nâng đở kẻ khác trên đường đạo-đức.

Ðức-Phật nói người nghe nhiều học rộng là kẻ suốt thông Giới - Ðịnh - Huệ và quyết chí thực-hành là kẻ biết nhận thức tánh cách giả tạm khổ sầu của kiếp sống, là kẻ cố gắng học hỏi để hành theo, chớ không phải để trở nên một lý thuyết gia lỗi lạc. Người chuyên môn pháp học, thường khi Cống Cao Ngã-Mạn, Tà-Kiến ngoan cố, khó dạy.

Thời Gian và Tư-tưởng

Một nhà Ðạo-Ðức Ấn kể lại câu chuyện như sau:

Có người nọ nghe đứa con gái nói:

-"Hỡi cha, một ngày nữa sắp trôi qua".

Ô! Thật vậy sao?

Không biết người đó suy nghĩ đến lời nói của con như thế nào, liền tức khắc bỏ nhà đi vào rừng vắng tu hành và đắc quả thánh.

Thời gian và tư-tưởng là yếu tố quan-trọng mà người hành đạo cần phải hiểu qua.

Ðức-Phật dạy Pháp Môn Tứ-Niệm-Xứ là đường lối đứng đắn nhất để tìm ra chân-lý, tìm ra thực tại của thế-gian. Nghĩa là tư cách sống trong hiện tại, một trạng thái hòa-hợp với thời-gian và tư-tưởng.

Thật sự, thời gian không có quá khứ và tương-lai, những gì xảy ra là nó đang xảy ra. Lúc tối nó chỉ là tối, lúc sáng nó chỉ là sáng. Vì kinh-nghiệm so-sánh mà ta cho cái gì đã qua là quá khứ, cái gì chưa đến là tương-lai. Còn thực-tại, những gì đang biến chuyển thì nó đang biến chuyển. Mọi sự, đều do tư-tưởng của ta mà ra cả. Ít ai bằng lòng với thực tại của chính mình, người ta thường ân-hận quá khứ, vẽ-vời, mơ-tưởng đến tương-lai. Nó trìu mến luyến tiếc những việc đã qua ..., đáng lý tôi phải làm vậy..., đáng lý tôi không nên tin người ta đến thế ..., và người ta thường đặt trong quá khứ cũng như tương-lai một tiếng "Nếu".

Ngay đến mạng sống có ai lột vỏ, sống đời đâu, vậy mà nào có ai muốn chết. Người ta vẫn hy-vọng sống lâu thêm nữa và tiếp tục ước mong như thế, dầu đang hấp hối trên giường bệnh.

Một cơn đau phát sanh, tự nó không gây sợ hãi, khổ sầu, mà chính bệnh nhân nghĩ nó sẽ trầm trọng sau này nên đâm ra đau khổ. Người già bận tâm lo nghĩ về cái chết. Người sống ở đời luôn lo nghĩ một ngày mai sung sướng hơn.

Rốt cuộc chính cái sự lo nghĩ đó, đẩy con người tham lam, ích-kỷ thêm, tâm trí xao động, bất an vì bi quan và thất vọng.

Thời gian và tư-tưởng bảo trì bản ngã và cũng là bức màn che lấp không cho ta nhận thức rõ tư cách vô thường. Do đó, ta nghĩ rằng mình vẫn khỏe mạnh sống lâu nên quên lững nếp sống tinh-thần cao đẹp.

Về phương diện đạo đức cũng thế. Hành giả luôn luôn nghĩ rằng với thời gian mình sẽ tiến hóa thêm, sẽ Thánh-thiện thêm, mà quên xem hiện tại mình đang làm gì.

Nếu ta tìm hiểu sâu hơn về cách niệm hơi thở trong Tứ-Niệm-Xứ, thì ý thức được phần nào về thời gian. Ðức-Phật dạy:

"Với Tâm trí chăm chú, hành giả hít hơi vô. Với Tâm trí chăm chú, hành giả mới thở ra. Khi thở vô dài, biết thở vô dài, khi thở ra dài, biết thở ra dài..."

"Chú Tâm trong Thân hành (Kãya Sankhãra) người hít hơi vào".

"Chú Tâm trong Thân hành (Kãya Sankhãra) người mới thở hơi ra...".

Như vậy nghĩa là hành giả phải sáng suốt biết mình hiện ở trong tư thế "Hít vô, Thở ra" và người đó chẳng có nghĩ tới bất cứ chuyện gì khác nữa, hoặc quá khứ, hoặc sẽ đến trong tương lai. Như thế hành giả chỉ biết sống trong hiện tại mà thôi.

Thời gian cũng là kỳ hạn do tâm lý tạo ra, để ta thực hiện chuyện gì hay trở thành cái gì, để tiến bộ, để đi tới mục tiêu. Ta cho thời gian là cần thiết để khám phá chân-lý cứu cánh, để dứt khổ. Nhưng trái lại thời gian là bức tường ngăn chận, không cho ta thấy tức khắc một thực tế nào đó. Vì người ta tin rằng với thời gian mình sẽ kinh-nghiệm hơn, sẽ sáng suốt hơn để thấu rõ điều đó.

Rốt cuộc, thời gian hay kỳ hạn, chính là chướng ngại vật của đời Ðạo-Ðức. Nó là chất liệu nuôi dưỡng tư-tưởng về ký ức, tạo chỗ dựa cho bản ngã.

Tư-tưởng phát sanh theo thời gian vì tư-tưởng phản ảnh ký ức. Ký ức là chủng tử, là kinh nghiệm được tích-lũy từ lâu bởi thời gian.

Bởi vậy, càng thoát khỏi ảnh hưởng của ký ức là một việc vô cùng khó khăn. Các bậc Thánh-Nhân vì không còn lệ thuộc vào thời gian, ký ức và tư-tưởng của sự so-sánh, nên các Ngài mới giải thoát.

Câu chuyện sau đây cho thấy thời gian và tư-tưởng cũng là nguồn gốc gây ra ảo-tưởng hay huyển hóa.

Ðể giải thích thế nào là huyển hóa. Ngày nọ, Vị Thần Krishna dắt đệ-tử Narada đi dạo đến một vùng sa-mạc khô khan nắng cháy. Trải qua một đoạn đường dài, Ngài dừng chân nói với Narada: "Hỡi trò! Thầy đang mệt khát. Vậy con đi kiếm hộ thầy vài hớp nước được chăng?"

Narada đáp: "Con xin cố kiếm cho được mang về". Rồi chàng đi một đổi xa đến được ngôi làng (Chỗ này do Thần Krishna hóa ra để thử trò), tìm đến một nhà gỏ cửa xin nước. Một thiếu nữ tuyệt sắc ra mở. Narada lòa mắt, đắm say, quên lững việc kiếm nước hộ Thầy. Chàng bị thu hút, lần lựa cà kê tại xóm, tình tự với nàng rất tâm đầu ý hợp, dợm hỏi cưới nàng và chịu ở luôn nhà ông nhạc. Thấm thoát mười hai năm đã trôi qua, vợ chồng đã sanh được ba con. Nhạc gia mất để lại tài sản ruộng vườn. Chàng rất vui với cuộc sống sung túc, vợ đẹp con thơ.

Rủi thay! Một trận bão lụt vô cùng khủng khiếp, quét sạch thôn xóm. Tất cả đều bị nước cuốn trôi đi. Narada nắm tay vợ, tay kia nắm hai con, còn đứa nhỏ hết chàng cho ôm trên cổ. Chàng cố dìu nhau qua sông để tránh lụt trên một đồi cao. Nhưng rủi thay, con chàng, vợ chàng đều bị giòng nước lôi đi mất dạng. Riêng chàng còn hơi sức bơi lội và rốt cuộc được qua bên kia bờ, mệt ngất, nằm trên bải cát (Giông bão này cũng do Thầy Krishna phóng ra).

Bỗng đâu có tiếng nói Thánh-Thiện cất lên: "Nào nước đâu con! Con đi kiếm nước giúp Thầy đã ngót nữa giờ...".

Thời gian, Tư-tưởng, Ảo-ảnh đều là Huyển hóa. (Maya)

Nhẫn-nại và Tình Thương

Học giả Pháp Romain Rolland viết về Thánh Gandhi như sau:

"Với đôi mắt mờ sẫm. Một con người hầu như suy nhược, khung mặt gầy, cặp tai chìa rộng, đội mũ bon-nê trắng, mặc vải trắng thô, đi chân không. Người sống bằng cơm trái, uống nước lã, nằm trên sạp ván, ngủ ít làm việc nhiều, thân hình chẳng ra gì, ngoài nét đặc biệt biểu hiện một tâm hồn nhẫn-nại, chứa đầy nhân-ái. Người giản-dị như đứa trẻ, dịu hòa lễ-độ luôn cả với kẻ đối nghịch, chấp nhận tất cả lỗi lầm, tránh né, tránh biện, xa lánh chỗ ồn ào.

Nhưng đây là nhân vật đã khuấy động 300 triệu người, làm rung chuyển đế-quốc Anh bằng cách khai trương một đường lối chính trị nhân đạo, một phong trào mạnh-mẽ nhất kể từ hai ngàn năm qua".

Nhẫn-nại là món khí giới hữu hiệu nhất mà các hiền giả trên đời xử dụng để thành đạt những mục đích phi-thường. Thánh Gandhi còn nói:

"Nhẫn-nhục ví như không khí, chẳng biết chống trả, nhưng có khả năng vô hiệu hóa những quả đấm của kẻ bạo tàn".

Lão Giáo dạy lấy mềm thắng cứng, lấy yếu thắng mạnh. Người mạnh nhất trên thế-gian là kẻ giữ được sự bình tỉnh trước mọi biến cố. Nhưng đức điềm đạm chỉ tìm được trong con người nhẫn-nhục. Chúa Ki-Tô cũng dạy nên gieo rắc tình thương.

Trong các bậc Thánh-nhân, Ðức-Phật đề cao đức nhẫn-nhục lên tột đỉnh là không những đừng chống trả, căm hờn, mà người Phật tử cần phải gieo rắc tình thương đến những kẻ gây ra nghiệp dữ, vì người ác tâm tư luôn luôn xao-xuyến, hằng sống trong nỗi khổ triềm miên. Ngài thuyết:

"Hỡi này các Tỳ-Khưu! Kẻ nào muốn xứng đáng là con của Như-Lai, chẳng nên nóng giận, oán thù, dù bị bọn cướp phanh thây ra từng mảnh, bị bọn chúng cắt đứt tay chân bằng cưa bén. Nếu gặp hoàn cảnh đó, người phải biết thừa cơ-hội để rèn luyện giới đức tinh vi thêm và hãy tự nhủ: Tai họa này không sao lay chuyển được lòng ta. Ta chẳng nên thóa mạ, giận hờn, mà phải trầm tỉnh, dịu hòa, giữ lòng bác ái, rãi lòng điện từ đến kẻ ác và chúng-sanh trên khắp Thế gian". (Majjhima Nikãya I-129)

Ðức-Phật tán dương đức nhẫn-nhục, bác-ái, cho đó là trọng điểm để thành đạt chân-lý siêu thoát:

"Bất cứ công phu nào khác để tiến hóa trong cuộc đời thánh thiện chỉ giá trị bằng một phần mười sáu (1/16) của tâm từ ái. Từ-Bi nhẫn-nhục là ánh sáng soi đường Thánh đức. Tình thương tủa sáng khắp nơi cũng như ánh sáng muôn sao chỉ bằng một phần mười sáu (1/16) ánh sáng của mặt trăng". (Itivuttaka 19)

Nhẫn-nhục là Pháp thiêu hủy cao thượng. Nhẫn-nhục là nơi trổ sanh giống lành không đâu bì kịp. Người nhẫn-nhục là người đi trên đường về cõi trời và Niết-Bàn. Người nhẫn-nhục là người hết lòng thành kính Ðức Như-Lai bằng cách cao thượng.

Nhà hiền triết Hy-Lạp Socrate thời Trung cổ cũng là tổ sư của Pháp nhẫn-nhục. Ông nói trường hợp nhẫn-nhục khó khăn nhất là biết nhịn-nhục trong gia đình, vì phần đông đàn ông là chủ gia đình nên rất cống cao độc đoán, vợ con thường luôn luôn khép nép sụt sè. Nhưng ông rất có phước nên mới được bà vợ hung dữ khỏi chê và ông nhờ đó mà điêu luyện nhẫn-nhục lên tận cao điểm.

"Pháp luật đặt ra nhiều giới cấm. Nhưng các Tỳ-Khưu cần nên ghi nhớ một điều thiết yếu. Ðó là tâm từ ái, bi-mẫn đối với tất cả chúng-sanh". (Jãtaka)

Ðức-Phật thường khiển trách các đệ tử, ỉ mình học giỏi, hành nhiều rồi trở nên ngã-mạn:

"Dù thầy Tỳ-Khưu cố gắng học hành tiến hóa tới mức độ nào, nhưng đâm ra cống cao tự đắc, khinh rẻ kẻ còn thấp kém. Thầy Tỳ-Khưu đó vẫn là con người bất hảo, không từ-bi nhẫn-nại, chẳng đáng khen tặng chút nào". (Majjhima Nikãya)

Ðức-Phật ví nhẫn-nhục như nước luôn luôn mát mẻ và chỉ tìm chảy xuống những nơi thấp nhất. Nhưng chính nước là chúa tể của muôn loài, là vĩ đại hơn tất cả. Hung hăng tàn bạo như lửa, vẫn bị nước dập tắt dễ dàng. Nước ban bố sự sống đến khắp nơi, mà có thể đắm chìm cả một vùng lục địa xuống tận đáy sâu. Khi triều lưu bị ngăn chận, nước nhẫn-nại tìm khe lách khác để tiếp tục chảy ra biển cả.

- Nhẫn-nhục là yếu điểm của tất cả đạo học tâm linh.
- Nhẫn-nhục là pháp đắc nhân tâm tuyệt diệu.
- Nhẫn-nhục dập tắt tham lam sân hận tối mê.
- Nhẫn-nhục là yếu tố phát sanh tâm từ ái. Là yếu tố phát triển ba giai đoạn toàn hảo Giới - Ðịnh - Huệ của con đường siêu việt (Bát Chánh Ðạo).
- Nhẫn-nhục đưa người tới tự-do tuyệt đối là Niết-Bàn.

- Người nhẫn-nhục dễ thấu triệt ba chân-lý: Vô-Thường, Khổ-Não, Vô-Ngã.
- Người nhẫn-nhục thích sống trong bóng tối nhưng vẫn được đưa ra ngoài ánh sáng. Người thường ở sau nhưng vẫn được đặt lên phía trước.
- Người nhẫn-nhục sống tri túc nhưng chẳng thiếu gì cả và rất tự do về vật chất.
- Người nhẫn-nhục là vô địch vì không tranh chấp với bất cứ ai.
- Người nhẫn-nhục đang vượt ra ngoài biển trầm luân.

Kẻ sát nhân Angulimãla cải tà qui chánh, xuất gia theo Phật, đi khất thực bị dân chúng nguyền rủa, lấy đá liệng. Nhiều hôm đi về với bình bát không, ông ta đến than van với Ðức-Phật. Ngài thuyết:

"Này Angulimãla, ngươi hãy rán nhẫn-nại, nhẫn-nại thêm lên để hủy diệt tất cả nghiệp báo trong hiện kiếp, mà đáng ra ngươi phải trả quả trong vô lượng kiếp về sau". (Majjhima Nikãya)

Tán dương Ðức-Phật có đức nhẫn-nại vô song, Ðức Xá Lợi Phất kể lại:

"Ðức Thế-Tôn thật hòa ái, khiêm tốn nhẫn-nại trong mọi hành vi, ngôn ngữ. Ngài thường dạy: Chính thế gian chống lại Như-Lai chớ Như-Lai đâu chống lại thế gian. Cái chi người đời chấp-nhận, Như-Lai không phủ nhận. Cái chi kẻ thế vui thích, Như-Lai cũng không phê-phán. Cái chi người đời chê trách Như-Lai cũng điềm nhiên tiêu cực".

"Cũng như không thể lấy da phủ khắp mặt địa cầu để ngăn ngừa chông gai đá sỏi. Nhưng mang một đôi giầy, ta có thể xông pha khắp mọi nơi mà chân vẫn không đau đớn chút nào". (Majjhima Nikãya)

"Ðất không hề biết thích thú hay nhờm chán, khi người đổ lên vật thơm tho hay thúi bẩn thế nào? Thì cũng như thế ấy, Ðức-Phật nhẫn-nại chịu đựng tất cả sự chê khen của người thế và rải tâm-từ đến bất cứ bạn hay thù". (Jãtaka)

- Nhẫn-nại trong giới bổn để chế ngự tham lam, sân-hận, không cho thân, khẩu, ý hành động bất thiện.
- Nhẫn-nại trong thiền định để diệt trừ phiền-não do động tác của sắc trần.
- Nhẫn-nại trong Minh-Sát-Tuệ để bứng gốc rễ những ô nhiễm tiềm tàng.
- Nhẫn-nại đương đầu với mọi thống khổ như tai họa ốm đau.
- Nhẫn-nại chịu đựng thiếu thốn vật chất.
- Nhẫn-nại đối với những nghịch cảnh khi bị người nhục-mạ hành hung, không giận hờn chỉ trích.
- Nhẫn-nại để bảo-trì tâm tư vắng lặng, không xao động vì các Pháp Thế-gian.

Người nhẫn-nại chiến thắng trong mọi nơi.

"Chẳng khi nào hận thù xóa bỏ được hận thù. Chỉ có tình thương mới xóa bỏ được hận thù. Ðó là Chân-lý muôn đời". (Dhammapada)

Tuệ

"Ðem ý chí này thay cho ý chí khác.

Có một thứ ý chí hữu ích cao thượng chủ trương hành thiện, để hủy diệt cái ý chí đê hèn hướng về việc ác. Ðó là hành động cứu cánh để thiêu hủy nghiệp quả, phá tan dục vọng.

Cái tâm khao khát giải thoát xâm chiếm cõi lòng, làm mất chỗ dựa của tâm khao khát dục vọng trần gian". (Samyutta Nikãya)

Trong một kiếp Bồ Tát, Ðức-Phật có nguyện như vầy:

"Ta nguyện sao đừng nghe tiếng nói của người ngu muội, đừng thấy kẻ ngu muội, đừng tiếp xúc với kẻ ngu muội, đừng bận rộn khổ sầu vì phải chung chạ với người ngu muội!"

Nghe vậy, Trời Ðế Thích đến hỏi Bồ-Tát tại sao Ngài rất Từ-Bi, Hỷ, Xã đối với chúng-sanh lại có thái độ như thế? Ðức Bồ-Tát dạy:

"Vì chẳng mong gì nơi một con người ngu muội, y là kẻ Si mê cố chấp có thành kiến hủ lậu, không thích nghe lời dạy bảo, nên chẳng cách nào cải hóa y được". (Jãtaka)

"Những kẻ ôm bình bát xin ăn không phải là khất sĩ. Những kẻ ngụ trong rừng vắng không phải là đạo-sĩ. Những kẻ mặc áo cà-sa không phải là Tỳ-Khưu, khi tâm trí chứa đầy tham lam dục-vọng".

Muốn chữa bệnh khổ sầu với sự hiểu biết suông chưa đủ, mà cần phải sáng suốt, có quyết tâm và thiện chí. Muốn thoát khỏi tham dục không phải chỉ diệt trừ những hư-hỏng nhất thời, mà cần phải dập tắt lòng ham muốn. Không phải chỉ sa thải dục lạc hiện tại, mà cần bứng tận gốc của nó trong ngày vị lai.

"Khi gốc rễ còn nguyên vẹn, dù cây thốt nốt bị chặt đứt, nó vẫn mọc lại như trước. Khi chưa hủy diệt được mầm mống của tham dục, những nỗi thống khổ trong cuộc sống sẽ trở lại triền-miên". (Dhammapada 338)

Người giới tử có trí tuệ, quyết tâm tin-tưởng nhưng cần phải tinh tấn thực hành. Ðức Thế-Tôn thuyết:

"Như-Lai đã giải bày rành mạch, phải tu tập cách nào để thành đạt bốn Pháp Tinh-tấn cao siêu.

Thầy Tỳ-Khưu phải dũng-mãnh, tín tâm, chiến đấu để thực hành ba giai đoạn toàn hảo của chánh pháp là: Giới - Ðịnh - Tuệ phải thuần thục về Pháp-Học và Pháp-Hành". (Majjhima Nikãya II - 113)

Hiểu Biết và Tư Duy Chân-Chánh

Phần lớn tín-đồ trong các tôn giáo khác chú trọng, niềm tin nơi một tha lực huyền bí hay quyền năng của Ðấng Thiêng Liêng để cứu rỗi linh hồn. Các Giáo-sĩ Ðạo-sĩ là những sứ đồ thừa kế sự nghiệp của các Giáo chủ, trong đó có vài vị có một lịch sử không rõ-rệt, vài vị khác thì bất khả tư nghì. Nhà truyền-giáo dạy Tín đồ phải nhiệt thành tin-tưởng, khấn vái đấng hóa công ban bố cho vài ân huệ trong kiếp sống và sau khi chết. Tin như thế khiến con người trở nên yếu đuối, mất khả năng tự lập chỉ trông cậy vào một thế lực vu vơ, chấp dính thành kiến sai lầm, không phấn đấu.

Ðức tin cũng rất cần thiết đối với người tu Phật. Nhưng đây cũng là Ðức tin có tính cách thực tế và không dị đoan. Vì Ðức-Phật có dạy nếu tin nơi Ngài, thì phải biết tin Giáo Pháp là chánh đáng, bằng không thì cũng như bài bác Ngài thôi, hãy tin những điều sau khi đã xét đoán và thực hành thấy hợp với chân-lý.

Người Phật-tử cũng không bị buộc phải tin theo kinh điển cho đó là thiêng liêng thần thánh, mà tin nơi đường lối tu tập hữu hiệu do Ðức-Phật chủ trương và Ngài như người Hướng-Ðạo hay một danh y, chớ không phải là đấng cứu tinh.

Ðức-Phật có dạy:

"Những điều gì Như-Lai nói không vội tin mà cũng không vội bỏ, phải suy xét và thực hành. Nếu sau khi thực-hành mà Tham lam, Sân-hận, Si-mê bớt lần đi thì lời đó của Như-Lai. Còn những điều nào khi Hành làm cho Tham lam, Sân-hận, Si mê gia tăng thì đó không phải là của Như-Lai".

Những lời dạy của Ðức-Phật hướng đến sự thực hành để giác ngộ, để hành giả nếm được hương vị giải thoát. Trong một đoạn kinh Ðức-Phật dạy:

"Nước trong tất cả các Ðại-dương có một vị duy nhất là vị mặn. Giáo Pháp của Như-Lai có một vị duy nhất là vị Giải-thoát".

Sau đây là những gì người Phật-tử cần tin-tưởng:

- Tin nơi Phật-Bảo tức là Ðức Thích-Ca Mâu-Ni Gotama, là Bậc đã giác ngộ nhờ công phu tu tập trong nhiều đời, nhiều kiếp, chớ không phải do thần khải hay một vị tổ vị Phật nào mà lịch sử mập mờ, không chỉ cho chúng ta một cách hành đạo nào.

- Tin nơi Pháp-Bảo, căn bản là Tứ-Diệu-Ðế, là chân-lý bất di bất dịch của Chư-Phật, có thể đưa chúng-sanh đến nơi dứt khổ. Khi vừa đắc đạo Ngài đã chọn Giáo-pháp làm thầy. Lẽ đó Phật-tử phải tôn thờ Pháp-Bảo như Ðức-Phật. Ðức-Phật có dạy: "Kẻ ở gần Như-Lai theo nắm chéo y Như-Lai nhưng không thấy Pháp, kẻ đó cũng như cách xa Như-Lai muôn dặm. Còn người ở xa Như-Lai muôn dặm nhưng thấy Pháp, người đó cũng như ở kế cận Như-Lai".

- Tin theo Tăng Bảo là những Bậc xuất gia tu tập đúng theo Chánh-Pháp, là Bậc có tâm từ-bi, hỷ, xả là Bậc có bổn-phận bảo tồn Giáo-pháp của Ðức-Phật cho tròn đủ 5000 năm.

Thánh Tăng là Bậc đã giác-ngộ. Phàm-Tăng còn dính mắc trong thế gian cần gìn giữ chiếc bè Giới - Ðịnh - Huệ nếu không nó sẽ rã-rời và thầy Tỳ-Khưu phải bị chìm xuống đáy sâu.

- Tin nơi Nghiệp Quả: Tội Phước Chính Tà. Không nên vội tin một điều gì để dễ sa vào Tà-Kiến.

- Tin có Ðạo quả Thánh-Nhân, có Niết-Bàn là nơi dứt khổ.

- Tin có Lục-đạo là Trời, Người, Ngạ-quỉ, Súc-sanh, A-Tu-La, Ðịa-ngục.

- Tin nơi quả của Thiền-Ðịnh nhất là Minh-Sát-Tuệ để hủy diệt phiền-não, tẩy trừ ô-nhiễm tiềm tàng.

- Tin nơi công phu tu tập không phải là vô-ích và trước sau gì cũng đến mục đích cuối cùng nếu ta thực hành đúng và không nản chí.

Chân-Lý

"Thành đạt Chân-lý là động cơ tối cần để bước vào vòng Thánh Vức. Vô-Minh là vết nhơ, làm hoen ố và tai hại hơn tất cả bận nhơ. Tư cách dứt khổ chỉ đến với những kẻ hoàn toàn trong sạch". (Dhammapada - 243)

"Chân-lý chỉ có một. Không hề có chân-lý thứ hai gây ra dị biệt giữa vị Thánh này với vị Thánh khác. Thật ra chân-lý không nhiều mà cũng không khác biệt". (Sutta Nipãta)

Ðức-Phật nói, trong con người có khả năng có thể thành đạt chân-lý nếu biết chuyển hóa Trí Tuệ Phàm nhân sang trí tuệ Thánh nhân. Nghĩa là nhờ vẹt màn Vô-Minh, người mới có thể trực nhận thực chất của mọi sự vật. Ðức-Phật thuyết: "Chân-lý là mặt trăng còn giáo-lý của Như-Lai là ngón tay chỉ mặt trăng. Ðừng hiểu lầm ngón tay là mặt trăng". Như thế Giáo-lý là cái bóng của chân-lý có thể diễn tả, còn chẳng có ngôn ngữ nào để giải thích chân-lý tuyệt đối và chỉ kẻ nào chứng nghiệm được nó mới hiểu nó.

Quan-niệm về chân-lý thật vô cùng phức tạp. Mỗi Tôn-giáo hay triết thuyết diễn tả và ý thức chân-lý dưới nhiều hình thức khác nhau:

- Phái Duy Vật cho rằng chỉ có vật chất là thực tế, là Chân-lý. Vì tất cả hiện tượng tinh thần đều xuất phát từ các vật thể thấy được, nghe hay sờ mó được.

- Phái Duy Tâm chủ trương "Vạn-vật do tâm tạo". Ngoài tư-tưởng chẳng có thế gian. Tư cách lớn nhỏ, cao, thấp, dài, ngắn, tốt xấu, phải quấy của mỗi sự vật đều do tâm ấn-định chớ chẳng có gì tuyệt đối, bền bỉ cả.

- Nhất nguyên thuyết nói: Cái nguyên lý đầu tiên, hình thành vũ trụ là Chân-lý cùng tột, trong khi Ðức-Phật xác định không một ai biết được chúng-sanh khởi điểm từ lúc nào?

- Phiếm Thần Luận cho rằng quyền năng thiên nhiên là Chân-lý cao cả hơn hết.

- Ðộc Thần Giáo dạy rằng: Uy lực của Ðấng Hóa Công là Chân-lý Tối thượng nên dự trù nhiều cảnh Thiên đàng hay cực lạc để con người an hưởng sau khi chết.

- Ða Thần giáo thì không cần biết Chân-lý là gì và chỉ tin-tưởng nơi ân huệ của các Thần Linh giúp ngưòi đời tránh khỏi những tai họa trong kiếp sống.

Ðức-Phật Thích-Ca nhận định Chân-lý một cách khoa-học thực tiển hơn. Ðem ra ánh sáng một nền tảng Chân-Lý của Chư Phật là Tứ-Diệu-Ðế, chẳng sao tìm thấy Chân-lý giải thoát ngoài Tứ-Diệu-Ðế. Nhiều nhà Tâm lý học không chịu khảo sát toàn diện hệ thống của Tứ-Ðế, chỉ nhìn sơ qua sự khổ rồi vội phê phán sai lầm cho rằng Phật Giáo là Ðạo Yếm thế Bi quan.

Ðức-Phật thuyết:

"Dù các Ðấng Toàn-giác có xuất hiện trên thế-gian hay không, những thảm trạng: Vô-Thường, Khổ-Não, Vô-Ngã vẫn luôn luôn tồn-tại". (Anguttara Nikãya)

Người tu Phật biết rõ nguồn gốc của cái khổ là Vô-Minh, Ái-Dục rồi quyết tâm diệt chúng bằng cách thực hành theo Bát-Chánh-Ðạo. Nghĩa là dám đương đầu với nỗi khổ, không bi-quan nản chí.

Thế gian là cái kho khổng lồ tích trữ đầy tội lỗi khổ đau.

Người đời chỉ được tương đối bình an trong giấc ngủ và khi bừng mắt thì sự khổ đã lãng vãng quanh mình. Một Triết gia kể lại câu chuyện lý thú như sau: Người nô-bộc của ông Bá Hộ làm lụng cực nhọc tối ngày, than trách số phận và mong kiếp sau được giàu có sang trọng hơn. Tối y nằm mộng thấy mình được làm vua, có người hầu kẻ hạ hả hê hưởng lộc đế vương. Sáng ra y lại cắm đầu vào việc tôi tớ. Có ông khách đến chơi hỏi: "Chắc chú khổ lắm phải không?" Y đáp: "Trời đất có đêm có ngày. Ban đêm lúc tôi ngủ được làm vua, sung sướng đủ điều. Ban ngày làm việc cực nhọc như vầy thì có chi là khổ".

Còn ông chủ Bá Hộ thì keo kiệt, tham lam, tháo vát, tính toán bận rộn suốt ngày. Tối ngủ ông ta mơ thấy đi ở đợ, bị người sai khiến chửi mắng, sáng ra ông than: "Thật khổ quá, ngày đêm gì tôi cũng không được chút bình an". Người khách tới chơi nói: "Trời đất làm vậy rất công bằng chớ sao? Ban ngày ông làm chủ thì tối làm tớ có chi lạ đâu". Chuyện này ngụ ý trong đời chẳng mấy ai hoàn toàn vui hay hoàn toàn khổ. Tuy nhiên, ông Bá Hộ khổ nhiều hơn tên thầy tớ là vì ông quá tham lam giàu rồi còn muốn giàu thêm.

Ðây là nói về người đời, hể giàu có sang trọng chừng nào, thì càng khổ sở, vì ham muốn được nhiều thêm, lo gìn giữ sợ trộm cướp nên mất cả tự do. Còn bậc hiền giả có nếp sống thanh bần ít bận rộn. Tuy thiếu thốn về vật chất, nhưng rất tự do về tinh thần, không bị ràng buộc bởi lợi danh nên ít khổ.

Pháp (Dhamma hay Dharma)

Danh từ Pháp rất quan trọng và cũng rất tế nhị. Nếu muốn nhận xét đúng theo tinh thần Phật Giáo. Pháp là bất cứ một sự việc gì, một trạng thái, một hiện tượng tinh thần hay vật chất, phát sanh thường xuyên trong con người hay ngoài sự vật, ngoài Niết-Bàn Pháp (Nibbãna Dhamma) và Không Gian Pháp (Akãsa Dhamma) là không biến đổi nên gọi là Vô Vi Pháp. Còn tất cả Pháp Hữu vi khác đều vô thường biến đổi. Chính trạng thái vô thường là nguyên nhân tạo ra muôn vàn thống khổ, hối tiếc, than van. Các Pháp Hữu Vi cũng được gọi là Chúng-sanh Pháp.

Tuy cả hai Thiện Pháp và Ác Pháp đều Vô Thường, nhưng Thiện Pháp là nấc thang cần thiết đưa người tới giải thoát, trái lại Ác Pháp đưa người xuống hố sâu.

Có vô số Pháp xuất hiện và biến mất thường xuyên trong mỗi con người, bởi vậy có khi chúng ta là Thiện, có khi là Ác, có khi Từ-Bi, có khi Bạo Tàn.

Hành giả theo dõi liên tục các Pháp sanh diệt trong tâm mình. Cố gắng diệt trừ những Tâm Bất Thiện, cố vun-bồi những Thiện Tâm Từ-Bi, Tinh-Tấn, Nhẫn-Nhục. Muốn vậy, chúng ta cần biết đến những Pháp căn-bản là:

Năm Pháp Chướng ngại:

- Tham-Dục
- Sân-Hận
- Hôn-Trầm
- Hoài-Nghi
- Phóng-Tâm.

Năm Pháp này làm cho Tâm ta bất an và là trở ngại lớn cho những ai thực hành Thiền-Ðịnh.

Năm Uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức; là những vật liệu đã tạo thành cơ thể vô thường này.

Sáu bản chất Chủ quan: Lục-Căn - Nhản, Nhỉ, Tỉ, Thiệt, Thân, Ý

Sáu yếu tố Khách quan: Lục-Trần - Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp

Hành giả phải kiểm soát và chế ngự Tâm, khi Lục-Căn tiếp xúc với Lục-Trần đừng để cho Tâm móng vọng Tham lam hay Sân-hận.

Hủy diệt được những Ác Pháp kể trên, khiến tâm hành giả trở nên trong sạch, vắng lặng, sáng suốt rồi tiếp-tục tiến lên để thành đạt những Pháp cao thượng.

Hành giả đi sâu thêm vào nội tâm, kiểm soát sự Sanh Diệt của thân Ngũ-Uẩn theo Pháp Tứ-Niệm-Xứ:

- Quán Thân thấy Bất Tịnh.

- Quán Thọ trực nhận được Khổ-Não.

- Quán Tâm thấy sự Vô Thường Sanh Diệt.

- Quán Pháp thấy mọi sự vật đều theo nhân duyên hợp thành, dầu ta muốn không già nó vẫn già. Muốn không bệnh hoạn nó vẫn bệnh hoạn, muốn đừng chết cũng có ngày chết. Tánh Vô-Ngã phát sanh rõ-rệt trong tâm hành giả. Hành giả thấu triệt được thế nào là Chân-lý tuyệt đối. Khi đến trạng thái này, mọi hành giả đều có cặp mắt nhìn sự vật này giống như nhau là:

"Tất cả những gì có sanh, đều mang sẵn mầm mống của sự hoại diệt". (Dhammacakkappavattana Sutta - Chuyển Pháp Luân Kinh)

Cặp mắt nhìn thấy sự vật như vậy gọi là Pháp Nhãn (Dhamma Cakkhu), và hành giả đã bước vào giòng Thánh-Vức đã đắc quả Tu-Ðà-Hườn và không lâu với sự tinh-tấn Hành-đạo, hành giả sẽ cởi bỏ tất cả mọi ràng buộc và được giải thoát khỏi vòng Sanh Tử Luân-Hồi.

Ðấy chính là mục đích mà Chư-Phật đã đạt đến rồi giáo hóa lại cho chúng-sanh để cùng được giải thoát như Ngài.

Chúng ta là những tín đồ của Ðức-Phật, có diễm phúc được thừa hưởng lời Giáo-hóa thậm thâm vi diệu, thì chúng ta phải cố gắng từng giờ từng phút để đạt đến mục đích cuối cùng. Sau đấy, chúng ta đem ra chỉ dẫn lại để cứu độ những chúng-sanh hữu duyên, để cùng hướng về đấng Cha Lành mà thực-hành Chánh-Ðạo. Ðó là hạnh nguyện cao cả mà người Phật-tử chân-chánh cần phải thực-hành.

 

- CHUNG -

 

Sau đây là Phật Ngôn có liên quan đến trạng thái giải thoát.

Ngày nọ có vị trời (Chư-Thiên) đến hầu Phật và hỏi:

"Bạch Ðức Thế-Tôn, những người thường lai vãng chốn rừng sâu, những Bậc Thánh-Nhân có đời sống đạo hạnh, mỗi ngày chỉ dùng một lần.

Tại sao các vị ấy trông có vẽ tự tại? Xin Ðức Thế-Tôn từ mẫn chỉ dạy cho".

Ðức Thế-Tôn đáp:

-"Những vị ấy không than-van sầu muộn những chuyện đã qua,
Không nóng nảy, khát-khao những gì chưa đến,
Chỉ tập trung tâm trí vào hiện tại,
Do đó, các vị ấy được Tự Tại".

Nhận định về Phật Giáo, học giả Georges GRIMM viết như sau:

"Cửa Trường-cửu không mở rộng cho con người đang say ngủ trong giả tạm".

"Cõi Siêu-việt, không dành cho những kẻ đang chìm đắm dưới bùn nhơ. Hạnh-phúc khó tìm ra trong Dục-Lạc".

"Tư cách an vui tuyệt đối chỉ có ngoài những hiện tượng phù du cấu tạo, ngoài tối mê và cõi chết".

"Giáo-lý của Ðức-Phật là một lối đi chính đáng đưa tới mục đích Siêu-thoát cuối cùng. Ðặc biệt con đường này, khác hẳn tất cả phương thức được xây dựng theo truyền thống, tập quán cố hữu mơ hồ".

"Thành đạt trình độ Viên-mãn tuyệt vời đó, rất nhọc nhằn, kham khổ. Nhưng với người có đức tự tin, giàu nghị lực, từ tâm, nhẫn-nại, cố tiến tới từng bước một, tuy chậm-chạp nhưng vững chắc, thì sớm muộn gì cũng tới đích".

"Mỗi bước theo dấu chân của Ðức Như-Lai là một giai đoạn hạnh-phúc an-lành tuyệt diệu không sao phủ nhận được".

-HẾT-

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch