Phật pháp căn bản
Một Trăm Ngày Niệm Phật & Một Trăm Bài Pháp (Trọn bộ)
Thích Giác Quang
14/03/2012 10:37 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


CHƯƠNG THỨ MƯỜI TÁM

46. NGÀY THỨ BỐN MƯƠI SÁU:

Tịnh Độ và Khất Sĩ

Chúng con là Phật tử thuần túy của Quan Âm Tu Viện, thường nghe dư luận nói: "…ở Quan Âm Tu Viện hoằng truyền Tịnh Độ tông, niệm Phật, nhưng sao lại có tu và hoằng truyền hạnh Khất sĩ…”. Xin thưa! Có trở ngại giữa hai phái không? Tu pháp nào là chính, chúng con phải tu hạnh nào cho đúng với tông chỉ môn phong?

Đứng về gốc độ truyền thừa có tổ chức Giáo hội thì Khất sĩ là Đạo Phật Khất sĩ Việt nam hay thế giới; còn Tịnh độ là Tịnh độ tông Việt nam hay thế giới, mỗi một phái có pháp tu công hạnh riêng dành cho Tăng Ni, Phật tử của phái đó tiếp nhận tu hành, còn gọi là biệt truyền.

Người tu niệm Phật thì tu pháp niệm Phật, làm cho ý chí mình bền vững như trụ đồng, không gì lay chuyển pháp tu. Tu pháp niệm Phật mà có gia hạnh thêm pháp tu Khất sĩ thì người tu đó được tăng thêm ý chí giải thoát, bảo đãm cho sự tu hành có thêm nội lực, đúng nghĩa với luận giảng qua sông “cần đò” là vậy. Chính Đức tôn sư Tịnh độ Non bồng cũng phát nguyện thọ pháp y Khất sĩ từ năm 1962 cho đến khi Ngài liễu đạo ngày 30 tháng bảy, năm 1986.

Ngày mùng 8 tháng tư năm Quý Hợi, nhằm ngày 20/5/1983, tháng ngày hành đạo tại Quan Âm Tu Viện, Ngài an trú am Bạch Tịnh, lúc bấy giờ các chùa trong tông phong đã đứng trong Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, nhưng vì pháp môn, vì hạnh tu, vì tương lai Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, vì nội bộ chúng tôi có trình bản nội quy Hội đồng Tông phong, nội dung là để cô đọng hệ thống hoằng truyền sự tu hành theo pháp môn niệm Phật, “kế thế khai lai, truyền đăng tục diệm” Liên tông Tịnh độ Non bồng. Đức tôn sư xem xong và nói: "…môn phong Non bồng tu Tịnh độ là đúng rồi, nhưng việc hoằng truyền khắp mười phương, tức là Đạo Phật Non bồng làm lợi lạc chúng sanh trong mười phương, nhiều chủng lọai, nhiều hình thức tổ chức đến cùng chung tu, không phải chỉ có Tịnh độ Non bồng, hẹp hòi lắm… việc làm của ông Sư thì được, nhưng phải chờ khi “Má”, tức Đức tôn sư về với tổ Phật…”.

Đức tôn sư nói tiếp: "…ông Sư (tức Sư Quang) thấy trên Tây phương Bồng đão đó, có chư Tăng Khất sĩ, Khất sĩ ngài Minh Đăng Quang, Khất sĩ ngài Đại sư Huệ Nhựt, Khất sĩ Sư Trưởng Hùynh Minh, Khất sĩ Sư Trưởng Từ Huệ, Tăng già Nam việt, chư Tăng đệ tử ngài Pháp chủ Khánh Anh, chư Ni chùa Vạn Đức, chư tăng Lục hòa tăng… cùng về chung tu đó sao…?”

“Non bồng là của mọi người, chúng sanh trong mười phương, tất cả đều có đến với Non bồng”, ý chỉ Đức tôn sư là trong môn phong Tịnh độ Non bồng còn có nhiều người tu, còn có gia hạnh những pháp tu khác nữa, chẳng hạn như hạnh Khất sĩ… Lúc bấy giờ tôi tiếp nhận ý chỉ đó, quỳ lên đảnh lễ Đức tôn sư ba lạy.

Gần ba mươi năm sau, tức là giờ nầy khi ngồi tập trung quán chiếu, biên sọan quyển sách nầy chúng tôi mới nghĩ ra: “ánh đạo của Đức tôn sư hoằng truyền không xơ cứng ích kỹ theo tín điều mà mình đã quy định, đạo từ bi là quảng đại, cao cả vô biên ví như “dàn hợp xướng” có nhiều cung bật mới phát ra những âm thanh “li tao” vi diệu; như hoa sen tỏa ngát hương thơm khoe những sắc màu Phấn đà lị, Ưu bát la, Câu vật đầu; như hoa Osaka đến ngày trổ thì không còn e ngại thẹn thùng trong nắng hạ, như ý tưởng Đức tôn sư không khô khan mà dạt dào thanh tĩnh giữa trăng thu, không như chúng tôi thầm tưởng!

Cách làm đạo của Đức tôn sư cho đến giờ nầy có hiệu quả cao đối với các chùa trong tông phong mỗi khi có vị Trụ trì viên tịch thì không có các sự tranh chấp chức vị quyền lực trong chốn thiền môn; vì sự việc thừa kế theo Tôn sư dạy “không truyền cho một người mà truyền cho tập thể, cử ra một Ban Quản trị, gồm Ban Viện chủ, Phó Viện chủ; Ban Trụ trì có Trụ trì, Phó trụ trì, mỗi người làm một Phật sự, mà cống hiến trí tuệ công sức của mình cho đạo pháp và tập thể…” thành thử không còn có việc tranh chấp chi cả!

Cho đến sau khi Đức tôn sư viên tịch, năm 1990 chúng tôi có trình Ni trưởng Tông phong xem bản nội quy (quy chế dành cho nội bộ tông phong) lần thứ nhất, nhưng Ni trưởng cũng chưa đồng ý, vì phải để xem lại và có sự điều chỉnh, sau đó mới công bố với chư Tăng Ni để góp ý. Đến 7 năm sau, vào lúc 21 giờ, ngày mùng 9 tháng giêng năm Đinh Sửu (dương lịch ngày 15/01/1997), tại cuộc họp nội bộ Hội đồng tông phong hằng niên, địa điểm lầu 2, Phật học Đường Tây Phương Bồng Đão, Tổ đình Linh Sơn, chư Tăng Ni, Phật tử Hội đồng Tông phong góp ý bản nội quy và nhất trí thông qua, trong đó có quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức đạo cao đức cả tu pháp môn niệm Phật Tịnh độ Non bồng, giữ hạnh Khất sĩ từ trên năm mươi năm qua, như Hòa Thượng Thích Giác Khánh, Hòa Thượng Thích Thiện Thành, Hòa Thượng Thích Thiện Hồng, Hòa Thượng Thích Giác Thông, Hòa Thượng Thích Thiện Thọ, Hòa Thượng Thích Huệ Hải, Hòa Thượng Thích Giác Quang, quý Thượng Tọa Thích Thiện Trung, Thượng Tọa Thích Thiện Nghĩa, Thượng Tọa Thích Thiện Tâm, Thượng Tọa Thích Thiện Thanh, Thượng Tọa Thích Từ Độ, Thượng Tọa Thích Từ Lợi, Thượng Tọa Thích Pháp Hỉ, Thượng Tọa Thích Chơn Bửu, Thượng Tọa Thích Thiện Trang, Thượng Tọa Thích Thiện Hỉ, quý Đại Đức Thích Minh Vũ, Đại Đức Thích Minh Khai, Đại Đức Thích Thiện Tâm; Đại Đức Thích Tâm Giới làm Thư ký biên bản (các tư liệu, biên bản hội nghị hiện nay còn lưu trử tại Tịnh thất Bảo Tịnh, thuộc Quan Âm Tu Viện).

Như trên đã nói, đứng về gốc độ tổ chức truyền thừa; về lý tánh thì pháp nào thuộc của Phật, chư Tăng Ni, Phật tử chúng ta có thể tiếp nhận làm bản hạnh tu hành, đều đạt đến giải thoát, nếu người đó phát tâm học đạo giải thoát.

Tịnh độ tông là pháp phái tu hành niệm Phật, niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, xuất phát từ kim ngôn ngọc ngữ của Phật Thích Ca thuyết giảng, chư vị Đại Bồ tát kết tập Bồ tát tạng ngòai hang Thất La Phiệt (núi Thiết vi) sau Phật nhập diệt bảy ngày, trong đó có kết tập kinh A Di Đà và các kinh bản đại thừa khuyến giáo nguyện sanh Tịnh độ (Di đà sớ sao, trang 8, bản dịch HT Thích Hành Trụ, 1953); cho đến một trăm năm sau Bồ tát Long Thọ, nhập pháp thiền Long Phấn Tấn Tam Muội, vào cung rồng Ta Kiệt La, sao chép lại kinh Đại thừa Phương quảng Hoa Nghiêm, kính tôn lời vàng đây là lời dạy của Phật Thích Ca, kinh cũng xứng tán Tịnh độ và sách tấn chư Bồ tát, Bồ tát Phổ Hiền nguyện sanh về cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà. (phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện).

Bạch Sư! Xin Sư nói về tổ chức của môn phong Liên tông Tịnh độ Non bồng.

Nói là Tịnh độ Non bồng, như quý Phật tử được biết được Đức tôn sư khai sơn môn phong giáo hóa cho Tăng Ni, Phật tử tu hành niệm Phật, niệm danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” từ năm 1958 đến nay. Tổ chức môn phong pháp phái nào cũng thế, cũng không khác ở thời kỳ Đức Phật sinh tiền, mọi quyết định Phật sự đều do Đức tôn sư chỉ giáo, mọi công việc Phật sự đều phải thưa thỉnh Tôn sư. Không ai có thể làm khác, hoặc trái ý Đức tôn sư, đó là đạo lý của Nhà Phật, đạo đức của người đệ tử Phật đối với Tổ Thầy, cũng như một nhà Sư phải có gương hạnh đạo đức tiêu biểu cho Tăng Ni, Phật tử là vậy.

Ngày 30 tháng 7 năm Bính dần (1986) Đức tôn sư viên tịch, Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác là Trưởng tử thừa kế sự nghiệp đạo đức của Tôn sư, cho nên mọi Phật sự của tông phong đều do Ni trưởng quyết định. Ngòai ra năm 1990 Ni trưởng đứng ra tổ chức hội nghị môn phong hằng niên, cũng là hội nghị chư Tăng Ni, Phật tử lần thứ ba để góp ý cho bản thảo nội quy tông phong (lần thứ nhất năm 1967, lần thứ hai năm 1989) thành lập Hội đồng tông phong.

Địa điểm Tổ đình Linh Sơn là nơi Đức tôn sư khai sơn môn phong, Hội đồng tông phong gồm có 50 thành viên Tăng Ni, 20 thành viên nam nữ Phật tử gồm có quý vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư đạo cao đức cả, tu hành thâm niên, quý vị giáo sư, bác sĩ, trí thức, quý vị cư sĩ tu hành đạo hạnh nghiêm túc… là một tập thể ưu tú của Tịnh độ Non bồng.

Hội đồng tông phong là một tập thể, khi Ni trưởng tông phong muốn làm một Phật sự lớn như trùng tu tổ đình, thành lập cơ sở chùa mới, thành lập Ban nông thiền ở địa phương mới..v.v..đều có đưa ra tham khảo ý kiến Hội đồng, cuối cùng Ni trưởng tiếp nhận ý kiến và quyết định thực hiện.

Bạch Sư! Còn tổ chức và sinh họat tu hành ở Quan Âm Tu Viện?

Quan âm Tu viện là trung tâm giáo hóa Tăng Ni, Phật tử tu hành theo pháp môn niệm Phật thuộc Tịnh độ tông, nơi đào tạo Tăng Ni, Phật tử trở thành những tu sĩ ưu tú của nhà Phật, một tổ chức trong đó có Ban Quản trị, Viện chủ, Trụ trì, Phó Trụ trì và các Tiểu ban Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni, Hoằng pháp, Từ thiện xã hội, Trang nghiêm trùng tu Tu viện, Nông thiền và các Phật sự chuyên môn khác. Tu viện do Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác làm Viện chủ kiêm Trụ trì (có quyết định bổ nhiệm của Ban Trị Sự THPG Đồng Nai). Từ năm 1982 có quý Hòa thượng Thích Giác Châu, làm Phó Trụ trì 1, Hòa Thượng Thích Thiện Thành làm Phó Trụ trì 2, Hòa thượng Thích Giác Quang làm Chánh Thư ký.

Năm 2003 Hòa thượng Thích Giác Châu viên tịch, Hòa thượng Thích Thiện Thành được tông phong cử làm Trụ trì chùa Long Phước Thọ vào năm 2008. Hiện nay Hòa thượng Thích Giác Quang làm Phó Trụ trì, thay mặt Ni trưởng Trụ trì trong những lúc vắng mặt, đi du hành xa lâu ngày, bệnh yếu, chịu trách nhiệm về mặt đối ngoại với Cơ quan Chính quyền và Giáo hội, hướng dẫn Tăng Ni Phật tử tu hành và hoằng truyền pháp môn niệm Phật của Tịnh độ tông và Tịnh độ Non bồng.

Bạch Sư! Quan Âm Tu Viện rộng lớn quá, khi vào Tu viện chúng con không biết làm sao gặp được Ni trưởng Trụ trì để gọi là đi chùa lễ Phật và xin học Phật pháp, xin Sư giải bày cho chúng con?

Như đã nói ở trên, Quan Âm Tu viện là ngôi Tam bảo, có đông Tăng Ni tu hành, sống tập thể, nếu là tập thể thì phải có tổ chức, có nền nếp, có lề lối định hướng; Ban Quản trị chính là tổ chức đó; đồng thời nơi đây truyền bá xương minh pháp môn niệm Phật, các Phật tử muốn học đạo hay có việc cần về Phật pháp thì gặp Ni trưởng Trụ trì là người Thầy dạy đạo cho các vị, trường hợp không có Ni trưởng thì gặp Hòa thượng Phó trụ trì, nếu không có Hòa thượng thì gặp những vị Sư có hiểu biết và nắm vững về Phật pháp, giáo lý, đạo lý nhà Phật, pháp môn tu, chỉ dẫn tu như thế nào cho đúng, cách thức đi đứng, nằm, ngồi niệm Phật, tụng kinh, nói đúng chủ trương, những giáo pháp liên quan đến môn phong Tịnh độ Non bồng.

Nói về pháp tu khác, ở Quan Âm Tu viện không có pháp tu khác. Sinh tiền Đức tôn sư không giáo hóa mà cũng không cho phép Tăng Ni, Phật tử hành nghề mê tín dị đoan, như: hành nghề vẽ vời và cho bùa chú, ếm đối, xem sao xũ quẻ, tiên tri bốc phệ, soi căn, ông xuất bà nhập, cho phép làm ăn… các pháp nầy không phải là pháp tu, không phải là đạo lý nhà Phật.

Có người đến xin Ni trưởng hộ trì cho: “ăn nên làm ra, sinh con tốt, dạy con ngoan, xây nhà cữa..." Ni trưởng chỉ đến bàn Phật lễ Phật, xin Phật hộ trì cho… chỉ có thế!

Vì sao Tịnh độ Non bồng có tu hạnh Khất sĩ, tu Tịnh độ sao mặc pháp phục Khất sĩ?

Khất sĩ là của ba đời chư Phật, không phải chỉ có một đời của Đức Phật Thích Ca hoằng truyền Khất sĩ, hay chỉ có ở thế kỷ hai mươi nầy mà thôi, ai phát nguyện chí tâm giữ hạnh tu thì đạt cứu cánh. Nên dù tu theo giáo pháp nào đi nữa, cũng đều có viềng mối, phải có thỉ có chung, có Tổ có Thầy.

Nguyên nhân thứ nhất: Vào năm 1955 Đức tôn sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước là người cầu pháp Đức Sư Ông Bửu Đức, học đạo tám tháng, Sư Ông dạy về miền đông lập đạo. Còn Đức giáo tổ Minh Đăng Quang thì gặp Đức Sư ông Bửu Đức vào năm 1943, tại cầu số 1 Rạch Giá, lúc bấy giờ Sư ông dạy là”khi hành đạo Ngài đừng nhắc đến tôi nữa, tôi chỉ là ông già thất nghiệp”, hộ trì vô vi cho Ngài đi hành đạo mà thôi. Qua sự việc cầu pháp trên, chúng ta thấy Đức giáo tổ Minh Đăng Quang và Đức tôn sư có cùng chung một “Thầy”, hoặc cùng được trợ duyên hóa đạo.

Nguyên nhân thứ hai: Năm 1967, Hội Phật giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam, tổ chức Đại hội vào ngày 16/4 âl, nhằm để tập trung các nhà sư Khất sĩ quá đông trong cả nước mà không được tổ chức Giáo hội đỡ đầu, không có nơi nương tựa cư trú theo luật pháp hiện hành, quý vị lãnh đạo trong Ban chấp sự Trung ương quyết định thành lập Tăng Đòan Khất Sĩ Trung Ương thuộc Hội Tịnh độ tông; được chư Sư, chư tôn đức Tăng hưởng ứng nhất trí cao và suy cử Thượng Tọa Thích Giác Hải (Bửu Long) là Tăng Trưởng.

Ngày 6/7 âl, năm 1967, Đạo Phật Non Bồng tổ chức Đại hội lần thứ nhất thành lập Liên tông Tịnh độ Non bồng và Đòan Du Tăng Khất Sĩ Non Bồng, họat động theo giấy phép của Hội Phật giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam.

Nguyên nhân thứ ba: Tại tổ đình Linh Sơn, ngôi cổ tự trên 200 năm, sau khi Đức tôn sư được giao nhiệm vụ Trụ trì, Tôn sư liền khai sơn ra”Đạo Phật Non Bồng”, tiền thân của Liên tông Tịnh độ Non bồng và Khất sĩ Non bồng, Đức tôn sư chỉ giáo Nhà Sư Huệ Minh tạc long vị bằng gổ giáng hương thờ Đức giáo tổ Minh Đăng Quang tại Tổ đường, từ năm 1960 cho đến năm 1965 Tổ đình Linh Sơn bị chiến tranh tàn phá, tất cả Phật đồng, cốt cement đều hư họai, riêng chỉ có long vị Đức giáo tổ là còn nguyên vẹn thờ tại Tịnh xá Khất sĩ, bên cạnh Chính điện Tổ đình cho đến ngày nay 2010 vẫn còn được Ni Trưởng Huệ Giác phụng thờ long vị đó.

Những nhân hạnh lành nhỏ: Năm 1960, khi mới về núi xuất gia, Sư Giác Quang được Đức tôn sư trao cho tượng Đức giáo tổ Minh Đăng Quang, tôn sư dạy để phụng thờ, sau nầy hộ trì cho Đạo Phật Khất Sĩ. Hồi năm Sư Giác Quang mới 11 tuổi (1958) đi cùng với Ba từ Mỹ Tho về Chợ Gạo, gặp một Đòan Du Tăng Khất Sĩ đi trì bình Khất thực thật trang nghiêm nghi vệ, Ba dạy “lạy Phật đi con”, Sư Giác Quang liền quỳ gieo năm vóc sụp lạy quý Sư ba lạy…

Những mẫu chuyện nhỏ nầy là gì? Chính là nhân hạnh căn nguyên, căn lành mà Sư Giác Quang cho đến nay được làm Hòa Thượng hoằng truyền Tịnh độ vừa giữ hạnh Khất sĩ.

Với những nhân hạnh của các bậc Tổ Thầy, các bậc Tôn túc hoằng hóa như trên mà Tăng Ni Quan Âm Tu Viện, tức Tịnh độ Non bồng có tu thêm pháp hạnh Khất sĩ là vậy.

Từ năm 1951 đến nay có nhiều tổ chức giáo phái Phật giáo cùng đứng trong một tổ chức, tức là mỗi tổ chức Giáo hội có nhiều môn phong pháp phái, ý tưởng hạnh tu cùng đứng chung, nhưng chư Tăng Ni vẫn an nhiên tự tại tu hành. Đạo Phật trên đất nước Việt Nam chúng ta, chư Trưởng lão tôn túc hoằng truyền rất phong phú đa dạng, như:

* Giáo Hội Tăng già tòan quốc tổng hợp Phật giáo ba miền Bắc Trung Nam thành lập ngày 7/9/1951 do Hòa Thượng Tuệ Tạng làm thượng thủ; Tổng Hội Phật giáo Việt Nam thành lập vào thời kỳ chấn hưng Phật giáo ngày 9/5/1951 (4/4/Tân Mão) do Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết được suy tôn làm Hội chủ, quy tụ 3 tập đòan Tăng già, ba tập đòan Cư sĩ cả nước (50 năm chấn hưng Phật giáo của HT Thiện Hoa, trang 82).

* Năm 1964 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất thành lập, tổ chức đại hội từ ngày 30/12/1963 đến ngày 01/01/1964 tại chùa Xá Lợi có cả 11 hệ phái, đứng chung trong một Giáo hội, trong đó có Phật giáo Nam tông, Phật giáo Khất sĩ? (50 năm chấn hưng Phật giáo của HT Thiện Hoa, trang 127).

* Năm 1967 Giáo hội Phật giáo cổ truyền thống nhất hai phái Lục hòa tăng và Lục hòa Phật tử?

Chư Tăng Ni Non bồng nhận thấy Pháp tu niệm Phật và tu pháp hạnh Khất sĩ rất gần gũi; trong pháp tu của Khất sĩ, quyển nghi thức tụng niệm dành cho thiện nam tín nữ Khất sĩ thọ trì, tuy được chư Sư chế tác thành văn vần, nhưng cũng có nghi thức tụng kinh A Di Đà (Nghi thức tụng niệm, trang 117). Kinh A Di Đà là bộ kinh chính yếu trong tam kinh phái Tịnh độ.

Trong bộ Chơn lý Đại đồng, Bài học Khất sĩ, trang 283, có giảng bài cầu nguyện cầu sanh Tây phương Cực Lạc như sau:

* Phước cúng dường nầy của tín chủ

Tam nghiệp thanh tịnh định huệ tu

Tánh cũ tự mình gồm chứa đủ

Tây phương an dưỡng hưởng thiên thu.

* Phước cúng dường nầy của chư linh

Dứt tiêu tội chướng thoát vô minh

Sám hối ăn năn tâm niệm Phật

Tây phương cực lạc đắc siêu sinh

* Phước cúng dường nầy của bá tánh

Cầu an tai nạn đặng muôn lành

Phát nguyện tu hành thành chánh giác

Tây phương Tịnh độ chỗ vãng sanh

Hay như bài văn vần, nhan đề”Nhẫn” trang 296, câu 33,34 khuyên niệm Phật

Có nên dẹp lửa cho xa

Có nên nhẫn nhục cho qua tháng ngày

Có nên lắp mắt ngơ tai

Có nên niệm Phật hoài hoài hay chăng?

Dẫn chứng qua các tổ chức Giáo hội hoằng truyền giáo pháp Đức Phật trên, cho thấy chư Tăng Ni, Phật tử Quan Âm Tu Viện tu Tịnh độ niệm Phật, có tu thêm pháp hạnh Khất sĩ thật rất gần gũi không có gì phải nghĩ suy.

Tịnh độ và Khất sĩ là những pháp môn trong tám muôn bốn ngàn pháp môn của Phật. Phép niệm Phật của Tịnh độ là tông chỉ, quý Phật tử tu đúng tông chỉ tất sẽ thành tựu Phật đạo, dứt nghi, đấy là pháp tu của Tịnh độ Non bồng.

Xin lưu lại nơi đây những ý niệm lành của đức tôn sư với đạo Phật Khất Sĩ: "Bài xưng tán công đức y bát”

Đêm khuya lẳng lặng trăng rằm

Canh ba điểm bút thậm thâm diệu huyền.

Ôn cố nghìn thu lưu tạc dạ

Tâm tư suy gẩm ánh từ quang,

Của quí muôn thu tích đạo tràng

Bửu pháp nan lương y vô thượng

Phước điền y chánh hiệu Thế Tôn.

Bát chánh đạo thiên thu lưu tạc dạ

Giải thoát muôn loài đạo Thích Ca

Tam y thất chứng hiệu Ta Bà.

Kim nhựt tồn tâm xưng tán niệm

Thích tử tán dương công đức hải

Pháp y vô thượng thắng Như Lai

Bát chánh đạo hoằng khai vô lượng kiếp,

Tướng lưởi tam thiên ca tụng tán

Tam giới pháp vương vô thượng sư

Thích tử hậu lai tán dương công đức Phật.

Báo y chánh pháp thiên thu thọ

Đạo bát chánh xuất nhơn gian.

Nầy Thích tử lẳng lặng tâm minh,

Các con hảy lẳng lặng mà làm thinh

Cái chi vui cho bằng đạo Mâu Ni Thích bửu

Cái chi vui cho bằng kẻ giải thoát triền miên,

Thân tâm chánh hạnh chẳng đảo điên

Kẻ xuất gia lòng dạ chẳng chinh nghiêng

Nầy Thích tử giáo lý Như Lai thật diệu huyền

Cũng bởi chiếc y vô thượng phước điền tâm

Bát chánh đạo vạn năm bất hoại

Lẳng lặng làm thinh trong lẳng lặng

Pháp tướng tâm y diệu diệu lành

Bát chánh đạo niệm niệm chẳng sanh

Đêm thanh gió mát ánh trăng tròn

Niệm niệm Như Lai điểm điểm son.

Ngũ trược nhơn gian hề mộng ảo

Pháp y tối thượng đó nghe con

Nầy Thích tử vắng lặng lòng son tâm an ổn

Thầy hằng ca tụng bốn oai nghi

Bổn thệ nguyện tu trì vô lượng kiếp

Như Lai pháp bửu thiệt Thế Tôn.

Bốn tướng thinh thinh nhịp nhàng mấy độ

Oai nghi thắng thượng đạo chơn truyền

Phước báo nhơn thiên đời đời bất diệt

Chúng sanh sáu cửa đặng yên tâm

Như Lai xuất hiện ánh trăng rằm

Nầy Thích tử hà sa vô lượng kiếp.

Công năng tối thượng phục bái Như Lai

Kim nhựt đại hạnh nguyện thệ hoằng khai

Thích tử thủ trì y bát.

Đạo Như Lai tối thượng nhơn gian

Muôn loài thoát khổ cảnh lầm than

Thiện tâm giác ngộ ban vui cho trần thế

Xuất gia phạm hạnh giải đường mê.

Khai mở tứ diệu đề y vô thượng

Thoát ly sanh tử độ trần gian.

Như Lai tướng hảo bởi tâm ngài đại hảo

Thầy hằng khen con thúc liểm oai nghi

Phạm hạnh đầu đà vi tối thượng

Tấn đạo nghiêm thân thoát bụi trần

Lẳng lặng trầm tư tâm vô tận

Tịnh tọa công phu giải thoát tâm

Như Lai xuất hiện ánh trăng rằm

Quang minh phô tả tận tam thiên

Pháp vũ ban truyền thông tam giới

Nầy Thích tử buổi bình minh tỏ rạng,

Xa xa trông thấy dạng Sa Môn

Tướng hảo Tỳ Kheo tăng phẩm hạnh

Oai nghi đạo hạnh thật trang nghiêm

Đường hoang lộ chơn đi nhẹ gót

Bổng trực nhìn biệt hiệu của Sa Môn

Tướng hảo quang minh khắp tiếng đồn.

Đạo Như Lai phổ tế trần lao

Chúng sanh sáu nẻo phát lòng từ vô lượng

Khai tâm nhơn thế xã bỏ tham sân

Gieo duyên trong thế hệ phước điền nhơn gian

Khổ hạnh thiên thu đạo Thích Ca

Oai nghi bốn tướng hiệu đầu đà

Dạo khắp nhơn trần trong bá tánh.

Thoát ly tam giới Sĩ Đạt Ta

Tiếng dội hằng sa trong thế giới

Gô Ta Ma giải thoát hạnh đầu đà

Lẳng lặng tham thiền trong lẳng lặng

Xóa đi những ảo mộng trần lao

Muôn ngàn danh lợi chẳng xuyến xao

Trăm vui muôn đẹp nhơn gian huyển ảnh

Rửa sạch tâm nhơ thoát bụi hồng

Sáu căn chẳng chút ố lem

Cửu khiếu tịnh thiền tâm giải thoát

Xa lìa thập ác xóa lợi danh.

Nầy Thích tử đạo Mâu Ni kiêng cử vọng tâm

Trang nghiêm bốn hạnh chẳng thì thầm

Lục tự nam mô chẳng loạn tâm

Tịnh thiền niệm Phật duyên minh tịnh

Công phu lục tự tịnh tọa an cư

Rửa tâm thuốc quí đạo Di Đà

Lục tự ma ha tịnh tọa thiền

Bốn tướng oai nghi chơn pháp tánh

Kiết già tịnh tọa niệm hồng danh

Oai nghi bổn hạnh đạo cao thâm

Vô thượng y vương hiệu pháp trầm

Bát chánh đạo mùi thơm lưu vạn thuở

Kim nhựt Thích tử tín thọ phụng hành

Bốn hạnh trang nghiêm thành tịnh độ

Lăng nghiêm pháp bửu giải tâm phàm

Rửa sạch tâm nhơ nghiêm trì giới luật

Giác ngộ chơn tâm bổn tánh Như Lai.

Nầy Thích tử tín thọ phụng hành:

Như Lai tướng đại hảo bởi tâm ngài đại hảo,

Như Lai tướng đại thanh tịnh,

bởi tâm Ngài đại thanh tịnh,

Như Lai tướng đại quang minh,

bởi tâm Ngài đại quang minh,

Như Lai tướng đại kiết tường,

bởi tâm ngài đại kiết tường,

Như lai tướng đại trang nghiêm,

bởi tâm ngài đại trang nghiêm.

Nầy Thích tử, y là y vô thượng bát chánh đạo

Thiện tai, thiện tai,thế gian hy hửu

Thiện tai, thiện tai,thế gian hy hửu!

Ngày Rằm tháng Tư năm Quí Sửu (27/5/1973).

Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà

Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

47. NGÀY THỨ BỐN MƯƠI BẢY:

Mười tám (sáu) vị A La Hán

Bạch Sư! Chúng con nghe Sư Bà kể thì trong mười chùa có một vài chùa có thờ Thập bát La Hán, tức là các vị Thinh văn đệ tử Đức Phật Thích Ca, nhưng các tượng ấy thường là tượng vẽ, hay tượng gổ mít điêu khắc thủ công thô sơ ngày xưa, chúng con được nghe giảng nhiều thuyết. Xin Sư từ bi giảng giải cho chúng con hiểu về Thập bát La Hán thuyết nào cho đúng?

Nói về Thập bát La Hán (18), thật ra chỉ có Thập lục La Hán (16), mười sáu vị A la hán thì đúng hơn, chuẩn hơn. Sau ngày hòa bình Tăng Ni, Phật tử miền Nam thường nghe nhắc đến tượng Thập bát La Hán chùa Tây Phương,thôn Yên, xã Thạch xá, huyện Thạch thất, Hà nội mỗi tượng cao trung bình 3 mét, tượng nổi tiếng khắp Bắc Trung Nam.

Về sau có mười tám tượng La Hán, mỗi tượng cao 1,6 mét được tạc tại chùa Giác Hải, Quận sáu, Tp.Hồ Chí Minh; năm 1979 dự kiến đem về phụng thờ tại các chùa miền Bắc, nhưng sau đó được thuyên chuyển về tại Tổ đình Linh Sơn, núi Dinh, ấp Phước Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Rồi từ đó đến nay, nhiều nơi các chùa đặt tượng thờ mười tám vị A la hán, hoặc bằng tượng gổ, hoặc bằng tượng cement, đất nung, gốm sứ Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản… Riêng tượng đất nung nổi tiếng ở Bình Dương, do ông Tăng Minh Phụng, Giám đốc Cty May Minh Phụng cúng dường, hiện vẫn còn phụng thờ tại Quan Âm Tu Viện…

Tượng La Hán được phụng thờ nhiều nơi, đều là mười tám vị, nhưng thật sự chỉ có mười sáu vị.
Mười sáu vị La Hán có mặt ở thế gian để hộ trì chánh pháp. Mười sáu vị nầy là những vị được sinh ra trong thế gian nầy, đi tu trở thành Sa môn chính thức đệ tử của Đức Phật, hay môn đệ của Nhà Phật tu đắc đạo, chớ không phải như truyện tích Trung Hoa cổ cho là mười tám tên ăn cướp thành mười tám vị La Hán, truyện nầy hoang đường lắm các bạn ạ.

Các vị A la hán là những Đại sa môn, Sa môn là những bậc ứng cúng xứng đáng nhận được sự cúng dường và là thầy của của nhơn thiên, nên còn gọi là Thập Bát ứng cúng.

Trong quyển từ điển Phật học Tịnh độ của Đòan Trung Còn có nói về thập lục La Hán, chứ không có thập bát La Hán, đồng thời có nêu danh sách mười sáu vị A la hán âm từ tiếng Pali sang tiếng Việt như sau:

1/ Tân độ la bạt ra đọa xà

2/ Ca nặc ca phạt sa

3/ Ca nặc ca bạt lỵ đọa xà

4/ Tô tần đà

5/ Nakura

6/ Bạt đà la

7/ Ca ri ca

8/ Phạt xà la phất đa la

9/ Thú bát ca

10/ Bán thác ca

11/ La hầu la

12/ Na ca tê na (Na Tiên)

13/ Nhơn yết đà

14/ Phạt na bà tư

15/ A sí ta

16/ Chú đồ bán thác ca.

Chỉ có 16 vị A la hán, không có 18 vị A la hán. Người đầu tiên vẽ tượng 18 vị A la hán là ngài Trương Huyền và Quán Hưu sống vào thế kỷ thứ 10. về sau Sa môn Giác Phạm và văn hào tô Đông Pha có làm thơ tán dương thập bát La Hán.

Ngoài 16 vị La Hán thì ngài Khánh Hữu tôn giả là vị La Hán thứ 17, Tân đầu lư phả là vị La Hán thứ 18. tuy nhiên trên thực tế Khánh Hữu chính là Nan đề mật đa la, tác giả quyển Pháp Trụ ký; Tân đầu lư phả chính là vị đầu tiên trong 16 vị A la hán. Vì không thông kinh điển, không thông tiếng Phạn mà lập thêm như thế, nhưng cũng từ đó mà 16 vị A la hán thành 18 vị A la hán. Từ đời nhà Nguyên về sau, trong chính điện của các Tự Viện đều có thờ 16 vị A la hán, việc vẽ và điêu khắc tượng A la hán thông thường cũng lấy 18 vị A la hán làm chính.

Ngoài ra còn có thêm Ca Diếp tôn giả, Quân Đồ Bác Thán Ca tôn giả thành 18 vị. Các vùng ở Tây tạng có nơi thêm Ngài Đạt-ma-đa-la, Bố Đại Hòa thượng, hoặc thêm hai tôn giả Hàng long, Phục hổ, hoặc thêm hai vị Ma Sa phu nhân và Di Lặc (theo Phật tổ thống kỷ 33).

Dù là 16 hay 18 vị La Hán, thì cũng do các bậc vãng bối của nhà Phật thêm thắt, bớt ra mà thôi, chúng ta Phật tử hậu sanh thừa kế tu hành giữ gìn đạo mạch đều đảnh lễ, thờ phụng 18 hay 16 vị cũng đều là các vị Sa môn đắc đạo, chúng ta vẫn kính lễ tôn thờ.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

CHƯƠNG THỨ MƯỜI CHÍN

48. NGÀY THỨ BỐN MƯƠI TÁM:

Luân hồi và Số mệnh

Bạch Sư! Xin Sư từ bi giảng giải về Luân hồi và Số mệnh, chúng con xin được học tập?
Sư sẽ vì quý Phật tử mà giảng giải về luân hồi và số mệnh; bài nầy Sư đã giảng vào năm thứ hai, khóa Tư (niên khóa 2000-2004) tại Trường Trung Cấp Phật Học Tỉnh Đồng Nai.

Luân hồi:

Không bao giờ Phật giáo chủ trương sự đầu thai với ý nghĩa: “Linh hồn bỏ xác thân này để chui vào một xác thân khác”. Thuyết tái sanh của Phật giáo, thật ra, không gì khác hơn là Thuyết nhân quả nghiệp báo mở rộng đến phạm vi tinh thần và đạo đức.

Nó không có một điểm nào gọi là đồng với Thuyết đầu thai của Bà La Môn giáo, giữa hai nền giáo lý này có một sự sai biệt, không tùng cái xác thân, sau khi chết, linh hồn ấy bỏ cái vỏ hư hoại để chui vào một cái xác thân mới như ta vứt một chiếc áo cũ để khoát vào một chiếc áo mới.
Thuyết “Luân hồi” của nhà Phật không có một mải mai nào giống với thuyết luân hồi đó của Bà La Môn giáo. Phật giáo không nhìn nhận có một hình thức sinh tồn nào độc lập đối với vật chất trên thế gian này. Tất cả những hiện tượng này cũng như hiện tượng vật lý đều bị thay đổi luôn luôn muốn không cũng không được. Vậy không có một phần tử nào thật sự bất biến để có thể gọi là ngã là linh hồn. Thế làm sao nói có “Thay hồn đổi xác” làm sao nói có “Luân hồi”, trong khi không có cái “ngã” cũng như khi không có cái gọi là “linh hồn”. Ở đây, nên ghi rằng danh từ “tái sinh” không hoàn toàn đúng, vì danh từ ấy chỉ diễn đạt một sự tụng niệm mà thôi.
Chân chính mà nói, giáo lý của Nhà Phật về vấn đề này là Luật nhân quả trong phạm vi luân lý. Vì bất luận một trạng thái vật chất nào hiện ra cũng là kết quả của một trạng thái trước và trạng thái này hiện ra làm nguyên nhân cho một trạng thái sau nữa. Cũng vậy đời sống vật chất và tình cảm hiện nay vừa là kết quả của sự tham sống ích kỷ của những đời sống tiếp dẫn sau khi ta chết. Vì từ giây phút tâm thức này đến giây phút tâm thức khác, không có cái gì gọi là bất biến.

Cái lịch trình tạo và bị tạo có thể ví với sự di động của một đợt sóng ngoài biển cả, trong trường hợp này, quả thật không có một phần nước nào thật sự lướt trên mặt biển để lượt từ đợt sóng này sang đợt sóng khác.

Cũng thế, theo Phật Giáo, không có một cái ngã hay một linh hồn chạy lướt trên mặt biển luân hồi, mà chỉ có từng đợt sóng, tùy tâm tánh và nghiệp lực của nó mà hiện ra, ở đây thì như là người, ở chỗ kia thì như là thú, ở chỗ khác nữa là chúng sanh vô hình. Do đó chúng ta gọi là đời sống, thật ra chỉ là một dòng diễn tiến của hiện tượng vật chất (sắc) và tinh thần (tâm), dòng ấy chảy mãi không ngừng, từ rất xa xưa, trước khi chúng ta sanh ra trong đời này, và nó sẽ kế tiếp chảy sau khi chúng ta nhắm mắt theo dòng thời gian vô tận.

Cái nhóm năm uẩn mà người ta thường nhận lầm là con người, không thể nào là một cái ngã chân thật được, và không khác gì một ảo tưởng.

Đức Phật dạy: “Như Lai đã giải thoát mọi lý thuyết, ví Như Lai đã biết thế nào là hiện tượng hữu vi (sắc), thế nào là sự sanh thành hoại diệt của nó.

Như Lai đã biết thế nào là những hành động của tâm (hành), thế nào là sự sanh thành và sự hoại diệt của chúng.

Như Lai đã biết thế nào là biết (thức), thế nào là sự sanh thành và sự hoại diệt của nó.

Số mệnh:

Phật nói: “Đừng tin ở lời người nào đã nghe thấy lời nói lại với chúng ta. Đừng tin ở sự truyền tụng, ở những nghị luận hợp lý, ở những bóng dáng bề ngoài, ở những quan điểm được đời ái mộ, ở những ước đoán thuận lý, và cũng đừng tin ở nơi ta, bởi lẽ ta là Thầy của người.

Bởi vậy, người đệ tử chân chính của Đức Phật rất xa tối nhắm mắt cúi đầu tin liều. Đó là một nhà tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng theo cái nghĩa cao cả nhứt của danh từ này. Người đệ tử chân chính của Đức Phật không lạc bước trong rừng tín điều tiêu cực lẫn tích cực, vì họ biết rằng những quan niệm mà gốc rễ nằm trong tình trạng mù quáng và trong sự tự mình dối gạt lấy mình mà thôi.

Số phận của chúng ta - Đức Phật đã dạy rành như thế - không phải do sự may rủi mù quáng định đoạt, cũng không phải tùy sự hành động độc đoán của một đấng tạo hóa hay tùy sự ban thưởng hoặc hình phạt của một vị thần linh nào, mà chắc chắn là do những hành động “nghiệp” của chúng ta đã gây ra trong những đời trước.

Đức Phật nhìn những người bệnh hoạn, cùi phong, đau khổ. Đức Phật thấy rằng sự khốn khổ và đau đớn của họ chỉ là kết quả của nghiệp mà họ đã gây ra từ những đời trước. Đức Phật xem xét kẻ giàu, người nghèo, người sướng, kẻ khổ và bất luận chỗ nào Đức Phật cũng đều tìm thấy dấu vết của Luật vay trả, của Luật nhơn quả, Luật báo ứng và của Pháp, Pháp ấy cái đạo lý bao trùm vũ trụ ấy, và do Đức Phật tìm ra, được tóm tắt trong bốn chân lý cao cả như sau:
1. Chân lý về sự thống ngự của đau khổ

2. Chân lý về nguồn gốc của đau khổ

3. Chân lý về sự diệt khổ

4. Chân lý về con đường dẫn dắt đến sự diệt khổ.

Nói đến Bát chánh đạo là nói đến trung đạo mà Đức Phật đã giảng dạy như sau:

Con người mà mắc trong lưới mù quáng rồi, thì đừng lấy sự học đọc bề ngoài các Thánh kinh, đừng lấy sự cúng tế thần linh, cũng như đừng lấy sự nhịn đói sự ngủ dưới đất, thức khuya mệt nhọc, hay lấy sự đọc đi đọc lại lời cầu nguyện mà trở thành trong sạch được. Và cũng không phải lấy sự cúng chư Tăng, sự hành phạt thể xác, sự lễ bái tụng niệm bề ngoài mà làm cho con người trở nên thanh tịnh được, nếu trong tâm còn những ham muốn ích kỷ.

Cũng chẳng phải vì ăn thịt, ăn cá mà con người trở nên bất tịnh mà vì bởi say đắm, thèm thuồng, tự hào, khinh bỉ người khác với những ý muốn bất chánh, ác độc cho nên con người mới trở thành không trong sạch.

Có hai cách thái quá, một đằng là đắm mình trong dục lục, một đằng khác là đắm mình trong lối tu ép xác. Như Lai đã gạt bỏ hai cái thái quá ấy và tìm ra con đường trung đạo, con đường làm sáng mắt kẻ mù, rồi đưa họ đến chỗ an lạc, huyền diệu, giác ngộ và giải thoát.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

49. NGÀY THỨ BỐN MƯƠI CHÍN:

Nghiệp báo

Sư sẽ tiếp tục giảng về giáo lý nghiệp báo?

Nguồn gốc của nghiệp:

Vấn đề khởi thủy của con người, của vạn vật hay của sự sống nói chung là một vấn đề mà tôn giáo và khoa học từ xưa tới nay, chưa giải quyết dứt khoát với những lý lẽ hay những chứng minh cụ thể khả dĩ thỏa mãn tánh hiếu kỳ của chúng ta. Trong cuộc phiêu lưu vô tận mà ta cùng vô lượng chúng sanh đang lang thang cơ cực đây, ta phải làm thế nào cho phiền muộn này biến thành an vui và bước lần đến siêu thoát.

Đức Phật dạy: “Này các tỳ kheo: Như Lai nói tát ý là nghiệp” tát ý bắt nguồn sâu xa trong vô minh và ái dục. Còn vô minh, còn ái dục, còn ham muốn, thì mọi hành động, lời nói, tư tưởng đều là nghiệp.

Tuy nhiên, Phật giáo không lấy sự giải thích hay giải quyết vấn đề siêu thực như là vấn đề khai tịch và căn nguyên của vũ trụ làm trọng tâm, cũng không đòi hỏi hoặc bắt buộc những người theo giáo lý của Đức Phật phải hiểu như thế nào? Về nguồn gốc của nghiệp. Giáo lý nhà Phật là một giáo lý thực dụng, căn cứ trên mục tiêu thực tế. Nhận định nhân sinh hữu khổ, thì Phật chỉ dẫn cho con đường đi đến sự diệt khổ.

Khổ là thực tại, phương châm diệt khổ phải là thực tế, thoát ly khổ cũng là cứu cánh thực tiễn. ngoài ra, chỉ là những câu chuyện vui trí mà thôi, không bổ ích chi cho đời sống đạo hạnh cả. Theo giáo lý của Đức Phật, thì mọi vật trong vũ trụ đều thuộc vào trong bốn loại sau đây:

1. Loại hữu thỉ thì hữu chung: Như khi ta đóng xong một cái bàn là bắt đầu có cái bàn, và hai là cái bàn hư nát có sự chấm dứt cái bàn.

2. Loại hữu thỉ vô chung: Như con số 1 là bắt đầu của những con số, sau con số 1 ta có thể đếm mãi mãi không cùng tột bao giờ cũng như khi ta chia con số 10 cho 3, ta chia mãi không cùng tột bao giờ.

3. Loại vô thỉ hữu chung: Nghĩa là không có chỗ bắt đầu mà lại có chỗ chấm dứt như hột xoài chẳng hạn. Hột xoài là do cây xoài sanh ra, cây xoài này là do cây xoài trước sanh ra. Cây xoài trước này là do cây xoài trước sanh ra nữa, cứ như thế phăng lần lên mãi không cùng tức là vô thỉ. Nhưng nếu ta đập nát hột xoài đi thì sẽ không còn cây xoài nữa, như vậy là hữu chung.

4. Loại vô thỉ vô chung: Không chỗ bắt nguồn mà cũng không có chỗ cùng cùng tận như là không gian, thời gian ấy là Niết Bàn.

Trong vũ trụ, mọi vật đều thuộc về một trong bốn loại kể trên, vậy ta không lạ gì nếu cái nghiệp thuộc về loại vô thỉ hữu chung.

Nghiệp báo là gì?

Nghiệp báo là lý nhân quả - Nghiệp báo và tái sinh là hai giáo lý căn bản của Phật giáo.

Nếu phải giải thích rộng rãi thì nghiệp là hành động mà trước hết và là điều quan trọng, nghiệp là do tâm, tức là ý muốn tốt hay xấu, thiện hay ác, trong hay đục, chính tâm tạo ra nghiệp, nếu không có tâm trong việc làm thì không có nghiệp. Nghiệp của ta ngày nay là tổng hợp nghiệp quá khứ với hiện tại mà ta đã và đang tạo ra trong kiếp này nữa. Cái tiền nghiệp từ bao kiếp trước đưa lại cho ta ta phải lãnh trọn, dù muốn, dù không lành như một di sản bắt buộc để cộng vào với gia tài hiện nghiệp.

Nhưng cái hiện nghiệp trong kiếp người của ta, ngày nay khác hơn là cái tiền nghiệp là ở chỗ ta hoàn toàn làm chủ nó, nghĩa là ta có trọn quyền chuyển nó về đâu tùy ý muốn của ta tùy tâm ta.

Cái mà ta gọi là Ngã, chắc chắn không phải chỉ là cái thân xác cao, thấp, mập, ốm, này thôi, mà bên trong lại còn có cái tâm. Vậy ta là sắc và tâm kết thành, bị chi phối bởi lực kích thích nội giới và bị ảnh hưởng ngoại cảnh. Phần làm chỗ tác động cho kích thích tức là đã thọ cầm rồi. Thì do đó cái vô minh bao bọc làm cho chúng ta không thể nhận chân sự vật được. Đó là miếng đất dọn sẵn để cho nghiệp thức mỗi ngày mỗi mọc rậm thêm. Dĩ nhiên, có thức là có phân biệt đúng hay sai, tốt hay xấu, cao hay thấp...v.v thế là thức biến thành vô lượng hiện tượng. Vậy vô minh là điều kiện đầu tiên cho sự gia tăng chồng chất nghiệp chướng.

Bao giờ chúng ta còn quanh quẩn trong vô minh tức là không nhận thức được chân tướng của cái ngã, của sự vật, thì hẳn là chúng ta còn gây giống cho nghiệp.

Nói đến nghiệp, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Nghiệp chướng trú ngụ ở đâu? Không thể nói: Nghiệp chướng được lưu trữ ở một nơi nào trong cái thức biến dịch hay trong nội bộ phận nào của thể xác. Tùy thuộc tâm và sắc, cái nghiệp chướng phát hiện khi DUYÊN đến, cũng như những trái xoài kia không thể nói là chúng được chứa đựng ở một chỗ nào nhứt định trong thân cây xoài, mà phải nói là chúng tùy thuộc cây xoài, khi mùa đến là chúng hiện ra.

Định luật của nghiệp báo:

Trong “Đối Pháp Luận” có phân biệt 5 định luật chi phối sự tiến triển của vật chất và tâm linh.

1. Định luật liên quan đến sự tiến triển của vật chất không có cơ thể, như là hiện tượng gió mưa, thời tiết.

2. Định luật chi phối sự tiến triển của vật chất hữu cơ như là cây cỏ và của những vật chất có tế bào tức là những luật về âm dương, trống mái.

3. Định luật của quý phạm như là hấp dẫn lực, di chất phản ứng...

4. Định luật tâm lý như là lịch trình diễn tiến của tâm thức sự sanh, sự diệt của tâm niệm, những cơ cấu tác động của tâm linh.

5. Định luật hành và quả, hay là định luật nhân quả, nhân gieo thì quả trổ, nhân lành đem lại quả tốt, nhân ác đem lại quả xấu. Đó là sự tự nhiên phải như vậy chớ không phải là do một vị thần linh nào thưởng hay phạt. Định luật nhân quả tự nhiên tác động không cần đến sự kích thích muốn hay không muốn ở bên ngoài, đó là luật chung của vạn vật trong vũ trụ. Cũng như bốn định luật trên, định luật nhân quả không phải là một định luật không thể cưỡng lại được bởi vì chúng ta có thể chuyển nhiều hướng cho nó tùy theo ý muốn của chúng ta.

Cũng như đối với định luật nói trên và trái với định luật này. Có hạng người nhờ công phu luyện tập, họ có thể tắm nước sôi hay vùi mình trong tuyết hoặc chôn đầu, chôn thân dưới đất hàng tuần, hàng tháng.

Trên thế gian này, cũng như trong ta bà thế giới, không có một nơi nào mà chúng ta tránh khỏi tác động của nghiệp báo. Nhưng mặc dù vậy, chúng ta không phải thọ lãnh trọn vẹn những cái gì mà chúng ta có thể mang theo trong nghiệp chướng của chúng ta. Nhờ sự luyện tập, tu tâm dưỡng tánh mà một người trước kia là đê hèn, độc ác nay có thể trở thành một người đạo hạnh thanh cao.

Luôn luôn ta đang trở thành một hiện thể nào đó và hiện thể này như thế nào là tùy tư tưởng và hành động của ta.

Tóm lại, luật nhơn quả hay luật nghiệp báo có tự nhiên nó có và tác động của nó cũng tự nhiên theo luật tuần hoàn tác động của nhân và quả. Điều mà ta cùng nhấn mạnh là: Ta có thể chuyển chiều hướng cho nó tùy hành động và tư tưởng của ta. Đó là điểm chính. Là điểm mà ở đó ta hoàn toàn tự do, tức là ta làm chủ hành động và tư tưởng của ta vậy.

Thuyết định mệnh và nhân quả:

Phật ngôn có ghi: “Trong sạch hay không trong sạch đều do nơi ta cả”. Khi ta đau ốm ta phải uống thuốc để lành bệnh, chớ ta không thể nói: Nếu cái nghiệp của tôi là mạnh thì tôi sẽ mạnh, nếu cái nghiệp của tôi phải bệnh là tôi phải bệnh, bác sĩ không làm gì được. Nếu nói như vậy tức là tin nơi tiền định.

Phật giáo nói: “Nghiệp không phải là định mạng cũng không phải tiền định, nghiệp là hành động, báo là cái quả, là cái phản ứng của hành động ấy không có định mạng do một thần linh nào đã phán ra rằng: “Phải như vậy, phải như vậy”, và bắt buộc chúng ta phải thọ lãnh mạng lệnh đó, đau khổ hay an vui. Chính hành động của ta đã gây ra phản ứng đó, và đó là một định luật tự nhiên: Luật nhân quả.

Như vậy, giáo điều, nghiệp báo của Nhà Phật khác hẳn với “Thuyết định mạng”, Thuyết này cho rằng trên đời mọi việc đều đã được định đoạt trước ở đâu đâu số mạng của mỗi người đều được ghi sẵn rồi, tuyệt đối không ai sửa đổi được. Thuyết tự do ngược lại, cho rằng trên đời, mọi việc ta được tự do hoàn toàn thao túng, làm hay không làm đều tùy nơi ta cả.

Phật giáo không chủ trương một ý niệm tiền định tuyệt đối, mà cũng không tin có tự do hoàn toàn, nghĩa là Phật giáo cho rằng: Ta vừa được tư do vừa bị chi phối nhưng không hoàn toàn bị chi phối cũng như không hoàn toàn được tự do. Vậy chỗ chủ yếu vẫn là: Cái tự do mà ta được tuyệt đối sử dụng thì nằm trong vấn đề gây nhân tạo nghiệp, và dứt nghiệp tránh nhân.

Còn cái định luật diễn ra ngoài sự tự do định đoạt của nó lại là cái quả phải trổ ra đúng thì giờ của nó ngoài ý muốn của ta. Quả tốt cũng như quả xấu, đều do nhân tốt hay xấu mà ta đã tự do gieo ra, nhân quả là lý nhứt định chi phối nghiệp ấy.

Sự chênh lệch giữa những cá nhân:

Phật giáo giải thích sự chênh lệch, sự sai biệt giữa người với người trong xã hội về thể xác, tính tình, trí huệ, nết na, địa vị... là đều do chỗ sai khác trong nghiệp tập của mọi người. Tuy nhiên, Phật giáo nói rằng nghiệp chướng là một trong những nguyên do chính của sự sai biệt chênh lệch ấy, chớ Phật giáo không nói nghiệp là do duy nhứt, do đó tất cả cái gì cũng do nghiệp mà ra.

Bao nhiêu khuynh hướng tích trữ trong cái nghiệp mà chúng sanh đã gây ra từ bao kiếp trước sẽ đóng một vai tuồng tối quan trọng về đặc tính thể chất và tinh thần của Bào Thai (Chánh Báo). ngoài ra, còn có những yếu tố khác (Y Báo) tạo ra sự chênh lệch nói trên như là: Đất đai, nơi sanh, nơi sống, hoàn cảnh gia đình, học đường, xã hội v.v...

Tóm lại, lý nghiệp báo, cũng như định luật vật lý, là một định luật tự nhiên, Cũng như điện lực sẵn có trong vũ trụ, nếu có đủ điều kiện thì nó phát sanh liền. Từ kiếp xa xưa trong quá khứ, điện lực vẫn âm thầm chuyển vận tự nhiên, khi ta đã tạo ra nó, tùy ý người sử dụng, muốn thêm độ lên hay bớt độ xuống, muốn cho nó đi về đâu, muốn dùng nó vào công việc gì hoặc dứt hẳn luồng chảy của nó, thảy thảy đều tùy người sử dụng.

Ngược lại cũng có thể ví với một dòng sông trường lưu bất túc, mỗi hành động, mỗi tư tưởng của ta, dù muốn, dù không, đều như những phần tử nước mà ta rót vào sông ấy.

Lý nhân quả, Phật đã vạch rõ ràng: Dòng nghiệp nằm trong nhân quả. Phật là người chỉ đường cho ta. Đi cùng không đi, tiến cùng không thoái, bước ra cũng không bước ra khỏi chỗ âm u, đau khổ để đi đến chỗ sáng sủa, chỗ thoát ly tất cả những điều này là chuyện riêng của mỗi người vậy.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

50. NGÀY THỨ NĂM MƯƠI:

Quả vị tu chứng của Cư sĩ

Bạch Sư! Chúng con đọc trong sách “Phật giáo Nam tông”, có bài viết: "…người cư sĩ chỉ tu chứng quả đến bậc An na hàm là cùng…”. (Phật lý căn bản Bắc tông, Thừa và lịch trình tu chứng, HT Thích Huyền Vi biên sọan, trang 111). Chẳng lẽ không có sự tiến hóa nào cho chúng con hay sao? Chúng con tụng đọc trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Đề Bà Đạt Đa thì biết được một vị nữ nhân như Long Nữ mới Tám tuổi cũng tu thành Phật như mọi người, thậm chí nhanh hơn sự nghĩ suy của ngài Tôn giả Xá Lợi Phất… Chúng con nghĩ người trẻ trung như Long Nữ mà còn tu thành Phật, hà huống chúng con lại tu không thành Phật hay sao? Xin Sư giảng giải cho chúng con được thông suốt về chủ trương của Đạo Phật?

Theo giáo nghĩa Thượng Tọa bộ (Nam tông) Sách Phật dạy: “…người cư sĩ chỉ tu hành đắc đạo đến A na hàm…”, đây là theo ý chỉ của Phật Thích Ca… khi sinh tiền, chính Ngài cũng phải xuất gia mới thành Phật, chứng tam minh dưới gốc cây Tất Bát La, ở Gaya cách đây 2634 năm. Đức Phật Thích Ca là vị Phật đắc đạo giữa cuộc đời, là vị Giáo chủ của thế giới ta bà, còn lại chư vị Sa môn đệ tử đức Phật thì đắc đạo ở mức độ Thinh văn A La Hán, không tính kể đến chư vị cổ Phật và hàng Bồ tát đại thừa ngoại hộ. Quả A na hàm thì cũng là quả vị đắc đạo đó, nhưng còn dư nghiệp tham sân si, mang thân tứ đại, khi nào xả bỏ không còn thân tứ đại tham sân si thì chứng quả A la hán, nhưng cũng không dễ tu đâu các bạn ạ! Dù là Phật, hay Thinh văn A la hán, hay A na hàm thì người tu đắc đạo cũng phải là người giác ngộ cụ thể, nghiệp dứt tình không, lữa lòng tham sân si tắt hẳn, phá vỡ vô minh mà bước ra khỏi nẽo sanh tử luân hồi, người ấy là Phật hay Thinh văn A La Hán, hay A na hàm. Người cư sĩ còn gia duyên bận buộc nên việc tu hành bê trể, còn phải lo cho gia đình ông bà cha mẹ, chồng vợ con cái nên việc đắc đạo ở trình độ cao cấp như Phật hay A la hán thì chưa được chớ không phải không được, nên sách dạy “người cư sĩ tu đến A na hàm…” là vậy. Nếu người cư sĩ muốn tu hành giải thoát thành Phật hay vị A la hán thì phải tu tĩnh không tham sân si, lìa bỏ sự nghiệp gia đình thân bằng quyến thuộc, gia can tài sản… thì được như ý nguyện.

Theo chủ trương của Đại chúng bộ (Bắc tông) Đức Phật thấu suốt sự việc hoằng hóa đương nhiên lúc nào cũng ảnh hưởng đến từng thời kỳ con người tiến bộ dân trí cao, nên hai mười năm đầu Phật hoằng hóa thuyết pháp dạy tu pháp Tiểu thừa cho người mới nhập môn tu từ thấp lên cao; ở thời kỳ mọi người theo Phật đông, Phật dạy pháp tu Trung thừa phương quảng; cho đến thời kỳ dân trí tiến bộ, trình độ văn hóa cao thì Phật dạy pháp Đại thừa phương quảng, Ngài thông suốt như thế nên đã sớm đem bức thông điệp đại thừa giáo, tuyên bố giữa lòai người: "...tất cả chúng sanh đều có đủ Phật tánh, có đủ khả năng giác ngộ, khả năng đào tạo cho mình và người khác một nhân cách siêu việt...”. Theo sự tiến hóa, thật sự thì khả năng giác ngộ ấy có sẵn trong tất cả mọi loài và nhân cách siêu việt ấy vẫn căn cứ nơi nhân sinh mà thực hiện, đi đến quả vị giác ngộ hoàn toàn, đó là mục đích cứu cánh của nhân sinh, trong luân lý gọi là chí thiện. Đi đến chỗ chí thiện, đó là nghĩa sống của con người.

Những thuyết minh về mục đích cứu cánh của phái Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ có khác nhau. Thượng tọa bộ để thành lập thuyết cứu cánh, đã đứng trên phương diện tiêu cực, trong khi Đại chúng bộ hoàn toàn đứng về phương diện tích cực.

Mới nghiên cứu ta thấy hình như có sự tương phản và cũng do đó mà có người cho rằng Phật giáo chủ trương yếm thế. Thực ra, không có sự tương phản. Tiêu cực khác với tích cực. Nhưng tiêu cực mà đến cùng cực thì lại là tích cực cũng như bi quan mà đến cùng cực thì lại là lạc quan.
Đạo Phật chủ trương “Giá tình biểu đức” nghĩa là ngăn ngừa vọng tình mà phát triển tánh đức. Tích cực tức là ngăn ngừa vọng tình, mà tích cực là phát triển tánh đức vậy. Do tiêu cực mới biết dục vọng là khó đi đến chỗ giải thoát dục vọng, ấy là ngăn ngừa vọng tình. Do giải quyết đi đến chỗ hóa độ và làm lợi ích cho xã hội, nhân sinh, ấy là phát triển tánh đức. Nghĩa lý đại thừa và tiểu thừa được dung hòa ở điểm này.

Đứng trên phương diện Thượng tọa bộ, chúng ta phải công nhận Phật giáo có thể gần như một chủ nghĩa yếm thế. Thực vậy, Thượng tọa bộ giáo chủ trương yếm thế, phải nói thẳng như thế để khỏi bị người ta cho là nói thêm, nói bớt. Nhưng điều cần thiết là phải tìm hiểu cho rõ ràng tính cách yếm thế đó.

Vật chất là những gì phải tan rã biến hoại, lục dục chỉ gây nên đau khổ, vạn hữu luôn luôn biến dịch. Tìm trong cảnh đời những sung sướng giả tạm, những đau khổ trá hình, đó là do trí óc vô minh, cố chấp. Kinh Pháp Hoa có dạy: “Ba cõi giống như nhà lửa, bao nhiêu là khổ não thật đáng sợ hãi, các kinh điển tiểu thừa lại đề cập đến chuyện khổ nhiều hơn. Dù con người tu nhơn tích đức được quả báo sanh lên các cõi trời nhưng cũng chưa được giải thoát vì vẫn còn ở trong vòng đau khổ.

Nhưng làm sao diệt khổ đặng được an vui? Chỉ có một cách là nhập vào Niết Bàn tịch diệt, đó là đại khái của tinh thần bi quan tiêu cực của Phật giáo tiểu thừa. Nghe như thế mà ai chẳng bảo là Phật giáo chủ trương xa lánh cuộc đời thực tại, vì muốn hết khổ phải nhập Niết Bàn. Niết Bàn của tiểu thừa giáo có nghĩa là trạng thái diệt độ, không còn cái gì nữa. Kinh Pháp cú có câu: “Vì ham vui mà lo, vì ham vui mà sợ, không ham vui thì còn gì mà lo, còn gì mà sợ? Vì tham dục mà sợ, không tham dục thì còn gì mà lo, còn gì mà sợ? Chỉ có Niết Bàn là nơi giải thoát, nhập Niết Bàn là đi đến chỗ cứu cánh”.

Người theo chủ nghĩa tư lợi vì không có năng lực lợi tha. Quan niệm về khổ và Niết Bàn của Đại chúng bộ thì nhàm chán dục vọng không phải là chán đời, chỉ có dục vọng mới đáng chán vì chúng gây ra đau khổ muôn loài. Đời không đáng chán, đời đáng yêu chuộng, thế nhân đáng thương xót. Không nhàm chán dục vọng, cứ mãi quay cuồng trong hạnh phúc giả ảo thì làm thế nào tự gở ra khỏi đau khổ để tiến đến chỗ an lạc của chính riêng mình chớ đừng nói chi đến sự xây dựng hạnh phúc cho muôn loài? Niết Bàn không phải là chỗ an nghỉ vĩnh viễn, đó mới chỉ là trạng thái giải thoát cá nhân, sự giải thoát ấy chưa hoàn toàn, cần phải tiếp tục tiến thêm lên.

Con người vì đã trải qua những đau khổ, dục lạc và tham vọng gây ra. Nên đem tâm nhàm chán đời sống dục lạc. Con người lúc ấy nhìn chúng sanh lăn lộn trong tham dục bằng cặp mắt bi quan, thương xót. Do bi quan khởi tâm hoài nghi, do hoài nghi nên mới đến chổ giải thoát. Được giải thoát, con người sẽ thấy sự sanh tử chỉ là những hình thức giả hữu của vũ trụ. Tham cứu đến bản thể vạn vật, thấu rõ chân lý của vạn hữu, con người sẽ không thấy có sanh tử, có biến đi, và biết rằng tất cả đều là thường trụ. Thấu được chân lý ấy thì phiền não tức Bồ đề, sanh tử tức Niết Bàn, thiện ác không phải là hai tà và chánh đều là một, chân lý hiển hiện ngay ở sự thật, đạo thấy rõ ở muôn ngàn hiện tượng minh tức là vô minh, vô minh tức là minh, đây mới thật là cảnh giới chân thực viên minh.

Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tánh của tất cả pháp, tướng của tất cả pháp, có Phật hay không có Phật, tất cả đều là thường trú…”

Kinh Viên Giác dạy: “Tất cả các phiền não chướng ngại đều là tri giác cứu cánh.

Kinh Pháp Hoa dạy: Hai môn chân như Sinh và Diệt không rời nhau, nếu đứng về chân như thì tuy thanh tịnh bất biến mà vẫn tùy duyên hữu biến còn đứng về sinh diệt thì tùy duyên sai biệt mà vẫn như bất biến”.

Tinh thần nhập thế có tính cách triệt để xã hội ấy, tinh thần tích cực hoàn toàn ấy, thật khác xa với tinh thần bi quan tiêu cực vậy.

Tóm lại, cứu cánh tích cực của Phật giáo là tự giác rồi giác tha cũng như hoa sen sanh trong bùn, nở trên bùn mà vẫn không dính bùn. Cảnh giới giác ngộ không rời cảnh giới đau khổ và những phiền não thực tại, vọng tưởng điên đảo.

Người cư sĩ, nữ giới tu thành Phật không?

Phật dạy: “…Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Đức Phật là Phật đã thành, chúng sanh là bậc sẽ thành Phật….” Ai khéo tu thì được, ai vụng tu thì sa đọa. Bồ tát muốn tu thành Phật phải trải qua ba vô số kiếp, bước qua năm mươi hai lớp nhơn quả tướng tu hành, nên chúng sanh nào dù cư sĩ hay nữ giới phát tâm tu hành tinh tấn, giữ giới tinh nghiêm, một lòng cứu giúp chúng sanh, không còn phân biệt thân sơ quen lạ, lo cho chúng sanh chung, không còn lo cho gia đình, vượt bến tử sanh một lòng vì chúng sanh mà tìm chân lý giải thoát những khổ đau đói nghèo, nô lệ trong cuộc đời cho họ thì đắc đạo tại thế như Phật Thích Ca. Sự đắc đạo thành Phật là do sự giác ngộ cao độ của người tu; những ai giác ngộ cao độ thì thành Phật, ai không giác ngộ cao độ thì không thành Phật; nên không còn phân biệt các tướng nam tướng nữ già trẻ có tu thành Phật hay không nữa!

Theo giáo nghĩa đại thừa chỉ thì sự tu hành đắc đạo căn cứ vào sự giác ngộ của từng cá nhân, việc thành Phật không có cấp bậc như thế gian, người xuất gia tu thành Phật theo thứ bậc xuất gia; người cư sĩ tu hành thành Phật theo thứ bậc cư sĩ; chớ không phải người cư sĩ tu hành lên cấp bậc xuất gia rồi mới tu thành Phật.

Người tu Phật, khi đã được giác ngộ có trí tuệ, học hiểu pháp môn “tứ tất đàn” thế giới tất đàn, các vị nhơn tất đàn, đối trị tất đàn, đệ nhất nghĩa tất đàn… khéo biết tâm tưởng của chúng sanh là giả hợp, có thịnh suy, sanh trụ dị diệt, duyên hợp huyễn có, vô thường khổ không vô ngã các pháp vốn không tự tánh… rồi mới tùy theo căn cơ của họ mà giáo hóa cho được giác ngộ thành Phật, đó là từ diệu dụng giác ngộ đi đến diệu dụng giác tha độ đời chung cho Đại chúng bộ, Thượng tọa bộ trong giáo pháp nhà Phật là vậy.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch