Phật pháp căn bản
Một Trăm Ngày Niệm Phật & Một Trăm Bài Pháp (Trọn bộ)
Thích Giác Quang
14/03/2012 10:37 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

NGÀY THỨ BA:

Liên Hữu Tịnh Độ vẫn phải thọ quy giới

* Bạch Sư! Chúng con muốn xin quy y, nhưng trước khi thọ pháp quy y chúng con muốn hiểu về ý nghĩa Tam Quy Ngũ giới. Tại sao làm con Đức Phật phải quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm. Chỉ xin quy y Tam Bảo được không? Có người nói chỉ thọ giới tâm, không thọ giới tướng?

* Đức Phật dạy, ba cõi không yên, như ở trong nhà lữa. Chúng sanh muốn xa lìa cõi khổ, thì phải nương về ngôi Tam Bảo. Người muốn thoát khỏi những sanh tử khổ đau nơi bến sanh tử luân hồi, không thể bỏ qua sự việc thọ trì giới pháp mà được. Giới như chiếc bè báu đưa người qua bể khổ, giới như đất bằng phẳng, muôn vật đều từ đấy mà phát sinh, giới như ngọn đèn sáng, chiếu phá các chỗ tối tăm, giới là con đường tắt đưa đến cõi nhơn thiên, là cửa ngỏ vào cảnh giới Niết Bàn. Cho nên trong kinh nói rằng: nếu có chúng sanh nào muốn dứt trừ các khổ, hưởng sự vui vô thượng Niết Bàn, thì phải thọ trì Tam Quy và ngũ giới cấm. Nếu người nào giữ giới được thanh tịnh, cho đến trong giây phút quy y Tam Bảo, ở đời vị lai cũng được chứng quả Niết Bàn.

Giới là một bằng chứng, là báu vật cụ thể nâng phẩm chất giá trị con người trong quá trình tu chứng, quá trình đi trong đạo giới nhà Phật, là cương lĩnh duy nhất khu phân giữa thế gian và giải thoát thế gian; giới cũng khẳng định cho chánh pháp Phật, nên giới luật Phật còn lưu lại tại thế gian thì chánh pháp Phật còn, giới luật Phật mất thì chánh pháp mất. Nên người tu Phật dù tại gia hay xuất gia đều phải nương nhờ giới pháp để khẳng định bản lĩnh tu hành của Nhà Sư, thọ trì giới pháp để khẳng định người tu đúng chánh pháp Phật. Người tu không thọ pháp quy y Tam Bảo, không thọ các giới để khu phân cương lĩnh tu hành, thì người đó tu hành không đúng chánh pháp Phật.

Giới là diệu dược phương thang, để trị lành các chứng bệnh nan y tham sân si của thế gian, người tu không thọ giới như người bệnh không muốn tìm Thầy thuốc chữa bệnh, làm Thầy thuốc không biết bốc thuốc chữa trị bệnh nhân, nên người ấy phải mắc bệnh trầm kha muôn đời, và đi đến cõi chết lặng trong khổ đau.

Trong nhà Phật, chư Đại sư hoằng giới, trước khi truyền giới cho tín đồ, thì vị giới sư dạy đệ tử phải phát lồ sám hối cho thân tâm được thanh tịnh. Cũng như muốn chứa đựng vị cam lộ trong cái bình, trước phải súc bình cho thật sạch. Còn người khi thọ quy giới, trước cần phải sám hối trừ phiền não cho tâm được thanh tịnh, mới có thể lãnh thọ quy giới thanh tịnh.

Tuy nhiên trước khi làm lễ sám hối, người tín đồ Phật giáo cần phải hiểu ý nghĩa sám hối là gì?

Sám là sám ky tiền căn, có nghĩa là ăn năn lỗi lầm đã tạo, hối kỳ hậu quá, tự thú tội ra, chừa bỏ các lỗi đã làm, chẳng những sám hối các tội lỗi trong một đời, mà cho đến các tội nhiều kiếp về trước cũng cần phải sám.

Hối nghĩa là hối hận, biết rõ ràng những lỗi lầm mà người sám hối sẽ sửa đổi lại cho trở nên tốt. Cải sửa những cái xấu ác, mà thực hành những pháp thiện lành.

Ví như việc uống rượu, rượu là thức uống làm cho con người say sưa điên đảo, rối loạn tâm thần, rượu cũng là một phần lễ nghĩa của gia đình xã hội, con người tự ngàn xưa dùng rượu đãi nhau nói lên lễ nghĩa mà đãi bạn, rượu cũng là thức uống bổ dưỡng, làm thuốc chữa bệnh, làm vui cửa vui nhà, vui xóm vui làng, bạn bè đãi nhau, thân nhau qua chun rượu, uống rượu để giải sầu, rượu là nguồn vui của những người thích tiêu dao non cảnh. Tuy nhiên, xưa nay đại đa số hành động của người uống rượu trở thành một tập tính xấu, thường là làm việc ác, làm mất nhân phẩm đạo đức gia đình, nhân cách bản thân, tự thân uống rượu đã là xấu ác; đối với tha nhân thì lúc nào cũng làm khổ vợ khổ con, động làng động xóm, gia đình tan nát. Cũng có khi con người dùng rượu để giải quyết một vấn đề như: sát hại lẫn nhau, nói xấu chửi bới lẫn nhau… Nhưng khi người nghiệm rượu biết sám hối tội ác do uống rượu làm tổn hại xã hội, họ phát tâm không uống nữa, từ đó môi trường gia đình trở nên an lạc, ổn định hạnh phúc, xã hội vui tươi.

Người tĩnh thức không uống rượu, thường là được gặp nhà Phật khuyên giải, họ nghe theo và được gần Phật Pháp, họ phát tâm thọ pháp quy y, sám hối các lỗi lầm, trở thành người tín đồ Phật giáo. Khi sám hối, các tín đồ phải đọc như vầy:

Đệ tử chúng con kể từ vô thỉ cho đến ngày nay, lỡ tạo những điều tội lỗi, ngày hôm nay thành tâm sám hối, thề tránh các điều dữ, nguyện làm các việc lành, cúi xin Tam bảo từ bi gia hộ, khiến cho đệ tử chúng con tội diệt phước sanh, căn lành thêm lớn, tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ, hiện tiền phước huệ trang nghiêm, một hậu sanh về cõi Phật. Nam mô Cầu Sám Hối Bồ Tát ma ha tát. Hoặc có thể đọc bài thi kệ:

Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp

Giai do vô thỉ tham sân si

Tùng thân ngữ ý chi sở sanh

Nhứt thiết ngã kim giai sám hối

Nam mô Cầu Sám Hối Bồ Tát ma ha tát.

Tội lỗi đã làm từ trong muôn vạn kiếp, một khắc sám hối thì không thể hết.

Đối với người thiếu niềm tin thì không bao giờ chấm hết tội lỗi.

Tuy nhiên, do trong một niệm của chúng sanh có 4.900.000.000 (bốn tỷ, chín trăm triệu) lần sống chết, cũng tức là sống 4.900.000.000 kiếp (Phật Học tinh hoa - tác phẩm của Thu Giang Nguyễn Duy Cần). Nay do người khởi tâm thanh tịnh, không vọng niệm phát sanh, khởi tâm tốt mà sám hối; do trong một niệm thanh tịnh (chánh niệm) mà tiêu trừ tội lỗi trong ba đời quá khứ, hiện tại và vi lai. Xưa một kiếp làm tội lỗi, nay một kiếp tu hành thì lỗi ấy ắt tiêu tan; xưa nhiều kiếp làm tội lỗi, nay nhiều kiếp tu hành thì chắc chắn thành tựu viên mãn, lỗi lầm cũng không còn. Lời của Phật Pháp là chân thật ngữ.

Tiện đây, xin giới thiệu một vài cách tu hành sám hối thù thắng khác, sám hối lỗi lầm có nhiều cách,như Đại lão Hòa Thượng Thích Thiện Hoa đã từng giảng, sám hối bằng tâm niệm:

Nôm:

Tội tùng tâm khởi tùng tâm sám

Tâm nhược diệt thời tội diệt vong

Tội vong tâm diệt lưỡng câu không

Thị đắc danh vi chơn sám hối.

Nghĩa:

Tội do tâm khởi cũng do tâm sám

Tâm không có thì tội ấy cũng không còn

Tội không còn tâm cũng không có

Đây mới thật sự là sám hối tội lỗi.

Ngoài ra còn có những cách khác như là:

- Thủ tướng sám hối (tự sám hối, ăn năn lỗi lầm cho đến khi thấy Phật xuất hiện trên đỉnh đầu thì thành tựu pháp sám hối)

- Hồng danh sám hối (lạy 89 danh hiệu Phật trong kinh Hồng Danh Bửu Sám từ Nam mô Phổ Quang Phật… đến… Nam mô Pháp Giới Tạng Thân A Di đà Phật)

- Phát lồ sám hối (tự phát tâm sám hối trước Phật, trước Thầy Bổn sư)… mỗi mỗi cách đều có hiệu quả dành cho người tu Phật dành cho người tu thâm niên hay mới tu đều có thể thực hiện được.
- Bạch sư! Nghe lời sư dạy, chúng con đã hiểu tường tận thế nào là sám hối hết tội, rất phấn khởi tin tưởng và phát lòng tự tin thành tâm sám hối, chúng con sẽ cùng gia đình thân bằng quyền thuộc, cùng các bạn thân sẽ đến Tu Viện xin thọ pháp quy y nhà Phật vào ngày rằm tháng bảy năm nay.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

4. NGÀY THỨ TƯ:

Ý nghĩa Tam Bảo và quy y Tam Bảo

* Bạch Sư! Chúng con đã hiểu tại sao tín đồ Phật giáo phải quy y, làm lễ quy y. xin Sư giảng giải ý nghĩa quy y Tam Bảo?

* Phàm làm người trong thế gian, thế gian là khoản cách giữa Đời và Đạo, giữa những người tu Phật và những người không tu Phật, những người chưa phát tâm tu Phật, khi làm việc gì cũng phải cân nhắc chuẩn bị kỹ lưỡng rồi mới thực hiện công việc. Vấn đề quy y Tam Bảo là việc trọng đại trong đời nhất là đời người. Bởi vì người ấy được Nhà Phật truyền trao một nhân cách sống giữa con người và con người, giữa con người và xã hội, gia đình, tập thể, quần chúng, công đồng. Đào tạo con người bằng chính năng lực của mình để thay đổi môi trường sống, chuyển hóa từ thế giới ta bà khổ đau thành thế giới an lạc thanh tịnh vui tươi.

Cho nên trước khi quy y Tam Bảo thì quý vị đã sám hối cho thân tâm trong sạch rồi, thân có trong thì ánh sáng chân lý hiển lộ, tâm có sạch thì trí tuệ hiện bày, có thể quyết định được cuộc đời, thay đổi được môi trường sống của đời người, làm cho thọ mạng con người trường cữu thêm lên.

Trước khi quy y Tam Bảo, người tín đồ Phật giáo cần phải biết rõ ý nghĩa quy y là gì?

Quy y nói cho đủ là quy y Tam Bảo, quy là trở về, y là nương tựa; Tam Bảo là ba ngôi Phật Pháp Tăng. Quy Tam Bảo là trở về nương tựa Phật Pháp Tăng. Chúng ta đã nhiều đời nhiều kiếp, say mê lầm lạc, trôi nổi giữa biển đời mênh mông không định hướng, nay cần phải quay về với chánh pháp, nương về Tam Bảo, quy hướng cội nguồn. Người đời nương tựa với cha mẹ, vợ chồng, anh chị em bầu bạn thì không hòan tòan an lành; sống thì gọi chung thỉ chân thành với nhau, thuộc về ruột rà thân thích, nhưng đến khi trút hơi thở cuối cùng thi biệt ly, đường ai nấy đi, không còn che chở cho nhau như thời sinh tiền xuân sắc nữa, nên gọi không hòan tòan an lạc. Nên phải nương về với Phật là một đấng từ bi bình đẳng, như vị cha lành,. Nương tựa với pháp là phương pháp giải khổ, như thuốc hay chữa lành bệnh tật. Nương tựa với Tăng là bậc đại trí, hoằng pháp lợi sanh, mới thật là hòan tòan an lành.

Phật Pháp Tăng nghĩa là gì? Phật, theo tiếng Pali là Buddha, Trung Hoa dịch là Phật-đà, gọi tắt là Phật, có nghĩa là người giác ngộ, là đấng giác ngộ hòan tòan, tòan năng, tòan trí, tòan giác, Ông cha lành của muôn lọai chúng sanh, đạt đến chổ chân thiện mỹ. Phật cũng là bậc đại đạo sư của pháp giới mười phương. Phật cũng là đạo hiệu chung cho tất cả những bậc tu hành đã giác ngộ. Phật cũng là một đức hiệu trong mười đức hiệu: Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật thế tôn.

Pháp nghĩa là gì? Pháp là khuôn phép, khuôn thước, mẫu mực, chính là những lời của Đức Phật Thích Ca chỉ dạy. Nếu mỗi người, mỗi chúng sanh y theo giáo pháp của Phật mà tu hành thì quyết định sẽ thoát ly sanh tử, chứng thành Phật quả. Cho nên trong Kinh nói rằng:”Pháp là mẹ sanh ra chư Phật”.

Tăng nghĩa là gì? Tăng nói cho đủ là hòa họp Tăng già, một một tập thể có từ bốn người trở lên, bốn người nói ở đây là bốn vị Tỳ kheo, bốn vị tu sĩ đệ tử của Đức Phật, bốn nhà sư thành viên của Tăng đòan, sống hòa hợp không chống trái lẫn nhau, tâm nhiều người như một, tuy hai mà một, như nước hòa với sửa. Tăng là những người đứng trung gian giữa Phật và chúng sanh, thực hành những lời chỉ dạy của của Đức Phật và thay mặt Đức Phật, diễn nói những pháp giải thoát sanh tử luân hồi, giải thoát những khổ đau phiền não, có tình có lý, có sự có lý cho mọi người tu học.

Tăng là một đức hiệu trong tổ chức của những người đệ tử của Đức Phật, bên xứ Tây Vức, dù người có đạo hay không có đạo, dù không phải đệ tử của Phật, nhưng người ta vẫn có cách sống thành từng nhóm, nhóm của những người ở thế gian cũng gọi là Tăng (nhóm bốn người), tuy nhiên nhóm bốn người nầy là người ngòai đời, không có tu hành, không có học đạo giải thoát của Phật và không giải thoát được những khổ đau phiền não quả báo ở thế gian. Tăng già của Phật là những người học đạo giải thoát, là những bậc được thọ ký “thiện lai Tỳ kheo”, râu tóc đã rụng, sống có nề nếp kỷ cương, tinh nghiêm chuyên trì giới luật, hoằng hóa giới hạnh đi trong nhân gian, phiền não không còn, không còn vướng bận việc thế gian, Tăng già là đòan người bước đi ngược lại thế gian, hướng về cố quán, hành trình đến Niết bàn hay Tây phương Cực lạc… do sống có tổ chức nên gọi là tăng già, Tăng đòan.

Tam Bảo theo nghĩa của Tịnh Độ, giảng giải như sau:

Phật hay Phật đà: Một Đức Phật hoặc tất cả chư Phật, nghĩa là bậc đại giác, đại ngộ, bậc hiểu biết tất cả, gọi là nhất thiết trí.

Pháp hay gọi là Đạt ma: Giáo pháp mà Đức Phật đã thuyết.

Tăng hay Tăng già: Tăng chúng, Tăng đòan, những vị xuất gia tu học giáo pháp của Phật, cùng hòa hợp nhau, chung cùng nhau mà tu học.

Đọc trọn là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Như nói, quy y Tam Bảo là nương mình theo Tam Bảo, hướng về Tam Bảo Phật Pháp Tăng, Tam Bảo là cội nguồn của người tín đồ đệ tử Đức Phật.
Về sự nghĩa là: gởi thân nơi Đức Phật, vào Đạo Phật, vào Tăng đòan của Phật.

Về lý, nghĩa là: Nương theo đức giác ngộ có đủ Phước và Huệ, nương theo sự chánh, không theo tà kiến, nương theo đức tịnh, không nhiễm trước, không chấp nê. Như vậy Phật tức là Giác, Pháp tức là Chánh, Tăng tức là tịnh.

Có ba thứ Tam Bảo:

* Đồng thể Tam bảo (ba ngôi quy báu đều như nhau):

1/ Phật: Lý chơn như tự tánh khai giác

2/ Pháp: Đức dùng phải lối, đúng phép, tự tánh chân chánh

3/ Tăng: Cử động không trái, không tranh, tự tánh thanh tịnh

* Xuất thế Tam Bảo (ba ngôi quý ra khỏi thế gian):

1/ Phật: Pháp thân, báo thân, hóa thân

2/ Pháp: bốn đế, mười hai nhân duyên, sáu độ

3/ Tăng: Các vị thánh hiền chứng đạo, đắc quả

* Thế gian Trụ Trì Tam Bảo (ba ngôi báu ở thế gian):

1/ Phật: Tượng cốt, hình vẽ trên giấy, khánh thờ

2/ Pháp: Quyển vàng, cuốn đỏ, kinh in ở tại nhà in

3/ Tăng: Nhà sự thọ Tỳ kheo, thọ giới theo pháp thập nhân thọ, có đầy đủ tam sư thất chứng. Nói khác:”đầu tròn áo vuông”.

Trong sách Lục Đạo Tập nói: thế gian đều gọi châu ngọc là bảo, quý báu, nhưng đó chỉ là vật để xem chơi mà thôi chớ đâu có ích gì.

Còn chúng sanh biết quy y Phật thì khỏi đọa vào địa ngục, biết quy y Pháp thì khỏi đọa vào ngạ quỷ, biết quy y Tăng thì khỏi đọa vào súc sanh. Công đức của ba ngôi báu như vậy, nên gọi Phật Pháp Tăng là Tam Bảo.

Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật dạy: Phật Pháp Tăng ba ngôi ấy đều như sau (vô hữu sai biệt). Tánh tướng của Tam Bảo là: thường, lạc, ngã, tịnh.

Bạch Sư! Chúng con đã hiểu tại sao người tín đồ phải quy y Tam Bảo và hiểu rõ ý nghĩa Tam Bảo, chúng con xin nhất tâm đảnh lễ.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

5. NGÀY THỨ NĂM:

Tín đồ Phật tử quy y Tam Bảo

Bạch Sư! Chúng con có một đôi lần chứng kiến Sư tác pháp lễ quy y cho tập thể tín đồ Phật tử, nhất là ở Quan Âm Tu Viện, mỗi lần tác lễ có đến 400 đến 500 Phật tử xin đăng ký quy y do Sư thay Sư Bà thuyết giảng và truyền giới. Chúng con nhận thấy sự lý quy y quá ư là kỹ. Xin Sư chỉ dạy cho chúng con? Chúng con xin quy Tam Bảo?

Quy y là sinh họat linh động nhất chốn thiền môn đối với người Phật tử, vì khi chưa quy y người Phật tử được gọi là Phật tử tín đồ; nhưng sau tác pháp lễ quy y người tín đồ Phật tử phát tâm thọ pháp Tam quy rồi họ sẽ trở thành người Phật tử bổn đạo của Chùa ấy, suốt đời gắn bó với chùa mình đã quy y, kể cả con cháu, hậu duệ của người Phật tử đó từ đời nầy sang đời khác cũng đều là Phật tử bổn đạo của chùa.

Có sáu thứ bậc Phật tử:

* Thứ nhất: Phật tử bổn đạo là những người Phật tử đã có thọ pháp quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm (không sát sanh - không trộm đạo - không tà tịnh hạnh - không nói dối, khoe khoang, đâm thọc, rủa sả - không uống rượu tham lam sân giận, si mê) từ đời nầy sang đời khác, cả dòng họ luôn gắn bó hộ trì nơi chùa đã quy y. Trường hợp có đi lễ nơi chùa khác là do người Phật tử ngày nay thường phát tâm đi hành hương nhiều chùa, gọi là đi cúng thập tự, cúng thập nhị tự cầu an cho ông bà cha mẹ tại tiền, cầu siêu cho cửu huyền thất tổ quá thế nhiều đời siêu sanh lạc quốc. Nhất là ngày nay người Phật tử còn hướng dẫn cha mẹ, vợ chồng con cái đi chùa cúng dường Tam Bảo, cúng dường tịnh tài tịnh vật xây chùa, in kinh, ấn tống kinh, ủng hộ in kinh sách của quý Thầy, quý Sư sáng tác, biên sọan, dịch thuật, giảng dạy; đi chùa xin quy y, đi chùa nghe thuyết pháp, đi chùa học giáo lý Phật học, nhưng không bỏ quên Thầy bổn sư của mình, nơi quy y buổi ban đầu.

* Thứ hai: Phật tử tín đồ là người Phật tử phát tín tâm đi theo Đức Phật, phát tâm học giáo lý Đức Phật, biết ăn chay, biết tham dự niệm Phật… nhưng chưa thọ pháp quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm.

* Thứ ba: Phật tử tín đồ cũng có khi là những người thường xuyên đi lễ các chùa, nhiều chùa trong nước và ngòai nước, chùa nào họ cũng tín tâm lễ lạy ngôi Tam Bảo, chỉ có điều họ chưa quy y.

* Thứ tư: Phật tử phát tín tâm tu một pháp nào của Đạo Phật, như: tu Thiền, tu Tịnh độ, tu Mật tông… nhưng chưa tác pháp lễ quy y.

*Thứ năm: Phật tử chuyên nghiên cứu kinh điễn của Phật, nghiên tầm giáo lý Phật đà, ấn tống kinh, dịch kinh, sáng tác sách Phật… nhưng chưa thọ pháp quy y.

* Thứ sáu: những người có thiện cảm, có tình cảm thân quen với đạo Phật hay một ngôi chùa Phật mà họ có nhân duyên.

Những thứ bậc Phật tử đại để được kể như trên cho chúng ta thấy, khi làm người đệ tử của Đức Phật thật rất quan trọng, và rất ấn tượng với lễ quy y, cho thấy việc tác pháp làm lễ quy y quan trọng đến bậc nào.

Để trở thành người Phật tử chính thức, trước đó người Phật tử được Thầy bổn sư ban cho một pháp danh (tên được đặt trong đạo Phật), giữ gìn pháp danh đó từ ba tháng đến sáu tháng, thậm chí cả năm, gọi là “sơ quy y”. Tuy nhiên không nhất thiết về thời gian đối với người Phật tử, có khi vừa được ban pháp danh thì đã có lễ quy y nên người Phật tử được thọ pháp quy y; sau khi được thọ pháp Tam quy và ngũ giới cấm, tức đã “quy y chính thức”, người đó được gọi là Phật tử “Bổn đạo”, là người “Con” của Phật, hay người “đệ tử” của Đức Phật “Bổn sư” Thích Ca.
Theo Hội Phật giáo Tịnh độ tông Việt nam xưa, thì mỗi khi tiếp nhận người tín đồ Phật tử, phải có hai người Phật tử Bổn đạo của Hội giới thiệu mới được chấp nhận trở thành người tín đồ Phật tử của Hội, đấy là do có tổ chức Hội tu niệm Phật, nên có điều lệ nội quy, quy định về tín đồ Phật tử hay bổn đạo Phật tử khi đến quy y. Ngày nay việc giới thiệu chẳng qua là hình thức, vì Đạo Phật là Đạo giác ngộ, chúng sanh giác ngộ quy y, Phật tử giác ngộ quy y, người có căn lành quy y, người có nhân duyên với Phật, với Sư Thầy phát tâm quy y, người có gia đình thuộc truyền thống đạo Phật… thì được chấp nhận ngay.

Xưa nay, sở dĩ khi quy y bắt buộc có người giới thiệu là để thanh lọc người xấu, người phạm pháp luật trên mọi phương diện, người ngoại đạo… bước vào hàng ngũ Đức Phật rắp tâm phá Phật, phá giáo pháp Phật, làm mất thanh danh Đạo Phật, nên mới có việc khi người phát tâm quy y Phật phải có sự giới thiệu với Nhà chùa.

Theo quan niệm của những bậc xuất thế, mỗi lần quy y là một lần được Đức Phật xoa đầu thọ ký, người đã được Phật xoa đầu thọ ký thì tương lai người ấy cũng thành Phật. Căn lành trong muôn vạn kiếp ảnh hiện, sự an lạc đến với người, sự thành đạt sẽ xuất hiện trong trái tim trí tuệ của người con Phật, họ như người đi trong đêm tối mà có ánh trăng rằm sáng soi. Thậm chí họ còn trở thành những ngọn đuốc sáng khi đêm dài trăng lặn, như câu thơ của vị thiền sư khuyết danh đã nói:

Cuộc sống cần vui, xin nguyện làm chim hót

Sõi đá khô cằn xin chuyển hóa màu xanh

Nguyện làm hoa khi vườn lá trơ cành

Làm đuốc sáng khi đêm dài trăng lặn

Bốn câu thơ trên như là hạnh nguyện ngàn đời của người con Phật. Những ai phát nguyện làm con Phật, làm con Phật vĩnh viễn trong muôn vạn kiếp, làm con Phật cũng chính là làm lợi lạc cho chúng sanh.

Người khởi tâm quy y, phát một lòng thành tín trở thành người có nhiệm mệnh cao cả. Khi quy y nên quỳ thẳng chắp tay hướng về ngôi Tam Bảo, tỏ tấm lòng chân thật, lắng tâm trong sách nói lời:”đệ tử chúng con tên...... pháp danh……………xin nguyện một đời quy y Phật – Đệ tử chúng con tên……pháp danh……xin nguyện suốt đời quy y pháp – Đệ tử chúng con tên……pháp danh………. xin nguyện suốt đời quy y Tăng”

Sau khi đã nói theo giới sư, lời xin quy Tam Bảo rồi, Phật tử tiếp tục nói theo giới sư như sau:”Đệ tử chúng con tên……pháp danh……xin nguyện suốt đời quy y Phật rồi - Đệ tử chúng con tên……pháp danh……xin nguyện suốt đời quy y Pháp rồi - Đệ tử chúng con tên……pháp danh……xin nguyện suốt đời quy y Tăng rồi”

Sau khi đã quy y, không bị sa vào tam ác đạo, Phật tử tiếp tục nói theo vị giới sư như sau:” Đệ tử chúng con tên……pháp danh……xin nguyện suốt đời quy y Phật rồi khỏi đọa vào địa ngục - Đệ tử chúng con tên……pháp danh……xin nguyện suốt đời quy y Pháp rồi khỏi đọa vào ngạ quỷ - Đệ tử chúng con tên……pháp danh……xin nguyện suốt đời quy y Tăng rồi khỏi đọa vào súc sanh”.
Người Phật tử khi đã quy y thọ pháp rồi, suốt đời sống trong rừng công đức “đại bửu lâm”, trí tuệ sáng suốt tuyệt vời, lòng từ trải rộng như trời đất, lòng bi thương xót muôn lòai như muốn ra tay tế khổ độ mê.

Đồng thời, người Phật tử khi đã quy y thọ pháp rồi, từ nay trở đi thà bỏ thân mạng, trọn không quy thiên thần quỷ vật. Vì thiên thần quỷ vật còn luân hồi sinh tử, không phải là bậc thánh nhân ra khỏi thế gian, họ cũng có những sinh họat gần giống như sinh họat trong Đạo Phật, nhưng không tu hành chi cả, họ có cuộc sinh họat tâm linh, sự sinh tồn giả tạm như “ốc mượn hồn”, như “chùm gởi”, mượn thân cây để đeo bám cuộc sống”.

Quý vị đã quy y pháp rồi, thà bỏ thân mạng chớ không quy y theo kinh điễn, lời nói của ngoại đạo tà giáo, không quy y theo các triết lý, tư tưởng, học thuyết của thế gian, những việc thờ cúng ở thế gian. Vì sao, vì kinh điển ngoại đạo tà giáo ở thế gian không phải là pháp môn tu vô lậu giải thoát.

Quý vị đã quy y Tăng rồi, thà bỏ thân mạng, chớ suốt đời không quy y đồ chúng ngoại đạo. Vì đồ chúng ngoại đạo không phải là người giải thoát chứng quả Thinh văn, Duyên giác, Bồ tát, họ sẽ dẫn dắt quý vị vào con đường tối tăm nguy hiểm. Nghĩa là suốt đời làm con Phật mà chẳng biết giới luật Phật là gì, chẳng biết câu kinh, giáo lý Phật ra sao, vào chùa chẳng biết kính Phật trọng Tăng, chẳng biết giáo pháp Phật là gì, tu hành ra sao?

Ôi đúng là thời mạt pháp, có người làm xằng bậy, không học Phật pháp mà đi nói Phật pháp thật là tu hành thiếu nền nếp, ứng khẩu không lề lối, không đúng chánh pháp, không học đạo mà nói nói đạo, nói năng không ra gì lại bảo là soi căn, đoán mò, chẳng đúng đâu vào đâu, mà bảo là biết quá khứ vị lai của Phật tử, những sinh họat tín ngưỡng ấy dành cho một vài người nhẹ dạ thuộc diện thích “mê tín”… vậy mà vẫn ung dung sống trong Đạo Phật làm bẩn mắt Đức Thế Tôn.

Mặc khác, có người nói:”đến xin phép làm ăn, trong đời người có giàu mới sanh lễ nghĩa”, nhưng khi có tiền, họ sinh ngã mạn, đi nghinh, đi ngang trong chùa, gặp quý Sư không chắp tay xá bái, còn cho rằng ta đây đã có cúng tiền cho chùa; trong khi chùa không mong cầu sự cúng kiến đó, cúng theo cung cách “có tiền thảy vào chùa”, gọi là trả lễ, trả xong muốn làm gì thì làm. Nhưng họ không biết chùa ngày nay, nhất là những trung tâm có truyền bá pháp môn tu “biệt truyền”, có tông chỉ… không cần có sự cúng kiến ấy. Họ không biết quý trọng Sư Trụ trì; quý Sư có bao giờ chấp nhận họ là Phật tử đâu?

Người Phật tử khi đã biết đi chùa lễ Phật và có phát tâm quy y Tam Bảo rồi, khi gặp chư Tăng bất cứ ở chùa nào, xứ sở nào, hay quốc gia nào cũng đều quý kính, đừng nên chỉ quý trọng chư Tăng ở chùa mình cầu quy y Tam Bảo mà thôi, hoặc thích ai thì kính nấy, vô lề lối thiếu đạo đức lắm các bạn ạ… đi chùa không nên thiếu lễ nghi khuôn phép như thế mới đúng là một người Phật tử hiểu biết chân chánh. Đừng nên gặp quý Sư, gặp Đại sa môn, Sa môn mà không quý kính, như vậy thì thật là uổng công đức đi chùa, phí công đi chùa, cũng như không hiểu biết gì về Phật Pháp. Cung phước đức của các bạn sẽ dần dần mất hẳn nơi các bạn và gia đình, các bạn ạ!

Ở Việt Nam, đại đa số ngày nay chỉ còn có Phật tử của phái Thiền hay phái Tịnh đều có quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm; các vị tu hành nghiêm túc lắm, các vị lánh xa đường tà, chăm chỉ học giáo lý Phật học, học Phật pháp, giữ giới để tu. Vì họ đã hiểu “Giới” là giáo pháp Đức Phật, “Giới” là hàng rào ngăn cấm không cho con người bước đến vùng nguy hiểm của cuộc đời, giúp cho con người và gia đình hạnh phúc; “Giới là biên cương hòa bình, ngăn cách giữa Đời và Đạo; “Giới” giúp cho con người làm chủ vận mệnh, làn chủ gia đình, thay đổi môi trường từ môi trường xấu trở nên tốt, môi trường không trong lành êm ấm, trở thành môi trường trong lành êm ấm, hạnh phúc. Giới làm cho chúng sanh vượt khỏi khổ đau phiền não, ra khỏi biển sanh tử, không còn luôn hồi trong sáu nẽo (thiên, nhơn, attula, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh…).

Một ngày nọ, Đức Thế Tôn khi đã lớn tuổi nên dẫn môn đệ hành đạo lần về kinh thành Câu Thi Na; lúc ấy thân Đức Phật đã 80 tuổi, bệnh yếu đau nhức, Đức Phật sắp nhập Niết Bàn, như thế giới đều tối tăm, các cung trời chư Tiên đều rũ rượi, chư đệ tử trong đó có Đức A Nan vật vã than khóc:”Đức Thế Tôn nhập diệt! Đức Thế Tôn nhập diệt! Chúng con không còn biết hỏi giáo lý với ai nữa để tu hành! Ôi sao mà đau đớn thay! Mặt trời chánh pháp sắp tắt hẳn!

Lúc bấy giờ Đức Phật kêu đại chúng và Ông A Nan dạy:”A Nan, các ông không nên cho rằng Đức Thế Tôn nhập diệt là chánh pháp không còn trụ thế; sau khi Ta nhập diệt các Ông hãy lấy giới luật làm Thầy, giới luật còn là Ta còn, giới luật mất là Ta mất!

Xem trên chúng ta thấy, người con Phật có thọ quy giới, có giữ giới thì chánh pháp còn, chánh pháp còn là Đức Phật còn. Thế nên người con Phật dù xuất gia hay tại gia không nên không thọ giới pháp để tu hành.

Phước lành của người Phật tử

…Ngày xưa, tại nước Xá Vệ có một gia đình Trưởng Giả, Bà vợ của Ông năm đó sinh được cháu trai, khôi ngô tuấn tú. Giữa lúc sinh, trên trời tự nhiên hoa rơi xuống đầy sân, nhân hảo tướng nầy Ông Bà đặt tên cho con là “Hoa Thiên”.

Dân làng ai cũng khen Trưởng Giả nhiều phước đức, sinh được con quý, Trưởng Giả rất vui, nuôi con một cách đường hoàng trân quý, hy vọng sau nầy làm nên danh giá cho vọng tộc. Ông Bà lúc nào cũng không rời lòng yêu thương triều mến con, luôn luôn làm những việc lành để hồi hướng cho con. Song tính nết của Hoa Thiên cũng rất ngoan, hiếu kính mẹ cha, lại có óc thông minh và hiền hậu. Đối với mọi người trong nhà cũng như hàng xóm, không làm mất lòng ai bao giờ, lại hay có tâm giúp đỡ người, nhất là những người cô bần, nghèo khó, nên được nhiều người kính mến, cảm phục.

Sau khi lớn tuổi học hành tiến đạt, một hôm theo người thân đi cúng dường Phật. Tới chốn Phật, nhìn thấy Ngài có oai đức phi thường đầy đủ tướng từ bi, quang minh xáng lạng, tự phát tâm ngưỡng mộ, vui mừng hớn hở rồi thầm nghĩ rằng:

“…Người ta sinh trên đời, được gặp Phật là một sự khó, những người được hạnh ngộ là có túc duyên lắm vậy…”

Nghĩ xong Hoa Thiên tới trước Phật, sụp lạy thưa rằng:

“Kính lạy Đức Thế Tôn! chúng con không biết có phước lành gì mà hôm nay được tới đây chiêm ngưỡng Ngài, cúi xin Ngài từ bi giáo hóa cho chúng con được biết đường hướng tu hành, thoát khổ, đời đời được an lạc…”

Phật dạy, hay lắm! Ngươi có duyên lành, muốn được an vui, hãy ghi nhớ những lời ta nói:

“Con người phú quý hoặc bần tiện cũng do tự mình tạo tác, giữ gìn ngũ giới được sinh làm người, tạo mười điều lành được sinh thiên, tham lam bỏn xẻn đọa thành ngạ quỷ, sát nhân hại vật, sân si phải đoạ địa ngục, tà kiến vô nhân đạo làm loài súc sinh…”

Hoa Thiên nghe xong như người đói được ăn, khát được uống, quỳ lên bạch Phật rằng:

“Kính lạy Thế Tôn, ngày mai chúng con thành kính sắm sữa trai nghi, cúi xin Ngài và quý Sư dời gót ngọc tới tới nhà con chứng trai, thọ thực và sau đó ban bố bài pháp lành để cho cha mẹ con, lục thân quyến thuộc được ân triêm công đức…”

Phật dạy: “Hoa Thiên có lòng thành kính Ta và quý chư Tăng sẽ chứng minh công đức”

Hoa Thiên lễ tạ lui ra, về nhà trình bày cùng cha mẹ công việc thỉnh Phật và quý Sư ngày mai, thì Ông Bà rất vui lòng. Đêm ấy cả nhà đều tấp nập bày biện kim tòa, trải chiếu tới sáng mới xong. Tuy nhiên, trong nhà chưa sửa soạn các món ăn, Ông Bà liền hỏi con:

“Hoa Thiên đáp:” Thưa Cha Mẹ, việc ấy để con lo liệu, Cha Mẹ không phải lo…”

Khi Phật và quý Sư quang lâm, do phước báo của Hoa Thiên, trên trời hóa hiện ra những tòa ngồi, bằng thất bảo, nơi nằm, nơi nghỉ, trang nghiêm, vô cùng rực rỡ. Phật và quý Sư thăng tòa ngồi yên lặng, lúc bấy giờ các món ăn tự nhiên hiện ra.

Dùng cơm xong, Phật thuyết pháp nói về “Tứ Diệu Đế”; Hoa Thiên và đại chúng nghe xong, được chứng quả Nhập Lưu (được bước vào dòng nước Thánh)

Sau khi Phật và quý Sư về Tịnh xá, Hoa Thiên xin cha mẹ theo Phật xuất gia cầu học đạo giải thoát, vì Ông Bà đã hiểu đạo, nên hoan hỷ cho Hoa Thiên xuất gia theo Phật tu hành. Hoa Thiên lạy Cha Mẹ rồi đến tịnh xá cúi đầu lễ Phật xong thưa rằng:

“Kính lạy Đức Thế Tôn! Xin Ngài từ bi hoan hỷ cho con được xuất gia nhập đạo tu hành, vì đã được sự đồng ý của Cha Mẹ con”

Phật dạy:”Thiện lai Tỳ kheo!

Ngài nói dứt lời, tóc trên đầu Hoa Thiên tự nhiên rụng hết, áo mặc trong thân biến thành áo Ca sa, thành hình tướng Sa môn, tu hành thật tinh tiến, chẳng bao lâu chứng quả Vô sanh A La Hán.

Thấy việc Hoa Thiên tu hành và chứng quả một cách mau lẹ như vậy, ngài A Nan lấy làm lạ, nên tới trước Phật làm lễ bạch rằng:

“Kính lạy Thế Tôn, Hoa Thiên Tỳ Kheo, thuở trước làm phước đức gì mà lúc sơ sinh có hoa sen trên trời bay xuống, khi cúng dường Phật tự nhiên lại có giường tòa và các món ăn thịnh soạn, kính xin Ngài chỉ dạy cho chúng con được am tường”

Phật dạy:”Ở trang nghiêm kiếp của Ta, thuở đó có Đức Phật hiệu là Tỳ Bà Thi. Phật ứng thế độ sanh, thường thường cùng chư Tăng đi vào các làng ấp để giáo hóa, những nhà tôn quý và nhân dân không phân biệt giàu nghèo sang hèn đem các món ăn và vật dụng cúng dường.

Lúc ấy có một người Phật Tử nhà nghèo thấy mọi người sùng kính cúng dường Phật và quý Sư, trong lòng rất hoan hỷ, nhưng hận vì mình nghèo, không có tiền bạc, tài sản dâng cúng để lập phước duyên cho tương lai. Vị Phật Tử kia đi tới đi lui suy nghĩ mãi, không biết làm gì để có phẩm vật dâng cúng Phật. Ngồi lại bên đường, cạnh chổ ngồi có một mớ hoa cỏ, Ông liền hái số hoa cỏ bên lề đường, một lòng thành kính lễ lạy, tung hoa cúng Phật và quý Sư. Lúc bấy giờ được Đức Phật chứng minh, Ông rất hoan hỷ và xin được phép ngồi xuống nghe Phật thuyết pháp.

Nầy A Nan, người nghèo khó cúng hoa cỏ thuở đó, nay là Hoa Thiên Tỳ Kheo, đấy cũng do đời quá khứ có lòng tin kính cúng hoa dâng lên Phật, chí tâm cầu nguyện, từ đó đến nay đã trải qua chín mươi mốt kiếp, Hoa Thiên được phước báo sanh vào thế giới nào thân thể cũng tốt đẹp, ý muốn dùng gì cũng được đầy đủ, thức ăn uống giường tòa các dụng cụ, trang trí nội thất, vừa nghĩ đến tự nhiên có, và lúc sơ sinh có hoa trên trời bay xuống do phước duyên đó mà nay gia đình thật hạnh phúc và Hoa Thiên tu hành được đắc đạo.

Thật mầu nhiệm thay! quý hóa thay, làm con Phật bạn ạ!

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

CHƯƠNG THỨ BA

6. NGÀY THỨ SÁU:

Giới luật dành cho người tu tại gia

Bạch Sư! Xin sư giảng giải cho chúng con được tri tường về giới luật của người Phật tử tại gia?

Giới luật dành cho người tu tại gia cũng gọi là giới cấm. Giới cấm, nói cho đủ là ngũ giới cấm, tức là năm giới dành cho người tu Phật tại gia thọ học giữ gìn, không cho hư mất. Nói là giới cấm tức luật Phật ban hành, khi giới sư truyền giới cho Phật tử bảo là “không”, chớ không phải “cấm đoán”; vì Đạo Phật là đạo giác ngộ, con người giác ngộ giữ giới, không bắt buộc giữ giới. Giới là diệu dược phương thang, theo bệnh nào, thì giữ giới đó, giữ giới nào đắc đạo theo giới ấy. Giới cấm theo bản dịch và biên sọan của Đại lão Hòa Thượng Thích Thiện Hòa và bản dịch của Sư Cụ Hồng Tại Đòan Trung Còn, như sau:

GIỚI THỨ NHẤT: Không được giết hại chúng sanh.

Chúng sanh tức là lòai hữu tình chúng sanh. Nghĩa là các lòai có tánh biết; tuy chổ tạo nghiệp thọ thân bề ngòai có khác nhau, nhưng cái tánh biết đến với người không khác. Nó cũng có biết tham sống sợ chết, biết khổ, biết vui, biết thương, biết ghét, biết tìm lối sống, biết tìm cách thoát thân như con người.

Con người tham sống, con vật cũng biết tham sống, người sợ chết, vật cũng sợ chết. Người Phật tử không được giết chết, xúi giục người giết chết, thấy giết hại mạng mà vui theo, có những cử chỉ hành động biểu đồng tình trước sự giết chóc… làm tổn thương sinh mạng tất cả những lòai vật thuộc có mạng sống. Vật lớn như con voi, con bò, con trâu, chó, mèo, dê trừu… vật nhỏ như gà, vịt, muỗi mòng, kiến, dế, vi trùng… đều không được giết hại.

Người Phật tử không giết hại chúng sanh, trái lại còn mua các con vật, như: chim, cá, rùa, rắn… phóng sanh thì hiện đời nầy sẽ được tăng kỷ, đời sau sanh làm người sẽ được sống trường thọ. Ngược lại, người ưa thích giết hại chúng sanh thì hiện đời sẽ bị giảm kỷ, qua đời sau phải bị quả báo thương đau, ly tan mệnh yểu.

Khi nghe Sư Thầy giảng dạy làm việc phóng sanh có phước đức vô lượng, làm việc phóng sanh được trường thọ, người Phật tử không nhất thiết phải vào chợ mua chim đã bị những người nông dân rập bắt đem bán để phóng sanh, vì mua chim phóng sanh bằng cách nầy là tạo cơ hội cho người nông dân tiếp tục rập bắt mà sanh tội vô biên.

Khi chúng ta đi đường, gặp trẻ con bắt lấy ổ chim làm vật thí, người Phật tử liền mua ổ chim ấy đem trở lại nơi chổ cũ, để mẹ con lòai chim được trùng phùng, chim con không phải bị chết đói, chim mẹ không phải bị khổ đau vì mất con… gặp người nông dân bắt rắn hay ếch, dế liền mua rắn, ếch dế ấy đem phóng sanh. Phóng sanh như thế phước báo vô lượng v.v…

Có nhiều người phóng sanh bằng cá kiểng, việc làm có hình thức ấy cũng được thôi, nhưng chẳng thấy gì là phước đức cả, vì có người mua phóng sanh, thì có người “nuôi cá đẻ” để bán phóng sanh “việc làm thật nực cười và cảm thấy ái ngại vô cùng”

GIỚI THỨ HAI: Không được trộm đạo (trộm cắp). Như thế nào gọi là trộm cắp. Là tất cả những vật quý báu như vàng, bạc, ngọc, ngà, cho đến vật dụng nhỏ nhặt, như cây kim ngọn cỏ, trái ớt… đã thuộc quyền sở hữu của người, tức là vật có chủ trông coi, người ta không cho, mà mình lén lấy, hoặc cậy thế ỷ quyền mà lấy, lường thăng, tráo đấu, đi làm việc trể giờ… thuộc về tội trộm cắp cả.

Thậm chí, đến những việc như: qua đò không trả tiền đó, buôn lậu, trốn thuế nhà nước, tham nhũng tiền của dân, biển thủ tiền công quỹ, hối lộ, lén lấy tài sản của công, mua một bán mười… đều thuộc tội trộm cắp cả.

Lén lấy gọi là trộm cắp, công khai mà lấy, dùng sức mạnh, thế lực mà sang đọat của người gọi là cướp, xa hơn nữa là giết người cướp của… Các tội lỗi trên đều có liên quan đến giới thứ hai. Trường hợp là cướp, cướp của giết người hoặc trộm vượt ra ngòai cương giới Nhà Phật, những tội ấy sẽ do pháp luật của nhà nước trừng phạt.

Trộm cắp có những điều hại gì? – Hiện tại bị người tìm bắt, trói buộc tra tấn kềm kẹp, hành phạt, khổ sở, cha mẹ buồn khổ, xã hội khinh thường, bè bạn lánh xa, mất sự tin cậy lẫn nhau. Sau khi chết, trở lại làm người bị bần cùng, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm. Hoặc có khi làm được của, rồi bị trả báo cướp giựt, nhà cháy, nước trôi, rốt cuộc cũng hòan nghèo khổ, hoặc làm tôi tớ, trâu bò ngựa để trả nợ trước.

Không trộm cắp, có lợi ích gì? – không trộm cắp mà còn bố thí, thì đời nầy đời sau hưởng phước giàu có, an vui sung sướng, con cháu nhiều đời nhờ phúc thừa của ông bà cha mẹ, mà được giàu sang, vinh hiển? Song nhờ sự phát tâm bố thí, mà tiêu trừ lòng tham lam, trộm cắp.

Giữ giới không được trộm cắp có nhiều lợi ích như trên, người tín đồ Phật tử nên thọ pháp quy giới gìn giữ cho nghiêm minh.

GIỚI THỨ BA: không được bất tịnh hạnh (từ Phật học xưa nói không tà dâm), nói không tà dâm thật không thanh bai chút nào trong nhà Phật, trước cửa Phật, thế nên mới không dùng từ “không được bất tịnh hạnh”.

Đức Phật dạy: Người Phật tử còn tại gia giữ năm giới, chỉ giữ giới không được phạm bất tịnh hạnh, cần phải giữ hạnh phúc gia đình, sống một chồng một vợ, không nên lén ngó vợ chồng người khác, gái đẹp gái trinh, không nên lén lút làm việc xằng bậy rối lọan gia phong, vi phạm thuần phong mỹ tục.

Chúng sanh có nhiều tâm ái dục, thương yêu tà vạy có nhiều tổn hại, như: làm cho chồng hay vợ buồn khổ, ghen tương, hận thù… làm cho mất lòng tin cậy lẫn nhau, thân mạng sẽ chết theo đao gươm, gia đình lần lần suy sụp, nghèo khổ cận kề, hạnh phúc không còn gần gũi với gia đình. Người có tâm ái dục, làm việc tà vạy, làm việc bất tịnh hạnh với người khác luôn luôn mắc phải các quả báo xấu về sau, đang sống chung hạnh phúc, có người đến phá họai gia can; khi làm chồng hay vợ con, phải nhìn thấy người thân hay sanh lòng lang chạ, chồng có vợ đôi vợ ba… vợ có chồng hai, chồng ba…

Người Phật tử muốn cho gia đình đầm ấm, hạnh phúc, vui vẻ, muốn được tin cậy, muốn mạng sống vững yên, muốn cho thành tựu gia nghiệp ăn nên làm ra, muốn cho được tiếng thơm trong sạch ở đời nầy và khỏi bị quả báo xấu đời sau, thì nên dứt hẳn bệnh tật tà bất tịnh hạnh (không tà dâm). Không tà bất tịnh hạnh có lợi ích, người tín đồ Phật tử giữ gìn cẩn trọng đừng để cho vi phạm.

GIỚI THỨ TƯ: Không được nói dối, khoe khoang, đâm thọc, rủa sả. Nói dối là nói không thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có; khoe khoang là hay nói xấu người, khoe mình tốt, hay khoe khoang khóac lác; đâm thọc là nói xóc hai đầu, đem chuyện xấu đàng đây nói cho kia nghe, đem chuyện xấu đàng kia nói cho đây nghe, nói không đúng chuyện của đối phương, thuật dịch lời không chuẩn xác khiến cho hai bên chửi lộn, mắn lộn với nhau, hận thù với nhau, chiến tranh với nhau; rủa sả là mắng nhiếc, nói lời thô tục, lời thô bỉ, lời trù dập người khác, người mình không ưa, rũa sả nói lời thô tục với con cái mình, với người thân của mình hay tha nhân hàng xóm.

Đức Phật dạy: nói dối là tâm nghĩ một đàng, miệng nói một nẽo, miệng nói một nẽo, làm việc một ngã khác, nói dối có bốn cách:

1. Nói không chân thật: Nghĩa là lấy phải làm quấy, cho nên thấy mà nói không thấy; lấy quấy làm phải, cho nên việc không thấy mà nói là thấy.

2. Nói thêu dệt: Nghĩa là trau sữa lời hoa nguyệt, tiếng hay khéo, nhưng tâm không thật, trí không tịnh, xui người buông lung tâm trí, để làm việc tà bậy.

Nói thêu dệt cũng còn có nghĩa là khoe khoang, nói tốt cho mình, khóac lác, tâng bốc câu chuyện, làm cho câu chuyện thật lại trở thành hoa mỹ mất rồi, chuyện hư cũng hóa ra là thật. Người ấy không bao giờ sống trong thật tế của sự thật.

3. Nói lưỡi đôi chiều: Là đem chuyện đây nói kia, đem chuyện kia nói đây, dùng thân miệng ý của mình làm cho đôi bên bạn thành thù hận, chửi rủa lẫn nhau, gây chiến tranh lẫn nhau…

4. Rủa sả: nói lời thô tục, mắng nhiếc hủy nhục người, làm cho người nổi sân si, gieo rắc hận thù. Ơ trước mặt người nói khác, sau lưng người nói khác, tiền hậu bất nhất, bạn bè mất lòng tin cậy lẫn nhau. Người ác khẩu không làm nên sự nghiệp, không dựng nên cơ nghiệp lớn; hiện đời cũng như tương lai không sanh vào đường thiện, gặp nhiều khó khổ trong cuộc sống.

Người không nói dối, là người tâm nghĩ như thế nào, thì miệng nói ra như thế ấy, được quần chúng tin cậy, đời sau thân tướng trang nghiêm tốt đẹp, tướng lưỡi rộng dài, luôn nói lời thật. Vì có sự lợi ích như thế, nên tín đồ Phật tử lúc nào cũng nói lời chân thật.

GIỚI THỨ NĂM: Không được uống rượu, rượu là thứ nước có chất thuốc lên men, đường lên men, chất chua thành men hay làm cho con người say sưa, không còn tĩnh táo khi dùng đến rượu. Người tín đồ Phật tử khi đã thọ giới pháp, dù một giọt nhỏ cũng không uống. Hoặc tự mình tìm uống, hoặc đưa rựơu cho người uống cũng đều phạm tội nặng, lỗi lớn. Thuốc độc uống vào thời chết ngay, song chỉ giết hại mạng người trong một đời, nhưng cũng ít độc hơn rượu, vì rượu là thứ nước làm cho người si mê tâm não, mất giống trí tuệ, gây nên những tội lỗi đáng tiếc, chết đi sống lại nhiều kiếp, nên rượu là thứ độc được, độc hơn thuốc độc. Rượu có thể làm mất cả giang sơn, mất cả triều đại đối với những vị hôn quân vô lại thời xưa. Người xưa dùng rượu để làm nên lễ nghĩa, nhưng cũng chính rượu làm mất lễ nghĩa phong hóa của con người ở từng thời đại. Chúng ta nên kiêng dè với rượu.

Rượu không chỉ làm hại con người, mà còn làm hai mạng chúng sanh, có rượu thì có giết hại heo dê gà vịt, nói chung là mạng chúng sanh, rượu hay khiến cho người thường gây ra tội lỗi, lỗi lầm nguy hiểm từ tình bạn đơn sơ đến cựu thù không đội trời chung. Rượu vào lời ra, con người có thể mượn rượu để trả thù, mượn rượu để mắng nhiếc chê bai người khác, gây đổ vỡ tình bè bạn, thân bằng quyền thuộc, kể cả anh em ruột thịt.

Trong Đại luật, đức Phật dạy: Người say rượu, sẽ bị xui khiến làm việc tà vạy, sanh mười điều tội lỗi:

1/ Tâm tán lọan, của cải rơi mất

2/ Thân hay sanh tật bệnh

3/ Tăng trưởng lòng giết hại

4/ Tâm sân hận bừng lên, ưa sanh sự tranh đấu

5/ Trí tuệ kém dần

6/ Phúc đức tiêu mòn

7/ Sự nghiệp không thành công

8/ Lúc nào cũng có sự buồn khổ

9/ Khổ nhục cha mẹ vợ con

10/ Thân họai mạng chung, đọa vào địa ngục hắc ám, chịu khổ trăm bề, đời đời sống trong u tối. Người không uống rượu thì tâm trí sáng suốt, làm việc gì cũng được mọi người tin cậy ủng hộ, nên sự nghiệp, thành công trên đường đời.

Trong giới uống rượu, thường là đức Phật hay nhắc đến người nam là rường cột của gia đình. Nên phàm làm con Phật thì dù ở ngòai thế gian hay ở trong đạo cũng đừng bao giờ uống rượu.

Nhân nói chuyện uống rượu, ngày nay đại đa số các gia đình, người ta thường dùng nước bia để làm nước giải khát. Sự thật thì điều nầy không đơn giản gọi là nước giải khát; vì chất men bia chính là nguồn gốc hóa chất làm lên men, làm cho tâm thần người bấn lọan, hóa chất ấy lại có trong men bia, nên chính rượu bia là thứ “nước say” rẽ tiền rây tổn hai thân thể con người và làm tán gia bại sản cũng vì “nước say rẽ tiền ấy”.

Xưa cũng như nay, đời cũng như đạo, đã giữ giới không uống rượu, thì đừng bao giờ uống, dù đó là rượu thuốc. Ngày xưa thầy thuốc xem mạch kê toa cho người bệnh, có đôi khi chỉ định bệnh nhân dùng các lọai thuốc có ngâm rượu để uống khi có bệnh, nhưng là bệnh kinh niên, bệnh khó chữa, bệnh đã bế tắc… nên khi có bệnh trong đạo, đức Phật, nhà Thiền, nhà Chùa cho phép Phật tử khai giới uống rượu thuốc thì được uống, nhưng khi uống phải bạch cho đại chúng chư tăng, Thầy Bổn Sư được biết để uống. Cho đến khi lành bệnh, phải bạch với chư Tăng giữ giới cấm lại, không còn uống rượu nữa, nhưng đây là chuyện xưa. Còn chuyện nay thì thuốc men tinh lọc có đủ, có thừa, không nhất thiết khi bệnh phải dùng đến thuốc rượu, vì thuốc rượu sẽ là mối nguy hại “tác dụng phụ”, sau khi chạy chữa lành bệnh, bệnh nhân sẽ bị chuyển sang bệnh khác, tức là bệnh “ghiền rượu”, còn nguy hại gấp trăm ngàn lần khi chưa mắc bệnh trước đó!

Bạch Sư! Chúng con đã nghe Sư giảng về Tam Quy y và năm giới cấm của Phật ban truyền dành cho Phật tử, chúng con và gia đình xin quy y Pháp tu hành.

Rằm tháng bảy đến đây, chúng con xin đến Tu Viện quy y.

Mô Phật, mong Sư chứng minh!

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Độ Hàm Linh, Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch