Pháp Luận
Tính xã hội và nhân bản của đạo đức Phật giáo
03/12/2012 14:09 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nếp sống đạo đức Phật giáo không thể thực hiện với những người sống một mình trong rừng sâu, xa lánh xã hội và mọi người. Tuy rằng, có không ít người do chưa thấu hiểu đạo Phật, cho rằng đạo Phật chủ trương một cuộc sống tách rời xã hội và thế giới hiện thực.


Nếu nghiên cứu với thái độ không thành kiến các giới luật mà Đức Phật chế định cho hàng tại gia cũng như xuất gia, dưới ánh sáng của kinh điển Phật giáo Nguyên thủy cũng như Phật giáo Đại thừa, chúng ta thấy rất rõ tính xã hội, tính nhân bản thể hiện đầy đủ trong những giới luật đó.

Hãy lấy giới sát sanh làm ví dụ. Giới không được giết hại sanh vật có nghĩa là tôn trọng, bảo vệ sự sống của các loài hữu tình, và trước hết là tôn trọng bảo vệ sự sống của con người. Nếu nói theo từ ngữ hiện đại thì không những tôn trọng bảo vệ sự sống, mà còn nâng cao chất lượng sống, về cả hai mặt vật chất và tinh thần, thật sự tôn trọng con người, tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền. Đó chính là ý nghĩa xã hội và nhân bản của giới không sát sanh của đạo Phật.

Hiện nay, vấn đề ngăn chặn thảm họa của chiến tranh hạt nhân chính là vấn đề bảo vệ sự sống của hành tinh này. Đó là giới không sát sanh, hiểu theo tầm cỡ của cả hành tinh, của cả loài người. Nếu hiểu rộng ra nữa, thì vấn đề không phải chỉ là bảo vệ sự sống mà còn là nâng cao chất lượng sống của con người về cả hai mặt vật chất và đạo đức, tinh thần, đảm bảo mọi điều kiện cho một cuộc sống hạnh phúc và sáng tạo, một cuộc sống xứng đáng của con người có tình cảm và có lý trí. Đó chính là tính xã hội của giới không sát sanh trong Phật giáo, hiểu theo đúng ý nghĩa rộng lớn của nó.

Đối với giới không trộm cắp cũng vậy. Mặt răn đe của giới này là không được trộm cắp, không được lấy của không cho dưới tất cả mọi hình thức, lộ liễu hay tế nhị, giấu lén. Tham nhũng, hối lộ, buôn gian bán lận, lừa đảo v.v... đều thuộc phạm vi răn đe của giới này. Ai cũng có thể hiểu nếu một xã hội mà nạn tham nhũng, hối lộ, nạn lừa đảo, buôn gian bán lận trở thành phổ biến thì xã hội đó không thể tồn tại lâu dài được.

Kinh sách Phật dù là thuộc hệ Nguyên thủy hay Đại thừa đều đề cao hạnh bố thí dưới các hình thức khác nhau của nó. Thứ nhất là tài thí, tức là giúp đỡ người thiếu thốn về của cải vật chất như quần áo, đồ ăn, thức uống, nhà cửa, thuốc men, tiền bạc v.v.... Giá trị của hạnh tài thí không ở chỗ của cho nhiều hay ít mà chủ yếu là ở chỗ dụng tâm của người cho, vì lòng từ, lòng thương người thật sự; lòng bi tức là sự thông cảm sâu sắc với mọi thống khổ của đồng loại, của chúng sanh mà dấn thân chia sẻ.

Ngoài tình thương, sự thông cảm với nỗi khổ đau và bất hạnh của tất cả chúng sanh, của mọi người, người Phật tử còn trau dồi lòng hỷ xả tức là thái độ sẵn sàng chia sẻ niềm vui với tất cả mọi chúng sanh, mọi người, và nhất là tâm buông xả không chấp thủ, không vướng mắc bất cứ điều gì. Cho nên dù hình thức bố thí là thế nào, là bố thí của cải, hay bố thí pháp (pháp thí), người Phật tử chỉ có một động cơ mà thôi thúc tức là lòng từ bi hỷ xả như đã nói. Một yếu tố nữa thúc đẩy người Phật tử thực hiện hạnh bố thí không mệt mỏi là trí tuệ. Với con mắt trí tuệ, người Phật tử không thấy sự khác biệt giữa mình và mọi người, mọi chúng sanh. Đó là quan điểm vô ngã, là tinh túy của đạo đức và triết lý Phật giáo. Chủ thuyết vô ngã hướng dẫn mọi hành vi ứng xử của người Phật tử, xuất gia hay tại gia.

Người Phật tử tu hạnh Bồ-tát, tức là phát tâm tu tập theo hạnh nguyện Bồ-tát, nhằm cầu đạt quả vị Thánh cao nhất tức là thành Phật. Người Phật tử tu hạnh Bồ-tát phải là hiện thân của thuyết vô ngã. Mọi tư tưởng, lời nói và hành động của người Phật tử tu hạnh Bồ-tát phải thấm nhuần tư tưởng vô ngã, hoàn toàn không bợn chút vị kỷ. Kiếp này sang kiếp khác người Phật tử tu hạnh Bồ-tát phải làm việc không mệt mỏi để giảm nỗi khổ của chúng sanh, trợ giúp người nghèo kẻ khó, dù có phải hy sinh hạnh phúc của mình cho đến bản thân cuộc sống của mình.

Đức Phật Thích Ca, trong các kiếp trước, khi còn tu hạnh Bồ-tát đã nêu gương sáng của một cuộc sống hoàn toàn vô ngã vị tha như vậy.

Đức Phật nói trong kinh Sutta Nipata (Tập Kinh): “Hãy phấn đấu vì hạnh phúc và an lạc của những người khác”. Đối với Phật tử tu theo hạnh Bồ-tát “phục vụ là hạnh phúc và hạnh phúc chính là phục vụ”. Một cuộc sống phục vụ năng động, tích cực, không biết mệt mỏi, không đòi hỏi ai phải trả ơn, cũng không đòi ai phải ca ngợi, tán thán. Người Phật tử tu hạnh Bồ-tát phải như là người cha, người mẹ, người thầy, người anh em, người bạn đối với tất cả mọi chúng sanh. Dù là xuất gia hay tại gia, người Phật tử tu hạnh Bồ-tát đều giữ vững lập trường đó.

Lý tưởng của người Phật tử tu hạnh Bồ-tát là một lý tưởng xã hội cao đẹp nhất, vượt lên trên mọi yêu cầu của những học thuyết xã hội tiến bộ nhất của mọi thời đại. Thật là sai lầm, quá sai lầm khi phê phán đạo Phật chủ trương một nếp sống thụ động, cá nhân và vị kỷ. Và như vậy, những giới hạnh Phật chế có ý nghĩa xã hội rất to lớn.

Có thể kể ra đây những giới hạnh của đạo đức Phật giáo, có ý nghĩa xã hội lớn lao, và đã được Đức Phật nói đến khi Ngài còn tại thế, như là những giới hạnh tiêu biểu của người Phật tử:

A. Bốn nhiếp pháp: Là bốn pháp nếu thực hành thì có tác dụng thâu nhiếp, thu hút, tổ chức chúng sanh vào con đường đạo. Đó là:

a) Bố thí: giúp chúng sanh về của cải vật chất, về giảng thuyết đạo lý, bảo vệ chúng sanh khỏi bị sợ hãi.

b) Ái ngữ: nói lời thân ái dịu hiền với chúng sanh

c) Lợi hành: làm tất cả mọi Phật sự, thế sự có lợi lạc đối với chúng sanh.

d) Đồng sự: cùng làm việc với chúng sanh về tất cả mọi công việc thế sự và Phật sự có lợi.

Rất rõ ràng, bốn pháp đó chỉ có thể thực hành ở giữa xã hội, vì xã hội, vì mọi người, nhằm thu hút lôi cuốn đông đảo người vào con đường đạo chân chánh.

B. Bốn vô lượng tâm: Các Phật tử được khuyến khích tu tập bốn tâm vô lượng. Đó là:

a) Từ: Có lòng thương đối với tất cả chúng sanh như lòng thương của người mẹ đối với đứa con một của mình. Không được nhầm lẫn giữa lòng từ của Phật giáo với lòng yêu thương bình thường, lúc nào cũng pha lẫn lòng tham muốn vị kỷ, hẹp hòi và những tư tưởng chiếm đoạt cho riêng mình. Từ là lòng thương không giới hạn, không phân biệt, không đòi trả lại. Người Phật tử sống tu tập lòng từ, cũng tức là thực hiện thuyết vô ngã trong đời sống thực tế, bởi vì không còn phân biệt thân hay sơ giữa mình và người hay chúng sanh nữa.

PHAT HOC.JPG

Đức Phật vận tâm từ cảm thắng voi say Nàlàgiri

Đức Phật dạy rằng sức mạnh của lòng từ rất lớn. Những tu sĩ Phật giáo sở dĩ sống yên ổn trong rừng sâu, là chính nhờ lòng từ tỏa ra từ con người họ đã khiến cho thú dữ lại gần họ cũng trở nên thuần hóa, không làm hại họ được.

Đức Phật dạy: “Ta sống trên sườn núi. Bằng sức mạnh của lòng từ, Ta kéo lại gần ta sư tử và hổ báo, Ta sống giữa rừng xung quanh Ta là hổ báo, heo rừng, hươu nai và trăn. Không có con thú nào sợ Ta, và Ta cũng không sợ con thú nào hết. Sức mạnh của lòng từ là nơi nương tựa duy nhất của Ta. Và Ta sống trên sườn núi như vậy”.

b) Bi: Lòng bi là sự thông cảm của người Phật tử với tất cả nỗi khổ của người khác và chúng sanh. Với sự thông cảm đó, Phật tử tự nguyện dấn thân làm hết sức mình để giảm bớt nỗi thống khổ của chúng sanh, dù cho có phải hy sinh cả cuộc sống của mình.

c) Hỷ: Lòng tùy hỷ có nghĩa là chia sẻ niềm vui với mọi người được may mắn, được hạnh phúc. Tương phản với lòng tùy hỷ là lòng ganh ghét, chỉ vui khi thấy người khác buồn khổ, và không chịu được khi thấy người khác được vui. Lòng ganh ghét dẫn tới những cử chỉ và hành vi tàn nhẫn, mất cả tính người.

d) Xả: Thái độ bình thản, không dao động trước mọi khen chê, thuận cảnh cũng như nghịch cảnh là thái độ xả, một thái độ rất khó thực hành nhưng cũng rất cần thiết giữa thế giới tràn ngập hận thù, ganh ghét, vu khống và giả dối này. Với thái độ xả, người Phật tử không có tư tưởng tham đắm, cũng không có tư tưởng thù ghét, không tìm cách xa lánh những nghịch cảnh, cũng không tìm cách cầu tìm thuận cảnh, đối với bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều giữ được thái độ bình thản, vô tư, quân bình, không dao động.

Trên đây là những đặc trưng tiêu biểu của đạo đức Phật giáo, có giá trị nhân văn, nhân bản, mong rằng những nền tảng đạo đức này luôn được thể nhập và lan tỏa vào trong đời sống thực tiễn, để mỗi chúng ta có thể thiết lập một đời sống bình an nội tại, luôn hạnh phúc mỉm cười.

Thích Phước Đạt (GNO).

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch