Bài giảng
Khẳng định tính - Lời tựa
23/12/2008 12:07 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

LỜI TỰA

Tưởng đến thế giới bên kia hay cõi vô hình, con người thường có những suy nghĩ mông lung, ảo tưởng và ngờ vực đắn đo không biết Có hay Không?

Giấc mộng ngàn đời của con người là tìm về cõi sống vĩnh hằng, Thiên Đàng hay Cực Lạc. Đó là giấc mơ mộng ảo, là những vọng tưởng triền miên, mà Phật gọi là những điều giả vọng của một thế giới hiện tượng vô thường; vậy thì thế giới thường hằng ở đâu?

Thật vậy, nếu có thế giới vô thường mà chúng ta, với thân tứ đại, đang sống ắt phải có thế giới thường hằng mà những người, không có thân tứ đại, đang hiện hữu. Nói theo lý luận trong thế giới tỷ lượng của sinh linh không giác ngộ mà xét thì có bóng ắt có hình; từ bóng chúng ta tìm hình là điều rất là hợp lý. Còn Phật, là chúng sinh đã giác ngộ, cái thấy như thật, vượt khỏi lý luận mà vẫn bao trùm luận lý, thì thế giới chơn không diệu hữu ắt không thể không có.

Như khi ta thấy biết một con voi thì đó là một tri thức, được nhận lại cái thức (hình bóng) của con voi trong ký ức (Mạt Na Thức hay A Lại Da Thức). Như thế, ngay bây giờ và tại đây, mắt ta (ngũ giác quan) thấy con voi đi nữa, suy nghĩ kỹ thì sự thấy ấy vẩn sai lầm, vì lẽ mắt chỉ thấy ảnh của con voi ở võng mạc chúng ta mà thôi. Tuy cái Thấy sai lầm, nhưng cái Biết nhận được cái Thấy ấy là Thật là đúng. Con voi là Giả Danh, một đối tượng được gọi tên, nhưng cái Biết con voi là Thật, thì cái Biết đang hiện hữu và thường hằng, là cái Trí, còn con voi (Giả Danh) là cái Thức. Thức là cái bóng, không thật, cái Biết mới là thật.

Đức Phật đã từng tư duy sâu sắc về chính cái tư duy ấy và đã đạt được Giác Ngộ tức là đã từ cái Giả cái Vọng mà Gặp Biết được cái Thật cái Chơn; đó là những phương pháp tư duy giúp Ngài Giải Thoát khỏi thế giới giả vọng vô thường mà đạt đến thế giới chơn thật thường hằng.
Giác Ngộ là Giải Thoát. Đó là con đường mà Đức Phât muốn phổ độ chúng sinh thoát khỏi bể khổ bến mê đến bờ cực lạc niết bàn. Cũng là những pháp môn trong giáo lý của Ngài giúp chúng sinh đạt đến mục đích tối hậu là Giác Ngộ Giải Thoát khỏi dòng bộc lưu sanh tử.

Tuy nhiên, về mặt tri kiến thế gian thì đa dạng, con người bá nhân bá tánh nên tư duy có sự phân biệt và có nhiều tôn giáo với những giáo lý khác nhau. Dù vậy, trên mặt hình thức ngôn ngữ của cùng một xứ sở hay cùng dịa phương hay đoạn đường đi (một phần không gian hay hình thức giáo lý) có thể trùng hợp, không thể tránh khỏi, nhưng cứu cánh không thể nào giống nhau.

Thời gian làm phát triển, thay cũ đổi mới, không gian biến chuyển sự kiện, thay đổi ngôn ngữ, đó là lịch trình huyễn hóa sự vật; những điều đó được lịch sử ghi lại.

Hình thức, thời không, lịch sử của một con người dù có trùng hợp, nhưng mỗi người đều có đặc điểm riêng của nhân vị của mỗi người không ai giống ai. Ông A có tướng giống Ô. B về gương mặt, tướng đi, ăn mặc v.v... nhưng Ô. A vẫn là Ô. A, Ô. B là Ô. B, thì phải khác nhau về khía cạnh Danh, ngay cả Sắc nữa.

Giáo lý của các tôn giáo tự nó là những mẫu mực để giúp con người noi gương hầu thực hành mà đạt đến mục đích của đạo, chỉ có con người với trí phân biệt nên sanh ra nhiều kiến chấp để rồi gây xung đột hiềm khích xuyên tạc tôn giáo ngoài mà quên mất chính đức tính tốt trong giới luật của đạo mình.

Để khẳng định giáo lý của Phật hoàn toàn khác với các giáo lý của các tôn giáo khác, nhất là sự lầm lẫn giữa Bà La Môn Giáo và Phật Giáo, chúng tôi mạo muội xin có những nhận định phần cốt tủy cứu cánh của Phật giáo để tỏ rõ các sự khác biệt ấy.

Mùa Thu 2003

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch