Bài giảng
Khẳng định tính - Giáo lý giải thoát của Phật giáo - 1
23/12/2008 12:07 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

VI. GIÁO LÝ GIẢI THOÁT CỦA PHẬT GIÁO

A. Phật Giáo Nguyên Thủy (Thích Quảng Độ Việt dịch)

Phương châm tu đạo căn bản

Theo Kimura Taiken, nói một cách đơn giản, theo Phật, cái lý tưởng của sinh mệnh vô hạn, trước hết, nhờ vào sự siêu việt hiện thực mà đạt được. Nói cách khác, thay vì đề cao sinh mệnh vô hạn, tận lực thuyết minh nó, thì lại dựa vào cái sinh mệnh hữu hạn này để mà giải phóng con người, nhờ đó mà lý tưởng của người ta mới có thể thực hiện được. Vì, theo Phật, cho dù yêu cầu của sinh mệnh vô hạn có là căn cứ của lý tưởng đi nữa thì đó chẳng qua cũng chỉ nói về phần tiềm tàng nội tại mà thôi. Trái lại, giải thoát là phải nhìn thẳng vào hiện thực, nên nhờ sự bức bách hiện thực mà được thoát ly thì phần nội tại cũng tự mở ra một cảnh giới kỳ diệu, bất tử: cái mà Phật gọi là giải thoát (mokkha), là niết-bàn (nibbana) chính là ở đó.

"Như thế, ta là sinh pháp, ở trong sinh pháp sinh ra bi thống mà cầu vô sinh, vô thượng an ẩn niết-bàn. Ta từ lão pháp, ở trong lão pháp, biết được bi thống mà cầu vô lão, vô thượng an ẩn niết-bàn và đã được...cho đến bệnh, tử, não cũng thế" ưu, bi, khổ

Trên đây là những lời Phật thuật lại sau khi thành đạo, có nghĩa là khi khám phá được sinh, lão, bệnh, tử hiện thực tức là đã tự biết được cái bất sinh bất diệt mà thể hiện sinh mệnh tuyệt đối vậy. (Nguyên Thủy Phật Giáo Tư tưởng Luận,Thích Quảng Độ Việt dịch)
Sau đây là một số tiêu biểu thực hiện để mở cánh cửa giải thoát.

1.- Thiền niệm hơi thở

Tài liệu sau đây về pháp Thiền nầy căn cứ theo cuốn ‘’Hành Thiền’’ của hòa thượng Thích Minh Châu. Hòa thượng đã trình bày pháp môn nầy rất đầy đủ, chỉ rõ cách tu đúng thuần túy theo lời Phật dạy. Hòa thượng dịch tên Thiền nầy là ‘’Thiền niệm hơi thở vô hơi thở ra’’. Trong khi dịch bộ Samyutta Nikàya (Tương Ưng Bộ kinh) hòa thượng thấy pháp môn Anapanasati được diễn tả trong kinh ‘’Một Pháp’’ (Tương Ưng, trang 239). Nhận thấy pháp môn nầy tương đối dễ áp dụng và có nhiều ích lợi nên hòa thưởng viết cuốn sách đó để chỉ dẫn. Kinh chỉ rõ trong khi chú niệm theo dõi hơi thở thì khởi quán như sau:

1. Thở vô dài, tôi biết rõ tôi thở vô dài.
Thở ra dài, tôi biết rõ tôi thở ra dài.
2. Thở vô ngắn, tôi biết rõ tôi thở vô ngắn.
Thở ra ngắn, tôi biết tôi thở ra ngắn.
3. Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô.
Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra.
4. An định thân hành, tôi sẽ thở vô.
An định thân hành, tôi sẽ thở ra.
5. Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô.
Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra.
6. Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô.
Cảm giác lãc thọ, tôi sẽ thở ra.
7. Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô.
Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra.
8. An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô.
An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra.
9. Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô.
Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra.
10. Với tâm hân hoan, tôi sẻ thở vô.
Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra.
11. Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô.
Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra.
12. Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô.
Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra.
13. Quán vô thường, tôi sẽ thở vô.
Quán vô thường, tôi sẽ thở ra.
14. Quán ly tham, tôi sẽ thở vô.
Quán ly tham, tôi sẽ thở ra.
15. Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô.
Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra.
16. Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô.
Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra.
Cốt tủy của giáo pháp (Phổ Nguyệt)

Nhìn vế nguyên lý Thấy Biết Bình Đẳng, đầu tiên quan sát hay theo dỏi khi hít hơi vô tôi cảm giác được, ngay đó tôi biết tôi thở vô. Giác thức hay tri giác hơi thở vô, tôi biết thật có hơi vô. Biết được thì rõ ràng, cái biết (giác trí) đó thì thật và hằng hữu, khi có giác thức thì biết thật có, khi không có giác thức thì cũng biết thật không có, còn giác thức thì lại khác, khi quan sát đối tượng thì mới hiện hữu. Khi không có đối tượng thì không có cảm giác và tri giác. Thấy (cảm nhận), Biết (nhận thức) thì bình đẳng và đồng nhất thể, nên từ tánh thấy trọn vẹn thì biểu hiện nhận thức tánh biết (nhận thức) được toàn diện. Cho nên thở vô dài hay thở ra dài, tôi Biết hơi thở ấy một cách rõ ràng và liền xa lìa cái Biết ấy luôn, thì bặt các nhân duyên chằng chịt, tư tưởng.Từ nguyên lý thấy biết bình đẳng, cảm giác về thân hành, hỷ thọ, lạc thọ, tâm hành, tâm, tâm hân hoan, tâm định tĩnh, tâm giải thoát, quán vô thường, quán ly tham, quán đoạn diệt và quán từ bỏ là những quá trình tĩnh giác hay thắp sáng hiện hữu. Từ tri vọng là Biết được những thức quá khứ, cảm giác thì Biết được đối tượng ở thời hiện tại, còn tưởng tượng (ước vọng) thì Biết được tưởng thức ở tương lai. Tuy nhiên, tánh Biết lúc nào cũng hiển hiện, còn tánh Thấy (tri giác) thì ba thời bất khả đắc. Tóm lại, vọng thức, niệm khởi và tưởng thức thì thay đổi không nắm bắt được, đó là lịch trình tư duy huyễn hóa theo thời gian và đối tượng. Còn tánh Biết khi vượt khỏi thời không thì trở nên Giác Trí Tuệ hay Giác Ngộ toàn diện (xem phần nhị bội phủ định nhận thức sự vật ở phần trên).

2.Nghĩa chữ "Không" theo Đạo Phật Nguyên Thủy; trích đoạn. (Thích Minh Châu)

Thường thường Đạo Phật được xem là đạo Sắc Sắc Không Không, nhất là đối với Việt Nam ta, chữ Sắc Không trở thành chữ đầu môi chót lưỡi để diễn tả đạo Phật. Để hiểu rõ hơn danh từ Không–tức là Sunnata–được giải thích trong kinh Tiểu Không (Pali), đức Phật xác nhận nhờ trú ‘’Không’’ nên đã an trú rất nhiều, và ngài giảng kinh nầy để khích lệ vị tỷ kheo nên hành trì ‘’không tánh’’ một cách chơn thực không điên đảo.

Vị Tỷ kheo tại trú xứ nào, những gì tại trú xứ ấy không có, thời phải quán là không có. Những gì tại trú xứ ấy thực có, thời phải quán là thực có.

Tại thiền chứng nào chứng được, những gì thiền chứng ấy không có, thời phải quán là không có, nhưng những gì thiền chứng ấy có, thờI phải quán là thực có.

Như vị Tỷ kheo đến trụ tại một tịnh xá ở làng tại đấy ‘’không có voi, bò, ngựa cái, không có vàng và bạc, không có đàn ông đàn bà tụ hội’’, thời phải quán những sự vật ấy là không. Nhưng có cái không phải không, là sự hiện diện của chúng tăng ở trong tịnh xá, thời phải quán chúng tăng là có, nói rõ hơn, thôn tưởng không có, nhưng nhớ tưởng thì có.

Nay vị ấy từ bỏ tịnh xá trong làng, vào ngôi rừng tu hành một mình. Tại ngôi rừng không có làng, không có Tỷ kheo chúng, nên vị Tỷ kheo không tác ý thôn tưởng, không tác ý nhơn tưởng, nhưng vị đó ở trong rừng, rừng là thực có, nếu tác ý lâm tưởng, vị ấy tuệ tri, các ưu phiền do duyên thôn tưởng, do duyên nhơn tưởng không có hiện hữu, nhưng các ưu phiền do duyên lâm tưởng thật sự có mặt. Cái gì có mặt, vị ấy xem như vậy là thật có. Hành trì như vậy được gọi là hành trì "không tánh"

Vượt qua các thiền chứng về Vô sắc giới, vị ấy không tác ý Vô sở hữu xứ tưởng, không có tác ý Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chỉ tác ý sự nhất trí do vô tướng tâm định. Nghĩa là vị nâỳ chứng được tâm định nhờ dùng một đối tượng không có tướng nên gọI là ‘’vô tướng tâm định’’.
Vị Tỷ kheo quán vô tướng tâm định nầy thuộc hữu vi do tâm tự tạo nên chịu như vậy là vô thường, chịu sự đoạn diệt. Do quán như vậy, vị ấy được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Như vậy vị ấy tuệ tri:’’ Các ưu phiền do duyên dục lậu...do duyên hữu lậu...do duyên minh lậu... không có mặt ở đãy. Và chỉ một ưu phiền nầy tức là sáu nhập (mắt, tai mũi, lưỡi, thân, ý) duyên mạng, duyên với thân nầy’’.

Nói một cách khác, khi vị Tỷ kheo chứng quả giải thoát vị ấy tuệ tri các dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu không có mặt, đã được đoạn tận. Nhưng vị ấy vẫn còn thân, sáu nhập duyên với mạng sống. Do vậy đối với vị ấy, ‘’chỉ có một cái nầy không phải không, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân nầy.Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại ở đây, vị ấy biết cái kia có, cái nầy có. Cái nầy đối với vị ấy là như vậy, là thật có, không điên đảo, sự thực hiện là ‘’không tánh’’ hoàn toàn thanh tịnh’’.

Như vậy đối với đoạn kinh trên, đối với vị Tỷ kheo thực hành, tùy theo trú xứ, hoặc ở làng, hoặc ở rừng, hoặc tụ đông người, hoặc tụ một mình,, những gì tại trú xứ ấy không có, vị Tỷ kheo quán là không. Còn những gì tại trú xứ ấy có, thời quán là thực có. Còn tại thiền chứng nào, như khi chứng quả Niết Bàn giải thoát, thì vị ấy tuệ tri được các lậu hoặc là không có, vì đã được đoạn trừ, nhưng còn cái thân hữu dư y, cái thân sáu nhập duyên mạng, thời thân ấy vẫn thật có. Thân đã có thời có những ưu phiền do thân nầy gây nên, nên đã có thân, thời có già, có bệnh, có chết. Nhưng vì vị nầy đã giải thoát, nên không có sầu bi khổ ưu não, dầu thân có bệnh có già có chết.

Như vậy kinh nầy định nghĩa chữ Không, tùy theo trú xứ, tùy thuộc Thiền chứng, những gì thật không có thời quán là không có. Còn những gì thực sự là có, thời quán thật sự là có.

Cốt tủy của giáo pháp
* Đối tượng có tướng, tức là ở trong sắc giới hay trong thế giới hiện tượng, thì sự quan sát qua tiền ngũ căn. Cảm giác đối tượng hiện có thì Biết thật Có, khi đối tượng không có hiện diện thì Biết thật Không Có. Nhận thức hiện hữu như vậy thật là đầy đủ không thêm không bớt, đó là Tánh Biết nhận diện Thực Tại một cách toàn diện (Phổ Nguyệt).

* Khi đối tượng không có tướng, vô sắc giới thì không có tác ý Vô sở hữu xứ hay Phi tướng phi phi tưởng xứ, tức là không có tác ý đối tượng ở trong sắc giới (trong không gian hiện hữu), mà chỉ tác ý sự nhất tri do vô tướng tâm định, nghĩa là nhớ tưởng đối tượng ở trong tâm (thức, hay vô tướng tâm định) mà Biết được. Biết được Vọng thức (quá khứ) hay Tưởng thức (tương lai) được Trí nhận thức toàn diện. ‘’Tri Vọng’’ cũng là vượt qua các thiền chứng về Vô sắc giới. Quán vô tướng tâm định nầy thuộc hữu vi, do tâm tự tạo nên những thức ấy vô thường. Quán như vậy, tức là cái Biết vượt qua cái thức, được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Đó là Giác Ngộ.

3.Kinh Nhất dạ hiền giả (Bhađdekaratta sutta) (Thích Minh Châu dịch)

Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ỏ Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà lâm), tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Ở đãy Thế Tôn gọI các Tỷ kheo: "Này các Tỷ kheo".-"Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các vị Tỷ kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
- Này các Tỷ kheo, Ta sẽ thuyết giảng cho các Ông:
"Nhứt dạ hiền giả" (Bhađdekaratta), tổng thuyết và biệt thuyết. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ thuyết giảng.
-Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động không rung chuyển
Biết vậy nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Đêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt dạ hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.

Và nầy các Tỷ kheo, thế nào là truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ:’’Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ’’, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; ‘’Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ’’, và truy tìn sự hân hoan trong ấy; ‘’Như vậy là tưởng của tôi trong quá khứ’’, và truy tìm sự hâm hoan trong ấy; ‘’Như vậy là hành của tôi trong quá khứ’’, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; ‘’Như vậy là thức của tôi trong quá khứ’’, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ kheo, là truy tìm quá khứ.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là không truy tìm quá khứ?

Vị ấy nghĩ:’’Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ’’, và không truy tm sự hân hoan trong ấy; ‘’Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ’’, và không truy tìm sự hân hoan trobng ấy; ‘’Như vậy là tưởng của tôi...Như vậy là hành của tôi...Như vậy là thức của tôi trong quá khứ’’, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ kheo, là không truy tìm quá khứ.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là ước vọng tương lai? Vị ấy nghĩ: ‘’Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai’’, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; ‘’Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai’’, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; ‘’Mong rằng như vậy sẽ là tưởng của tôi...là hành của tôi... Như vậy là thức của tôi trong tương lai’’, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ kheo, là ước vọng trong tương lai.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là không ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: ‘’Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai’’, và không truy tìm hân hoan trong ấy; ‘’Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai’’, và không truy tìm hân hoan trong ấy; ‘’Mong rằng như vậy sẽ là tưởng...sẽ là hành...sẽ là thức của tôi trong tương lai’’, và không truy tìm hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỷ kheo, là không ước vọng trong tương lai.

Và nầy các Tỷ kheo, như thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Tỷ kheo, có kẻ vô văn phàm phu không đi đến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh; không tu tập pháp các bậc Thánh; không đi đến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán sắc là tự ngã, hay quán tự ngã là có sắc, hay quán sắc trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong sắc, hay vị ấy quán thọ là tự ngã, hay quán tự ngã là có thọ; hay quán thọ là trong tự ngã, hay quán tự ngả là trong thọ, hay vị ấy quán tưởng là tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán tưởng là trong tự ngã; hay vị ấy quán hành là tự ngã, hay quán tự ngã là có hành, hay vị ấy quán hành là trong tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã trong hành; hay vị ấy quán thức là tự ngã, hay quán tự ngã là có thức, hay quán thức trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thức. Như vậy, này các Tỷ kheo, là bị lôi cuón trong các pháp hiện tại.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Tỷ kheo, có vị Đa văn Thánh đệ tử đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân. Vị nầy không quán sắc là tự ngã, không quán sắc là trong tự ngã, không quán tự ngã trong sắc; không quán thọ...không quán tưởng...không quán hành... không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không quán thức trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy, này các Tỷ kheo, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.
Khi ta nói: ‘’Này các Tỷ kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông: ‘Nhứt dạ Hiền giả’, tổng thuyết và biệt thuyết’’, chính duyên ở đây mà nói vậy.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

Hoà thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Cốt tủy của giáo pháp (Phổ Nguyệt)

Dòng tâm thức nối tiếp từng sát na sanh diệt liên tục luôn trôi chảy không ngừng, do đó tri giác không thế nào nắm bắt thực tại một cách toàn diện được. Không gian bao la, ngũ giác quan không định vị chính xác được vì mỗi căn chỉ cảm nhận phần chức năng của mình, chẳng hạn như mắt chỉ thấy không thể nghe v.v...Thực tại toàn diện không thể giao cho tiền ngũ căn nhận thức trong không gian và thời gian trọn vẹn.

Thời gian huyễn hóa. Quá khứ đã qua và đã đoạn tận, tri giác không thể nhận diện., nên không truy tìm. Tương lai chưa đến, đối tượng không có mặt làm sao cảm nhận được, nên không ước vọng trong tương lai. Hiện tại là thời gian đang trôi chảy nối tiếp những điểm li ti sát na sanh diệt, là cái Đang Là, không nắm bắt được. Tam thời bất khả đắc, nên Phật dạy, quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, và không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Nhưng chỉ có pháp hiện tại, thì Tuệ Quán mới có thể nắm bắt đựợc. Tuệ quán được hiển lộ thực sự trong chuyển động của pháp hiện tại (trong động tác đang là). Trong động tác đang là cuả pháp hiện tại nối tiếp những điểm sát na sanh diệt. Nhận thức ngay thực tại điểm của tri giác nguyên sơ và liền xa lìa nhận thức đó. Tri giác nguyên sơ là chơn thức vừa cảm nhận (vừa sanh) là vừa nhận biết thì chơn thức ấy (giác thức nguyên sơ) biến thành Giác Trí, nên gọi là Chơn thức sanh mà vô sanh vì điểm sát na sanh mà không bị diệt, do mủi tên Tuệ quán nhắm trúng và đã chuyển thức thành trí rồi. Cho nên Phật dạy, Tuệ Quán ở nơi pháp hiện tại, không động không rung chuyển. Vì lẽ chơn thức (tri giác nguyên sơ) là một điểm nhận thức có thật trong động tác nhận thức đầu nguồn của tri giác. Thực tại điểm nầy thì không động, không rung chuyển vì một điểm có thật một cách toàn diện không thêm không bớt, chính nó là nó ở đó và lúc đó (vô thời không).
Đó mới thật sự Giác Ngộ mọi sai lầm của Tri Giác và Giải Thoát khỏi dòng bộc lưu sanh tử.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch