Bài giảng
Lý tưởng Bồ-Tát
22/12/2008 17:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

A. GIỚI THIỆU:

Chúng ta có thể nói sự phát triển lý tưởng Bồ tát là một trong những thành tựu quan trọng nhất của Phật giáo Đại thừa. Lý tưởng Bồ-Tát rõ ràng có một vài khác biệt so với lý tưởng A-la-hán. Hai lý tưởng này là những điểm giáo lý đặc thù của Phật giáo Nguyên Thuỷ và Phật giáo phát triển. Một vị A-la-hán là người đã hoàn toàn giải thoát, không còn tái sinh, truyền bá chính pháp cho mọi người. Đức Phật khuyên bảo các đệ tử nên sống với lý tưởng này, lợi ích và giải thoát cho mình và cho số đông. Lý tưởng A-la-hán như thế đã được các đệ tử Phật thực hành trong suốt 3 thế kỷ sau khi Phật nhập diệt. Thời gian trôi qua dường như các đệ tử Phật quên đi một số khía cạnh quan trọng của lý tưởng này, như nghĩa vụ truyền bá chính pháp lợi lạc cho số đông. Sự lãng quên này diễn ra trong những thế kỷ tiếp theo tức vào khoảng thế kỷ thứ 2 TTL. Các vị lo cho tự ngã nhiều và thích ẩn cư, thiền quán, không thích dấn thân vào xã hội để làm lợi lạc quần sinh. Các vị chỉ chú trọng đến sự giải thoát khỏi tội lỗi và khổ đau cho chính tự thân, không lo nhiều đến việc giáo hoá và giúp đỡ mọi người. Lý tưởng Bồ tát Đại Thừa được hình thành để chống lại tư tưởng thiếu nhiệt tâm của một số tu sĩ trong việc truyền bá chính pháp, lợi lạc quần sinh.1

B. LÝ TƯỞNG BỒ TÁT
I.Giải thích thuật ngữ:
Theo từ nguyên học, thuật ngữ kết hợp bởi 2 từ: Bodhi và sattva.
bodhi : giác ngộ, tỉnh thức (enlightenment)
sattva : từ này được giải thích nhiều nghĩa khác nhau, như:
1) Thật tính, tự tính (true essence, nature, essence) . Như vậy Bodhisattva có nghĩa: trí tuệ là thật tính, tự tính của con người.
2) Chúng sinh, hữu tình (living being, sentient being). Như vậy Bodhisattva có nghĩa: một hữu tình giác ngộ.
3) Tinh thần, tâm, thức. Như vậy Bodhisattva ở đây có nghĩa: Người có tâm, ý định, tư tưởng hay ước nguyện phù hợp với giác ngộ.
4) Thai tạng chứa đựng tri thức, tri thức đang tìm ẩn, chưa phát triển
5) Sự sáng suốt.
6) Năng lực, sức mạnh, nhiệt tâm. Đây có nghĩa: Người có năng lực hướng đến giác ngộ.
Chúng ta có thể nói rằng lý tưởng Bồ tát có nguồn gốc từ chính Phật giáo không bị ảnh hưởng bởi Hindu hay Jaina. Không có từ bodhisatta hay bất cứ một từ nào có cấu tạo tương tự xuất hiện trong văn chương Phệ-đà văn chương Hindu hay Jaina.(2)
.II.Sự hình thành khái niệm Bồ Tát:
1.Bồ-tát Phật giáo Nguyên thủy:
Trong 3 trường phái chính của Phật giáo sơ kỳ Thượng Toạ bộ (Sthaviravāda) Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvāstivāda) và Đại Chúng bộ (Mahāsaṇghika), (2 trường phái sau bắt nguồn từ Thượng Toạ bộ), Thượng Toạ bộ chủ trương lý tưởng A-la-hán. Nhất Thiết Hữu bộ chủ trương quan điểm mọi hành giả chẳng những có thể đạt được quả vị A-la-hán mà còn đạt được quả vị Duyên giác hay Phật. Đại Chúng bộ tin rằng chỉ có một Bồ tát là tiền thân của Phật Thích-ca. Trước khi thành Phật ngài đã tu tập trải qua nhiều kiếp trong quá khứ. Theo Thượng Toạ bộ từ bodhisatta được sử dụng để chỉ riêng cho đức Phật Gautama trước khi ngài chứng đạt giác ngộ. Tất cả những việc làm của ngài trong quá khứ gọi là Bồ tát hạnh. Như vậy Bồ tát chỉ cho tiền thân của Phật, và Bồ tát là giai đoạn trước khi Phật chứng đạt quả vị Phật như được ghi trong Jātaka và một số kinh khác. Bằng cách áp dụng giáo lý nghiệp và tái sanh, được chấp nhận ở Ấn độ ngay cả trước Phật giáo ra đời, Phật giáo Nguyên Thủy sử dụng thuật ngữ Bồ-tát rộng hơn để ám chỉ những kiếp quá khứ của thiện nhân tầm cầu giác ngộ.(3)
Khi chứng đạt giác ngộ Phật sinh hoạt, sống và chết giống như một con người. Chính ngài tuyên bố ngài là Phật và không phải thiên thần hay một chúng sinh siêu nhiên nào. Ngài chỉ là người phát hiện ra chân lý. Sự vĩ đại của ngài là đã tìm ra chân lý vẫn hiện hữu nhưng các triết gia, các nhà khai sáng tôn giáo cùng thời không nhận rõ được hay chỉ nhận ra một cách phiến diện. Ngài là người siêu việt, hoàn thiện trí tuệ và đạo đức. Tiểu thừa Phật giáo quan niệm đức Phật không phải là một nhà siêu hình lý thuyết hay một nhà duy vật. Ngài cũng không phải là một nhà tôn giáo, đòi hỏi sự trung thành vô điều kiện của tín đồ. Ngài là một người đã tự hoàn thiện đạt được trạng thái tinh thần ở mức độ cao nhất mà con người có thể đạt được.
Có 18 trạng thái bất hạnh Bồ-tát không sanh vào. Ngài không bao giờ mù, điết, điên, què, giữa những loài độc ác, nô lệ, người cùi, tà đạo. Ngài không bao giờ thay đổi giới tính, không phạm ngũ nghịch tội. Nếu có sanh vào loài thú, ngài không bao giờ làm loài lớn hơn voi hay nhỏ hơn chim cút. Ngài không sanh trong loài ngạ quỷ hay a-tỳ địa ngục…. Ngài không sinh vào ma đạo, vô sắc giới... Bồ tát sinh vào nhiều hình thức chúng sinh là do nguyện lực không phải nghiệp lực, sự sinh này là nhằm vào mục đích truyền bá chính pháp cho mọi chúng sinh. Những quan điểm này chúng ta có thể tìm thấy trong Jātaka, Śikṣāsamuccaya Bodhicaryāvatāra. Bồ-tát sinh ra không từ sự dơ nhớp. Khi ngài sinh, có 2 vòi nước nóng, lạnh từ trên trời tưới xuống tắm mẹ và con. Thái tử đi về hướng Bắc bảy bước, đứng vững, nhìn mọi hướng và thấy không ai bằng mình, tuyên bố ngài siêu việt trên mọi cõi và đây là kiếp sống cuối cùng của ngài. Sau khi sinh 7 ngày, người mẹ chết. Bà chết vì bà không còn mang bất cứ chúng sanh nào.(4)
Danh hiệu Phật bắt đầu chỉ từ lúc ngài giác ngộ. Thỉnh thoảng đức Phật đề cập đến những kiếp trước của mình trong các bài pháp mà Phật giảng cho mọi người để giải thích một điểm giáo lý nào đó. Chúng ta thường thấy những cụm từ Phật sử dụng như: "Khi ta vẫn còn là Bồ-tát". Những quan điểm này được tìm thấy trong các kinh, như: kinh Mahāgovinda(5), và Makhādeva(6) .v.v…
Theo quan điểm Nguyên Thuỷ, cuộc sống cuối của Bồ-tát trên cung trời Tusita (Tusita dịch âm là Đâu-suất, dịch nghĩa là Hỷ túc, Diệu túc), ngài có những năng lực kỳ diệu của những vị thần Ấn độ. Một Thánh nhân như vậy ở trên cõi trời Tusita trong kiếp sống cuối cùng, chọn đúng thời gian để sinh vào loài người. Thánh điển Pāli công nhận Bồ-tát như là một chúng sinh hy hữu xuất hiện trong một thời điểm không gian và thời gian nhất định. Những tác phẩm sau này như Phật sử (Buddhavaṃsa) , Sở Hạnh Tạng (Cariyapitaka), chú sớ Pāli và Kinh Đại thừa tiếp tục phát triển khái niệm Bồ-tát. Nguyên Thuỷ không chấp nhận nhiều vị Phật và Bồ-tát ở trời Tusita. Như chúng ta biết tư tưởng của Tiểu Thừa là giải thoát cá nhân, không lấy việc độ tha làm điều tất yếu. Thinh Văn được xem là lý tưởng tối cao của Nguyên Thuỷ. Còn việc hành Bồ tát đạo như Đại Thừa họ không chú trọng, đôi khi tự cho rằng mình không đủ khả năng để hoá độ tất cả chúng sinh như hạnh nguyện của Bồ tát Đại thừa. Theo Tiểu thừa trải qua hàng ức triệu năm mới có một Đức Phật ra đời. Như vậy không có 2 vị Phật cùng ra đời. Họ chỉ chấp nhận vị Bồ tát tiền thân Phật Thích Ca, không chấp nhận các vị Bồ tát khác như Văn Thù, Phổ Hiền hay Quan Âm.
2.Bồ-tát Đại thừa Phật giáo:
Ðại Thừa có chủ trương khác, họ cho rằng mọi người đều có khả năng thành Phật, giác ngộ. Vị đã giác ngộ có trách nhiệm giúp người khác giác ngộ. Quan điểm của Ðại Thừa có tính nhập thế, tham gia làm lợi ích cho xã hội. Như vậy mọi người đều có thể là Bồ tát có trách nhiệm giáo hoá quần sinh. Đại thừa giải thích có vô số Phật và Bồ-tát trên cõi trời Tusita. Các ngài thực hành hạnh lợi tha. Luôn tích cực hoạt động phục vụ chúng sinh. Giáo lý Bồ-tát Đại thừa đề cập đến các vị Phật trong tương lai.(7) Chư Bồ tát đang hành Bồ tát đạo để chứng đắc Phật quả trong tương lai như Phật Di Lặc. Kinh Cakkavatti-sīhanāda, là một trong những kinh có đề cập đến Di Lặc sớm nhất.(8) Kinh này có thể được hình thành ngay sau thời vua A-dục (TK thứ 3 TTL) tức khoảng năm 200 TTL hoặc sớm hơn. Vì nội dung kinh có những điểm giống trong các bia ký của vua A-dục. Khi giáo lý Phật tương lai được chấp nhận, niềm tin Bồ-tát được phổ biến. Như vậy sự phát triển lý tưởng Bồ-tát của Đại thừa Phật giáo dựa trên cơ sở lý tưởng nguyên thuỷ. Những hình tượng thuộc nghệ thuật Gandhara và Mathura cho thấy các vị Bồ-tát Di-lặc, Quán Âm trong hình thức con người sang trọng thường có râu mép, đeo đồ trang sức. Những hình tượng này thường thấy trong các bảo tàng viện trưng bày nghệ thuật Gandhara và Mathura.(9) Khi nhìn vào những hình tượng này chúng ta biết ngay những tượng Bồ Tát này thuộc trường phái nghệ thuật nào.
Theo quan điểm Đại thừa, một vị Bồ Bồ tát không nhất định phải là những nhà tu hành và theo đạo Phật, Bồ Tát bao gồm đủ mọi hạng người. Bồ tát thật sự là bồ tát khi không còn chấp thủ một điều gì và luôn có tâm buông xả tất cả kể cả hạnh phúc của riêng mình, thực hành 6 pháp Ba-la-mật. Trong kinh Bát Nhã Bồ tát thường kết hợp từ Đại Nhân (Mahāsattva).(10) Chúng ta thấy sự phân chia bộ phái trong Phật giáo bắt đầu từ thời kỳ kiết tập Kinh điển lần 2. Với sự tách biệt của Đại chúng bộ cũng góp phần cho việc phát triển khái niệm Bồ-tát trong văn chương Đại chúng, nó đánh dấu sự bắt đầu của Đại thừa. Giáo lý của Phật giáo là vừa lý thuyết và thực hành, trước tiên hành giả phải hiểu rõ/thông đạt được lý thuyết sau đó mới áp dụng vào thực tiễn qua việc tu tập, rèn luyện tinh thần. Hành giả sẽ loại trừ trạng thái tiêu cực của tinh thần và đạt được sự an lạc của Niết-bàn. Mỗi chúng sanh có khả năng đạt được trạng thái an lạc này. Đến đây chỉ đạt được tự lợi, tư tưởng Bồ tát nhấn mạnh đến lợi tha. Tuy mình được an, mình không làm tổn hại ai nhưng mình chưa đem lại lợi ích cho số đông, cho nhiều người thì chưa phải tinh thần Bồ tát Đại thừa.
Tư tưởng Bồ tát Đại thừa phê phán quan điểm không uyển chuyển và tính tự lợi không lợi tha, không phải chống đối tư tưởng A-la-hán. Thời gian trôi qua người ta hiểu lầm biến sự chỉ chỉ trích tính tự lợi thành sự phản đối quan điểm A-la-hán. Giáo lý của Phật giáo đi từ tự lợi đến lợi tha, không dừng lại ở tự lợi ở sự quá cứng nhắc.
III.BỒ TÁT HẠNH:
Có 2 hạng Bồ Tát:
1. Bồ-tát đã giác ngộ, không còn bị vướng trong vòng sinh tử luân hồi nhưng do hạnh nguyện nên sinh vào các cõi để giáo hoá độ sinh.
2. Bồ-tát đang trong giai đoạn tu tập, thực hành Bồ-tát đạo, tu học để tiến đến quả vị Bồ-tát.
Bồ-tát nguyện, Bồ tát hạnh và Bồ đề tâm là ba yếu tố quyết định đưa đến Phật thừa. Khi Bồ-tát phát thệ trước một vị Phật để trở thành một vị Phật tương lai, đem lại lợi ích, an lạc, và giải thoát cho tất cả chúng sanh, đó là lúc ngài thực hành Bồ-tát hạnh. Sơ phát tâm Bồ-tát phải hoàn thành một số điều kiện (8 điều kiện). Người phát tâm phải là chúng sanh, phát triển tinh thần đầy đủ để trở thành một vị A-la-hán trong chính đời này... Khi thệ nguyện trước một vị Phật, Bồ-tát phải có định tâm và có thể sẵn sàng hy sinh tánh mạng. Thệ nguyện hoàn toàn bất thối. Phát tâm Bồ đề là phát tâm tu tập đạt được giác ngộ và giáo hoá giải thoát cho tất cả chúng sanh. Đây là phát tâm đạt được đại trí, trí thấy được tính không của các pháp và tâm đại bi giáo hoá, giải thoát cho tất cả chúng sinh.
Bồ-tát phát nguyện hy sinh 5 loại: từ bỏ vợ, con, vương quốc, cuộc sống, tánh mạng. Từ khi phát tâm Bồ-tát cho đến khi ngài chứng đạt giác ngộ, tất cả hoạt động của ngài đều hướng về việc thực hành các pháp hoàn thiện (pāramiā, ba-la-mật). Những sự hoàn thiện này được liệt kê hơi khác nhau giữa Pāli và Sanskrit. Tuy nhiên trên cơ bản giống nhau. Đây là những pháp giúp hoàn thiện đạo đức, tinh thần và lợi tha. Theo hệ Sanskrit chỉ có 6 ba-la-mật. Sáu ba-la-mật được đề cập trong các tác phẩm Phật giáo Sanskrit như: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền đinh, trí tuệ. Bốn loại ba-la-mật phụ: tiện, nguyện, lực, trí. Thánh điển Pāli liệt kê là 10 ba-la-mật. (11)
Thời gian hành Bồ-tát hạnh dài ngắn khác nhau: Có vị thực hành ba-la-mật thời gian ít nhất bốn a-tăng-kỳ-kiếp (asankheyyas) và một ngàn kiếp (kappas), những vị khác ít nhất tám a-tăng-kỳ-kiếp và một trăm ngàn kiếp (kappas), nhưng cũng có vị đến mười sáu a-tăng-kỳ-kiếp và một trăm ngàn kiếp (kappas). Trong tất cả các giai đoạn, giai đoạn thứ nhất có thời gian ít nhất dành cho những vị có trí tuệ siêu việt, giai đoạn hai dành cho những vị có tín tâm siêu việt, gian đoạn còn lại dành cho những vị có sự kiên nhẫn siêu việt. Qua cuộc sống hành đạo của Bồ tát trong nhiều kiếp quá khứ, chúng ta thấy rằng các vị luôn tinh tấn, nỗ lực để đạt được đại bi và đại trí. Mỗi hành giả cần phải trải qua nhiều đời tu tập mọi công hạnh mới chứng đạt được các quả vị. Thế nhưng đối với người lợi căn giác ngộ cũng có thể đạt được trong một thời gian nhất định nào đó. Có nghĩa là trong một thời gian ngắn không cần trải qua nhiều kiếp tu tập. Kinh cũng thường khẳng định rằng sự chứng đạt diễn ra trong đời này, bắt buộc hành giả phải có một số phẩm chất cần thiết.
Nguyện lực là điều quan trọng của Bồ tát. Nhờ nguyện lực mà Bồ tát kiến tạo Phật quốc, không phải chỉ phát nguyện trong một đời mà nhiều đời, nhiều kiếp trong vòng luân hồi để cuối cùng thực hiện được nguyện lực. Nguyện lực có 2: tổng nguyện và biệt nguyện.
Tổng nguyện là nguyện mang tính chung. Nguyện tiêu biểu của tất cả Bồ tát như Tứ hoằng thệ nguyện. Đây là tinh thần đặc sắc của Ðại thừa, tinh thần thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sinh.
Biệt nguyện là lời thệ nguyện đặc thù của mỗi vị Bồ tát. Mỗi vị Bồ tát có những nguyện lực riêng biệt, như Dược Sư có 12 nguyện, A Di Ðà có 48 nguyện.
Pháp tu của Bồ tát là thực hành 6 Ba-la-mật (Pāramita). Pāramitā (transcendental virtue, perfect virtue, highest perfection, complete attainment) có nghĩa là đạo đức hoàn hảo, hoàn thiện nhất. Pāramitā phiên âm là ba-la-mật. Bồ-tát thực hành 6 Ba-la-mật như sau:
1. Bố thí (dāna):
Bố thí là một trong những pháp tu cơ bản quan trọng của Phật giáo. Cũng giống như các việc làm thiện khác, bố thí đem lại an lạc cho người thực hành hạnh này, phù hợp với lý thuyết nhân quả của Phật dạy. Bố thí đem lại lợi ích trong hiện tại và tương lai. Dù chúng ta có quan tâm hay không quan tâm đến hành động bố thí này, công đức là một hệ quả tất yếu của việc làm. Bố thí ở đây là đem của cải, tri thức của chính mình, giúp đỡ, phân phát, truyền đạt cho chúng sinh bằng một tâm hồn bình đẳng, trong sáng, không vụ lợi, không mong cầu báo đáp. Mục đích của sự bố thí là loại trừ tâm chấp ngã, ngã sở, tận diệt tâm tham lam, ích kỷ, hẹp hòi.
Bố thí có 4 thứ tiêu biểu đó là: 1) tài thí, 2) pháp thí, 3) vô uý thí và 4) tuỳ hỷ thí
1)Tài thí:
(1) Nội tài: tức tài sản của bản thân mình, như mắt, tai, mũi, lưỡi…ví dụ như hành động hiến máu nhân đạo để chữa trị cho người bị thương cũng thuộc loại bố thí này.
(2) Ngoại tài: tức tài sản ngoài tự thân, như nhà, cửa, ruộng vườn, tiền bạc, cơm gạo, như cho thuốc men, áo quần, góp tài chính vào các quỹ phúc lợi, xây dựng công trình công ích.
Đây là sự bố thí về tài vật, của cải. Để thực hành hạnh bố thí về tài vật, trước tiên chúng ta phải chú ý đến sự tổn hại trong keo kiệt và lợi lạc trong bố thí. Nhờ vậy chúng ta phát tâm vững hơn trong việc bố thí.
2)Pháp thí:
(1) Pháp thế gian: tức là truyền đạt những khả năng, nghề nghiệp, sự hiểu biết cho mọi người để nâng cao trình độ hiểu biết, phát triển tiến bộ như mình.
(2) Pháp xuất thế gian: tức giảng kinh thuyết pháp, truyền báo giáo lý cho mọi người, cho chúng sinh, ấn tống kinh điển, khuyên chúng sinh thực hành điều thiện, tránh xa điều ác, biết pháp giải thoát để tu tập, để loại trừ phiền não, khổ đau, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Có nhiều cách bố thí pháp. Nếu với một động cơ tốt chúng ta chỉ giảng cho người khác một vài lời, chúng ta đang bố thí pháp. Bố thí pháp công đức hơn các loại bố thí về tài vật, vì tài vật chỉ giúp cho con người về vật chất tạm thời trong đời này, còn pháp thí làm cho họ an lạc về tinh thần trong hiện thời và nhiều đời. Pháp cú số 354 có nói về pháp thí:

Thí nào bằng pháp thí!
Vị nào bằng pháp vị!
Hỷ nào bằng pháp hỷ!
Diệt ái hết khổ lụy!


Trong vô lượng kiếp quá khứ, đức Phật đã ban cho chúng sinh tất cả những gì ngài có, thậm chí đến kim thân của ngài, ngài cũng hoan hỷ bố thí cho những ai cần đến. Đó là hành bố thí cao rộng của các hàng Bồ tát
3)Vô uý thí:
Tức là đem lại sự không sợ hãi cho chúng sinh. Trước những tình huống, hoàn cảnh làm chúng sinh sợ hãi, bất an, chúng ta có trách nhiệm đem lại sự tự tin cho mọi người trong những hoàn cảnh đó. Vô uý thí bao gồm có 3 hành động:
(1) Tâm thí: Do tâm từ bi, không sát sinh, nên lòng từ bi thể hiện qua nét mặt, hàng động, ngôn ngữ, khiến cho chúng sinh trông thấy sinh lòng quy ngưỡng, kính trọng, an ổn thanh tịnh, lợi lạc thoát khỏi khổ đau.
(2) Thế thí: tức vận dụng khả năng quyền hạn, thế lực để che chở, bênh vực cho những người cô thế, yếu đuối bị kẻ mạnh hiếp đáp, đàn áp.
(3) Cảnh thí: tức đứng trước những hoàn cảnh dao động, sợ hãi, khủng hoảng…mình có bổn phận trấn an, khuyên bảo mọi người, mọi chúng sinh phải bình tĩnh, sáng suốt không giao động, hãy an tâm làm việc, tu hành.
4)Tuỳ hỷ thí:
Đối với những công đức người khác làm được mình mình xem như chính mình tạo, tuỳ hỷ tán dương, không nên đem tâm đố kỵ.
5)Công đức bố thí:
Công đức chúng ta có được từ sự bố thí cũng tuỳ thuộc vào một số yếu tố khác ngoài giá trị món bố thí. Một trong những yếu tố đó là người nhận, có 3 loại người nhận: 1) Thánh nhân như vị thầy hướng dẫn tinh thần của chúng ta, Phật, Bồ-tát, 2) Những người ban từ tâm cho chúng ta như cha mẹ, 3) Những người đang cần như người nghèo, người bệnh, người tàn tật. Bố thí đem lại cho người thực hành hạnh này 5 công đức:
(1) Tiếng tăm vang dội khắp nơi
(2) Dù đi vào nơi quan quyền không sợ sệt, không nghi ngờ, không vấn nạn.
(3) Được nhiều người kính mến tôn sùng như thương mẹ
(4) Khi bố thí phát tâm hoan hỷ, do phát tâm hoan hỷ tâm trở nên thanh tịnh, kiên cố, biết rõ như thật về lý Tứ đế.
(5) Sau khi qua đời sinh về cõi trời có đủ 5 điều thù thắng:
(1) dung mạo, hào quang hơn chư thiên khác
(2) tuỳ theo nhu cầu được tự tại
(3) nếu sinh vào cõi người thì sinh trong gia đình giàu sang
(4) đầy đủ tài sản của báu
(5) có nói ra lời gì đều được tin dùng.
6)Cách thức bố thí:
Qua bố thí tâm từ bi được thể hiện cao người bố thí luôn thương yêu tất cả mọi người, mọi loài chúng sinh. Nhờ bố thí mà Bồ tát giảm tâm tham thành tựu tâm an lạc. Đỉnh cao của sự bố thí là tam luân không tịch, tức không thấy mình là người bố thí, vật bố thí và người nhận lãnh sự bố thí. Trong Bồ tát Hạnh (Bodhicharyāvatāra) ngài Śāntideva định nghĩa bố-thí ba-la-mật như sau:
"Bố-thí ba-la-mật là tâm niệm xả bỏ, bố thí cho tất cả chúng sinh những vật sở hữu, và cho (hồi hướng) luôn cả công đức bố thí kia. Như vậy Bố-thí ba-la-mật cũng chính là tâm".(12)
Nếu không suy xét, chúng ta sẽ không chọn được đúng món bố thí, và người nhận. Kết quả chúng ta có thể hối tiếc trong tương lai. Khi bố thí phải kết hợp với trí tuệ. Bố thí có trí tuệ phải có những điểm sau: 1) Bố thí với tâm hiểu biết rõ ràng rằng theo luật nhân quả, hành động bố thí sẽ đem lại kết quả tốt trong tương lai. 2) Trong khi bố thí phải biết rằng món quà, người nhận, người cho đều vô thường, 3) và khi bố thí tâm hướng đến sự giác ngộ, giải thoát. Chúng ta nên bố thí sở hữu chỉ khi nào hợp thời có lợi ích cho người nhận. Nghĩa là không gây bất cứ cảng trở nào cho cuộc sống tu tập tâm linh hoặc nguy hiểm đến cuộc sống của mình và người.
Bồ tát thí tất cả những gì mình có, như sức khoẻ, công đức, sở hữu…Thế nhưng Bồ tát phải biết cách cho như thế nào. Nên vui vẻ, hài lòng khi cho vật. Bồ tát còn phải biết cho những thứ gì có thể đáp ứng nhu cầu và đem lại lợi ích, và không cho những thứ gì có thể làm tổn hại đến mạng sống hữu tình, như đạn, thuốc độc…Thực hành bố thí là thể hiện tâm đại bi lòng vị tha của Bồ Tát. Đại bi và trí tuệ hỗ tương lẫn nhau, hỗ tương lẫn nhau để cùng phát triển. Đại trí phát triển hành giả nhận rõ được tính hư huyễn của các pháp và thương xót cho nhân sinh đang si ám tạo nghiệp để rồi chìm đắm trong khổ đau. Tinh thần đại bi, đại trí được thể hiện qua các thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt, Đỗ Pháp Thuận, Trần Nhân Tông. Nhờ tinh thần nhập thế này mà các ngài đã đưa Phật giáo và nước Việt đạt đến đỉnh cao của sự phát triển.
2. Trì giới (śīla):
Bồ tát giới có 2 nguồn gốc:
Bồ tát giới do chư Phật trong quá khứ nói. Giới này có nguồn gốc từ Đức Phật Tỳ Lô Xá Na
Bồ Tát Giới do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong các giới kinh. Chúng ta có thể tham khảo một số kinh, luận đề cập đến Bồ tát giới.
Giới ở đây bao gồm những chuẩn mực đạo đức thông thường. Kinh Hoa Nghiêm nói lên tầm quan trọng của giới: "Giới là nền tảng của bồ-đề, hành giả nên nghiêm túc tuân thủ" (Đ.9.433.2). Theo Luật tông sự nghiêm trì giới luật là bước đầu và cũng là sự bắt buộc đối mỗi hành giả tu theo tông này. Nhờ vào sự nghiêm trì giới luật, hành giả mới có thể hiểu thấu được Kinh, Luận. Luật tông cho rằng giới luật là phương tiện để chứng đạt giác ngộ. Giới luật quan trọng hơn cả thiền định, lễ bái, và triết lý.(13)
Khoảng thời gian đức Phật mới vừa giác ngộ, giới luật chưa được hình thành. Sau này nhiều tình huống sai phạm xảy ra trong Tăng đoàn, Phật tùy theo đó mà chế giới luật. Cho nên gọi là "Tuỳ duyên chế giới" hay "Tuỳ phạm tuỳ chế." Giới luật chế ra khi Phật còn tại thế không đủ đáp ứng những tình huống sau này khi Tăng đoàn phát triển. Đặc biệt, Tăng đoàn phát trong những khu vực địa lý khác nhau. Để giải quyết những tình huống này nhiều điều luật mới được đặt ra cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội, phong tục địa phương nhưng vẫn dự trên tinh thần giáo lý Phật giáo. Kết quả của việc làm này đưa đến những diễn giải dị biệt và một số trường phái mới xuất hiện. Chúng ta có thể tóm tắc những lý do Phật chế định giới luật:
1. Bảo hộ Phật pháp và giúp chính phẳpcu trụ.
2. Chế định tuỳ theo sự vi phạm của Tăng đoàn.
3. Thanh tinh hoá Tăng đoàn.
4. Vì nạn trách cứ của nhân sĩ trong xã hội mà chế định.
5. Là những tiêu chuẩn đạo đức chung của xã hội.
Tinh thần giới luật đối với Bồ-tát rất uyển chuyển như sau:(14)
Bồ-tát có thể giết một người, người mà có ý định giết chết một tu sĩ, một Thánh nhân.
Bồ-tát có thể phạm tội thâu đạo nếu đó là của cải của một hôn quân, hay của những tên trộm.
Bồ-tát có thể nói dối vì lý do cứu người
Bồ-tát có thể nói lời thô đối với một phạm nhân để cảnh cáo và trách cứ.
Bồ-tát có thể sống lối sống không được mọi người chấp nhận với mục đích chuyển hoá người khác đang sống đời sống tội ác…
3. Nhẫn nhục (kṣānti, forbearance and endurance):(15)
D.T.Suzuki và A.B.Keith giải thích từ kṣānti với ý nghĩa: "khi đối diện với các tội ác không cảm thấy nản lòng" (not feeling dejected in the face of evils). Nghĩa đầy đủ của từ này là không bị cơn giận dữ và kích động chi phối. Thế nhưng nó còn có nghĩa là kham nhẫn khó khổ và thấu hiểu hay thích ứng với lý tưởng, giáo lý tôn giáo với niềm tin. Nhẫn nhục trong các khía cạnh sau:
1) Bồ Tát biết rằng sức nhẫn nhục của chư Phật bao la như biển, nhẫn nhục là y phục tinh thần của các ngài. Các ngài tha thứ tất cả những tổn thương, quấy rối. Ngài tha thứ tất cả không bao giờ có ý tưởng trả thù. Bồ tát tu tập để hiểu được tại sao nên tha thứ. Chư Bồ tát nên nhớ lời Phật dạy nhẫn nhục là sức mạnh của một vị thầy tinh thần, luôn thương tưởng tất cả chúng sinh và nghĩ rằng có thể kẻ thù của mình hôm nay ngày trước là bạn thân, thân bằng quyến thuộc hay ân sư trong các kiếp trước. Bồ tát không ôm lòng sân hận.
Trong Bồ tát Hạnh (Bodhicharyāvatāra) ngài Śāntideva đề cập đến tính tai hại của sự không kham nhẫn, tức sân hận:
"Nếu chúng ta ôm giữ nọc độc sân hận trong lòng, tâm sẽ không bao giờ an ổn hay có được trạng thái từ bi, không bao giờ được yên ngủ tự tại".(16)
2) Bồ tát tu tập kham nhẫn đói khát, lạnh nóng, các ngài luôn vui vẻ và cảm thấy hạnh phúc ngay trong hoàn cảnh khó khăn, hiểm nạn, như thú dữ, độc trùng nguy hiểm.
Trong Bồ tát Hạnh (Bodhicharyāvatāra) ngài Śāntideva nói lên tính ưu việt của sự kham nhẫn:
"Nếu ai không kham nhẫn được lạnh, nóng, mưa, gió, nhọc, ốm đau, gông cùm, đánh đập thì khổ đau tăng bội phần"(17)
3) Bồ tát tin tưởng vào chân lý. Thực hành kham nhẫn cao nhất và khó nhất đó là nhận chân được chân lý. Các ngài thẩm sát toàn diện giáo lý và có niềm tin vào công đức chư Phật và Bồ tát.
4. Tinh tấn (Vīrya, strength, power, courage):
Thành công không chỉ đơn giản trong một vài bước tiến. Lão Tử nói: "Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân" (Journey of thousand miles must begin with a single step). Chúng ta cần kiên nhẫn, nhất tâm và tin tưởng. Cuộc sống là một chuỗi dài của sự đấu tranh để sinh tồn. Từ lúc sơ khai con người đã đấu tranh với thiên nhiên, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, động đất, núi lửa. Với những tiến bộ của khoa học con người có thể dự đoán được những thiên tai trên để phòng ngừa thiệt hại. Ðó là những nổ lực của con người để phát triển và sinh tồn. Nhà leo núi và thám hiểm người Anh, Sir Edmund Hillary trở thành người đầu tiên leo đến đỉnh Hy-mã-lạp sơn, sau nhiều lần thất bại. Cứ sau một lần thất bại, ông ta chỉ vào núi và nói, ngươi đã đánh bại ta, nhưng ta sẽ trở lại và chinh phục ngươi, vì ngươi không thể lớn hơn nữa, nhưng ta thì có thể. Và ông ta đã chinh phục đỉnh núi Hy-mã vào năm 1953.
Tinh tấn được định nghĩa một tâm vui thích trong đạo đức, chức năng của nó làm cho tâm của chúng ta vui vẻ tham gia vào các hoạt động đạo đức. Với nổ lực chúng ta vui thích trong các hoạt động như bố-thí, giúp đỡ người khác, và thực hành các quy luật để đạt đến giác ngộ. Nổ lực trái nghĩa với lười biếng. Có 3 nguyên nhân đưa đến lười biếng:
1) Ham vui thế tục,
2) Ham những hoạt động vô bổ,
3) Buồn rầu, chán nản.
Lời biếng gây cho chúng ta trôi lăn vô định trong luân hồi. Do tham vui những chuyện thế tục, những chuyện thường tình nên chúng ta không có thời gian để tu tập cho tâm tĩnh lặng. Do chạy theo những chuyện vô ích nên suốt ngày chúng ta không có thời gian để tự ngồi xuống suy nghĩ về những gì mình làm có lợi ích hay không có lợi ích cho mình và cho người khác. Do chán nản nên chúng ta không muốn làm bất cứ việc gì. Như vậy củng cố niềm tin đem lại lợi ích cho mình, nỗ lực để đem lại lại lợi ích cho mình và người và thự tế hơn là chúng ta cần có một tấm lòng độ lượng theo tinh thần Đại thừa Bồ tát.
Trong Bồ tát Hạnh (Bodhicharyāvatāra) ngài Śāntideva nói lên sự nguy hiểm của sự giãi đãi:
"Đắm say lạc thú, ngủ nghỉ, không ý thức được đau khổ của luân hồi, đều là nguyên nhân của giải đãi, lười biếng"(18)
Đắm say các pháp thế tục nên con người luôn mê muội, luân hồi không thật nhưng nó có sức lôi cuốn chúng ta cứ tưởng là thật, tạo ra thú vui giả tạm. Chúng ta thích ngủ nghỉ hơn làm việc, lười biếng hơn tinh tấn. Kết quả, vô minh tiếp nối và sai khiến chúng ta.
Hành giả tinh tấn trong 3 vấn đề sau:
1) Tinh tấn phát triển đạo đức: Hành giả luôn tinh tấn giữ gìn giới trọng cũng như giới khinh, loại trừ sự ganh ghét bằng lối sống từ bi, đoạn trừ tham đắm bằng thiền định về bất tịnh…luôn giữ gìn các căn khi tiếp xúc với trần, không nên thoả mãn, hài lòng với những tiến triển, thành tựu ban đầu mà phải nguyện thành đạt những gì mà các bậc đại Bồ-tát đạt được. Hành giả lấy các bậc đại Bồ-tát làm gương
2) Tinh tấn nghiên cứu nội điển và nội điển: Nếu chúng ta tìm hiểu về một số tu viện đại học Phật giáo chúng ta có thể biết được sự phát triển học thuật của Phật giáo. Tu sĩ phật giáo chẳng những hoàn thiện về nội điển mà về ngoại điển cũng phải tinh thông, chúng ta có thể nói ngũ minh Phật giáo chứng minh điều này.
3) Tinh tấn hoạt động vị tha: hành giả suy nghĩ thận trọng trong mọi công việc, nhưng cố gắng tham gia vào mọi công việc để làm lợi ích người. Hành giả tinh tấn trong bất cứ công việc nào không bao giờ bỏ dở dang, không bao giờ bị khó khăn và trở ngại làm chán nản hay mệt mỏi, phải luôn lạc quan, tràn đầy hy vọng. Bồ tát luôn nghĩ rằng mình có thể chinh phục mọi thứ, không gì có thể chinh phục được mình. Niềm tin này là nguồn động lực giúp Bồ tát hoàn thiện mọi pháp. Bồ tát luôn hoạt động với tâm niệm bình đẳng giữa mình và người.
5. Thiền định (Dhyāna, meditation, contemplation):
Phật giáo có nhiều phương pháp tu tập khác nhau, thế nhưng trong việc tu hành thường lấy thiền định làm trọng tâm. Dù chúng ta có tu dưỡng về tinh thần, ý chí hay trí tuệ đều phải nhờ vào thiền định để hoàn thành. Bởi vì sự tu tập thiền định một mặt nhằm thu nhiếp các căn, phá trừ chấp trước. Một cách tổng quát, pháp thiền định của Phật giáo không khác nhiều so với một số thiền định thời cổ đại Ấn độ. Nghĩa là có chung đường lối như trì giới, giữ thân, tâm cho trong sạch, ngồi ngay ngắn ở nơi yên tĩnh, điều hoà hơi thở, kiểm soát các cảm giác và tập trung ý niệm. Thế nhưng điểm khác biệt ở đây là chỗ dụng tâm. Trong thiền định Phật giáo, khi đạt được trạng thái hỷ lạc của thiền định hành giả không bao giờ chấp trước. Từ kinh Sa môn quả cho đến các kinh điển khác đều trình bày những phương pháp tu tập này.
Giáo lý của đức Phật là con đường diệt trừ khổ đau. Trọng tâm của con đường này là việc thực hành thiền định. Thiền định có thể được xem là phương pháp tu tập thiết yếu. Mỗi trường phái Phật giáo đưa ra nhiều phương pháp thiền định rất phong phú, thế nhưng vẫn dựa vào phương pháp cơ bản như Tứ thiền, Bát định. Thiền định còn gọi là thiền na, có nghĩa là tịnh, lự.
Chính yếu của phương pháp tịnh là giúp hành giả đạt được sự thanh tịnh của thân, khẩu, ý. Thân không tạo nghiệp ác, không hành động theo duyên ác. Miệng không nói dối, không nói điều ác. Tâm không tham, sân, si, mạn nghi, ác kiến, không chạy theo ngũ dục, lục trần. Tức tâm không phan duyên trần cảnh. Do vậy cho nên tâm sẽ an trú vào một trạng thái an tịnh. Đây là trạng thái vắng lặng, thanh tịnh hoàn toàn của tự tâm.
Lự tức là sự thẩm xét, quán sát về thực tướng, hiện tượng các pháp gồm sắc, tâm, phi sắc phi tâm. Để cuối cùng nhận thấy được thực thể của các pháp, các hiện tượng là không có thực, chỉ do duyên sinh, là giả là không là vô thường, vô ngã.
6. Trí tuệ (prajñā, wisdom, insight, intuition, transcendental idealism, knowledge, spiritual enlightenment):
Mục đích đạt được trí tuệ của Phật giáo là chúng ta phải đạt được loại Trí tuệ mà không còn bị vô minh phiền não chi phối. Do vậy đối với các pháp, với trí này sẽ nhận rõ được chân lý, thật tướng của các pháp. Trí tuệ gồm trí hữu lậu và trí vô lậu. Con người là sản phẩm của sự phát triển trí tuệ. Chúng ta khác với các sinh vật khác sở hữu tiềm năng trí tuệ cao hơn mọi loài. Chúng ta sở hữu một loại trí tuệ có thể phân định được mê và ngộ, giữa đạo đức và vô luân. Theo Phật giáo, sự giải thoát bao gồm thấu hiểu chân đế, chinh phục tham, sân, si. Thấu hiểu chân đế cần có trí tuệ. Ngay từ đầu Phật giáo đã đưa ra 3 giai đoạn trong tiến trình tu tập. 3 giai đoạn này, giới, định, tuệ tên tuy khác hau nhưng chúng không phải 3 con đường riêng lẻ, khác nhau. Chúng là 3 giai đoạn hay khía cạnh của một con đường và được áp dụng cùng một lúc. Trong đây trí là đỉnh điểm. Như vậy bằng cách phát triển, hoàn thiện tinh thần chúng ta phát huy được năng lực trí tuệ.
Cứu cánh của Phật giáo là giải thoát. Giải thoát về hai phương diện Tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Phật rất coi trọng trí, nhưng trí ở đây có được là do phán đoán giá trị của thế giới một cách chính xác, nó được gọi với những tên như: tuệ, minh, chính kiến, chính tư duy, chính niệm… Cũng nhờ tri kiến mà các lậu hoặc được đoạn trừ, như kinh Trung bộ, Kinh Tất cả lậu hoặc, kinh số 2.
Phật giáo chủ trương giải thoát dựa trên trí tuệ, đạt trí tuệ để nhận chân các pháp. Nếu không đạt được trí tuệ thì hành giả không thể nhờ vào quyền năng nào để giải thoát khổ đau. Đây nói lên tính tự lực của mỗi hành giả. Trí tuệ cộng với tu tập đạo đức hành giả thoát khổ đau. Bóng tối vô minh chỉ có trí tuệ mới xoá tan được, không có một thế lực nào có thể loại trừ được. Theo chủ trương của Phật giáo, trí tuệ được xem là đỉnh cao của quá trình tu tập, trong quá trình tu tập giới, định, tuệ. Trí tuệ là phương tiện hữu hiệu nhất giúp hành giả đạt được chân lý. Nhờ trí tuệ hành giả có thể đoạn trừ được nguyên nhân của khổ đau.
Nguyên nhân của khổ đau là phiền não, tham ái. Trí tuệ phân định rõ được các nguyên nhân khổ đau này nên hành giả mới có thể đoạn trừ được chúng. Trí tuệ cũng là phương tiện để hoằng truyền chính pháp. Chính pháp được cửu trụ phải được thuyết giảng, hoằng truyền không sai lệch và được tu tập thành đạt. Như vậy khi nào không còn phiền não vô minh, lậu hoặc thì khi ấy trí tuệ mới hiển hiện hoàn toàn và biểu thị được ý nghĩa giải thoát và thanh tịnh thật sự. Như vậy trí tuệ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp tu hành giác ngộ, giải thoát. Cho dù ở trong bất cứ phạm vi nào, địa vị nào trí tuệ vẫn là thành phần chủ đạo trong việc quán chiếu và đoạn trừ, hoá giải và hướng thượng. Quán chiếu là soi sáng, nhận chân các pháp, nhận rõ phiền não. Đoạn trừ là đoạn trừ các loại phiền não vô minh. Hoá giải là hoá giải những sự ràng buộc, hệ phược. Hướng thượng là từ địa vị phàm phu bước sang địa vị hiền thánh. Dù mang nhiều danh từ khác nhau, như: kiến, nhẫn, minh, tri, quyết trạch, chính kiến, chính tư duy…thế nhưng hiệu năng và mục đích của trí tuệ vẫn là một.
IV.Phương tiện thiện xảo (upāya-kauśalya, skillful means) của Bồ-tát Đại thừa Phật giáo:
Duy ma kinh lược sớ của ngài Trạm Nhiên có giải thích: "…Phương là pháp phiến diện mà trí đạt được. Tiện là kỹ xảo mà sự quyền biến vận dụng khéo léo. Vận dụng các pháp, tùy cơ lợi vật, gọi là phương tiện."(19) (… TS C)
Duy ma kinh nghĩa sớ của ngài Gia Tường Cát Tạng cũng giải thích: "… đây gọi là phương tiện thắng trí. Phương tiện chỉ cho sự khéo léo. Thắng trí chỉ cho sự quyết đoán."(20) (…QQ)
Phương tiện thiện xảo là những phương pháp Bồ-tát sử dụng khi dấn thân vào cuộc sống, hoạt động làm lợi ích cho đời thể nhưng không bị nhiễm ô, không bị lôi cuốn. Đây là cách sử dụng trí sắc bén, nhạy bén đển vận dụng các phương khéo léo, linh hoạt để đạt được mục đích. Nhờ phương tiện thiện xảo mà Bồ tát có thể hoà nhập vào dòng đời, vào mọi tầng lớp trong xã hội để hoá độ. Phương tiện cũng là phương cách tối ưu để hóa độ chúng sinh. Phương tiện thiện xảo là sản phẩm của trí tuệ. Phương tiện thiện xảo là độ thoát chúng sanh mà không thấy có chúng sanh nào được độ, làm mọi công việc hữu ích cho đời mà không thấy có ai làm. Bồ Tát Đại thừa lấy tinh thần dấn thân, giúp đời, tham gia hoạt động xã hội.
Nhờ tinh thần vô ngã, vị tha, không không nghĩ đến tự ngã Bồ-tát thường sử dụng phương tiện thiện xảo mà không bao giờ bị phương tiện cuốn theo. Chính nhờ tinh thần vô ngã này khiến cho Bồ-tát không chấp trước bất cứ điều gì. Cho đến bản thân của Bồ tát cũng xả ly. Người ta hình dung A-la-hán như những người có tinh thần bảo thủ, khắc khổ và Bồ tát là những người có tinh thần khai phóng, vui vẻ. Bồ-tát luôn song hành với nhân loại. A-la-hán cầu ra khỏi thế gian, Bồ-tát nguyện mãi mãi ở lại thế gian để cứu độ, tuỳ hạng người và hoàn cảnh mà thuyết pháp với mọi phương tiện thiện xảo. Với tinh thần phổ độ làm căn bản, Bồ-tát có tình thương bao la đối với xã hội, nhân loại, muôn loài. Bồ-tát ứng xử luôn phù hợp với nhu cầu của mọi hạng người, mọi hoàn cảnh. Lý tưởng Bồ-tát rất thực tế với cuộc sống. Xuất gia tầm cầu an lạc, niết-bàn không có nghĩa là từ bỏ, xa lánh cuộc đời. Như chúng ta thường nói Niết-bàn không thể tìm kiếm ngoài sanh tử.
Ngài Śāntideva trong Bồ-tát Hạnh (Bodhicharyāvatāra), cũng đưa ra quan điểm này:
"Tôi nguyện sẽ là người bảo vệ cho những kẻ yếu đuối, người chỉ đường cho những hành khách, một con thuyền hay một cái cầu cho những kẻ muốn qua sông, một ngọn đèn cho những ai đi trong đêm tối, một cái giường cho những ai muốn nằm nghỉ, một kẻ nô lệ cho những ai cần nô lệ."(21)
Nhờ sự chuyển hoá vô minh, tinh thần được thanh tịnh, con người thoát khỏi khổ đau. Để đạt được an lạc con người không thể chạy trốn cuộc sống hiện thực. Vấn đề phải được giải quyết bằng cách đối diện và chinh phục nó, bằng cách thay đổi tâm lý bên trong mỗi con người, nơi chỉ đạo sản sinh ra các vấn đề. Chính nhờ sự thay đổi thái độ và quan điểm, vô minh được diệt trừ. Một người như vậy tuy sống trong thế giới phồn hoa đô hội nhưng vẫn giữ được tinh thần an tịnh. Với lối sống hoà nhập như thế mới thực hành hạnh lợi tha được. Đó là tinh thần Bồ Tát, Bồ tát lấy lợi tha làm chính yếu. Cho nên một người có cuộc sống gia đình, ngoại đạo nhưng làm lợi lạc cho nhiều người, người này dĩ nhiên có ích có ý nghĩa đáng được noi gương. Tư tưởng kinh Duy Ma nói lên điều này:
"Vì muốn hóa độ mọi người, trưởng giả Duy ma ở tại nước Ba-la-nại sử dụng phương tiện khéo léo, thu phục những người nghèo nàn bằng tài sản vô lượng, thu phục những người phạm giới bằng giữ gìn giới hạnh thanh tịnh, thu phục những người giận dữ bằng nhẫn nhục thuần hóa, thu phục những người biếng nhác bằng tinh tiến vĩ đại, thu phục những người loạn tâm bằng thiền định nhất tâm, thu phục những người vô trí bằng trí tuệ quyết định."(22)
V.Sự phát triển lý tưởng Bồ-tát:
Khái niệm Bồ-tát ảnh hưởng rất nhiều đến các quốc gia mà lý tưởng này được truyền vào, như ở Sri Lanka lý tưởng này ảnh hưởng sâu đậm đến sự phát triển của vương triều Sri Lanka. Vào khoảng thế kỷ thứ 11 TL, các vị vua Sri Lanka bắt đầu được xem chẳng những là quốc vương mà còn là Bồ-tát.(23) Trường hợp ở Trung quốc, giai đoạn đầu khi Phật giáo được truyền vào quốc gia này, giáo lý Bồ-tát trở thành một trong những điểm giáo lý quan trọng và nổi tiếng nhất trong văn chương Phật giáo cũng như văn chương Trung quốc. Rất nhiều tác phẩm về lãnh vực này ra đời. Những tác phẩm sớm nhất về Bồ-tát ở Trung quốc vào thế kỷ thứ 4 TL, có đề cập đến Bồ tát với tinh thần không rời thế giới hiện thực này để tìm sự an lạc cho riêng mình. Nói chung các loại văn chương Bồ-tát chính yếu ca ngợi từ bi và trí tuệ của Bồ-tát, hoặc diễn tả những Thánh địa và kể những câu chuyện kỳ diệu của Bồ-tát.
Ở Trung quốc có một số lễ hội và trung tâm hành hương để tôn kính, và lễ bái các vị Bồ-tát. Bốn Thánh địa của từng vị Bồ-tát, nổi danh là Tứ Đại danh Sơn, nơi ứng hiện của 4 vị Đại Bồ Tát như:
(1) Phổ Đà sơn nơi lễ bái Bồ-tát Quan Âm, còn gọi là Hải Thiên Phật quốc.
(2) Ngũ Đài sơn của ngài Văn Thù, còn gọi là Thanh Lương thế giới.
(3) Nga Mi sơn của ngài Phổ Hiền, Tây nam Phật quốc.
(4) Cửu Hoa sơn của ngài Địa Tạng, Liên Hoa Phật quốc.
Mỗi địa danh mỗi ngọn núi tiêu biểu cho tinh thần: bi, trí, hạnh, nguyện của từng vị Bồ tát. Đại bi của Quan Âm, Đại trí của Văn Thù, Đại hạnh của Phổ Hiền, và Đại nguyện của Địa Tạng.
C. KẾT LUẬN:
Nhờ đại trí, đại bi Bồ tát sử dụng nhiều phương tiện thiện xảo đem lại lợi ích cho nhiều người. Giáo lý Bồ-tát giúp Phật giáo hội nhập vào từng quốc gia. Qua tinh thần đại bi, đại trí người thực hành Bồ tát Đại thừa có thể tiếp xúc giáo hoá mọi tầng lớp, đưa chân lý đến mọi người. Với chủ trương chúng sinh độ tận, lý tưởng Bồ-tát trở thành điểm giáo lý đặc thù của Đại thừa. Đây là lý tưởng, mục tiêu của người theo Đại thừa.

(Tạp Chí Nghiên Cứu Phật học, số: 1 & 2, năm 2006)



SÁCH THAM KHẢO:

1. Đại Tạng: 5, 6, 7, 8, 9, 10, 24, 30.
2. Dayal, Har., Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1999.
3. Dutt, Nalinaksha., Buddhist Sects in India, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1998.
4. Kalupahana, David J., (ed.) Buddhist Thought & Ritual, Delhi: Motilal Barsidass Publishers, 2001.
5. Kawamura, L. S., (ed) The Bodhisattva Doctrine in Buddhism, Delhi: Sri Satguru Publications, 1997.
6. Thích Minh Châu. (dịch) Kinh Trung Bộ, Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992.
7. Yoshinori, Takeuchi, (ed.) Buddhist Spirituality: Indian, Southeast Asian, Tibetan, Early Chinese, Vol. 1, Delhi: Motilal Banarsidass, 1995.
8. Sharma, Parmananda, (trans.) Santideva’s Bodhicharyavatara, New Delhi: Aditya Prakashan, 2001.

Chú thích:
(01) H. Dayal, Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature, (Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1999), 2.
(02) L.S. Kawamura, (ed) The Bodhisattva Doctrine in Buddhism, (Delhi: Sri Satguru Publications, 1997), 21.
(03) N.Dutt., Buddhist Sects in India, (Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1998), 77.
(04) Ibid: 78.
(05) Trường Bộ, Kinh Đại Điển Tôn, kinh số 19, nói về cuộc đời quá khứ của Phật Thích Ca
(06) Thích Minh Châu, (dịch) Kinh Trung Bộ, (Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992), 531.
(07) L.S. Kawamura, (ed) The Bodhisattva Doctrine in Buddhism, (Delhi: Sri Satguru Publications, 1997), 27.
(08) Trường Bộ, Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, kinh số 26.
(09) L.S. Kawamura, Op. Cit.: 28
(10) T. Yoshinori., (ed.) Buddhist Spirituality: Indian, Southeast Asian, Tibetan, Early Chinese, Vol. 1, (Delhi: Motilal Banarsidass, 1995), 146.
(11) H. Dayal, Op. Cit.: 165.
(12) P.Sharma, (trans.), Santideva’s Bodhicharyavatara, (New Delhi: Aditya Prakashan , 2001), 118.
(13) A. & D. Matsunaga, Foundation of Japanese Buddhism, (Vol. I, Tokyo: Kenkyusha Printing Co., 1974), 47f.
(14) H. Dayal, Op. Cit.: 208.
(15) Ibid: 209.
(16) P.Sharma, Op. Cit.: 182.
(17) Ibid: 190.
(18) Ibid: 252.
(19) Đại.38.596.3
(20) Đại.38.931.2
(21) P.Sharma, Op. Cit.: 77.
(22) Đ.14.539.1
(23) D.J.Kalupahana., (ed.) Buddhist Thought & Ritual, (Delhi: Motilal Barsidass Publishers, 2001), 66f.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch