Bài giảng
Tinh thần Phật giáo là lý tưởng của nhân loại
25/12/2008 09:40 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

http://phatgiao.vn/images/News/HTTTri%20quang.jpg

Đức Phật không hoàn toàn là một nhà tôn giáo. Ngài là một bậc Giác ngộ, là một nhà đạo đức vĩ đại, đã cống hiến rất nhiều cho nhân loại. Nguồn mạch tâm linh từ tư tưởng và cuộc đời Ngài xuyên suốt hơn 2.500 năm nay. Giá trị ấy đã không hề gián đoạn và không hề thay đổi.

Bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy sự thánh thiện nơi con người Đức Phật. Sự thánh thiện nơi Ngài ảnh hưởng lớn lao đến con người và xã hội. Ai thực tập lời dạy của Đức Phật, sống một đời sống phạm hạnh đều có thể tạo ra những ảnh hưởng tốt đối với xã hội họ mà đang sống, và sự ảnh hưởng ấy vẫn tiếp nối qua nhiều thế hệ.

Nhân loại ngày nay phải đối diện với rất nhiều xung đột, mâu thuẫn, bạo hành. Vì lẽ đó, tinh thần từ bi, khoan dung, độ lượng, tha thứ, sẻ chia của Đức Phật là phương tiện hữu hiệu để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Xã hội tốt đẹp chính là lý tưởng của nhân loại. Xã hội càng văn minh, con người càng nhận ra những nét đẹp trong lời dạy của Phật.

Tinh thần từ bi, trí tuệ của Đức Phật đã được trao truyền, tiếp nối. Lời dạy của Ngài đã được nhân loại đón nhận. Việc tôn vinh Đức Phật, việc chọn ngày ra đời của Ngài làm ngày hòa bình thế giới của Liên Hiệp quốc chính là sự nhận thức giá trị đích thực trong lời dạy của Ngài và trong chính cuộc đời Ngài.

Hôm nay, nhân dân và đồng bào Phật tử Việt Nam hân hoan đón chào ngày Đức Phật ra đời lần thứ 2.552. Đây là một ngày trọng đại đối với lịch sử nước ta: Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc, ghi nhận những đóng góp thiết thực của Phật giáo đối với quốc gia, xã hội.

Niềm vui này là niềm vui chung của những người con Phật Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Từ lâu, Phật giáo đã là một phần văn hóa tâm linh của dân tộc. Phật giáo Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam qua bao thịnh suy của đất nước. Những giá trị của Đức Phật và của Phật giáo rõ ràng đã được tôn vinh trên đất nước thân yêu này.

Trước khi đại lễ chính thức diễn ra tại Hà Nội, rất nhiều tỉnh thành khác đã long trọng đón mừng Phật đản. Đại lễ không chỉ diễn ra tại các cơ sở tôn giáo mà còn diễn ra tại các trung tâm, hội trường trực thuộc Nhà nước và những nơi công cộng. Chính quyền địa phương đã nhiệt tình giúp đỡ Tăng tín đồ trong việc tổ chức này.

Ngoài ra, niềm vui Phật đản tại Việt Nam còn được nhân lên bởi sự hội tụ của đại diện Phật giáo các nước. Lần đầu tiên Tăng Ni, Phật tử năm châu lục đã có mặt tại Việt Nam, cùng nhau chia sẻ niềm vui và cùng nhau bàn luận, nhằm đưa ra những hướng đóng góp mới, tích cực của Phật giáo cho xã hội hiện đại.

Phật đản năm nay không chỉ là cơ hội để chúng ta bày tỏ tấm lòng thành kính, tôn vinh, cúng dường Đức Phật, mà chúng ta còn tiếp nhận được nguồn mạch tâm linh nơi Ngài, khơi nguồn tình cảm sâu xa trong nhân loại, gợi nhắc lại những lời dạy của Phật, nghĩ về niềm hạnh phúc của những người thực hiện lời dạy của Ngài.

Tổ chức lễ hội Phật đản, vì vậy, còn là việc đánh thức lương tri của mỗi người. Mỗi người đều có hạt giống Phật - hạt giống của từ bi, trí tuệ. Khi lương tri thức tỉnh, con người sẽ sống với nhau trong tình thương yêu và sự hòa hợp, tránh được những mâu thuẫn, xung đột, đổ vỡ, bạo hành vốn là vấn đề nóng bỏng của thời đại. Xã hội vì thế sẽ tốt đẹp hơn và lý tưởng của nhân loại sẽ trở thành hiện thực, nhân gian hóa thành Tịnh độ.

HT. Thích Trí Quảng
(Bản tin Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008, số 1, Ban biên tập cung cấp)

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch