Tiểu sử cố Hòa thượng Thích Quảng Thạc
02/12/2008 15:30 (GMT+7)

Trụ Trì Chùa An Lạc
175/15 đường Phạm Ngũ Lão – Quận 1 – Tp. Hồ Chí Minh

Hỡi ôi !
Vô thường biến đổi, nơi Ta-Bà rơi rụng cánh hoa Đàm
Sanh diệt chuyển dời, nước Cực Lạc nở bừng hương sen ngát

Cố Hòa Thượng THÍCH QUẢNG THẠC, Trụ trì Chùa An Lạc – 175/15 đường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, hơn 70 xuân thu thác tích chốn Ta-Bà, 40 tuổi Hạ tùy duyên phổ độ, thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sinh. Giờ đây công duyên đã mãn, bản nguyện viên thành, Hòa Thượng đã thâu thần viên tịch lúc 0 giờ 20 phút ngày 25 tháng 1 năm 1996 (nhằm ngày 6 tháng 12 năm Ất Hợi).

Trước linh đài khói hương xông lặng lẽ
Chân dung xưa hiển hiện nét thường nhiên

Toàn thể Tăng, Ni Tứ chúng và nam nữ Phật tử môn phái Tổ Đình Vĩnh Nghiêm gói trọn tâm tư, thành kính ghi lại đôi dòng tiểu sử bậc cao tăng suốt đời hiến dâng cho Đạo Pháp.

I.- THÂN THẾ :

Cố Hòa Thượng đạo hiệu : TUẤN ĐỨC, Pháp danh : QUẢNG THẠC, húy THÍCH QUẢNG THẠC, sinh năm : Bính Dần (1925) tại làng Quần Phương Hạ, Xã Tây, Huyện Hải Hậu, Tỉnh Nam Định (nay là Nam Hà). Thân phụ là cụ ông ĐỖ VĂN KHÔI hiệu ĐA SĨ, thân mẫu là cụ bà PHẠM THỊ KHUYẾN hiệu DIỆU PHƯƠNG. Ngài là người con út trong gia đình gồm 6 anh chị em, 3 trai, 3 gái.

II.- XUẤT GIA VÀ HÀNH ĐẠO :

Vốn sinh trưởng trong gia đình có truyền thống Nho học, trải nhiều đời gia tộc đều quy ngưỡng cửa Thiền, năm 11 tuổi, Hòa Thượng noi theo người chị cả là Ni Trưởng THÍCH NỮ ĐÀM SOẠN, phát tâm xuất gia, quy y với Sư Cụ tại Chùa Nghĩa Xá, Làng Nghĩa Xá, Huyện Xuân Trường, Tỉnh Nam Định.

Năm 16 tuổi (1941), vì muốn phát huy giống Phật nơi đất tâm, mong được thắp sáng nguồn từ trong biển trí, Hòa Thượng đến Chùa Mai Xá, Tỉnh Nam Hà để cầu pháp với nghiệp sư, Hòa Thượng THÍCH TRÍ HẢI, nơi đây Ngài được thụ giới Sa Di. Rồi từ đó, năng trì giới luật, khát ngưỡng Pháp mầu, chí xuất trần nguyện dốc lòng theo, bờ giải thoát cầu mong đạt đến. Thấy vậy, năm 1950 Tổ Trí Hải đưa Người lên Chùa Quán Sứ Hà Nội học tại Trường Cao Đẳng Phật Học. Suốt 3 năm trau dồi Kinh, Luật, Luận, sống hài hòa giữa bạn tốt thầy hiền, Hòa Thượng luôn luôn được tán dương là học tăng gương mẫu.

Năm 1953, vì sự nghiệp hoằng dương Phật Pháp của ân sư, Hòa Thượng cùng Tổ về Hải Phòng kiến tạo Chùa Phật Giáo tại nơi đây.
Năm 1954, Tổ nhận thấy Hòa Thượng là người đường đường Tăng tướng có pháp khí Đại Thừa nên quyết định cho phép Ngài vào Nam nhập tuyển Phật trường, lãnh thụ Đại Giới do Tổ THANH THẠNH làm Hòa Thượng Đàn Đầu. Tổ THANH THÁI làm Yết Ma và Tổ YÊN BÌNH làm Giáo Thọ A Sà Lê Sư. Từ đây, Ngài chính thức được dự vào hàng Tăng Bảo với trọng trách tiến tu tam học, tục diễm truyền đăng để pháp luân thường chuyển. Thế rồi, xuân đến, xuân đi, trải qua bao thời thiền tịnh, hoa lòng chợt nở, Ngài lại được Tổ HÒE NHAI (Đức Cố Pháp Chủ, Đại Lão Hòa Thượng THÍCH ĐỨC NHUẬN) trao truyền Bồ Tát Giới và ban cho pháp hiệu là TUẤN ĐỨC. Từ đó Hòa Thượng càng chuyên cần ý chí độ sinh, chẳng lãng quên sơ tâm cầu đạo.

Lúc bình sinh, Hòa Thượng thường lấy câu kệ dưới đây làm phương châm tu dưỡng.

“Luyện tính bất dung văn vũ hỏa
Tham thiền tu bế lợi danh quan”

Tạm hiểu :
Luyện tính tu tâm ấy Đạo mầu
Võ văn lửa dữ gắng qua mau
Tham thiền yếu lý thường tu niệm
Cửa ải lợi danh chớ lún sâu

Câu châm ngôn trên tuy rất bình dị nhưng lại sâu sắc, nó làm nền tảng cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của Ngài.
Năm 1954 Hòa Thượng được suy cử Trụ trì Chùa Giác Hoa vùng Gia Định.

Năm 1970 Ngài lại kiến tạo Chùa An Lạc và giữ ngôi Đường Chủ cho đến ngày lâm tịch.

Trải bao phen thế sự thăng trầm, Hòa Thượng vẫn một lòng tu tâm luyện tính.

Hòa Thượng còn là người tinh tường về thư pháp. Các đạo tràng trong chốn thiền lâm còn ghi đậm nhiều bút tích của Ngài. Hiện nay Hòa Thượng còn lưu lại một tác phẩm trên 200 câu đối của Ngài (chưa xuất bản).

Bằng tất cả trí tuệ, tài năng và sức lực, Hòa Thượng đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp tu hành và văn chương, bút pháp của Ngài điểm tô thêm cho trang sử Phật Giáo ngày càng xán lạn.
Theo năm tháng của thời gian, sức khỏe của Ngài cũng mỏi mòn, thân tâm trở nên bì quyện, bốn đại huyễn thân dần dần rời rã, năm uẩn giả hợp tụ tán không thường. Vào cuối năm Ất Hợi (1995) Hòa Thượng đã suy yếu và lâm trọng bệnh. Mặc dù đã được nhiều lương y, bác sỹ tậm tâm điều trị nhưng cũng không sao cưỡng được luật vô thường nên Hòa Thượng đã điềm nhiên thị tịch vào lúc 0 giờ 20 phút ngày 25 tháng 01 năm 1996 nhằm ngày 06 tháng 12 năm Ất Hợi tại Chùa An Lạc đường Phạm Ngũ Lão, Quận 1,
Tp. Hồ Chí Minh, trụ thế 70 năm, trải qua 40 mùa An Cư Kiết Hạ.

NAM MÔ MA HA SA MÔN TỲ KHEO BỒ TÁT GIỚI
PHÁP HÚY THÍCH QUẢNG THẠC PHÁP HIỆU TUẤN ĐỨC
GIÁC LINH THIỀN TỌA HẠ TÁC ĐẠI CHỨNG MINH

Ngày 28/01/1996 (09-12-Ất Hợi)

Các tin đã đăng:
© 2005-2011 Chùa Vĩnh Nghiêm.
Biên tập: Đ.Đ. Thích Thanh Phong.
Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08)3848 3153 Fax: (08)3843 9901
Email: [email protected]
Website: http://www.vinhnghiemvn.com