Tham cứu đánh giá kiểm định chất lượng đại học tại Đài Loan
02/01/2009 15:49 (GMT+7)


- Trần Trọng Tài (Thích Giải Hiền)

NCS. Tiến sĩ Chính sách Hành chính Giáo dục

Đại học Quốc lập Quốc tế Chinan Đài Loan

- Lâm Nghi Hân (Lin, Yi-Hsin)

 NCS. Thạc sĩ So sánh Giáo dục

Đại học Quốc lập Quốc tế Chinan Đài Loan

_____________________________________

 

I. Bối cảnh hình thành hệ thống đánh giá chất lượng đại học Đài Loan

Sau năm 1945, khi Đài Loan được trả về lại cho Trung Hoa Dân Quốc (không còn là thuộc địa của Nhật gọi là Quang Phục). Lúc đó Đài Loan chỉ có 4 trường đại học và học viện là:

Đại học Quốc lập[1] Đài Loan (thời Nhật thống trị Đài Loan là trường đại học Đế Quốc Đài Bắc) và 3 Học viện là : Học viện Nông nghiệp tỉnh lập[2] Đài Loan, Học viện Công nghệ tỉnh lập Đài Loan, Học viện Sư phạm tỉnh lập Đài Loan. Đến thập niên 1950 có 7 trường Đại học (một trường đại học, ba học viện và ba trường cao đẳng chuyên khoa), cùng ba chương trình đào tạo cao học. Tổng cộng 6.665 học sinh (台灣教育發展史料彙編編輯委員會編輯小組,1987:1808;廖鴻裕,2001:61). Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của công cuộc xây dựng đất nước, chính phủ tích cực xây dựng thêm nhiều trường cao đẳng và học viện. Đồng thời cho phép tư nhân mở trường cao đẳng và học viện. Suốt quá trình 40 năm phát triển, đặc biệt là sau khi bãi bỏ pháp lệnh giới nghiêm vào năm 1987, số lượng các trường phát triển vượt bậc (xem biểu đồ số 1). Đến năm 2000, tổng số các trường đại học và học viện là 135 trường (廖鴻裕,2001:61). Vì số lượng các trường đại học và học viện phát triển nhiều nên xã hội bắt đầu chú ý đến chất lượng của các trường. Đây chính là bối cảnh của việc xây dựng hệ thống  đánh giá kiểm định chất lượng đại học.

Biểu đồ 1: Tăng trưởng số lượng các trường đại học, học viện[3] Đài Loan

 từ năm 1950 – 1990

Thập niên

Trường

1950

1961

1971

1980

1990

Đại học

1

8

9

16

21

Học viện

3

8

14

11

25

Cao đẳng chuyên khoa

3

14

73

77

75

Tổng số

7

30

96

104

121

Nguồn tư liệu : 林建福(1993:174)

Đánh giá chất lượng đại học ở Đài Loan chủ yếu chịu ảnh hưởng của hai yếu tố là yếu tố nội tại và yếu tố ngoại tại (余玉照,1996):

1.      Ảnh hưởng của nhân tố nội tại:

a.    Nỗi ưu tư về chất lượng giáo dục : Việc tăng nhanh số lượng các trường giúp việc tăng cao số lượng sinh viên vào đại học nhưng cũng làm cho xã hội lo lắng về chất lượng sẽ xuống cấp. Việc tăng số lượng trường cũng làm cho nguồn kinh phí, thiết bị không đủ phân phối. Đồng thời cũng làm tăng nhu cầu về số lượng giảng viên nên kéo theo việc chất lượng giảng viên cũng bị ảnh hưởng.

b.   Tinh thần tự quản của tự thân các trường: Mỗi trường có lý tưởng, mục tiêu, bối cảnh và phong cách riêng nên tự thân mỗi trường cũng xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng riêng phát huy tinh thần tự quản của mình nhằm bảo vệ danh tiếng và nhu cầu phát triển.

c.   Chú trọng về trách nhiệm, hiệu suất và thành tích: Nguồn ngân sách chính phủ dành đầu tư vào các trường đại học không ngừng gia tăng. Bất luận là kinh phí cho các trường công hay tài trợ dành cho các trường tư nguồn ngân sách này là rất lớn. Do vậy, các trường cần phải đạt được thành tích và hiệu suất giảng dạy nhất định nào đó mới hoàn thành được trách nhiệm của mình đối với chính phủ, xã hội và người đóng thuế.

d.   Điều chỉnh và thu hẹp nguồn ngân sách giáo dục : Kinh tế không phát triển hay suy trầm sẽ làm cho chính phủ và xã hội thu hẹp nguồn ngân sách dành cho giáo dục. Lúc đó chính phủ yêu cầu phải thông qua việc kiểm định đánh giá chất lượng để điều chỉnh phân bố lại nguồn ngân sách giáo dục dành cho các trường hợp lý và có hiệu quả sử dụng hơn.

e.   Xu thế đa nguyên hóa trường đại học : xu thế phát triển đa nguyên, đa dạng là động cơ thúc đẩy việc xây dựng tính đặc sắc của các trường đại học ngày một nâng cao, điều này đã thúc đẩy các trường đại học tự xây dựng một hệ thống kiểm định đánh giá chất lượng cho chính mình.

f.    Nhu cầu của việc cải cách giáo dục: Một trong những chủ đề được đưa ra bàn thảo và quyết định tại hội nghị ủy ban thẩm định cải cách hành chính và hội nghị giáo dục toàn quốc lần thứ sáu và lần thứ bảy là cần phải xây dựng một hệ thống kiểm định chất lượng hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

2.      Ảnh hưởng nhân tố ngoại tại:

a.       Ảnh hưởng của yếu tố chính trị: xu thế tự chủ và dân chủ trong xã hội đã tác động và hình thành việc mở rộng cửa và dân chủ trong trường đại học. Đồng thời chính phủ cũng muốn thông qua cơ chế đánh giá chất lượng để đạt được mục tiêu phát triển đất nước.

b.      Ảnh hưởng của yếu tố xã hội: Tâm lý “coi trọng bằng cấp” trong xã hội Đài Loan rất mạnh làm cho phụ huynh cùng với bản thân sinh viên chỉ mong được vào học ở các trường đại học danh tiếng. Nhưng một số sinh viên khi thi đậu vào trường đại học rồi lại nảy sinh hiện tượng “mặc tình bay nhảy trong vòng bốn năm” (không siêng năng học tập), vì muốn điều chỉnh tâm lý và hiện tượng “coi trọng bằng cấp” này nên cần phải xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng và bảng xếp hạng các ngành, khoa cũng như thành tích học tập của sinh viên để công bố cho xã hội và nhân dân nắm vững.

c.      Ảnh hưởng của yếu tố kinh tế: Chịu sự ảnh hưởng của các khái niệm kinh tế như : “hiệu ích”, “hiệu suất”, “nguồn lợi đầu tư” , “phân bố tài nguyên” nên cần có một hệ thống đánh giá chất lượng một cách công bình và nghiêm mật để trên cơ sở đó phân bổ nguồn kinh phí một cách hợp lý nhất.

d.      Ảnh hưởng của yếu tố học thuật quốc tế: Các chương trình giao lưu hợp tác học thuật quốc tế đều được thiết lập trên cơ sở “đồng đẳng” về học thuật. Do vậy chất lượng học thuật của các trường đại học trở thành điều kiện rất quan trọng để thực hiện và mở rộng hợp tác quốc tế.

Hệ thống đánh giá kiểm định chất lượng đại học ở Đài Loan đã có một quá trình trên 30 năm phát triển. Có thể chia thành hai hệ thống lớn sau:

·        Hệ thống đánh giá kiểm định chất lượng các ngành học chuyên môn

·        Hệ thống đánh giá kiểm định chất lượng giảng dạy và công tác hành chính ở các trường đại học (gọi là hiệu vụ).

Đây là nội dung tham cứu chính của bài tham luận này. Ngoài ra trong những năm gần đây, Đài Loan liên tục tiến hành thực hiện đánh giá kiểm định chất lượng các mặt khác của giáo dục đại học sẽ được đề cập ở phần IV của bài tham luận này.

II. Hệ thống đánh giá kiểm định chất lượng các ngành học chuyên môn

Trong thời gian thập niên 1970 là thời kỳ mà nền học thuật nước Mỹ chú trọng đến thành tích, hiệu suất và trách nhiệm. Khái niệm kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục ở Mỹ trong thời kỳ này đã trực tiếp ảnh hưởng đến Đài Loan. Bộ Giáo dục Đài Loan muốn nắm vững chất lượng giáo dục của các Viện, Khoa và Trường Đại học để làm y cứ tham khảo khi quyết định cho phép thành lập và cung cấp nguồn kinh phí nên đã bắt tay tiến hành việc đánh giá kiểm định chất lượng các ngành học chuyên môn. Việc thực hiện đánh giá kiểm định chất lượng các ngành học chuyên môn có thể phân thành 3 thời kỳ (蘇錦麗,1997:49-56) là :

1.      Thời kỳ từ niên khóa 1975 – 1976 đến niên khóa 1990 – 1991:

Bộ Giáo dục tiến hành thực hiện đánh giá kiểm định chất lượng các ngành học chuyên môn.

Đánh giá kiểm định chất lượng các ngành học chuyên môn được bắt đầu từ niên khóa 1975 – 1976 đầu tiên là các khoa Toán, Vật lý, Hóa học, Nha và Y của các trường đại học và chương trình cao học của 5 ngành này. Đến niên khóa 1976 – 1977 mở rộng thêm ra các Học viện Nông nghiệp, học viện Công nghiệp, Học viện Y khoa. Tiếp đến các niên khóa 1977 - 1978 và niên khóa 1978 – 1979 lần lượt đánh giá kiểm định chất lượng các Học viện Kinh tế, học viện Pháp lý, học viện Nhân văn và học viện Sư phạm. Để hiểu rõ hơn tình hình tiến triển của các trường, sau khi đánh giá kiểm định, Bộ Giáo dục liên tục trong các niên khóa từ 1979 – 1980 đến 1982 – 1983 tổ chức các chương trình công tác sau đánh giá kiểm định chất lượng. Nhưng trong thời gian này tất cả kết quả kiểm định chất lượng chỉ cung cấp nội bộ cho các trường được đánh giá kiểm định mà không công bố ra ngoài.

2.      Thời kỳ từ niên khóa 1990 – 1991 đến niên khóa 1994 – 1995:

Bộ Giáo dục ủy thác cho các đoàn thể học thuật chuyên  môn thử nghiệm thực hiện đánh giá kiểm định chất lượng các ngành học chuyên môn.

Trong hai niên khóa 1983 – 1984 và 1984 – 1985 vì để tiến hành qui hoạch cải tiến hệ thống đánh giá chất lượng nên Bộ Giáo dục không thực hiện đánh giá kiểm định còn các niên khóa khác vẫn tiến hành đánh giá kiểm định các ngành học chuyên môn của các trường đại học. Niên khóa 1991 – 1992 Bộ lại tạm ngừng công tác đánh giá kiểm định để nỗ lực qui hoạch và cải tiến công tác đánh giá kiểm định. Nhiều học giả và chuyên gia cho rằng công tác đánh giá kiểm định chất lượng ngành học chuyên môn nên ủy thác cho các đoàn thể học thuật có uy tín thực hiện.

Trải qua thời gian nghiên cứu chuyên môn đã đi đến kết luận các tổ chức học thuật uy tín thường do các giáo sư đương chức và học giả trong các trường đại học thành lập vì họ hiểu rõ xu thế phát triển và trình độ chuyên môn của các lĩnh vực chuyên ngành.

Do đó niên khóa 1992-1993 và 1993-1994 Bộ Giáo dục dùng phương thức thử nghiệm ủy thác “Học hội công trình điện cơ Trung Quốc”, “Học hội quản lý khoa học Trung Hoa Dân Quốc”, “Học hội Công trình cơ giới Trung Quốc” tiến hành đánh giá kiểm định chất lượng các ngành học chuyên môn liên quan. Tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá kiểm định đều do các học hội được ủy thác xây dựng và thực hiện.

Kết quả thử nghiệm cho thấy: Giao cho các học hội thực hiện việc đánh giá kiểm định chất lượng đạt được nhiều thành quả hơn và phương thức này đáng được khẳng định. Tuy kế hoạch thử nghiệm đánh giá kiểm định do Bộ Giáo dục đứng ra ủy thác nhưng trên thực tế các cơ quan chủ quản giáo dục không còn là người trực tiếp đánh giá, hay là người trực tiếp khống chế qui trình đánh giá. Điều này đã tránh được tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Trên tổng thể hệ thống đánh giá kiểm định chất lượng cũng thoát khỏi “vòng kim cô của chính quyền Trung ương” đây là phương hướng và cách làm đúng cũng phù hợp với xu hướng chung về hệ thống đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục đại học của các nước tiên tiến.

3/ Từ niên khóa 1994-1995 đến nay: thực hiện việc đánh giá kiểm định chất lượng các ngành học chuyên môn theo luật Đại học [4] .

Năm 1994 tu chỉnh mới “Luật Đại học” và “Hướng dẫn chi tiết thực thi Luật Đại học” đựợc ban bố. Đây chính là nguồn cơ sở pháp lý‎ để Bộ Giáo dục làm y cứ thực hiện công tác kiểm định chất lượng các trường đại học và học viện (廖鴻裕, 2001:69). Do vậy các cơ quan chủ quản giáo dục đại học đã tích cực thực hiện công tác quy hoạch đánh giá kiểm định chất lượng đại học, mời các học giả, chuyên gia và hiệu trưởng các trường đại học, học viện thành lập “Hội đồng tư vấn quy hoạch”. Năm 1996 hoàn thành “Dự thảo đề án kế hoạch đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Bộ Giáo dục”. Trong bản dự thảo này đã trình bày đầy đủ rõ ràng chi tiết về nền tảng cơ sở y cứ, mục đích, nguyên tắc, nguồn kinh phí, các điều mục, nội dung thực thi, dự đoán kết quả của kế hoạch. Hầu mong xây dựng được một hệ thống đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục phù hợp với hoàn cảnh của đất nước (教育部高等教育司,1996). Để nâng cao tính hoàn thiện của dự thảo đề án, trước khi đề án được thông qua, Bộ Giáo dục đã tọa đàm về “Đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục đại học”. Đồng thời cũng tổ chức tại 4 vùng địa phương 4 cuộc tọa đàm “Nhận thức chung về dự thảo đề án kế hoạch đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Bộ Giáo dục”. Với mục đích thông qua việc trao đổi bàn bạc ý kiến giữa các chuyên gia và đại biểu các trường đại học, học viện để đạt được một nhận thức chung làm nền tảng cơ sở tham khảo cho việc xây dựng hệ thống đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục đại học (穌錦麗,1997:56).

 III/ Đánh giá kiểm định tổng hợp.

Năm 1991 Bộ Giáo dục đề ra bốn phương hướng và chính sách căn bản về giáo dục đại học để làm nền tảng giúp đỡ các trường đại học xây dựng chương trình phát triển trung và dài hạn. Bốn phương hướng chính sách căn bản đó là:

(1)   Nguyên tắc giữ vững sự cân bằng về lượng và chất

(2)   Củng cố sự phát triển quân bình giữa Nhân văn và Khoa học kỹ thuật

(3)   Quy hoạch phát triển nền tảng đặc sắc của các trường Đại học

(4)   Phát triển chương trình giáo dục sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ)

Dựa trên phương hướng mục tiêu đó, niên khóa  1991-1992, Bộ Giáo dục lần lượt tiến hành "Thẩm tra thực tế kế hoạch phát triển Trung hạng của trường" của 12 trường Đại học Quốc lập và 24 trường Đại học tư thục và công bố kết quả thẩm tra thực tế, có thể nói đây là bước mở đầu của đánh giá kiểm định tổng hợp của Đài Loan (廖鴻裕, 2001:70-71). Bộ Giáo dục thực hiện "Thẩm tra thực tế kế hoạch phát triển trung hạng của trường" bao gồm các nội dung chủ yếu sau (余玉照,1996):

(1)      Tình hình của các khoa, các viện và số lượng sinh viên: qui mô  của Khoa, viện, cơ cấu số lượng sinh viên.

(2)      Giảng dạy: gồm tỉ lệ số lượng tín chỉ môn học và số lượng sinh viên chọn học, cơ cấu Giảng viên, tỉ lệ Giảng viên biên chế có bằng tiến sĩ, ý kiến điều tra của sinh viên đối với tình hình giảng dạy của giảng viên. 

(3)      Nghiên cứu: gồm số tài chánh đầu tư cho các kế hoạch nghiên cứu, tỉ lệ Giảng viên được lãnh các giải thưởng.

(4)      Mở rộng loại hình đào tạo: số tài chánh thu được và số lượng các lớp tại chức.

(5)      Phân tích nguồn tài nguyên giáo dục gồm bình quân mặt bằng diện tích dành cho mỗi sinh viên, diện tích bình quân mặt bằng ký túc xá dành cho mỗi sinh viên, tài nguyên thư viện (gồm lượng sách, báo, tạp chí, kiến trúc xây dựng của thư viện), Giảng viên (gồm số lượng giảng viên biên chế, thỉnh giảng, văn bằng học vị học hàm), tỉ lệ sinh viên và giảng viên, Nhân lực chi viện hành chánh (gồm nhân viên kỷ thuật, bảo vệ, nhân viên, công nhân kỷ thuật, công nhân lao động và tỉ lệ Giảng viên); Dự toán kinh phí (gồm tỉ suất tăng trưởng của dự toán, tỉ lệ dự toán chi phí thông thường, dự toán cho mỗi sinh viên)

 1/ Thực hiện kế hoạch phát triển trung hạng của các trường Đại học Tư thục.

a)      Giai đoạn một: từ niên khóa 1980-1981 đến niên khóa 1995-1996

Số lượng sinh viên theo học tại các trường Đại học tư thục ở Đài Loan nhiều hơn số lượng sinh viên theo học tại các trường Đại học Công lập. Việc đảm bảo chất lượng giáo dục của các trường Đại học và học viện tư thục luôn là mối quan tâm hàng đầu của quần chúng nhân dân. Chính phủ ngày càng chú trọng  và nâng cao nguồn tài chính tài trợ cho các trường tư thục, chỉ tiếc vẫn còn thiếu một sách lược hoàn chỉnh về việc tài trợ tài chính cho hệ thống trường Đại học và học viện tư thục. Do đó, niên khóa 1989-1990, Bộ Giáo dục thực hiện "tài trợ khoa viện đặc sắc" dành cho các trường Đại học tư thục. Các trường xây dựng kế hoạch phát triển đặc sắc của mình nếu thẩm định được thông qua thì sẽ nhận được nguồn tài trợ về tài chính nhằm mục đích làm cho các trường phải coi trọng công tác xây dựng qui hoạch phát triển. Đến niên khóa 1990-1991 mở rộng thành "Tài trợ kế hoạch phát triển trung hạng 4 năm của các trường Đại học và học viện tư thục". Năm 1991 bắt đầu thúc đẩy kế hoạch phát triển trung hạn các trường đại học và học viện tư thục. Chú trọng đến tính chất khác biệt giữa các trường tư thục, bộ Giáo dục chia các trường thẩm tra thành bốn loại: Đại học Tổng hợp, Học viện Y Khoa, Học Viện Công nghiệp, học viện nâng cấp[5]. Đoàn thẩm tra thực hiện thẩm tra chủ yếu dùng cách thức so sánh giữa các trường không cùng loại hình với nhau mà không phải là chú trọng đến việc so sánh từng trường một với nhau (廖鴻裕, 2001:73 -74)

b)     Giai đoạn hai: từ niên khóa 1996-1997 đến nay

Từ niên khóa 1996-1997 có sự điều chỉnh về phương thức thẩm tra Kế hoạch phát triển trung hạng trường Đại học và học viện tư thục với chu kỳ thẩm tra là 3 năm. Năm đầu tiên đến phỏng vấn thẩm tra tại các trường, năm thứ 2 và năm thứ 3 căn cứ vào kết quả thẩm tra của năm thứ 1 cùng thực tế thực hiện kế hoạch của các trường để tiến hành khảo sát, thẩm tra. Tiêu chuẩn và tiêu chí khảo sát thẩm tra gồm lượng hóa và không thể lượng hóa bao trùm các phương tiện giảng dạy, nghiên cứu, mở rộng loại hình đào tạo, hành chánh tài vụ và hành chánh nhà trường, kết quả thẩm tra là cơ sở y cứ để phân bổ tiền tài trợ dành cho các trường Đại học tư thục (王令宜, 2004). Do vậy, về danh nghĩa, chương trình thẩm tra kế hoạch phát triển trung hạng các trường Đại học tư thục không gọi là đánh giá kiểm định chất lượng nhưng vì kết quả thẩm định sẽ ảnh hưởng đến ngân sách tài trợ và nguồn tiền thưởng to lớn dành cho các trường nêu trên ý nghĩa thực tế nó chính là chương trình đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục các trường Đại học và các học viện tư thục (秦夢群, 2003)

           2/ Thực hiện kế hoạch phát triển trung hạng của các trường Đại học Quốc lập

            Niên khóa 1991-1992, Vụ Giáo dục Đại học tiến hành thẩm tra "Kế hoạch phát triển trung hạng các trường Đại học Quốc lập" đối với 12 trường Đại học Quốc lập mà vụ quản lý. Tiêu chuẩn thẩm tra gồm: (1) kết quả số lượng nghiên cứu của giảng viên, (2) nguồn tài nguyên phân bổ cho sinh viên, (3) nguồn tài nguyên phân bổ cho giảng viên, (4) giá thành đào tạo dành cho mỗi  sinh viên của các trường, (5) phân tích dự đoán ngân sách của các trường. Bộ giáo dục tuyên bố kết quả thẩm tra là cơ sở y cứ để phân bổ dự toán ngân sách dành cho các trường. Do vậy, trên thực tế, "chương trình thẩm tra kế hoạch phát triển trung hạng các trường Đại học Quốc lập" mang ý nghĩa của kiểm định đánh giá chất lượng giáo dục (廖鴻裕,2001:72).

IV/ Tình hình thực hiện đánh giá kiểm định các phương diện khác trong những năm gần đây

1/ Đánh giá kiểm định các ngành học chuyên môn

a/ Đánh giá kiểm định các ngành học chuyên môn của các trường Đại học vào 3 năm 1976, 1977 và 1978.

Ba lần đánh giá kiểm định này thuộc về Cải tiến do Bộ Giáo dục thực hiện mang tính chất nhà nước. Năm 1976, đánh giá kiểm định của các ngành Toán, Vật Lý, Hóa học, Y học, và Nha khoa của các khoa chuyên môn về năm ngành học này. Năm 1977, đánh giá kiểm định các học viện Nông Nghiệp, Công Nghiệp và Y khoa thuộc các trường Đại học [6]. Cả 3 lần đánh giá này đều dùng tiêu chuẩn lượng hóa và kết quả đánh giá kiểm định chỉ dùng cung cấp cho các trường tham khảo để cải tiến mà không dùng làm cơ sở căn cứ phân bổ nguồn ngân sách và tài trợ (葉昱岑,2006:23).

b/ Thẩm tra việc cải tiến của các trường trên cơ sở kết quả đã được đánh giá kiểm định từ năm 1979 đến năm 1982.

Trong giai đoạn này chủ yếu là kiểm tra việc cải tiến của các trường sau khi đã được đánh giá kiểm định của tất cả các khoa, viện thuộc các trường Đại học, mục đích để hiểu rõ về tình hình cải tiến của các khoa, viện trong các trường Đại học. Tiêu chuẩn đánh giá kiểm định vẫn như các lần đánh giá trước (.葉昱岑,2006:23)

      c/ Đánh giá kiểm định chất lượng các ngành học chuyên môn của các trường Đại học từ năm 1988 đến 1990.

Trong giai đoạn này, Bộ Giáo dục tiến hành đánh giá kiểm định các trường Đại học và Học viện Sư phạm theo từng niên khóa, mục đích và tiêu chuẩn đánh giá giống với 3 lần đánh giá đầu tiên (1976, 1977 và 1978) nhưng kết quả đánh giá của giai đoạn này ngoài cung cấp cho các trường để cải tiến và còn là cơ sở tham khảo để đề ra các quyết sách hành chánh của Bộ Giáo dục (葉昱岑,2006:23).

      d/ Đánh giá kiểm định chất lượng ngành học chuyên môn năm 1994

Từ năm 1944, bước vào giai đoạn Bộ giáo dục ủy thác các hội đoàn quản lý học thuật tiến hành kiểm định đánh giá các ngành học chuyên môn của các trường Đại học. Đối tượng đánh giá kiểm định lần này là các Khoa, Viện thuộc các  ngành Điện cơ, Quản lý, Cơ khí của các trường Đại học. Tiêu chuẩn đánh giá chủ yếu là lượng hóa, kết quả đánh giá làm cơ sở tham khảo để đề ra các quyết sách về hành chánh (葉昱岑,2006:24)

      e/ Đánh giá kiểm định chất lượng các ngành thuộc Đại học Đại cương năm 1998

      Năm 1998, ủy thác cho Hội học Giáo dục Đại cương Trung Hoa dân quốc tiến hành khảo sát thực tế thẩm tra và đánh giá kiểm định (王令宜, 2004:84) chuyên ngành Đại học Đại cương của các trường Đại học với tiêu chuẩn đánh giá quân bình cả lượng và chất, kết quả đánh giá kiểm định nhằm giúp nâng cao trình độ, thành tích và hiệu suất của ngành giáo dục Đại học Đại cương của các trường Đại học (葉昱岑,2006:24)

            g/ Đánh giá kiểm định ngành học chuyên môn Học viện Y khoa năm 2000, học viện quản lý năm 2002, ngành hóa học năm 2003 của các trường Đại học.

            Bắt đầu từ năm 2000, "Ủy Ban đánh giá kiểm định chất lượng Y học Đài Loan" thực hiện việc đánh giá kiểm định định kỳ các khoa Y thuộc tất cả các trường Đại học Đài Loan (王令宜., 2004:84)

            Năm 2002, Bộ Giáo dục ủy thác cho "Học hội quản lý Khoa học Trung Hoa Dân Quốc” thực hiện đánh giá chất lượng chuyên ngành thuộc các học  viện Quản lý của các trường Đại học (王令宜, 2004:84)

            Năm 2003, Bộ Giáo dục ủy thác cho "Học hội Hóa học Trung Quốc" tiến hành đánh giá kiểm định chất lượng các ngành khoa hóa học các trường Đại học.

            h/ Đánh giá kiểm định chất lượng Trung tâm Bồi dưỡng Giảng Viên của các trường Đại học và Học viện

            Sau khi "luật bồi dưỡng Giáo viên" được ban hành, Bộ Giáo dục để phối hợp việc mở rộng việc thẩm tra chương trình Bồi dưỡng Sư phạm Giáo viên của tất cả các trường Đại học và học viện đã lần lượt tiến hành 4 kỳ "thẩm tra kế hoạch chương trình Bồi dưỡng Sư phạm Giáo viên của các cơ quan Bồi dưỡng Giáo viên" vào các năm 1996, 1999, 2000 và 2005. Trong đó, năm 2005 là năm đầu tiên áp dụng chính sách "Rút khỏi thị trường" những đơn vị bị đánh giá thuộc hạng "Tam Đẳng" thì năm sau phải lập tức ngừng việc chiêu sinh.

            i/ Đánh giá kiểm định chất lượng các Khoa, viện [7] trong các trường Đại học và học viện

            Bộ Giáo dục uỷ thác cho " Tài đoàn pháp nhân Trung Tâm đánh giá kiểm định chất lượng Đại học cơ kim hội" thực hiện kế hoạch Đánh giá kiểm định chất lượng các Khoa, viện của các trường Đại học. Đây là lần đầu lấy Khoa, Viện làm đơn vị để tiến hành đánh giá kiểm định chất lượng Đại học. Dự tính từ năm 2006 đến năm 2010 mỗi chu kỳ là 5 năm thực hiện đánh giá kiểm định chất lượng tổng cộng hơn hai nghìn khoa, sở của 78 trường Đại học và học viện (không tính các trường, viện kỹ thuật nghể [8]) (陳曼玲, 2006:11). Qui trình đánh giá cơ bản theo biểu đồ sau:

Sơ đồ 1: Quy trình đánh giá kiểm định các khoa viện của các trường đại học (lấy niên khóa 2006-2007 làm ví dụ)

Giai đoạn công tác chuẩn bị của Trung tâm đánh giá kiểm định

(tháng 1 năm 2006 đến tháng 3 năm 2006)

Giai đoạn tự đánh giá của các khoa, viện thuộc các trường đại học

(tháng 4 năm 2006 đến tháng 9 năm 2006)

Giai đoạn tiến hành đánh giá thực tế

(tháng 10 năm 2006 đến tháng 1 năm 2007)

Các trường đề xuất ý kiến khiếu nại

(tháng 2 năm 2007)

Công bố kết quả đánh giá kiểm định

(tháng 5 năm 2007)

 

Nguồn tư liệu: 陳曼玲(2006:11)

Lần đánh giá kiểm định này dùng hình thức “công nhận” với mục tiêu “đảm bảo rằng các khoa, viện cung cấp một hoàn cảnh không gian và điều kiện học tập ưu tú nhất cho các sinh viên của mình” với 5 mục tiêu sau:

(1)  Hiểu rõ thực trạng chất lượng các khoa, viện của các trường đại học

(2)  Xác định và đề xuất thời hạn, mức độ chất lượng của các khoa, viện thuộc các trường đại học

(3)  Thúc đẩy các khoa, viện thuộc các trường đại học xây dựng cơ chế cải thiện chất lượng

(4)  Giúp các khoa, viện của các trường đại học phát triển chương trình đào tạo đặc sắc tiến dần đến chương trình đào tạo tài năng

(5)  Dùng kết quả đánh giá kiểm định làm cơ sở tham khảo để chính phủ đề xuất những chính sách liên quan đến giáo dục (財團法人高等教育評鑑中心基金會,2006)

Căn cứ vào 5 mục tiêu trên chúng ta nhận thấy rằng lần đánh giá này có được 6 đặc điểm sau:

(1)  Chú trọng tính chất khác biệt của các khoa, viện do các khoa viện tự dựa vào thực trạng của mình để phân định tiêu chuẩn đánh giá, đồng thời cũng không sử dụng tiêu chuẩn định lượng cố định để tiến hành xếp hạng

(2)  Nhấn mạnh việc các khoa, viện căn cứ vào mục tiêu và tôn chỉ đã thiết lập của mình cùng với tiêu chuẩn đánh giá để thuyết trình tình trạng đạt được mục tiêu và tôn chỉ xây dựng hay chưa

(3)  Nội dung đánh giá kiểm định chủ yếu là bảo đảm chất lượng giảng dạy, đồng thời cũng xem trọng chất lượng chuyên môn cùng chất lượng và thành quả nghiên cứu

(4)  Quá trình đánh giá kiểm định nhấn mạnh việc các khoa, viện phải thực hiện và xây dựng được cơ chế cải thiện

(5)  Căn cứ vào các tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá tiến hành việc tự đánh giá kiểm thảo và nhìn nhận chính mình chứ không phải là so sánh với các khoa, viện và các trường khác

(6)  Kết quả đánh giá bằng hình thức “công nhận” do các nhà đánh giá chuyên môn của các trường đại học cùng bình xét chéo để đưa ra ba kết quả công nhận là “đạt”, “đợi xét duyệt” và “chưa đạt”. Kết quả đánh giá dùng làm cơ sở để Bộ Giáo dục đưa ra những quyết sách cần thiết (王保進,2007a:7)

Phương cách công nhận kết quả được diễn đạt bằng sơ đồ dưới đây:

Sơ đồ 2: Sơ đồ xử lý kết quả đánh giá các khoa viện

Kết quả công nhận

Điểm

tiêu chuẩn

Phương thức xử lý của Trung tâm đánh giá kiểm định

Phương thức xử lý của Bộ Giáo dục

Đạt

70 điểm trở lên

l  Đưa ra việc chấp hành kết quả và kế hoạch cải thiện để bộ Giáo dục kiểm tra

l  5 năm không cẩn đánh giá kiểm định

Đợi xét duyệt

Từ 60 đến 69 điểm

l  Đưa ra việc chấp hành kết quả và kế hoạch cải thiện, bị đánh giá kiểm tra việc cải thiện sau đánh giá kiểm định

l  Đánh giá kiểm tra việc cải thiện chỉ nhắm vào các vấn đề đã được nêu ra trong kết quả đánh giá kiểm định và những khuyết điểm cần cải tiến

l  Năm sau không được tăng số lượng chiêu sinh

l  Bắt đầu tiến hành đánh giá kiểm tra việc cải tiến từ năm sau trở đi đến khi nào đạt được mới thôi. Nếu trong 2 lần đánh giá liên tục vẫn bị công nhận là chưa đạt thì phải ngừng việc chiêu sinh và giảng dạy

Chưa đạt

Dưới

60 điểm

l  Đưa ra việc chấp hành kết quả và kế hoạch cải thiện, bị đánh giá lại

l  Đánh giá lại là tiến hành đánh giá lại từ đầu một lần nữa

l  Năm sau bị giảm số lượng chiêu sinh

l  Nếu năm sau đánh giá lại vẫn chưa đạt thì phải ngừng chiêu sinh và giảng dạy

 

Nguồn tư liệu: 陳曼玲(2006:13)

Lần đánh giá này có 5 tiêu chuẩn lớn là:

(1)  Mục tiêu, đặc sắc và cải thiện

(2)  Xây dựng chương trình và giảng dạy của giảng viên

(3)  Học tập của sinh viên và công tác quản lý phục vụ sinh viên

(4)  Nghiên cứu và thành quả chuyên môn

(5)  Lần đầu tiên đưa ra tiêu chuẩn thành quả của sinh viên tốt nghiệp (陳曼玲,2006:11)

Để bảo đảm quyền lợi và tôn trọng ý kiến của tất cả các khoa, viện được đánh giá nên sau khi hội đồng đánh giá kiểm định đưa ra kết quả đánh giá, tất cả mọi ý kiến được tiếp nhận trong quá trình tiến hành kiểm tra, phỏng vấn sẽ được gởi đến các khoa, viện, để trên cơ sở đó các khoa viện có thể khiếu nại các điểm không phù hợp với thực tế mà báo cáo đã nêu ra hay những vi phạm của hội đồng trong quá trình đánh giá. Các khoa, viện với kết quả là “đợi xét duyệt” và “chưa đạt”, trong vòng 1 tháng sau khi có báo cáo kết quả đánh giá kiểm định có thể căn cứ vào “quy định về việc khiếu nại đánh giá kiểm định chất lượng khoa, viện các trường đại học, học viện” để gởi khiếu nại đến “Trung tâm đánh giá kiểm định” (王保進,2007b:11-13)

Đợt đánh giá kiểm định đầu tiên của niên khóa 2006 – 2007 chủ yếu là các khoa, viện thuộc các ngành thể dục thể thao, nghệ thuật, sư phạm của 17 trường đại học và học viện. Tất cả các khoa, viện được thành lập và chiêu sinh từ năm 2005 trở về trước đều tiến hành đánh giá tổng cộng là 362 khoa viện. Kết quả của việc đánh giá đầu tiên được công bố vào tháng 6/2007 có 279 khoa, viện được công nhận “đạt”, 71 khoa, viện “đợi xét duyệt” và 11 khoa, viện “chưa đạt”. Kết quả của đợt đánh giá kiểm định chất lượng này được công bố trên trang web của “Trung tâm đánh giá kiểm định chất lượng đại học”. Tuy có 82 khoa viện không được công nhận là “đạt” nhưng vì mục đích chính của lần đánh giá này là xem xét tình trạng đạt được mục tiêu và tôn chỉ ban đầu khi thành lập của các khoa, viện nên không phủ nhận giá trị tồn tại của 82 khoa viện này. Đồng thời 279 khoa viện được công nhận “đạt” cũng phải căn cứ vào kiến nghị được đề xuất trong báo cáo đánh giá kiểm định để tiến hành cải thiện. Trong lần đánh giá đầu tiên này “Trung tâm đánh giá kiểm định” nhận được tổng cộng 18 đơn khiếu nại của các khoa, viện thuộc 9 trường đại học và đã căn cứ theo quy định để thành lập Ủy ban kiểm tra tiến hành việc tái thẩm định (陳曼玲,2007:53). Hiện nay đang tiến hành đánh giá kiểm định nửa năm đầu 2007 với tổng số 245 khoa viện của 10 trường đại học công lập và tư thục. Cuối tháng 5/2007 đã hoàn tất việc đánh giá kiểm định thực tế, dự tính cuối tháng 12/2007 sẽ công bố kết quả (鄺海音,2007a:53). Hạ tuần tháng 10/2007 đã tiến hành đánh giá kiểm định 263 khoa viện của 9 trường đại học. Phương thức xử lý kết quả của lần này đã được sửa đổi bằng việc áp dụng hình thức công nhận đối với từng chương trình đào tạo của các khoa, viện [9]

 

2/Đánh giá kiểm định tổng hợp:

Năm 1989 Đài Loan thực hiện “kế hoạch phát triển trung hạn 4 năm của các trường đại học và học viện tư thục và niên khóa 1991 – 1992”, thực hiện “kế hoạch phát triển trung hạn các trường đại học quốc lập” có thể được gọi là khởi đầu của việc đánh giá kiểm định tổng hợp các trường đại học ở Đài Loan (廖鴻裕,2001:92). Năm 1997 “Kế hoạch thử nghiệm đánh giá kiểm định tổng hợp các trường đại học” được xem là lần đánh giá kiểm định chất lượng mang tính tổng hợp với quy mô lớn nhất và hoàn chỉnh nhất trong lịch sử ngành giáo dục đại học Đài Loan. Sau đó, để quán triệt chính sách đánh giá kiểm định chất lượng đại học, năm 2004, Bộ Giáo dục ủy thác cho “Xã đoàn pháp nhân Hiệp hội đánh giá kiểm định chất lượng Đài Loan” mới được thành lập chưa được một năm, tiến hành quy hoạch thực hiện “Quy hoạch đánh giá kiểm định chất lượng đại học niên khóa 2003 - 2004”.

a.    Kế hoạch thử nghiệm đánh giá kiểm định tổng hợp các trường đại học:

Mục đích của lần đánh giá kiểm định này nhằm giúp cho các trường đại học xác lập phương hướng và trọng tâm phát triển, nâng cao trình độ nghiên cứu học thuật, giảng dạy, mở rộng loại hình đào tạo, hành chánh quản lý của các trường đại học trong nước. Thúc đẩy nâng cao thành tích và hiệu suất của công tác dạy và học. Vì mang tính chất thử nghiệm nên kết quả đánh giá không dùng để xếp hạng mà chỉ cung cấp cho các trường tham khảo để tự cải tiến. Với tổng số 62 trường (gồm các trường đại học và học viện sư phạm, đại học và học viện kỹ thuật nhưng không tính đại học từ xa), đại học và học viện cảnh sát, quân đội. Trong đó các trường chờ đợi quyết định thành lập hay các trường được nâng cấp từ cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chưa đủ 3 năm có quyền tự quyết định tham gia hay không tham gia chương trình đánh giá kiểm định. Lần thử nghiệm kế hoạch đánh giá kiểm định này dựa theo tính chất của các trường để phân thành từng nhóm trường, các trường theo tính chất và nguyện vọng của mình để chọn tham gia nhóm trường nào. Nhóm 1: các trường đại học quốc lập, nhóm 2: các trường đại học tư thục được thành lập vào thời kỳ đầu, nhóm 3: các trường đại học, tư thục được nâng cấp sau này, nhóm 4: các trường sư phạm, nhóm 5: các trường y khoa, nhóm 6: các trường khác. Sau khi hoàn thành thử nghiệm đánh giá tổng hợp xong, Bộ Giáo dục ủy thác “Học viện giáo dục sư phạm Tân Trúc” và “Trung tâm đánh giá kiểm định” thực hiện “Báo cáo đánh giá kết quả kế hoạch thử nghiệm đánh giá kiểm định tổng hợp các trường đại học niên khóa 1997 - 1998”. Kết luận cuối cùng cho thấy việc Bộ Giáo dục tiến hành đánh giá kiểm định tổng hợp chất lượng các trường đại học là phương hướng đúng và khả thi, trong tương lai cần tiếp tục thực hiện để trở thành công tác thường xuyên nhưng thêm vào đó vẫn còn nhiều điểm cần phải cải tiến về quá trình và phương pháp đánh giá kiểm định (廖鴻裕,2001:93-99)

b.   Đánh giá kiểm định chất lượng đại học năm 2004:

Căn cứ vào “Sổ tay kế hoạch thực hiện và quy định đánh giá kiểm định chất lượng các trường đại học” (社團法人台灣評鑑協會,2004)lần đánh giá kiểm định này nhằm vào 6 mục đích sau:

(1)  Xây dựng nhận thức chung về đánh giá kiểm định và thiết lập nền tảng cơ sở vững chắc cho công tác đánh giá kiểm định ở tương lai

(2)  Nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường sức cạnh tranh của các trường đại học

(3)  Hiểu rõ thực trạng giảng dạy, quản lý của các trường đại học, giúp đỡ các trường xác định lại mình một cách đúng đắn và xây dựng được phương hướng phát triển.

(4)  Khuyến khích các trường đề ra đề án phát triển loại hình đào tạo đặc sắc và hành chính quản lý hoàn chỉnh

(5)  Giúp đỡ các trường xây dựng kế hoạch cải tiến các loại hình đào tạo và hành chính quản lý hoàn chỉnh

(6)  Giúp đỡ các trường có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy quản lý nhằm đạt được hiệu quả quan sát và học tập lẫn nhau giữa các trường

Đối tượng đánh giá kiểm định lần này gồm 76 trường thuộc các trường đại học, học viện tổng hợp, đại học và học viện sư phạm, học viện thể dục thể thao, đại học và học viện cảnh sát quân đội. Trong quá trình đánh giá kiểm định về hành chính quản lý dựa vào tính chất để phân thành 9 nhóm. Nhóm 1 các trường quốc lập 1, nhóm 2 các trường quốc lập 2, nhóm 3 các trường sư phạm, nhóm 4 các trường nghệ thuật, thể thao, nhóm 5 các trường tư thục 1, nhóm 6 các trường tư thục 2, nhóm 7 các trường tư thục 3, nhóm 8 các trường y khoa, nhóm 9 các trường cảnh sát quân đội. Khi đánh giá kiểm định về chuyên môn lại phân thành các nhóm sau: nhóm 1 nhân văn-nghệ thuật-thể thao, nhóm 2 khoa học xã hội (bao gồm cả giáo dục sư phạm), nhóm 3 khoa học tự nhiên, nhóm 4 công trình, nhóm 5 y dược-y tế, nhóm 6 nông nghiệp. Tiêu chuẩn đánh giá kiểm định chú trọng cả lượng và chất. Trong đó chỉ số thống nhất của các tiêu chuẩn lượng hóa được tính từ tư liệu do các trường điển vào mẫu của hiệp hội đánh giá kiểm định công bố trên mạng ở “Biểu tư liệu cơ bản của các trường”. Về tiêu chuẩn chất hóa các trường dựa trên tiêu chuẩn đánh giá để cung cấp bảng báo cáo của mình. Nếu tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá không đủ biểu thị tính đặc sắc của các trường thì các trường có quyển nêu ra các tiêu chuẩn và tiêu chí phù hợp đồng thời thuyết minh báo cáo. Trong đánh giá hành chánh hiệu vụ nhằm vào chương trình đào tạo đặc sắc (các trường tư thục thì gồm cả chương trình phát triển trung hạn và dài hạn), tài nguyên giảng dạy, mức độ quốc tế hóa, mở rộng loại hình đào tạo, huấn luyện bồi dưỡng, giáo dục đại cương và hành chánh quản lý. Về đánh giá kiểm định chuyên môn nhắm vào đội ngũ giảng viên, giảng dạy và nghiên cứu.

l     Đội ngũ giảng viên
l     Giảng dạy
l     Nghiên cứu

Chương trình đào tạo đặc sắc (trường tư thục bao gồm kế hoạch phát triển trung và dài hạn)

l     Tài nguyên giảng dạy
l     Mức độ quốc tế hóa
l     Mở rộng loại hình đào tạo
l     Bồi dưỡng huấn luyện
l     Giáo dục đại cương
l     Hành chánh quản lý

Tiêu chuẩn đánh giá kiểm định

Chuyên môn
Hành chánh hiệu vụ
Tính chất
Lượng hóa
Tính chất
Lượng hóa

Sơ đồ 1: Tiêu chuẩn đánh giá

Nguồn tư liệu: 社團法人台灣評鑑協會(2004)

V. Kết luận:

Nhìn lại lịch sử hơn 30 năm thực hiện đánh giá kiểm định chất lượng đại học ở Đài Loan trong quá trình  phát triển có những đặc điểm sau:

1.      Đầu tiên do chính phủ chỉ đạo và thực hiện, sau chuyển dần do các cơ quan đoàn thể chuyên môn thực hiện đã nâng cao tính chuyên nghiệp và công bình trong quá trình đánh giá kiểm định

2.      Tiêu chuẩn đánh giá lúc đầu chú trọng lượng hóa, sau chuyển thành chất, lượng đều được chú trọng

3.      Xu hướng đánh giá kiểm định từ đánh giá ngoài chuyển dần về đánh giá trong điều này có lợi cho việc tự đánh giá của các khoa, viện và các trường trong tương lai

4.      Dần dần đi đến một quy hoạch hoàn chỉnh. Trước đây công tác đánh giá kiểm định không liên tục, nhỏ giọt và có tính chọn lựa để thực hiện. Từ năm 2006 trở đi việc đánh giá kiểm định chất lượng các khoa, viện đã được quy định rõ rạng với chu kỳ 5 năm

5.      Cơ chế “rời khỏi thị trường” được áp dụng. Trước đây công tác đánh giá kiểm định chất lượng chỉ nhằm làm cơ sở tham khảo để các trường tự cải tiến và chính phủ phân bổ nguồn kinh phí tài trợ nhưng từ năm 2005 khi đánh giá kiểm định Trung tâm bồi dưỡng giảng viên của các trường đại học đã bắt đầu thực hiện cơ chế rời khỏi thị trường đối với các trường đại học tổng hợp [10] . Năm 2006 đánh giá kiểm định các khoa viện cũng áp dụng hình thức giảm số lượng chiêu sinh và ngừng chiêu sinh dành cho các khoa viện chưa đạt.

Tuy hệ thống đánh giá kiểm định chất lượng đại học của Đài Loan ngày càng hoàn thiện hơn nhưng vẫn còn một khoảng cách nhất định để đạt đến trình độ hoàn mỹ nhất 王令宜(2005) nêu ra các đề nghị nhằm cải tiến hơn nữa hệ thống đánh giá kiểm định chất lượng:

(1)  Quy hoạch hoàn chỉnh chính sách, phương hướng. Chính phủ phải dựa vào nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước để đặt ra kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn của các trường đại học từ đó làm cơ sở xây dựng và thực hiện từng bước quy hoạch hoàn thiện tiêu chuẩn đánh giá kiểm định chất lượng đại học

(2)  Xây dựng hoàn thiện các quy định pháp lệnh, để khích lệ khen thưởng đối với các trường đạt được kết quả cao sau khi đánh giá kiểm định và phụ đạo bồi dưỡng dành cho các trường không đạt được kết quả cao

(3)  Chức năng chủ yếu của các trường đại học là nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ. Phát triển nét đặc sắc của các trường cũng không ngoài 3 phương diện này nên các trường cần tự chủ trong quyền đánh giá kiểm định về 3 phương diện trên

(4)  Năm 2003 khi đánh giá kiểm định chất lượng các trường vì quy trình thực hiện phức tạp, thời gian cấp bách làm cho các trường lâm vào tình cảnh “trở tay không kịp” đề nghị cần tinh giản quy trình thực hiện và kéo dài thời gian thực hiện trong tương lai

(5)  Khuyến khích việc tự đánh giá

(6)  Thực hiện công tác kiểm tra định kỳ sau đánh giá kiểm định, kiểm thảo công tác đánh giá kiểm định về hiệu suất, hiệu năng và hiệu ích

Hiện nay Đài Loan đang thực hiện đánh giá kiểm định chất lượng các khoa, viện với phạm vi trải rộng hết tất cả các khoa viện trong toàn quốc. Kết quả đánh giá được thể hiện bằng số liệu kết hợp với cơ chế “rời khỏi thị trường”. Dự kiến năm 2010 sẽ hoàn tất. Do vậy chương trình đánh giá kiểm định này được cả  nước quan tâm đồng thời cũng thiết lập cơ chế và không gian để các khoa viện, các trường khiếu nại nhằm giúp cho các cơ quan chuyên  môn và hội đồng đánh giá kiểm định cải thiện làm cho hệ thống đánh giá kiểm định chất lượng đại học ngày một hoàn bị hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

王令宜(2004)。我國大學校務評鑑之發展與現況。教育研究月刊137(頁80-92

王保進(2007a)。大學校院系所評鑑作業程序。評鑑雙月刊,8(頁7-10)。

王保進(2007b)。解讀95年度系所評鑑結果。評鑑雙月刊,8(頁11-17)。

台灣教育發展史料彙編編輯委員會編輯小組(1987)。台灣教育發展史料彙編-高等教育篇。台中:省立台中圖書館。

余玉照(1996)。我國大學評鑑之過去與未來。載於教育部(主編),八十四學年度大學校院教育評鑑座談會會議紀錄(頁13-23)。台北:教育部。

林建福(1993)。台灣高等教育之演進。載於徐南號(主編),台灣教育史(頁159-183)。台北:師大書苑。

社團法人台灣評鑑協會(2004)。「大學校務評鑑規劃與實施計畫」評鑑手冊

秦夢群(2003)。台灣獎補助私立大學政策之研究分析。「卓越與效能-21世紀兩岸高等教育發展前景」學術研討會會議手冊2003年10月27日,台北:政治大學。

財團法人高等教育評鑑中心基金會(2006)。95年度大學校院系所評鑑實施計畫2007年10月31日取自於http://www.heeact.org.tw/

教育部高等教育司(1996)。教育部大學教育評鑑計劃草案。台北:教育部。

陳曼玲(2006)。系所評鑑五年計畫正式啟動。評鑑雙月刊,1(頁11-14)。

陳曼玲(2007)。95年度系所評鑑共接獲18件申訴案。評鑑雙月刊,9(頁53)。

葉昱岑(2006)。我國大學評鑑政策之研究。未出版之碩士論文,國立暨南國際大學校育政策與行政研究所,南投。

廖鴻裕(2001)。中英高等教育評鑑制度之比較研究。未出版碩士論文,國立暨南國際大學比較教育研究所,南投。

鄺海音(2007a)。96年度上半年系所評鑑年底公布結果。評鑑雙月刊,9(頁53-54)。

鄺海音(2007b)。96年度下半年系所評鑑10月展開實地訪評。評鑑雙月刊,9(頁54-55)。

鄺海音(2007c)。97年度上半年系所評鑑實施計畫出爐。評鑑雙月刊,9(頁55)。

蘇錦麗(1997)。高等教育評鑑-理論與實際。台北:五南。



[1] Quốc lập : do nhà nước thành lập

 

[2] Tỉnh lập: do chính quyền tỉnh cấp phép thành lập

[3] Hệ thống giáo dục đại học Đài Loan gồm : Đại học, Học viện độc lập (gọi tắt là Học viện), trường chuyên khoa. Nhưng trong bài tham luận này chỉ đề cập đến đánh giá chất lượng đại học (gồm đại học và học viện), các trường chuyên khoa có hệ thống đánh giá chất lượng riêng.

[4] “Luật Đại học” được tu sửa gần đây nhất là 03/01/2007 trong đó điều 5 quy định “Các trường Đại học định kỳ tự đánh giá về các mặt: giảng dạy, nghiên cứu, phục vụ, phụ đạo, hành chánh học vụ và tham dự của sinh viên. Các trường tự xây dựng hệ thống tự đánh giá của mình. Bộ Giáo dục để thúc đẩy sự phát triển của các trường nên thành lập ủy ban đánh giá kiểm định hoặc ủy thác cho các đoàn thể học thuật, hay các cơ quan chuyên môn về đánh giá kiểm định, định kỳ tiến hành đánh giá kiểm định chất lượng đại học và công bố kết quả để chính phủ tham khảo phân bổ nguồn tài chính giáo dục và các trường dựa vào đó để điều chỉnh quy mô phát triển. Bộ Giáo dục quy định cách thức đánh giá kiểm đinh chất lượng”

[5] Ba học viện được nâng cấp từ trường chuyên Khoa là : Học viện truyền thông báo chí Thế Giới, Học viện quản lý thiết kế Thực Tiễn, Học viện quản lý Danh Truyền.

[6] Tại Đài Loan, 1 trường đại học (University) với qui mô nhỏ nhất là phải gồm 3 học viện (Colledge)

[7] Viện ở đây là chương trình Cao học đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ . Tiếng Hoa gọi là "Nghiên cứu sở", ở Việt Nam gọi là "Viện nghiên cứu". Chương trình đào tạo Cao học thạc sĩ và tiến sĩ ở Đài Loan do các Khoa trực tiếp quản lý mà không do nhà trường quản lý như Việt Nam.

 

[8] Các trường Đại học và Học viện được nâng cấp từ các trường chuyên khoa là hệ thống các trường Đại học và học viện có tên gọi đầu gồm các cụm từ sau: học viện kỹ thuật...., đại học khoa học kỹ thuật….,

[9] Tức là đánh giá công nhận cho mỗi chương trình đào tạo riêng biệt như chương trình đào tạo cử nhân, chương trình đào tạo thạc sỹ và chương trình đạo tạo tiến sỹ của các khoa viện, mà không đánh giá công nhận chung cho cả khoa viện như trước đây

[10] Trong bài tham luận này không tham cứu đánh giá kiểm định các trường đại học và học viện được nâng cấp. Nhưng nếu nói đến cơ chế “rời khỏi thị trường” đầu tiên hết  phải kể là vào tháng 10/2004 Bộ Giáo dục công bố phương pháp đánh giá kiểm định các trường chuyên khoa. Xác định rõ các khoa bị xếp hạnh “tứ đẳng” năm sau phải đóng cửa rời khỏi thị trường. Các trường đại học khoa học kỹ thuật và học viện kỹ thuật cũng áp dụng quy định này.

Thích Giải Hiền

Các tin đã đăng:
© 2005-2011 Chùa Vĩnh Nghiêm.
Biên tập: Đ.Đ. Thích Thanh Phong.
Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08)3848 3153 Fax: (08)3843 9901
Email: [email protected]
Website: http://www.vinhnghiemvn.com