Giảng dạy Tiếng Việt như một ngoại ngữ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
02/01/2009 15:49 (GMT+7)


Tham luận hội thảo

 “DẠY VÀ HỌC TIẾNG VIỆT TẠI ĐÀI LOAN – HIỆN TRẠNG VÀ TƯƠNG LAI”

Thích Giải Hiền

NCS. Tiến sỹ Chính sách hành chính giáo dục

Đại học quốc lập ChiNan Taiwan

Kiêm giảng viên tiếng Việt Đại học quốc lập ChiNan

Đại học quốc lập ChiaYi

 I/ Mở đề:

Thập niên 80 của thế kỷ trước Đài Loan bác bỏ lệnh giới nghiêm đối với Trung Quốc đại lục mở ra thời kỳ giao lưu kinh tế, văn hóa giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Nguồn vốn đầu tư từ Đài Loan và Hồng Kông đổ vào Trung Quốc đã giúp cho công cuộc đổi mới ở Trung Quốc đạt được những thành quả đáng kể. Nguồn nhân công dồi dào và giá rẻ thu hút càng nhiều các công ty Đài Loan đổ vốn vào Trung Quốc. Nhằm tạo nên xu hướng cân bằng và giảm bớt những bất trắc trong việc đầu tư vào Trung Quốc ([1]) thập niên 90 chính phủ Đài Loan đã đưa ra chính sách “hướng Nam” khích lệ các nguồn đầu tư từ Đài Loan chuyển hướng về các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam để tạo nên thế quân bình với Trung Quốc đại lục. Hiện nay Đài Loan đang là quốc gia có nguồn vốn đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Từ sau khi Việt Nam ra nhập WTO các công ty và tập đoàn lớn của Đài Loan như Tập đoàn Thống Nhất Uni-frisedent, Tập đoàn Formosa, Tập đoàn Hồng Hải… đã chính thức đổ vốn vào Việt Nam nên nguồn cán bộ quản lý từ Đài Loan cũng được nâng cao nhất là những cán bộ có học qua hay biết tiếng Việt.

Thêm vào đó nhu cầu lấy vợ Việt Nam tại Đài Loan trong những năm gần đây không ngừng gia tăng. Theo thống kê hiện nay tại Đài Loan có khoảng 100.000 cô dâu Đài Loan. Việc hòa nhập và nhu cầu giáo dục con cái của những gia đình này đang ngày càng được xã hội chú trọng đã gián tiếp tác động đến hệ thống giáo dục tại Đài Loan bắt đầu chú ý đến văn hóa, giáo dục Việt Nam để giúp cho việc giáo dục Đa nguyên tại Đài Loan đạt được thành quả nhất định.

Mặt khác thành quả đổi mới đã từng bước nâng cao nền kinh tế Việt Nam đã làm cho chính phủ, học giả, doanh nhân, tầng lớp trí thức và xã hội Đài Loan bắt đầu chú ý đến Việt Nam. Hệ thống truyền thông tại Đài Loan đã có những chương trình nói về Việt Nam điều này đã làm cho giới trẻ chú ý và có nhu cầu học thêm về tiếng Việt Nam. Một số trường đại học quốc lập, đại học cộng đồng và trung tâm ngoại ngữ đã mở các khóa và các lớp dạy tiếng Việt.

Trong bài tham luận này chúng tôi muốn giới thiệu tổng quát về tình hình dạy và học tiếng Việt tại Đài Loan, một vài trường hợp cụ thể và những kiến nghị từ thực tế để nhằm thúc đẩy sự hợp tác và phát triển việc dạy và học tiếng Việt ở Đài Loan trong tương lai.

II/ Thực trạng giảng dạy tiếng Việt tại Đài Loan

1/ Các loại hình giảng dạy

Nói đến việc dạy và học tiếng Việt tại Đài Loan, có thể phân thành các loại hình giảng dạy sau đây:

a/ Hệ thống các trường đại học

Một số trường quốc lập (trường công) và tư thục thiết kế tiếng Việt là tín chỉ ngoại ngữ bắt buộc cho các khoa viện có chương trình đào tạo đến các lĩnh vực thuộc khu vực Đông Nam Á hệ cao học và tiến sỹ. Đa phần thì thiết kế tiếng Việt là tín chỉ tự chọn thuộc lĩnh vực nhân văn hay thuộc nhóm ngôn ngữ hai trong chương trình đại học đại cương hệ cử nhân. Cũng có một số trường thiết kế tiếng Việt trong chương trình đào tạo cử nhân hệ tại chức.

Theo tư liệu mà chúng tôi có được thì các trường đại học sau đây có chương trình giảng dạy tiếng Việt là: Đại học quốc lập Chi Nan, đại học quốc lập Chia Yi, đại học quốc lập Chính Trị, đại học quốc lập Cao Hùng, đại học quốc lập Trung Nguyên, đại học quốc lập Thành Công, đại học giáo dục Bình Đông.

Ngoài ra còn có các trường đại học cộng đồng, đại học giáo dục từ xa cũng thiết kế chương trình giảng dạy tiếng Việt như Đại học cộng đồng Thanh Tảo Hồ ở thành phố Tân Trúc, Đại học cộng đồng Cơ Long ở thành phố Cơ Long, Đại học cộng đồng Trung Sơn, Đài Bắc, Đại học cộng đồng Sĩ Lâm Đài Bắc, Đại học cộng đồng Lư Hoạch, Đại học từ xa.

b/ Các đoàn thể và cơ quan xí nghiệp khác

Ngoài hệ thống các trường đại học ra với nhu cầu phát triển doanh nghiệp hay nhu cầu thực thi các chính sách phát triển của cộng đồng các cơ quan hành chính dân sự, các đoàn thể xã hội và công ty xí nghiệp cũng đã dùng nhiều hình thức để mở các lớp học tiếng Việt khác nhau.

Một số các trường trung tiểu học ở các địa phương để bảo đảm chất lượng giáo dục của nhà trường đối với con em có mẹ là các cô dâu đến từ nước khác, đã tự tìm nguồn kinh phí để mở các lớp tiếng Việt và văn hóa Việt Nam sơ cấp dành cho các giáo viên trong trường.

Từ sau khi thị trường cổ phiếu ở Việt Nam được chính thức hoạt động, một số ngân hàng và cơ quan tài chính của Đài Loan đã bắt đầu chuẩn bị để đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam nên một số ngân hàng đã mở các lớp tiếng Việt dành cho nhân viên của mình.

Có thể kể ra đây một số cơ quan đoàn thể có chương trình đào tạo tiếng Việt theo nguồn tư liệu có được là: Đoàn thanh niên cứu quốc Đài Loan, Trung tâm nghiên cứu giáo dục xã hội thành phố Đài Bắc, Trung tâm nghiên cứu giáo dục xã hội Chương Hóa, cửa hàng mua bán sách củ, Trung tâm phục vụ thanh niên Đài Loan văn phòng Đài Bắc, Đài phát thanh giáo dục, Trung tâm giáo dục tiếng Việt Victory, Trung tâm giáo dục Âu ngữ Hạ Nhi Đài Trung, Trung tâm giáo dục ngoại ngữ Victory, Hiệp hội hỗ trợ gia đình quốc tế Đài Loan, Chương trình nghiên cứu khu vực Đông Nam Á của Viện nghiên cứu trung ương Đài Loan, Phòng hộ tịch quận Nam Cảng thành phố Đài Bắc, Trường tiểu học Đông Nguyên, Sở giáo dục thành phố Cao Hùng, Ngân hàng quốc tế công thương, Sở xã hội thành phố Cao Hùng, Hiệp hội phục vụ gia đình Cơ đốc giáo thành phố Cao Hùng, Ngân hàng công thương Đài Loan, Ngân hàng Chương Hóa, Đệ nhất ngân hàng…

2/ Giảng viên

Giảng viên giảng dạy tiếng Việt tại Đài Loan hiện nay đều có cùng chung một đặc điểm là chưa được đào tạo một cách chính quy về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Nguồn giảng viên hiện nay chủ yếu gồm người Hoa ở Việt Nam những vị này trình độ tiếng Hoa tốt nhưng trình độ tiếng Việt vẫn có những hạn chế nhất định, kế đến là các lưu học sinh Việt Nam về trình độ tiếng Việt không bị hạn chế nhưng chưa được đào tạo và khả năng tiếng Hoa hạn chế cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Một lực lượng giảng viên nữa là các cô gái lấy chồng Đài Loan với đội ngũ giảng viên này thì muôn hình muôn vẻ về trình độ và phương pháp giảng dạy.

Có thể nói đội ngũ giảng viên là nhân tố rất quan trọng cho sự phát triển tiếng Việt ở Đài Loan trong tương lai. Đây cũng là lĩnh vực mà các trường đại học ở Việt Nam có thể hợp tác với các đại học ở Đài Loan sau này.

3/ Học viên

Hiện nay tại Đài Loan học viên học tiếng Việt nhìn trên phương diện tổng thể mọi giai tầng trong xã hội đều có từ tầng lớp tri thức các giáo sư, nghiên cứu sinh, tiến sỹ, thạc sỹ, sinh viên, công nhân viên đến tầng lớp thấp trong xã hội là những người làm lao động chân tay lấy vợ Việt Nam… Mỗi người một mục đích và nhu cầu khác nhau và do vậy phương pháp học cũng như kết quả học cũng khác nhau. Nhìn chung tiếng Việt vẫn chưa phải là ngôn ngữ được phổ biến trong xã hội Đài Loan như tiếng Anh và tiếng Nhật. Tiếng Việt mới chỉ là nhu cầu rất nhỏ của một bộ phận xã hội và mới chỉ là bước đầu manh nha  phát triển trong xã hội Đài Loan hiện nay.

Học để sử dụng thành thạo đáp ứng được nhu cầu của các học viên vẫn còn khoảng cách rất lớn, khoảng cách này thu nhỏ được cũng sẽ góp phần thúc đẩy cho việc gia tăng nhu cầu học tiếng Việt và phát triển việc giảng dạy tiếng Việt tại Đài Loan. Học tiếng Việt để hiểu văn hóa Việt và phát sinh tình cảm đối với Việt Nam cũng là hướng phát triển của tương lai. Phải tạo được sự thành công cho lớp học viên đầu tiên cũng chính là xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển sau này.

4/ Giao trình

Cho đến nay tiếng Việt tại Đài Loan chưa có một bộ giáo trình Việt – Hoa thật hoàn chỉnh. Tất cả đều do giảng viên tự lựa chọn hay tự biên soạn. Mà đa phần là sử dụng giáo trình có tính chất “mỳ ăn liền” không có một quy trình giáo học pháp nào cả. Việc sử dụng giáo trình cũng phản ánh được mức độ sơ khởi của chương trình giảng dạy và học tập tiếng Việt tại Đài Loan.

Một bộ giáo trình hoàn chỉnh và qui phạm đang rất cần thiết cho việc phát triển tiếng Việt tại Đài Loan trong thời gian tới.

III/ Chương trình giảng dạy tiếng Việt tại Đại học quốc lập Chi Nan và Đại học quốc lập Chia Yi Đài Loan.

Là giảng viên phụ trách môn tiếng Việt tại hai trường đại học này chúng tôi muốn giới thiệu đôi nét về tình hình dạy và học tiếng Việt ở đây.

Viện Đông Nam Á trường đại học quốc lập Chi Nan đào tạo chương trình thạc sỹ và tiến sỹ Đông Nam Á học. Kể từ ngay khi thành lập năm 1998 viện đã thiết kế tiếng Việt là tín chỉ ngôn ngữ Đông Nam Á bắt buộc cùng với hai thứ tiếng khác là Thái Lan và Mã Lai để các sinh viên tự chọn với thời gian học là hai học kỳ. Sinh viên học tín chỉ ngôn ngữ Đông Nam Á không phải đóng học phí.

Với thời giang 10 năm, chương trình giảng dạy tiếng Việt của Viện Đông Nam Á là chương trình có lịch sử lâu đời nhất tại Đài Loan.

Ngoài ra trung tâm đào tạo đại học đại cương của trường đại học Chi Nan cũng thiết kế tiếng Việt là tín chỉ ngôn ngữ Đông Nam Á tự chọn cho sinh viên hệ cử nhân của trường. Cũng với thời gian học là hai học kỳ.

Với chương trình hợp tác toàn diện giữa trường đại học Chi Nan và trường đại học khoa học xã hộ và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên đã học đủ thời gian 1 năm học tiếng Việt với thành tích 80 điểm trở lên có thể làm thủ tục xin trợ cấp vé máy bay và tiền ăn ở sang trao đổi sinh viên học tiếng Việt tại trường đại học khoa học xã hộ và nhân văn với thời gian 3 tháng hay 6 tháng. Số sinh viên này sau khi từ Việt Nam trở về đã có sự tiến bộ rất rõ về trình độ tiếng Việt đã gián tiếp thúc đẩy thêm nhiều sinh viên trong trường chọn môn học tiếng Việt.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây đã có nhiều công ty lớn đang đầu tư tại Việt Nam vì nhu cầu mở rộng đầu tư, nhu cầu dời công xưởng từ Trung Quốc sang Việt Nam đã chính thức chọn các sinh viên tốt nghiệp đại học Chi Nan và có học đủ 1 năm tín chỉ tiếng Việt sang làm cán bộ quản lý cho công ty tại Việt Nam với mức lương ban đầu là 30 triệu đồng một tháng. Điều này chắc chắn sẽ làm cho càng nhiều sinh viên muốn chọn học tiếng Việt hơn nữa trong thời gian tới.

Về Đại học Chia Yi mói được giảng dạy được 3 học kỳ kể từ sau khi trường đại học này kết nghĩa với Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Tại đại học Chia Yi môn tiếng Việt là tín chỉ tự chọn thuộc lĩnh vực nhân văn của chương trình đại học đại cương hệ cử nhân chính quy và tại chức. Thời gian học là 1 học kỳ. Vì thời gian học là một học kỳ nên sinh viên mới chỉ nắm được phần ngữ âm và chưa học được nhiều vào bài khóa và ngữ pháp. Sắp đến sẽ mở thêm tín chỉ tiếng Việt nâng cao để nhằm giúp những sinh viên đã học xong cơ bản ngữ âm có cơ hội học nâng cao như vậy mới có được kết quả nhất định.

IV/ Kết luận và kiến nghị

Thông qua nguồn tư liệu tham khảo, trải nghiệm thời gian du học tại Đài Loan và kinh nghiệm 2 năm giảng dạy tiếng Việt của bản thân, chúng tôi nhận thấy rằng:

Nhu cầu học tiếng Việt ở Đài Loan mới chỉ là bước đầu chưa thể sánh được với tiếng Anh và tiếng Nhật. Việc giảng dạy tiếng Việt tại Đài Loan cũng mới chỉ là bươc sơ khởi. Mọi thứ còn rất mới mẻ nên để phát triển cần nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

Đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn giảng viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài vẫn đang bỏ ngỏ. Các trường đại học có bề dày và kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài như trường đại học khoa học xã hộ và nhân văn ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cần mở chương trình bồi dưỡng thời gian 3 tháng hay 6 tháng cho các giảng viên đang giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài về nước tu nghiệp và cấp phát bằng chứng chỉ cho họ nhằm có được một đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp phát triển bộ môn này ở các nước.

Tiếng Hoa và tiếng Việt có nhiểu điểm tương đồng về ngữ âm và ngữ pháp nên việc xây dựng một bộ giáo trình chuẩn Hoa-Việt là điều rất cần thiết. Bởi vì với người biết tiếng Hoa việc học tiếng Việt chiếm rất nhiều ưu thế và dùng tiếng Hoa để giải thích ngữ pháp sẽ rõ ràng hơn tiếng tiếng Anh rất nhiều.

Việc trao đổi và tạo điều kiện cho sinh viên các trường kết nghĩa sang Việt Nam học tiếng Việt theo chương trình hợp tác trao đổi sinh viên của các trường là hình thức rất thiết thực để phát triển môn tiếng Việt và văn hóa Việt ở cộng đồng các nước. Đây là hình thức hợp tác hai bên cùng có lợi. Sinh viên Việt Nam được học bổng sang học tại Việt Nam và ngược lại chúng ta chỉ cần miễn giảm học phí cho sinh viên sang học tiếng Việt nên chúng ta vẫn chiếm lợi thế trong điểu kiện hợp tác này.

Cộng đồng doanh nhân Đài Loan tại Việt Nam đang co nhu cầu học tiếng Việt rất lớn nhưng các trường đại học tại Việt Nam đã không chú ý và không quảng bá cho thị trường này. Hơn nữa nguồn giảng viên dạy tiếng Việt hiện nay lại không sử dụng tiếng Hoa nên việc truyền đạt và giảng dạy cho cộng đồng thương nhân Đài Loan sẽ gặp nhiều hạn chế. Đây chính là điều mà chúng ta cần chú trọng và phát triển trong tương lai.

Phát triển việc dạy và học môn tiếng Việt, văn hóa Việt ở nước ngoài không phải là việc đơn thuần của các trường đại học mà cần sự kết hợp, khuyến khích và đầu tư tạo điều kiện của chính phủ, bộ ngoại giao, bộ kế hoạch đầu tư xem nó là nhân tố nâng cao năng lực cạnh tranh và hòa nhập của Việt Nam vào cộng đồng thế giới.

Đầu tư cho văn hóa, giáo dục chính là đầu tư thiết thực cho sự phát triển của kinh tế bền vững và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hòa nhập và quốc tế hóa hiện nay.

Thực trạng và tương lai dạy và học tiếng Việt tại Đài Loan trong tham luận này là góp nên tiếng nói chung cho tầm nhìn và phương pháp thiết thực để phát triển ở tương lai.

 

V/ Tham khảo

A.    website

1.      http://www.kcu.org.tw/new/072073course/073/79.htm

2.      http://www.ez-learn.com.tw

http://www.ludi.org.tw/modules/tinydl/index.php?id=25

3.      Http://www.sinica.edu.tw/as/weekly/88/746/index.html

4.      http://migrant.coolloud.org.tw/node/16415

5.      http://72.14.235.104/search?q=cache:adGBe3VDMdgJ:www.npue.edu.tw/adm/resear

6.      http://www.daan.gov.tw/taannews/newsl.asp?id=403

7.      http://www.nkhr.taipei.gov.tw

8.      http://tw.news.yahoo.com/article/url/d/a/070305/2/b6tw

9.      http://big5.chinanew.com.cn:89/tw/lasq/news/2008/02-15/1164196.shtml

10. http://www.eec.isu.edu.tw/course2/course.asp?course=95NSF038

11. http://www.eec.isu.edu.tw/course2/course.asp?course=95NSF027

12. http://www.eec.isu.edu.tw/course2/course.asp?course=95NSF015

B.      文章

1.<越南求高薪         ,先學越南語>頻果日報,2008/2/27,作者陳凰鳳

2.<[跨越族群]或[物以類聚]-越南籍女性配偶在台灣的社會網路形構>國立暨南國際大學碩論。蘇駿揚,民97年五月

3.<台灣的想像與落差:十九個埔里越南新娘的故事>國立暨南國際大學碩論。陳佩瑜,民92年六月30日

4.2007/10/18聯合報

5.中央研究院週報,88/11/19出版第746期


[1] Vì Trung Quốc xem đầu tư từ Đài Loan và Hồng Kông là đầu tư nội địa

Các tin đã đăng:
© 2005-2011 Chùa Vĩnh Nghiêm.
Biên tập: Đ.Đ. Thích Thanh Phong.
Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08)3848 3153 Fax: (08)3843 9901
Email: [email protected]
Website: http://www.vinhnghiemvn.com