Hành Trình Đến Chính Niệm
Tác giả: Bhante Henepola Gunaratana - Jeanne Malmgren Diệu Liên Lý Thu Linh (Dịch)
22/11/2014 11:39 (GMT+7)
» Chương 4. Xuất Gia Lần Nữa

 

Chương 4. Xuất gia lần nữa

 

 

Sau khi Gunawardhena bỏ đi đột ngột, tôi chỉ ngồi đó, cô đơn và bối rối. Những gì đã bắt đầu như một cuộc phiêu lưu kỳ thú, từ việc bỏ trốn khỏi chùa đã biến thành một thử thách đáng sợ. Chiếc chân bị rắn cắn đã sưng lên dữ dội, tôi lại đói khát và người bạn đồng hành đã mất hút. Hoàn cảnh lúc đó của tôi là như thế! Chưa bao giờ trong cuộc đời, tôi cảm thấy chán nản như thế.

Tuy nhiên, dần dần một điều gì đó bên trong thôi thúc khiến tôi đứng dậy: "Hãy đi tới," hình như đó là tiếng nói bên trong tôi.

Vì thế tôi đứng dậy và bắt đầu lết dọc theo con đường vắng vẻ. Tôi đi như thế hàng giờ, cho đến khi cuối cùng tôi gặp một cô gái ngồi dưới bóng cây. Cô đang bán trái cây, đậu, bánh mì, trà và rau quả.

Tôi ngồi xuống trên một chiếc ghế đẩu.

"Tại sao anh lê lết như thế?" cô hỏi tôi.

Tôi giải thích rằng một con rắn đã cắn chân tôi đêm hôm trước đó.

Cô gái lại hỏi tôi thêm nhiều điều nữa: tên tôi là gì, tôi từ đâu đến, và tại sao tôi đi chỉ một mình. Tôi đã kể cho cô nghe tất cả câu chuyện.

Cô cho tôi một miếng bánh mì với cà ri rau cải, và một ly trà nóng hổi thật ngon. Tôi tiếp nhận bữa ăn với lòng vô cùng biết ơn.

Cô đi vào căn lều nhỏ bé của mình và mang ra một miếng chanh. Cô chà chanh lên vết thương ở đùi tôi, rồi xát ít dầu lên đó. Cô bảo tôi ở lại đó cho đến khi cha cô trở về nhà, nhưng tôi bảo rằng tôi phải đến Lovamahapaya để gặp bạn tôi. Tôi vẫn hy vọng Gunawardhena thật sự đang chờ đợi tôi ở đó.

Tôi lại tiếp tục lên đường, với cái chân lết. Chẳng bao lâu tôi đến một thành phố tên là Anuradhapura. Một trong những nơi đầu tiên tôi đến là một quán ăn gọi là khách sạn Siyasiri (thời đó người ta gọi quán ăn là khách sạn). Vị quản lý chào đón tôi, rồi hỏi tại sao tôi đi cà nhắc. Tôi kể với ông về chuyện rắn cắn. Ông hỏi tại sao tôi chỉ có một mình. Tôi bảo với ông là tôi không theo kịp người bạn đồng hành, vì thế anh ta đã đi trước đến Lovamahapaya.

"Ai đi qua đây cũng ghé vào quán này," người chủ quán nói. "Hãy ở lại đây. Nếu họ đi ngang qua thành phố này, em sẽ gặp họ."

Tôi đồng ý, và ngồi xuống đợi. Tới khoảng mười một giờ đêm, tôi bắt đầu ngủ gục. Người quản lý có thể thấy là tôi rất mệt mỏi.

Ông nói: "Em hãy ở lại đêm nay." Rồi ông đưa cho tôi một chiếc chiếu để ngủ.

Và đó là điều cuối cùng tôi nhớ cho đến tám giờ sáng hôm sau.

Ngay khi vừa thức dậy, tôi đã hỏi người quản lý rằng Gunawardhena đã đến chưa?

"Không," ông lắc đầu nói. "Không có ai đến tìm em cả. Nhưng thôi em hãy ở lại đây, tôi sẽ cho em một công việc làm."

Tôi không biết phải làm gì khác hay đi đâu nữa, nên tôi chấp nhận lời đề nghị của ông.

Và thế là tôi trở thành một người bồi bàn ở khách sạn Siyasiri ở Anuradhapura. Công việc cũng khá nhàn hạ. Có một số thanh niên khác làm ở quán, và chúng tôi hòa hợp vui vẻ với nhau. Tôi phục vụ khách hàng, lau dọn bàn ghế, và rửa chén.

Một ngày kia, khoảng vài tuần sau đó, tôi lại bị sốt rét và cảm thấy quá mệt mỏi không thể làm việc. Trong khi nghỉ ngơi, tôi viết cho mẹ một lá thư để báo cho bà biết tôi đang ở đâu. Tôi cảm thấy hối hận, biết rằng bà có lẽ đã nghe được tin tôi trốn khỏi chùa, và mẹ tôi chắc hẳn đang rất lo rầu về tôi.

Vài ngày sau đó, khi tôi trở lại làm việc, tôi ra giếng gần đó để lấy nước cho quán ăn. Có một cậu bé cũng đang ở đó. Tôi mượn cái gàu của nó để dùng kéo nước đổ vào thùng của tôi. Khi tôi đưa trở lại cho cậu bé cái thùng, nó làm rớt tất cả xuống giếng kể cả dây thừng. Nó bắt đầu khóc, vì đã đánh mất cái thùng thì nó sẽ gặp rắc rối.

Nhưng khách hàng ở quán ăn đang đợi nước nấu trà. Tôi phải trở về đó ngay. Tôi bảo với cậu bé rằng tôi xách nước về quán rồi tôi sẽ trở lại ngay để giúp nó kéo chiếc thùng lên khỏi giếng.

Nhưng khi tôi bước vào quán với chiếc thùng đầy nước thì anh cả của tôi, Tikiribanda, đang đứng ở cửa quán. Ngay khi vừa thấy tôi, anh bắt tôi phải về nhà với anh. Mẹ đã khóc suốt, anh nói, kể từ khi bà nghe tin tôi chạy trốn khỏi chùa.

Anh tôi cũng đáng sợ gần như cha tôi. Tôi không dám cãi lệnh của anh.

Tôi hoàn toàn quên mất cậu bé đáng thương đang chờ đợi tôi ngoài giếng, để giúp nó vớt cái thùng ra khỏi giếng. Tôi cũng quên người quản lý quán tử tế đã giúp tôi có cơ hội bắt đầu một cuộc đời mới.

"Anh đã mở được một tiệm buôn nhỏ," anh tôi nói. "Em có thể về giúp anh buôn bán."

Sau này tôi được biết rằng sau ngày Gunawardhena và tôi rời chùa, sư Sonuttara đã báo với cảnh sát về sự ra đi của chúng tôi. Cha tôi đã đến chùa và yêu cầu thầy tôi phải tìm tôi trở về nhà. Tới lúc đó, cha tôi mới nhận thức được rằng sư Sonuttara là người nóng tánh, tàn nhẫn, và những vấn đề ở chùa không phải chỉ là do tôi hành động sai trái. Cha tôi biết những câu chuyện về việc đối xử thô bạo của thầy tôi là sự thật, nhưng dĩ nhiên, lúc đó đã quá trễ. Tôi đã bỏ trốn khỏi chùa, và lần đó, tôi đã không chạy về nhà.

Trong lúc đó, các nhân viên cảnh sát lùng sục khắp nơi để tìm tôi.

Rồi khi lá thư của tôi đến từ Anuradhapura, mẹ và cha tôi lập tức sai anh cả đi tìm tôi.

Cha mẹ tôi, nhất là mẹ tôi quá vui mừng thấy tôi còn sống và khoẻ mạnh, nhưng tôi thật không thoải mái khi trở về nhà. Tất cả mọi người láng giềng đều gọi tôi là "tu sĩ hoàn tục," là một sỉ nhục lớn. Cha tôi không muốn có đứa con ‘bất hạnh' này ở gần ông; ông bắt tôi phải xuất gia trở lại.

Để lảng tránh cha, để không phải nói chuyện nhiều với ông, tôi kiếm đủ chuyện lặt vặt để làm. Một trong những công việc đó là đào kênh chống lũ, trên đồn điền cao su gần nhà chúng tôi.

Đồn điền này do một công ty lớn cai quản. Họ trả lương rất tệ mà công việc rất nặng nhọc. Tôi phải xúc từng thúng đất đầy, rồi các chị phụ nữ khiêng chúng đến chỗ đổ đất. Một lần, một chị thấy các vết phồng dộp trên tay tôi vì phải cầm xuổng xúc đất, nên chị đề nghị đổi công việc với tôi. Vì thế chị xúc cát, còn tôi thì khiêng mấy thúng cát đầy.

Sau công việc đó, tôi quay qua hái trà. Đó cũng là một công việc cực nhọc, nhàm chán. Dĩ nhiên là tôi thích làm việc ở tiệm của anh tôi hơn, nhưng anh đã phải đóng cửa tiệm chỉ vài tháng sau khi mở. Người dân trong làng nghèo quá không thể mua gì ở tiệm của anh. Phần lớn không có khả năng mua ngay cả những thứ tầm thường nhất.

Thời gian rảnh rỗi tôi thường đến nhà chị gái của tôi, người đã chăm sóc tôi thuở nhỏ, người mà tôi coi như người mẹ thứ hai. Kể từ khi chồng chị mất, không có người đàn ông trong nhà, chỉ có chị tôi, đứa con trai nhỏ của chị và một đứa con gái, cháu tôi, chỉ lớn hơn tôi năm tháng.

Họ rất tử tế với tôi và tôi cảm thấy thoải mái ở bên họ hơn là ở nhà cha mẹ ruột của mình. Vì thế một vài tuần sau khi trở về nhà, tôi dọn từ nhà cha mẹ đến nhà chị gái của tôi. Đó là một sự thay đổi dễ chịu hơn, nhưng tôi vẫn thực sự không cảm thấy thoải mái với đời sống tại gia. Niềm ước muốn ban đầu của tôi là được trở thành một tăng sĩ vẫn còn nung nấu trong tôi, không kể bao nhiêu chuyện đã xảy ra.

Tôi bắt đầu nghĩ nhiều hơn về thầy tôi và ngôi chùa tôi đã rời bỏ năm tháng trước đây. Tôi cảm thấy hối hận vì đã bỏ trốn. Lòng tôi dịu lại đối với sư Sonuttara, và tôi nhớ đến những tính tốt của ông. Tôi đã nghĩ rằng ít nhất tôi cũng phải đến xin lỗi ông. Một ngày kia, khi chị tôi đã đi viếng bà con bên chồng, tôi quyết định bí mật đi gặp thầy tôi. Cuộc viếng thăm đó phải qua đêm vì đường xá xa xôi, nhưng tôi dự tính là tôi có thể trở về nhà trước chị tôi. Tôi biết rằng chị sẽ không đồng ý cho sự thăm viếng này. Chị muốn tôi sống ở nhà chị mãi và từ bỏ giấc mơ trở thành tăng sĩ.

Khi tôi chuẩn bị ra đi, cháu tôi khóc, van nài tôi đừng đi. Tôi khuyên cháu đừng lo lắng và rằng tôi sẽ trở về ngày hôm sau. Cháu tiếp tục khóc khi tôi rời khỏi nhà đi về hướng chùa.

Khi sư Sonuttara thấy tôi, ông như trút được gánh nặng. Mặc dầu không phải lúc nào ông cũng là người thầy tử tế nhất, nhưng ông không muốn tôi bỏ tu, mà tôi cũng không muốn thế. Tôi xin lỗi sư vì đã chạy trốn, và ông hỏi tôi có sẵn sàng để xuất gia lần nữa không.

"Dạ có," tôi trả lời, rất chắc chắn về quyết định của mình. "Nhưng con không muốn chỉ làm chú tiểu sống ở chùa. Con muốn được đi học trường Phật học."

Thầy lập tức nhận lời.

Hai ngày sau đó, sau một buổi lễ đơn giản, tôi lại mặc lên mình chiếc y màu vàng lần nữa. Lần này, tôi sẽ không bao giờ cởi nó ra nữa.

Sư Sonuttara liên hệ với một vị sư khác, đại đức Siyambalangamuwe Dhammakkhandha, người quản lý một ngôi trường tiểu học nhỏ dành cho tăng sĩ ở huyện Gampaha, cách chùa khoảng tám mươi bốn cây số. Vì đại đức Siyambalangamuwe và thầy tôi là bạn, nên ông sẵn sàng chấp nhận đơn xin nhập học của tôi, và vào tháng tư năm 1944, một tháng sau lần xuất gia gần đây nhất của tôi, tôi bắt đầu chương trình tu học một cách chính thức. Tôi học ở trường Vidyasekhara Pirivena (vidyasekhara có nghĩa là 'vương miện của sự học,' và pirivena có nghĩa 'trường dành cho tăng sĩ'). Có khoảng hai mươi vị tỳ kheo trẻ và ba thầy giáo thọ sống ở đó. Chúng tôi học lịch sử Ceylon và các kinh điển quan trọng như là Tương Ưng Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) và Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya). Chúng tôi cũng được học nhiều sinh ngữ: Sinhale, Tamil, Ấn Độ, Anh, Pali và Sanskrit.

Tôi rất sung sướng ở ngôi trường mới này, sống giữa những vị tăng trẻ và suốt ngày được học hành. Nhưng tôi ở đó chưa được bao lâu thì Đại Đức Siyambalangamuwe đã tìm gặp tôi với một yêu cầu. Ông bảo rằng có một ngôi chùa ở làng Napagoda, nơi vị sư trưởng đã hoàn tục, để lại ngôi chùa không ai trông coi.

Sư hỏi tôi có vui lòng đến đó, quản lý ngôi chùa không. Tôi nghĩ rằng đó chỉ là một sự xếp đặt tạm thời, rằng tôi sẽ ở đó chỉ vài tuần rồi trở lại trường Phật học, nên tôi đã nhận lời.

Nhưng mà hoá ra tôi phải sống ở chùa đó đến tám tháng.

Không có việc học Phật pháp hay tiếng Pali ở đó, chỉ là những công việc thường nhật ở chùa, những công việc nhàm chán không dừng dứt. Một ngày kia không còn gì để ăn. Tôi yêu cầu một cậu bé ở chùa, khoảng tuổi tôi, đi mua bánh mì ở một tiệm trong làng. Nó từ chối. Tôi lại yêu cầu lần nữa. Lần nữa nó lại từ chối. “Tôi sẽ nhờ người khác đi mua, nhưng sau đó tôi sẽ không chia cho bạn đâu,” tôi bảo với nó.

Nó phản ứng lại bằng cách chửi rủa tôi. Tôi đá cho nó mấy cái.

Chiều hôm đó, một tăng sĩ khác, người đã sống với chúng tôi ở đó một thời gian trở về chùa. Ông lại là anh của cậu bé kia. Ông hỏi tôi chuyện gì đã xảy ra, tại sao cậu bé không còn ở chùa nữa. Sau khi nghe tôi kể chuyện, ông rất bực tức.

“Vì chú đã đuổi cậu bé duy nhất ở đây để giúp đỡ chúng ta, vậy thì bây giờ công việc của chú là trèo lên cây hái mấy trái dừa xuống.”

Tôi từ chối. “Người tu không trèo cây,” tôi giải thích. "Làm vậy là trái luật. Ngoài ra, thầy tôi không gửi tôi đến đây để trèo cây, hái trái.”

Sau bảy tháng sống trong căng thẳng và những sự cãi vả nhỏ mọn như thế, lòng ham muốn được học hỏi khiến tôi không thể ngồi yên, đến nỗi tôi phải viết thư cho thầy tôi. “Xin thầy vui lòng cho con trở lại trường học,” tôi van nài.

Không lâu sau đó, tôi mừng rỡ khi nhận được một bưu thiếp từ đại đức Siyambalangamuwe nói rằng, “Được, con có thể trở về trường.”

Tôi lập tức mướn một chiếc xe bò chở tôi ra trạm xe lửa ở Veyangoda, cách đó hơn năm cây số. Tôi nôn nóng được trở lại Gampaha để ghi danh nhập học trở lại.

Khi đến nhà ga, được biết chuyến xe lửa đi Gampaha phải chờ đến năm tiếng nữa, vì thế tôi đi viếng một ngôi chùa gần đó.

Ở ngôi chùa đó có một chú điệu trẻ, khoảng tám hay chín tuổi, tỏ vẻ rất thích tôi. Chú rủ tôi đi tắm với chú ở một con sông cạnh bên ga xe lửa và tôi miễn cưỡng nghe theo.

Dầu đã gần mười bảy tuổi, tôi chưa bao giờ học bơi, nhưng tôi quá tự ái để thú nhận với chú điệu trẻ như thế. Tôi không biết rằng hành động tự ái đó suýt nữa là hại đời tôi.

Kiêu mạn, theo Phật giáo, là một trong năm chướng ngại cuối cùng sẽ bị đoạn diệt khi hành giả đạt được giác ngộ. Đó là một trong hai mươi bảy uế nhiễm của tâm, mà Đức Phật đã cảnh báo rằng chúng có thể trở ngại ta. Để chế ngự kiêu mạn nơi bản thân, Đức Phật chỉ bày một số quán tưởng mà ta cần thực hiện:

Tôi phải bị hoại diệt; tôi không thể chế ngự hoại diệt.

Tôi phải bệnh hoạn; tôi không thể chế ngự bệnh hoạn.

Tôi phải chết; tôi không thể chế ngự cái chết.

Tất cả những gì là của tôi, thân thiết và quý báu, sẽ biến đổi và hoại diệt.

Tôi làm chủ nghiệp của tôi, thừa hưởng nghiệp của tôi, sinh ra từ nghiệp, liên hệ với nghiệp, tôi gánh chịu nghiệp của mình. Bất cứ nghiệp gì tôi đã tạo ra, dầu tốt hay xấu, tôi cũng sẽ là người lãnh hậu quả.

Ở bờ sông, chú điệu cởi áo ngoài ra và nhảy xuống nước. Chú lội như một con cá. Tôi đứng trên bờ, ngưỡng mộ những sãi tay nhuần nhuyễn, điệu nghệ của chú. Coi thì không thấy khó, nhưng thật sự tôi không muốn nhảy vào dòng nước đục ngầu, đầy bùn đó.

Chú điệu thấy tôi đứng trên bờ sông ngại ngần, thúc giục tôi xuống nước với chú. Miễn cưỡng tôi phải cởi áo ngoài ra và cột thắt nút chiếc áo bên trong để nó không tụt ra. Rồi tôi nín thở nhảy xuống.

Ngay lập tức tôi bị nguy khốn.

Chân tôi chạm tìm đáy sông, nhưng chỉ cảm thấy bùn nhão. Không có gì cứng rắn để đứng lên đó. Tôi cảm thấy mình đang chìm xuống, và tôi bắt đầu vùng vẫy. Sự hoảng hốt trào dâng trong tôi giống như một dòng điện. Tay chân tôi chới với, và khi há miệng thở, tôi uống vào dòng nước sông dơ bẩn đó.

Chú điệu nhỏ biết chuyện gì đã xảy ra, cố gắng giúp tôi. Chú bơi lại bên tôi, nắm được lỗ tai tôi và kéo đầu tôi lên khỏi mặt nước – ui da! Nhưng chú yếu quá không đủ sức để kéo người tôi lên khỏi mặt nước. Tôi hoảng sợ túm lấy áo chú, khiến nó tuột ra.

Ba lần tôi bị chìm xuống, tay nắm chặt chiếc áo kia như thể nó sẽ cứu tôi. Ba lần tôi vùng trở lên, tìm kiếm sự giúp đỡ.

Lần cuối cùng, tất cả chỉ là một màu đỏ phủ đầy trước mắt tôi.

Tôi hoàn toàn bất tĩnh.

Các tin đã đăng:
© 2005-2011 Chùa Vĩnh Nghiêm.
Biên tập: Đ.Đ. Thích Thanh Phong.
Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08)3848 3153 Fax: (08)3843 9901
Email: [email protected]
Website: http://www.vinhnghiemvn.com