Triết lý nhân sinh Phật giáo với tính cách và lối sống Huế
26/12/2008 17:08 (GMT+7)

Phật giáo là tôn giáo lớn, có sức lan toả rộng rãi, đặc biệt ở các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Huế là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, chịu ảnh hưởng sâu đậm về văn hoá, lối sống và đạo đức Phật giáo. Đạo Phật đã khơi dậy được những giá trị nhân văn trong con người hướng tới chân-thiện-mỹ, khơi dậy sự khát khao của con người muốn giải thoát trước những mâu thuẫn, bế tắc do chính con người tạo ra. Bởi vậy đạo Phật xét về mặt tích cực, thực sự là chỗ dựa tinh thần cho một bộ phận đông đảo quần chúng trong xã hội. Đặc biệt với một bộ phận cư dân đến sinh cơ lập nghiệp trên đất Thuận Hóa, trước những bỡ ngỡ cô đơn nơi vùng đất mới, dân cư, văn hóa, phong tục đều xa lạ, đầy sự huyền bí và sự đe doạ, những người dân lúc ấy đã phải giữ sự bình an của tâm hồn bằng chính những ngôi chùa Phật, những ngôi chùa làng vị tha, hướng thiện, từ bi của Đức Phật là nơi an ủi tâm hồn, giúp con người vượt khổ nạn. Cũng chính vậy mà đạo Phật đã bám sâu vào trong đời sống tâm linh của người Huế, có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tinh thần và văn hoá nhân dân Huế.

Trong hơn 300 năm, Huế một thời là thủ phủ của Đàng trong và là Kinh đô của đất nước thống nhất, Huế không chỉ là đất “Thần Kinh” mà còn là đất “Thiền Kinh”. Ngày nay Huế vẫn là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn của cả nước. Trong di sản văn hóa ở Huế, chùa Huế tồn tại như một bộ phận cấu thành của di sản văn hoá Huế, với trên 400 ngôi chùa, trong đó có 265 niệm phật đường và số lượng tín đồ đông đảo chiếm 60% dân số toàn tỉnh. Vì thế những ảnh hưởng của Phật giáo đã tác động khá rõ nét trong tính cách, lối sống của người Huế, góp phần tạo nên “tính cách Huế’. Cách sống bình tĩnh, dung dị, sâu lắng, thủy chung của người Huế có một phần bồi đắp từ tư tưởng Phật giáo. Để tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của triết lý nhân sinh Phật giáo đến tính cách và lối sống của người Huế cần điểm qua đôi nét về triết lý nhân sinh Phật giáo nói chung và Phật giáo Huế nói riêng.

l Triết lý nhân sinh của Phật giáo

Học thuyết về nhân sinh quan của Phật giáo gắn bó chặt chẽ và là hệ quả trực tiếp của quan niệm muôn vật sinh ra, tồn tại rồi mất đi theo qui luật sinh diệt và sự tiếp thu tư tưởng luân hồi, nghiệp báo của Upanisad. Điều đó được thể hiện ở chỗ, Phật giáo quan niệm: cũng như các sự vật con người mất đi ở chỗ này nhưng lại sinh thành ở chỗ khác. Quá trình thác sinh luân hồi đó đều do “nghiệp” chi phối theo luật nhân duyên. Mục đích cuối cùng và cũng là tư tưởng chủ đạo có tính xuyên suốt toàn bộ thuyết nhân sinh là tư tưởng “giải thoát’ chúng sinh khỏi kiếp trầm luân đau khổ. Để đạt được sự giải thoát, Phật giáo nêu ra bốn chân lý mà mọi người phải thực hiện. Đó là “Tứ diệu đế” gồm:

Khổ đế (đau khổ là tất yếu, là chân lý, là điều không thể tránh khỏi của con người), Tập đế (là tập hợp những nguyên nhân dẫn tới sự đau khổ, bất hạnh của con người), Diệt đế (cái khổ của con người có thể tiêu diệt được), Đạo đế (là con đường để tiêu diệt cái khổ). Thông qua “Tam học” Phật giáo đưa ra quan niệm về con đường giải thoát Nội dung của Tam học gồm: Giới - Định - Tuệ.

 Giới (gồm Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh) là những điều răn cấm, những qui định giúp cho con người trên đường tu hành tránh được những lỗi lầm, trở nên trong sạch. Giới luật có những qui chế cụ thể cho từng đối tượng tu hành.

 Định (gồm Chính tịnh tiến, Chính niệm, Chính định) là phương pháp giúp cho người tu hành không tán loạn thâm tâm, nhờ đó mà loại trừ những ý nghĩ xấu, tạo điều kiện cho trí tuệ bừng sáng.

 Tuệ (gồm Chính kiến, Chính tu duy): người có trí tuệ sáng suốt diệt trừ được vô minh, tham dục, chứng ngộ được chân lý lành điều thiện, mưu lợi ích cho chúng sinh.

Đạo Phật đề cao vai trò của trí tuệ, xem đó là điều kiện không thể thiếu được để tiến tới giác ngộ giải thoát. Phật khẳng định rằng có trí tuệ mới có khả năng phân biệt đúng sai, thiện ác... mới có thể tự giải thoát khỏi những ràng buộc của dục vọng cá nhân. Phật giáo còn đề cập tới Bát chánhđạo (tám con đường chân chính để đạt đạo) và “lục độ” (6 phép tu) để chủ động thực hiện những điều tốt đem lại lợi ích cho người, cho chính mình. Mục đích của việc tu hành trong giáo lý của đạo Phật là nhằm đạt tới sự siêu thoát hướng con người tới cõi Niết bàn (Nirvana).

Tứ diệu đế- Tam học - Bát chánh đạo - Ngũ giới - Lục độ - Niết bàn là nội dung cơ bản của giáo lý Phật, thể hiện quan điểm về nhân sinh và con đường giải thoát con người ra khỏi sự trầm luân của “bể khổ”. Những tư tưởng đó tuy mức độ khác nhau đều có ảnh hưởng đến lối sống của cộng đồng trong xã hội.

2. Phật giáo Huế

Phật giáo Huế từ khi du nhập đến nay đã tồn tại và gắn liền với lịch sử thuận Hoá - lịch sử dân tộc, nó ngấm sâu vào máu thịt, tư duy và trở thành một bộ phận văn hoá, lối sống của người Huế. Phật giáo Huế, con người và văn hoá Huế đã có quá trình lịch sử lâu dài, dung hoà, đan quyện vào nhau.

Chính quyền trung ương buổi đầu khi tiếp nhận Huế đã không còn mang tinh thần lấy Phật giáo làm quốc giáo, bởi vì từ Trần Anh Tông (1311) trở đi đến Hồ Quý Ly, Hậu Lê đều đề cao Nho giáo. Với luật Hồng Đức (1460) vua Lê Thánh Tông đã không còn coi trọng tăng ni và chùa chiền, coi Phật pháp là hư ảo viễn vông. Nhưng không vì thế mà Phật giáo bị mất đi ảnh hưởng của mình. Biết bao thế hệ lưu dân Việt trong các thế kỷ từ XIV đến XIX đã rời bỏ các vùng đồng bằng miền Bắc để tìm vào hội tụ ở đồng bằng sông Hương. Và đạo Phật ở Huế đã là người bảo hộ cho người dân nơi vùng đất mới.

Trong chín đời chúa Nguyễn (1558-1777), nhờ sự mộ đạo của các chúa, Huế tồn tại phái của thiền sư Hương Hải (ảnh hưởng của Phật giáo miền Bắc), hai phái thiền Lâm Tế, Tào Động từ Trung Quốc trực tiếp truyền sang và phái thiền Liễu Quán của người Việt Nam bằng sự kết hợp Lâm - Tào với truyền thống tư tưởng của người Đàng trong.

Dưới thời Tây sơn (1778-1802), vua Quang Trung chủ trương mỗi phủ, huyện chỉ để một chùa lớn, tuyển chọn tăng, ni người hiếu đạo, chân chính trông coi chùa và truyền đạo, còn ai núp bóng cửa thiền sinh sống thì vua bắt hoàn tục. Giai đoạn này khó có thể nói là Phật giáo phát triển vì triều Tây Sơn quá ngắn.

Dưới triều Nguyễn (1802-1945), Phật giáo được truyền bá rộng rãi, nhiều chùa ở Huế và cả nước được trùng tu, khởi tạo. Dù đề cao Nho giáo nhưng Phật giáo cũng được các vua ưu ái coi như là biện pháp để thu phục nhân tâm. Vì thế trong di sản văn hoá dân tộc ở HUẾ còn lại đến ngày nay, chùa là một bộ phận cấu thành quan trọng, nó không chỉ có giá trị vật chất mà còn có giá trị tinh thần đối với nhân dân.

Dưới thời Pháp, Mỹ, chiếm đóng miền Nam, với chính quyền của Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Phật giáo miền Nam bị o ép và thao túng đã gây ra những mâu thuẫn nội bộ, đáng tiếc. Tuy nhiên những cao tăng chân tu cùng với phật tử đều kiên định để hoằng dương Phật pháp và tham gia tích cực vào hai cuộc kháng chiến.

Phật giáo Huế ngày nay là sự hoà quyện giữa Thiền tông và Tịnh độ tông: Là sự kết hợp giữa thiền Lâm tế với thiền Tào động thành thiền Liễu quán - tôn giáo của người Việt Nam yêu thiên nhiên, yêu đất nước. Đến với các chùa ở Huế, ta không chỉ đến với một tín ngưỡng truyền thống đã được chọn lọc qua thăng trầm của lịch sử mà còn đến để chiêm ngưỡng những cảnh đẹp của mỗi ngôi chùa. Tất cả chùa Huế, dù toạ lạc ở đâu vẫn luôn giữ vẽ trầm mặc gắn liền quá khứ với hiện tại và tương lai. “Tất cả đều mang trong lòng một sức sống thanh tịnh, vị tha, liên tục và hoàn toàn không cách ly với những thăng trầm của dân tộc”.

Ở Huế trừ một số ít chùa thuộc phái Nam tông (Tiểu thừa), còn hầu hết đều thuộc phái Bắc tông (Đại thừa), chủ trương “tự giác tha, tự độ tha”, tức là mình đã giác ngộ thì phải giác ngộ người khác. Các chùa đều thờ phật và quan niệm với sự dẫn dắt cửa Phật, con người có thể giác ngộ chứ không chỉ bằng nỗ lực bản thân. Phật giáo Huế còn có khuynh hướng trọng thức và tham gia tích cực các hoạt động của đời sống xã hội. Các nhà sư nổi danh trong lịch sử Phật giáo Huế đều là người có học vấn cao, có tài thơ văn và tư tưởng sâu sắc. Ngày nay, các cao tăng, các nhà tu hành đều giữ được thân, tâm trong sáng. Đạo đức, nhân cách của các nhà sư có ảnh hưởng không nhỏ tới đạo đức nhân cách của thanh thiếu niên - một lực lượng tương đối lớn trong các tổ chức “hướng đạo” và “gia đình Phật tử’ Huế.

Nếu gạt bỏ những hạn chế, trong giáo lý và giới luật của Phật giáo thì chúng ta có thể nhận thấy: Phật giáo Huế luôn gạn đục khơi trong, vị tha, hướng thiện, từ bi, hỷ xả, an ủi giúp đỡ con người, có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống văn hoá - xã hội Huế. Trước đây, Phật giáo Huế đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách, lối sống của các vua chúa và nhân dân kinh đô Huế, là chỗ dựa cho việc củng cố địa vị, tạo sự bền vững cho các vương triều. Nhân dân cũng tìm được ở đó những quan niệm về cuộc đời, con người, mang lại cho họ một thông điệp nhân bản, hướng con người làm việc thiện, phục vụ nhân sinh, xã hội. Ngày nay, mỗi người dân Huế dù không là tín đồ Phật giáo thì khi xa Huế hay đang sống tại Huế, mỗi tiếng chuông chùa hay hình ảnh gợi nhớ về các ngôi chùa đều nhắc nhở họ hãy dịu dàng, thuỷ chung và thiện tâm. Phật giáo Huế vì thế mà thực sự gắn bó vững chắc trong lòng người dân cố đô.

3. Triết lý nhân sinh Phật giáo ảnh hướng đến tính cách, lối sống Huế

Tính cách, lối sống của người Huế thể hiện rõ sự độc đáo phong phú và đa dạng. Nền tảng của tính cách, lối sống Huế là văn hoá Việt Nam được dung hoà với văn hoá bản địa ở vùng đất mới vừa được tiếp nhận dưới ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo. Những người Việt Nam đầu tiên có mặt tại Thuận Hoá trên vùng đất mới với bao gian khó ban đầu để lập nghiệp, thì Phật giáo là chỗ dựa tinh thần, là sự chở che giúp đỡ, rồi sau đó lâu dần những tư tưởng Phật giáo thấm sâu vào tâm hồn trở thành tính cách, lối sống của người Huế. Điều đó lí giải hơn 300 năm trước Huế là đất “thiền kinh” và ngày nay Huế vẫn là một trung tâm Phật giáo lớn của cả nước với số lượng tín đồ đông đảo, chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Phật giáo để hình thành nên tính cách, lối sống Huế ngày nay.

Chùa Huế có mặt khắp nơi, trên đồi cao bao phủ cây xanh, trong cung điện thâm nghiêm hay bình dị bên đường phố, xóm thôn, ở đâu cũng mang từ bi, phổ độ phủ đắp cho tâm hồn người Huế. Được sống trong không gian với cảnh chùa thanh tịnh, tiếng chuông chùa hôm sớm, tư tưởng Phật giáo cứ thế mà thấm dần vào tâm can mọi người.

Trong di sản văn hoá Huế, chùa không đơn thuần là cơ sở thờ tự mà là nơi thể hiện tư tưởng, tình cảm, từ lâu đã chi phối cách ăn ở và ứng xử của mọi người, tạo thành phong tục thói quen của người Huế. Đến chùa không chỉ giúp cho người ta tìm được sự thư thái, bình an, hướng thiện mà còn giúp họ quên đi những khó khăn, những việc làm chưa đẹp trong cuộc sống để hướng về những điều thanh cao. Do vậy, đi chùa lễ Phật vào những ngày Phật đản, Vu lan, tết Nguyên đán hay những ngày rằm, mồng một hàng tháng đã trở thành nếp sống bình thường không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Huế. Họ đến chùa với tấm lòng thành kính, thân tâm trong sáng cầu mong sự bình an, tốt đẹp cho mình và cho mọi người.

Đối với người Huế, ăn chay hàng tháng hay trường trai cũng biểu hiện sự mộ đạo và lối sống đạo của người dân. Tuy nhiên không chỉ phật tử mới ăn chay mà cả những người không theo đạo Phật cũng ăn chay một tháng từ 2 đến 4 ngày, bởi đa phần mọi người đều muốn thông qua việc này để gởi gắm tâm nguyện của mình. Như quan niệm ăn chay của Phật giáo là để nuôi dưỡng pháp thiện, tăng trưởng căn lành, phát triển tình thương rộng lớn đối với mọi người và mọi loài. Chính điều đó đã có tác dụng ngăn ngừa con người ta làm điều bất chính, tạo thân tâm nhẹ nhàng, thanh khiết làm nên tính cách trầm tĩnh có chiều sâu tư duy và tính nhân ái, an nhiên của người dân cố đô. Với tính cách này người Huế thường chế ngự được nhiều điều, thắng không kiêu, bại không nản, loại bỏ được tham, sân, si, giữ được sự an bình trong quan hệ với người xung quanh, cuộc sống nhờ đó mà tốt đẹp hơn.

Nhân sinh quan Phật giáo với tinh thần “một ngày không làm, một ngày không ăn” đã ăn sâu vào ý thức của tu sĩ Phật giáo và cả những người dân bình thường. Tinh thần cần cù lao động là một giá trị truyền thống của người Huế nói riêng. “Tinh thần lao động của nhân dân ta thì đâu cũng giống nhau, nhưng người Huế có cách làm ăn và cách sống riêng đặc sắc.” Người Huế không chỉ tiếp thu ở Phật giáo tinh thần tự lực mà còn tiếp thu cả lòng từ bi, hỷ xả, nếp sống đạm bạc, thanh tịnh ở nhà chùa tạo nên lối sống dung dị đầy nhân bản. Tiếp thu khuynh hướng trọng thức của Phật giáo, người Huế luôn cố gắng vươn lên trên con đường học vấn. Bởi vì họ cho rằng muốn có sự ổn định bền vững, lâu dài trong cuộc sống thì cần phải có trí tuệ hay nói theo danh từ nhà Phật là phải có Bát nhã. Nhờ có trình độ văn hoá cao nên với người Huế những điều bình dị trong cuộc sống thường nhật đều có thể nâng lên thành nghệ thuật từ ẩm thực đến trang trí nhà cửa, vườn cây... Vì thế Huế nổi tiếng là vùng đất văn hoá có truyền thống hiếu học từ xưa đến nay. Ngoài ra các thế hệ xuất gia tu hành ở Huế luôn đẩy mạnh các hoạt động xã hội như nuôi dưỡng trẻ mồ côi, mở các lớp học tình thương, dạy nghề cho các em học sinh nghèo, cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, bão lụt rất tích cực và hiệu quả. Chính điều này đã tạo cho người Huế giàu lòng thương người, thường giúp nhau trong hoạn nạn “lá lành đùm lá rách!”...

Với người Huế, cái tâm của con người là vô cùng quan trọng, làm bất cứ việc gì cũng phải với tấm lòng thành thực không vụ lợi mới là đáng quí. Họ luôn trang trải lòng mình với mọi người “của ít lòng nhiều”, giá trị vật chất không lớn nhưng cái đáng trân trọng là tình cảm, là tấm lòng được gởi đến người nhận. Đó là truyền thống quý báu của người Huế được phát huy dưới ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo.

Nhờ ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo mà người Huế thường chế ngự được tính ích kỷ, thể hiện tình thương bằng sự giúp đỡ tận tâm tận lực, đùm bọc lẫn nhau không vụ lợi, không chờ sự đền đáp. Tình nhân ái được thể hiện trong quan hệ tình làng nghĩa xóm khi “tắt lửa tối đèn”, giữ gìn được truyền thống đạo đức tốt đẹp Vì thế “xứ Huế còn là xứ của đạo nghĩa ân tình giữa mẹ con, cha con, vợ chồng, anh em, thầy trò, láng giềng, chủ khách gắn bó với nhau trong tình nghĩa thuỷ chung”.

Tính cách người Huế bình dị, nhẹ nhàng, trầm tĩnh một phần ảnh hưởng từ triết lý sống của nhà Phật. Con người Huế yêu thiên nhiên do vậy kiến trúc nhà- vườn trong dân gian đều có ảnh hưởng từ kiến trúc vườn chùa. Với người Huế, được sống trong nhà vườn với khoảng không gian biệt lập để thư giãn tinh thần sau những lăn lộn, toan tính để mưu sinh, tâm hồn được lắng đọng với thiên nhiên tìm được niềm hạnh phúc để di dưỡng tinh thần. Vì thế có người cho rằng vườn Huế” là nơi trú ngụ của những tâm hồn xứ Huế kín đáo, thanh cao và hồn hậu”.

Thấm nhuần tư tưởng Phật giáo khuyến khích con người sống hướng thiện trên tinh thần phải biết nhẫn nại, tự tin vào sức mình, gieo nhân nào thì được quả ấy nên người Huế luôn ý thức phải làm điều thiện để tạo nhân lành cho đời sau.

Tất cả những điều đó cho thấy người dân Huế chịu ảnh hưởng sâu đậm nhân sinh quan Phật giáo trong tính cách và lối sống. Tuy vậy người Huế vẫn luôn tỉnh táo để nhận ra con đường chân chính là con đường Phật giáo hoà nhập vào dân tộc, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Điều này đã được thực tế chứng minh. Dưới thời Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu người dân xứ Huế vẫn một lòng kiên trinh với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Nhân sinh quan Phật giáo có những ảnh hưởng tích cực đến việc hình thành và phát triển tính cách, lối sống Huế, đồng thời cũng ảnh hưởng luôn cả đặc điểm của Phật giáo mà ta tạm coi là những hạn chế như sự bảo thủ, trì trệ ăn sâu vào tiềm thức của tín đồ cũng như của đông đảo quần chúng. Vì thế tính cách, lối sống của người Huế cũng không vượt quá ranh giới của sự chừng mực để sống hết mình. Huế vẫn nặng đòng với cuộc sống xưa cũ - riêng tư bó hẹp trong cộng đồng nhỏ của gia đình, bằng hữu nên chậm hoàn hập với cộng đồng lớn. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng nhận xét: “Khó chữa nhất trong tính cách Huế... lại là căn bệnh phát sinh từ chính sức mạnh của nó, đó là tính bảo thủ về văn hoá. Người Huế rất khó chấp nhận những thử nghiệm đổi mới trong lối sống và cả trong ý thức văn hoá của mình”.

Nói đến tính cách, lối sống Huế một cách đầy đủ thì như GS Phan Hữu Dật là phải nêu “một tập đại thành, một phức hợp các yếu tố văn hoá biểu hiện tất cả các mặt của đời sống xã hội của con người ở đây”. Tuy nhiên, trong bài viết nhỏ này chúng tôi chỉ đề cập đến ảnh hưởng của triết lý nhân sinh Phật giáo góp phần tìm hiểu thêm về tính cách và lối sống Huế. Từ đó nhằm xây dựng tính cách, lối sống của người Huế trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn, đồng thời khắc phục và loại bỏ dần những mặt hạn chế do ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo, góp phần xây dựng lối sống mới, nền văn hoá mới theo tinh thần Nghị quyết T.W 5 của Đảng.

Lê Thị Toán (Th.s trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)

Tài liệu tham khảo:
1. Thích Thiện Châu. Phật tử. Hội Việt Nam tại Pháp xuất bản.
2. Minh Chi, Hà thúc Minh. Đại cương lịch sử triết học phương Đông. Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
3. Nguyễn Hiền Đức. Lịch sử phật giáo Đàng trong. Nxb thành phố Hồ Chí Minh,1995.
4. Nguyễn Tài Thư (chủ biên Ảnh hưởng của các hệ tư tưỏng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay. Nxb Chính trị quốc gia, 1997.
5. Hoàng Phủ Ngọc tường. Huế di tích và con người. Nxb Thuận Hoá, 1995.

(Theo Tạp chí Công tác Tôn giáo)

Các tin đã đăng:
© 2005-2011 Chùa Vĩnh Nghiêm.
Biên tập: Đ.Đ. Thích Thanh Phong.
Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08)3848 3153 Fax: (08)3843 9901
Email: [email protected]
Website: http://www.vinhnghiemvn.com