Tính cộng đồng trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người Khmer Nam Bộ
26/12/2008 17:08 (GMT+7)

Trong lịch sử phát triển của các dân tộc, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng mang tính cộng đồng như là một đặc trưng văn hóa tộc người, chịu sự tác động của nhiều yếu tố như: địa lý tự nhiên, môi trường lịch sử - xã hội, sự cố kết cộng đồng dân cư. Đối với người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hình thức sinh hoạt cộng đồng là một hình thức phổ biến, mang tính truyền thống đặc sắc của cư dân miền sông nước.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những đồng bằng rộng lớn và màu mỡ bậc thất của Việt Nam, với diện tích khoảng 40.000 km2, bao gồm 12 tỉnh, thành phố thuộc miền Tây Nam Bộ. ĐBSCL được hình thành trong quá trình địa chất lâu dài, chủ yếu do sự bồi đắp phù sa của hệ thống sông Mêkông. Đặc biệt, ĐBSCL có hệ thống kênh rạch chằng chịt tạo nên sự điều hòa nguồn nước và giao thông đường thủy thuận tiện.

Nơi đây là vùng nhiệt đới gió mùa, thời tiết trong năm có hai mùa rõ rệt, là nơi cư trú của cư dân các dân tộc Khmer, Việt, Hoa, Chăm... Với những đặc điểm về địa lý, môi sinh như vậy, đây được coi là một trong những vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất của cả rước. Ờ ĐBSCL người Khmer là tộc người cư trú lâu đời nhất, trước khi có người Việt, Hoa và Chăm, các dân tộc hiện nay sống xen kẽ với nhau trong vùng, đồng thời mỗi dân tộc thường tập trung ở một địa bàn cư trú riêng. Người Khmer tập trung cư trú chủ yếu ở các vùng Trà Vinh, một phần Vinh Long, vùng ven biển Sóc Trăng và vùng biên giới Châu Đốc kéo dài tới tận Rạch Giá. Mặc dù ở mỗi vùng điều kiện môi sinh khác nhau, các dân tộc sống xen kẽ nhau, nhưng người Khmer vẫn bảo lưu, gìn giữ được truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Có thể nói trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt Phật giáo đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, là chất men kết dính cộng đồng dân cư bền chặt nhất, đây là nét đặc thù nổi bật nhất của xã hội Khmer truyền thống, cho dù Phật giáo Tiểu thừa chỉ mới du nhập vào ĐBSCL từ khoảng thếkỷ XII (l), nhưng nó đã chi phối khá sâu sắc đời sống nông thôn Khmer. Điều này được thể hiện qua việc phân bố các ngôi chùa trên địa bàn của đồng bào Khmer cư trú, (trên toàn vùng ĐBSCL có khoảng hơn 400 ngôi chùa), xung quanh mỗi chùa bình quân khoảng l.600 người cư trú.(2) Chùa Khmer thường tọa lạc trên một khu đất rộng, xung quanh chùa thường được trồng các loại cây to như dầu, sao, thốt nốt tạo thành một khu rừng nhỏ trông rất cổ kính và tĩnh lặng, toàn cảnh chùa là một không gian tâm linh khoáng đạt và trầm mặc.

Khác với nhiều tôn giáo khác, Phật giáo Khmer không chỉ đảm nhận chức năng tôn giáo mà còn đảm nhận các chức năng văn hóa, xã hội, đạo đức...với từng cá nhân và cả cộng đồng. Chính vì thế ngôi chùa của người Khmer được xây dựng không chỉ đáp ứng nhu cầu của hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng mà bên cạnh đó còn có nhu cầu của giáo dục và các sinh hoạt văn hóa xã hội của cư dân. Như vậy, việc tham gia vào sinh hoạt, lễ nghi tôn giáo một cách thường xuyên và những hoạt động mang tính tôn giáo đã giúp các cá nhân có cơ hội hòa hợp, gần gũi cùng nhau, hiểu biết lẫn nhau hơn. Đây là cơ sở làm cho cộng đồng ngày càng phát triển.

Một nét đẹp về văn hoá của người Khmer ở ĐBSCL là tất cả nam công dân đều biết chữ. Theo tập quán truyền thống, người con trai khi lớn lên phải vào chùa đi tu, đi tu là hình thức vừa học chữ vừa học đạo, tu để trở thành người có nhân cách, có văn hoá và là một hình thức để báo hiếu cha mẹ đã có công dưỡng dục, sinh thành. Theo quan niệm của người Khmer, nhà có con trai mà không đi tu là gia đình mang tiếng xấu, khi người con trai đã vào chùa tu rồi thì trở thành thành viên trong tam bảo là phật, pháp, tăng mà mọi người thường gọi là “lục”, hàng ngày cha mẹ, chị em phải dâng cơm cho “lục” gặp con cha mẹ cũng phải sùng kính thi lễ, quỳ lạy như gặp “lục cả”.(3) Trong sách dạy làm người của người Khmer có câu “ri neak minh ban buốt tu, chia tôn không sao sơ mai” (người không được tu hành trong chùa là người nhiều tội lỗi trong cuộc sống),(4) câu nói này thể hiện tầm quan trọng của cuộc sống tu hành đối với người con trai Khmer. Vì thế, nhà trường được coi là trường học giáo dục về tri thức và đạo lý mà các bậc sư sãi, cao tăng là những người chăm lo cuộc sống ấy.

Đối với đông đảo tín đồ Khmer, công việc giáo dục của nhà chùa chủ yếu thông qua hình thức thuyết pháp và tu thiền. Điều này được phản ánh trong mọi lễ hội phật giáo, như lễ Phật đản, Nhập hạ, Xuất hạ, ban hành giáo lý... Cũng như một số lễ hội được tổ chức tại chùa hay các tiểu lễ tổ chức ở các gia đình đều có sự tham dự của các vị sư trong các chùa, đặc biệt là các ông Acha, Amaha. Trong những dịp được mời đến dự như thế, các vị sư sẽ đọc kinh, thuyết pháp. Nội dung của bài thuyết pháp thường là nói về đạo đức làm người, lòng từ thiện, lòng yêu thương con người, quy tắc ứng xử trong xã hội được rút ra từ những phật thoại, phật sử hay các câu truyện ngụ ngôn... Tùy theo từng hoàn cảnh, tính chất buổi lễ mà nội dung bài thuyết pháp được lựa chọn sao cho phù hợp. Cũng chính trong khoảng thời gian và không gian của các buổi lễ đó mà tinh thần của những bài thuyết pháp đã đi vào lòng người một cách rất tự nhiên, được đón nhận một cách tự giác nhất. Phải chăng, cũng nhờ vậy mà trong cộng đồng phum, sóc của người Khmer ở ĐBSCL cuộc sống khá yên bình, lành mạnh. Ở đó chúng ta thấy ít khi xảy ra những tệ nạn xã hội, mọi người đối xử với nhau rất bình đẳng, thân mật và trọng đức hạnh. Mọi thành viên trong cộng đồng đều hết sức thương yêu nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau, ngược lại mỗi cá nhân được toàn thể cộng đồng đánh giá, qúy trọng thông qua những nghĩa cử ấy.(5)

Trong gia đình cũng vậy, giáo dục Phật giáo đã góp phần tạo nên bầu không khí tốt đẹp trong cuộc sống gia đình. Vì vậy, người Khmer ít khi li dị, hiện tượng đa thê cũng ít gặp. Phật giáo Khmer ở ĐBSCL được sùng kính và được bảo vệ vững chắc không phải vì sự hấp dẫn của giáo lý nhà Phật đã đem lại lợi ích vật chất thiết thực trong đởi sống, mà điều chính yếu là những hành động tôn giáo lưu truyền qua các thế hệ của người Khmer đã trở thành nếp sống, quy tắc ứng xử, mỗi thành viên trong phum, sóc mặc nhiên phải tuân theo.

Trong các dịp lễ hội, bên cạnh nghi thức cổ truyền là những hình thức sinh hoạt vui chơi, giải trí, biểu diễn văn nghệ, thể dục, thể thao...tất cả đều được tổ chức và biểu diễn tại khuôn viên chùa. Trong những dịp này các nhà sư không chỉ lo phật sự mà còn trực tiếp tham gia, tổ chức các công việc sinh hoạt văn hóa cộng đồng như: tiếp đón các nghệ nhân và khách qúy ăn nghỉ tại chùa, khuyến khích các phật tử tổ chức hay lập ra các đội văn nghệ, ca múa để phục vụ các buổi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng. Ngoài ra, chùa của người Khmer còn là một hệ thống thiết chế văn hóa của toàn sóc, chùa là thư viện - nơi tàng trữ các bộ sách cổ, sách phật, là bảo tàng mỹ thuật và lịch sử - nơi duy nhất cất giữ và trưng bày các công trình, tác phẩm mỹ thuật của các nghệ nhân dân gian Khmer.

Đối với người Khmer ở ĐBSCL, ngoài sinh hoạt tôn giáo, tính cộng đồng còn được thể hiện rất đậm nét trong một số sinh hoạt tín ngưỡng có liên quan tới toàn cộng đồng. Ở người Khmer Nam bộ đến nay vẫn còn tồn tại một loại tín ngưỡng khá phổ biến là Neck tà mà một số nhà nghiên cứu coi đó là thần bảo hộ công xã cho các sóc người Khmer.(6) Khi đến các sóc của người Khmer vùng ĐBSCL còn bắt gặp rất nhiều thala (ngôi nhà nhỏ dựng ở ngã ba đường để mọi người nghỉ ngơi và tránh mưa, nắng), ở đây thường có miếu cúng Neck tà. Về nguồn gốc của loại tín ngưỡng này vẫn còn tồn tại những ý kiến khác nhau. Adlemar Leclire cho rằng Neck tà là “hồn của người chết từ lâu”,(7) còn Monod lại cho Neck tà là “các vị thần đồng áng hay thần ở trong rừng mà người ta cần phải cầu xin mỗi khi có công việc liên quan đến khu vực này”(8) và theo Monod thì Neck tà có nguồn gốc từ Bà-la-môn giáo, chính vì thế từ Bà-la-môn giáo cũng được L.Malleret tán đồng, lấy vị thần “Neang khmaư’ (Bà Đen) trong tín ngưỡng của người Khmer làm ví dụ và ông cho rằng chỉ là thần Durga của Bà-la-môn giáo.(9) Theo tìm hiểu của tác giả, cho đến nay có nhiều loại miếu thờ Neck tà, loại đơn giản là miếu làm bằng tranh tre, nhà sàn hoặc nhà đất dưới một gốc cây trong khuôn viên của một phum nhỏ hay ở góc bờ ruộng, loại thứ hai thì lớn hơn và thường được xây bằng gạch nằm ở phía đông bắc của khuôn viên chùa, hay ở một địa điểm nào đó trong các sóc. Theo dân gian thì Neck tà được gọi theo tên của một vật tiêu biểu trong thiên nhiên hoặc tên của một loài thực vật, như xam rôn (cây trộm), đomchey (cây đa)...Hoặc mang tên một đặc điểm địa lý như: Neck tà Bến Đò, Neck tà bến Bình An, loại Neck tà này tiêu biểu cho vùng Trà Vinh, Vĩnh Long.(l0)

Rõ ràng, qua tìm hiểu nguồn gốc, đối tượng thờ cúng và tên gọi thì Neck tà là thần bảo hộ cho công xã của người Khmer mà điển hình là Neck tà chủ xóm, chủ xứ hay những người có công dũng cảm chiến đấu, bảo vệ công xã cho đến khi Bà-la-môn giáo và tiếp theo là Phật giáo du nhập vào vùng này thì Neck tà lại đồng hoá và dân gian hóa một số vị thần trong Bà-la môn giáo thành thần bảo hộ công xã. Và, khi Phật giáo Tiểu thừa với các định chế tu trì ràng buộc đã trở thành tôn giáo chính thống chi phối đời sống tâm linh của người dân Khmer, tín ngưỡng Neck tà mặc dù đã yếu thế nhưng vẫn được duy trì sự hiện diện của mình trong khuôn viên chùa với hình ảnh Neck tà Wat (neck tà chùa). Tất nhiên, sự hiện diện này không được nhà chùa khuyến khích, mà đó chỉ là một số nhượng bộ của Phật giáo, điều đó nói lên rằng tín ngưỡng Neck tà với tư cách là thần bảo hộ các sóc có ảnh hưởng và gắn bó nhiều mặt với đời sống sản xuất, tình cảm cộng đồng của người dân Khmer.

Mặc dù là những phật tử mộ đạo, người Khmer ở ĐBSCL vẫn tin tưởng ở sự gieo họa hay ban phúc của Neck tà. Khi đi qua miếu Neck tà người ta phải ngả nón tỏ ý kính trọng. Khi bệnh tật, ốm đau, hay muốn cầu xin điều gì người ta vẫn chạy đến miếu Neck tà cầu xin. Khi có những ý kiến bất đồng không thể hòa giải được thì chính Neck tà là vị quan tòa chứng giám. Khi có thiên tai hay dịch bệnh, tính mạng của các thành viên trong sóc bị uy hiếp, lúc này các thành viên họp nhau lại làm lễ “Bon ban dan neck tà” (lên đồng Neck tà) để hỏi ý kiến về nguyên nhân tại sao lại có tai họa?. Ngoài ra, việc cúng Neck tà còn là yếu tố để cố kết nhân dân trong sóc, thông thường mỗi năm thần dân trong sóc cúng Neck tà một lần, bắt đầu sau lễ năm mới, trước khi mùa mưa đến.

Mặc dù vậy, lễ cúng này cũng không đồng nhất ở tất cả các địa phương, ở miệt Kiên Giang, An Giang thường cúng trước hoặc sau tết, còn với vùng Sóc Trăng, Trà Vinh lại thường cúng vào tháng 5 hay tháng 6 đương lịch. Sự khác biệt này được giải thích là những cơn mưa đầu mùa bắt đầu ở vùng biển phía tây thường sớm hơn vùng nội địa một tháng, chính vì thế mới có sự không đồng nhất này. Như vậy, người Khmer là những di dân có mặt từ rất sớm ở ĐBSCL. Việc quản lý xã hội truyền thống của thum, sóc Khmer theo một cơ chế khá đặc biệt, bao gồm quyền lực của cộng đồng và vai trò của tổ chức Phật giáo Tiểu thừa, khác với làng của người Việt, hay tập quán của người Trường Sơn - Tây Nguyên, ở người Khmer các quan hệ xã hội được vận hành dựa trên tập quán dân tộc truyền thống và những định chế của Phật giáo Tiểu thừa. ở đây giáo lý nhà Phật là cơ sở cho các quy tắc nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Triết lý của nhà Phật trở thành triết lý của đời sống văn hóa tư tưởng của con người và cũng chính vì thế sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng mang tính cộng đồng đã trở thành một bộ phận quan trọng nhất, không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần, trong đời sống tâm linh của mỗi thành viên trong cộng đồng cư dân ở ĐBSCL. Sư sãi là tầng lớp được cộng đồng kính trọng. Vì vậy, đạo Phật có ảnh hưởng quan trọng và chi phối nhiều mặt đời sống xã hội của người Khmer ĐBSCL.

Trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể nói rằng, tổ chức xã hội cổ truyền của người Khmer mang đậm tính tập thể, tính cộng đồng, nương dựa vào nhau trên cơ sở tổ chức nhà chùa và văn hóa Khmer. Đây là nền văn hóa mang đậm màu sắc Phật giáo và mang rõ tính đặc thù. Tính cộng đồng trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống xã hội của người Khmer ở ĐBSCL khác hắn với tính cộng đồng làng của người Việt và các dân tộc khác sinh sống trên địa bàn. Những sinh hoạt mang tính cộng đồng này dần dần thích nghi với cộng đồng dân tộc Việt Nam, làm phong phú thêm cho nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc và người Khmer ĐBSCL đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trần Khắc Tuấn (Ban Tôn giáo Dân tộc tỉnh Bình Dương)

Tài liệu tham khảo:
(1) Nguyễn Văn Tiệp - Quá trình du nhập ảnh hưởng của Phật giáo tiểu thừa đến sinh hoạt tôn giáo, văn hoá xã hội của người Khmer ở ĐBSCL- Thông báo KH trường Sư phạm Vinh năm 1993, trang 37;
(2) Phan An, Nguyễn Xuân Nghĩa – Dân tộc Khmer trong “các dân tộc ít người việt
Nam (các tỉnh phía Nam)”, Nxb KHXH, năm 1984, trang 71;
(3) Nam bộ xưa và nay - Người Khmer ở Nam bộ - Lưu Văn Nam, trang 277, Nxb Tp.HCM - Tạp chí Xưa và nay;
(4) Nguyễn Khắc Cảnh - Phum sóc Khmer ở ĐBSCL, Nxb Giáo dục, năm 1998, trang 139;
(5) Nguyễn Khắc Cảnh - Ngôi chùa trung tâm giáo dục và sinh hoạt văn hoá xã hội của Phum sóc Khmer ở ĐBSCL - Tập san KH trường ĐH Tổng hợp (chuyên đề KHLS số 1/1996, trang 174);
(6) Nguyễn dân Nghĩa - Tàn dư tín ngưỡng Arăk và Neck tà ở người Khmer vùng ĐBSCL - Tạp chí Dân tộc học số 3/1979;
(7) Võ Sĩ Khải – Nước Phù Nam. Trong công hình Lịch sử Việt Nam của Hội đồngKHXH tại Tp.HCM và viện KHXH tại Tp.HCM hợp tác biên soạn, năm 1993, trang 1-3
(8) Báo cáo tình hình công tác vùng đồng bào dân tộc 1995 của UBND tỉnh Trà Vinh, tháng 4/1996;
(9) Phan Xuân Biên - Tổ chức làng cổ truyền các dân tộc Tây Nguyên - Tạp chí Dân tộc học số 3/1985;
(10) Nguyễn Khắc Cảnh Phum, Sóc Khmer ở ĐBSCL, Nxb Giáo dục, trang 143.

(Theo Tạp chí Công tác Tôn giáo)

Các tin đã đăng:
© 2005-2011 Chùa Vĩnh Nghiêm.
Biên tập: Đ.Đ. Thích Thanh Phong.
Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08)3848 3153 Fax: (08)3843 9901
Email: [email protected]
Website: http://www.vinhnghiemvn.com