Truyện ngắn: Biến mất sau màn sương
21/07/2011 23:14 (GMT+7)

Sư ông Khai Đức có con mắt tinh anh cùng bước đi của loài mèo. Một tay chống cây gậy trúc, một tay giữ quai chiếc túi vải màu vàng do được nhuộm bằng củ nghệ, ông nhảy từ bậc đá này sang hòn đá khác. Đoạn đường từ An Kỳ Sinh lên chùa Đồng lô nhô những tảng đá mồ côi. Và cho dù mỗi ngày có hàng ngàn lượt bước chân chà qua nhưng những tảng đá mồ côi vẫn trơn lì. Gặp hôm mưa mù, đá mồ côi đã trơn lại còn thêm trượt. Sư ông Khai Đức mỗi ngày đi lên đi xuống trên đoạn đường dốc đá đó không ít hơn ba lần.

Sư ông là con người của sự động, thầy cảm thấy sự ngồi yên như một cực hình. Vừa tới chùa Đồng, loanh quanh làm một vài cái lễ theo yêu cầu của du khách, sư ông lại tất tả bước xuống lối đá lô nhô, nói với lại là "có việc". Tôi đã một bữa cùng sư ông Khai Đức đi lên chùa Đồng. Thầy bước những bước nhanh, dứt khoát và nhẹ lâng. Tôi nhìn cung cách đi của thầy mà thán phục. Sư ông Khai Đức đứng chờ tôi ở khúc cong trên con đường đá và đá, thầy nhẹ nhàng nói khi tôi hổn hển tiến kịp chỗ thầy đang đứng chờ: "Có hai thứ để con người ta cảm thấy không khó khăn". Tôi chưa hiểu ý thầy nói gì nhưng cũng cười trừ lấy lệ, cách cười như là mong thầy thông cảm cho sự chậm trễ đầy khó nhọc của người phải leo dốc đá lô nhô của tôi. "Thứ nhất là cái trí" – Sư ông Khai Đức lại thong thả nói – "Cái trí có ở trong đầu. Nếu cái trí nhắc mình là được thì sẽ được". Thầy nói mà ánh mắt lại chăm chú nhìn ra xa. Tôi đảo mắt nhìn theo, có gì đâu, toàn thấy đục một màn sương trắng. "Cái trí cho ta thấy được cái đích cho dù cái đích bị khuất lấp" – Sư ông lại thủng thẳng giảng giải. Tôi thầm thán phục tiếp, hình như thầy đọc được ý nghĩ ngại ngần của tôi.

*

*      *

Tôi với sư ông Khai Đức là chỗ quen thân cũ. Cách đây chừng hai nhăm năm tôi và Nguyễn Văn Đức (tên thật của thầy) cùng một đơn vị. Chúng tôi tuy khác quê nhưng lại được làm chung một việc. Đội chiếu bóng có ba người: Anh Thỏa là lái xe kiêm máy nổ, tôi là nhân viên phụ trách máy chiếu, còn Nguyễn Văn Đức là thuyết minh. Hồi đó, chúng tôi rong ruổi khắp các cánh rừng biên giới Đông Bắc. Chất giọng trầm trầm, ấm áp của anh thuyết minh Nguyễn Văn Đức hút hồn biết bao cô giáo miền núi. Phải nói Đức có duyên, đội chiếu bóng đi đến đâu Đức đều nhận được những nụ cười làm duyên của các cô giáo trẻ. Nói về giáo viên miền núi thì thôi rồi. Các cô trẻ, đẹp và làm quen táo bạo. Tôi vốn nhút nhát nên co ro trên thùng xe, xấu hổ cúi đầu nhìn vu vơ vào vòng quay của những chiếc bánh răng xếp lớp lớp trong chiếc máy chiếu phim. Còn anh Thỏa chân tay dính đầy dầu mỡ thỉnh thoảng lại nhào ra chỗ để chiếc máy nổ. Khổ thân anh, chiếc máy nổ hay dở chứng, buổi chiếu phim phải dừng lại để anh hì hụi giật dây cho nó nổ lại. Những lúc đó, tôi ngượng vì buổi chiếu phim tạm dừng, tôi giấu mặt vào thùng xe. Riêng Đức thì khác, anh nhoài người nhìn ra khoảng tranh tối tranh sáng của bãi chiếu bóng. Từ đây, anh nở nụ cười đáp lại những tiếng chào của các cô, các chị đang nghển cổ ngước nhìn từ sân bãi chiếu bóng lên: "Anh thuyết minh ơi. Anh thuyết minh hay và ... đẹp trai quá!"...

Rồi chúng tôi "tan đàn xẻ nghé". Anh Thỏa phục viên về quê với quân hàm thượng sĩ. Tôi xuống đơn vị chiến đấu chốt trên đỉnh 600. Nghe đâu Nguyễn Văn Đức chuyển ngành về làm công tác văn hóa – thông tin tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi xa nhau và bặt tin nhau từ đó.

*

*    *

Đoạn đường từ An Kỳ Sinh lên chùa Đồng hôm nay khá tấp nập. Du khách nườm nượp lên xuống khiến đoạn đường lô nhô đá mồ côi đã trơn lại thêm chen chúc. Tôi liên tục phải dừng bước nhường chỗ cho những người lớn tuổi hơn. Lạ thật đấy, đường lên xuống khó khăn là vậy mà du khách hành hương lại chủ yếu là những bà cao tuổi. Các bà đi chậm rãi, bước cũng chậm rãi. Họ vừa bước đi vừa lầm rầm niệm Phật. Sư ông Khai Đức có cách đi khác thường, cũng nhường đường cho du khách nhưng lại nhường bằng cách tìm những chỗ khó hơn để đi. Thầy thoắt nhảy từ bậc đá này sang bậc đá khác lanh lẹ tránh đường, rồi lại chờ tôi ở khúc cua tiếp theo. Sư ông Khai Đức nói bằng giọng không chút mệt mỏi: "Thứ hai là..." - Sư ông chưa vội nói tiếp, đợi tôi lên gần hơn – "Thứ hai là biết đi thế nào cho phải bước chân". Tôi bỗng hoang mang "Thế nào là cho phải bước chân?". Hoang mang nhưng không dám hỏi lại. Tôi sợ thầy cười cái bằng cử nhân văn hóa mà tôi chót khoe với thầy lúc sáng, lúc tôi và thầy nhận ra nhau. Không lẽ tôi chậm hiểu.

Chúng tôi tình cờ nhận ra nhau đúng vào lúc tôi ngơ ngác trông ngược lên đỉnh Yên Tử. Chỉ thấy một màu sương đùng đục giăng kín. Đang phân vân giữa đi lên đỉnh một lần cho biết hay là quay lại, chợt có tiếng hỏi đằng sau lưng: "Bác lên chùa Đồng thì theo tôi". Ngoái lại, thấy một nhà sư trạc tuổi mình nhưng có dáng thanh mảnh. Nhà sư nhìn tôi khích lệ rồi bất chợt ông hỏi như reo: "Thằng Trọng. Thằng Trọng máy chiếu phải không?". Tôi ngỡ ngàng nhưng cũng chắp tay cho phải phép nhà chùa: "Bạch thầy. Thầy biết tôi sao?". Không đợi tôi kịp nói gì thêm, nhà sư nắm lấy tay tôi lắc mạnh: "Đức đây mà. Đức thuyết minh đây mà".

Thì ra sau khi về công tác ở ngành văn hóa – thông tin tỉnh, Đức "thuyết minh" được phân công về Ban Quản lý di tích Yên Tử. Không rõ căn cơ thế nào mà anh chàng được nhiều cô giáo trẻ chết mê, chết mệt ấy lại có duyên với nhà Phật. Đức thôi việc ở Ban quản lý, xuống tóc, học kinh và trở thành sư ông Khai Đức. Cuộc hội ngộ bất ngờ cho tôi một cảm thức "Mỗi một con người đều có mối nhân duyên".

Sắp tới đỉnh Yên Tử, tôi đã thấy điều đó bởi không gian lan tỏa mùi nhang trầm. Thứ hương của trầm thơm đầm vào từng hơi thở. Lúc đang mệt, được ngửi hương trầm trong lòng thấy nhẹ nhàng thanh thản hẳn. Đứng chống tay vào gậy trúc, sư ông Khai Đức cười. Nụ cười của thầy đầy vẻ khích lệ. Nụ cười ấy như nói với tôi rằng: "Có gì là khó đâu. Đã đi là sẽ đến đích". Tôi đưa mắt nhìn lên đỉnh hy vọng sẽ thấy được ngôi chùa Đồng nổi tiếng trôi bồng bềnh trong sương trắng. Vẫn không thấy gì, chỉ những tiếng người lao xao rất gần quanh đâu đây. Những âm thanh làm xáo động cả khoảng không gian trắng đục. Sư ông Khai Đức tay vẫn chống gậy trúc, thầy khẽ nghiêng người nhường đường cho mấy người lục tục bước xuống. Cả cái cung cách nghiêng người của thầy cũng khéo léo. Người của nhà Phật có khác, họ luôn lấy sự nhường nhịn để tâm thanh thản. Hồi bé, tôi nghe bà tôi dạy: "Nhường nhịn không có nghĩa là mình thiệt", bà tôi còn nhắc: "Đừng sợ mình nhường nhịn là yếu đuối".

Đến lúc này sư ông Khai Đức mới thong thả bước. Thầy không cần phải tránh nhường đường nữa. Đã lên tới đỉnh, chùa Đồng ngào ngạt khói hương. Gió từ dưới lòng thung thổi ngược lên mát lạnh. Tôi khẽ rùng mình để lấy lại thăng bằng sau chặng leo dốc đá mồ côi lô nhô, trơn trượt. Đưa mắt nhìn xuống con dốc vừa lên, tôi thấy ngại khi nghĩ rằng, mình sẽ phải bước xuống để mới có thể trở về, cảm giác còn ngại hơn lúc leo lên. Bà tôi hồi xưa nhắc mỗi khi tôi nghịch ngợm trèo lên cây sấu trong vườn: "Mày trèo leo vừa vừa thôi. Trèo leo càng cao lúc xuống càng khó con ạ".

Tôi quay người lại tìm sư ông Khai Đức, không thấy thầy ở bên cạnh. Tiếng khấn vái vọng lại bên cửa chùa Đồng. Nhanh thật đấy, sư ông đang giúp ai đó làm lễ. Tôi nhìn đường xuống một lần nữa, hình như có tiếng nói như khi đang leo lên của Thầy: "Thứ hai là biết đi thế nào cho phải bước chân".

Gió thổi tới mạnh hơn. Đỉnh Yên Tử chìm vào sương trắng đục.

Theo truyện ngắn của Miên Đông - QĐND

Các tin đã đăng:
© 2005-2011 Chùa Vĩnh Nghiêm.
Biên tập: Đ.Đ. Thích Thanh Phong.
Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08)3848 3153 Fax: (08)3843 9901
Email: [email protected]
Website: http://www.vinhnghiemvn.com