TT. Chân Quang nói chuyện với CB - CNV Tập đoàn Trường Thịnh
11/04/2016 15:00 (GMT+7)

Được biết, khu nghỉ dưỡng Sun Spa Resort tại Đồng Hới - Quảng Bình là một trong những công trình tiêu biểu của Tập đoàn Trường Thịnh. Trường Thịnh là một trong những tập đoàn lớn nhất tỉnh Quảng Bình. Sau 20 năm thành lập, đã có những giai đoạn hết sức khó khăn và sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên Tập đoàn Trường Thịnh đã năng động, nhạy bén và mạnh dạn đổi mới phương thức kinh tế, chủ động tạo nguồn vốn, tích cực đầu tư và không ngừng mở rộng kinh doanh đa ngành nghề. Chính vì vậy đơn vị luôn không ngừng phát triển và ngày một vươn xa hơn. Trường Thịnh luôn hoạt động có hiệu quả, an toàn và bền vững, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước nên là một trong những tập đoàn uy tín nhất của tỉnh Quảng Bình”.

Bên cạnh tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, Trường Thịnh còn đặc biệt quan tâm đến công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện. Những năm qua, Tập đoàn đã chi hàng chục tỷ đồng ủng hộ cho các hoạt động xã hội, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, cụ thể: nhận phụng dưỡng suốt đời 7 bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng 24 ngôi nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình chính sách tại huyện Quảng Trạch, trị giá trên 1 tỷ đồng...

Với những thành tựu đạt được, Tập đoàn Trường Thịnh vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước ký tặng và đón nhận nhiều huân huy chương, cờ thi đua cùng các phần thưởng cao quý khác do các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và UBND tỉnh Quảng Bình trao tặng.  

Đặc biệt hơn, người chủ Resort lại là một Phật tử biết lo cho đời, lo cho đạo. Trước những thành tựu cô làm được, Thượng toạ khẳng định cô là người thành công trong cuộc sống này. Trong những ngày TT Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Hoằng Phúc - huyện Lệ Thuỷ, cô Nguyễn Thị Loan – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trường Thịnh đều tham dự Pháp hội. Duyên trùng duyên, nhân kết thúc chuyến Phật sự tại Quảng Bình, cô đã thỉnh mời Thượng toạ đến Khu nghỉ mát Sun Spa Resort để nói chuyện với CB – CNV và thanh thiếu niên tại đây.  

Đến tham dự buổi nói chuyện của TT Thích Chân Quang có: Cô Nguyễn Thị Loan – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trường Thịnh cùng toàn thể Cán bộ nhân viên của Tập đoàn và gần 1500 Phật tử các giới cũng như thanh thiếu niên tại thành phố Đồng Hới. 

Để hiểu thế nào là người thành công, mở đầu bài Pháp thoại, Thượng toạ nhấn mạnh: Trên đời, thất bại luôn là nỗi ám ảnh rất lớn của con người. Có những người kém phước nên không thành công ở bất cứ điều gì. Còn đa phần ai cũng có thành công và thất bại đan xen nhau. Điều quan trọng là khi ta kết thúc một kiếp người, chúng ta biết làm cho sự thành công nhiều hơn sự thất bại. Như vậy, cái kiếp của mình mới không tệ. Sau đó ta lại tiếp tục tái sinh qua kiếp khác, rồi mình làm lại một kiếp nữa. Cuộc đời vốn vậy, vô thường thay đổi là thế. 

Để làm rõ hơn quan điểm này, Người phân tích rằng: Trong đạo Phật có một đạo lý là luân hồi tái sinh. Chúng ta sinh ra kiếp này không phải là kiếp đầu tiên bởi ta đã từng có nhiều kiếp sống trước đây. Khi chết đi, rời bỏ thân xác này, ta cũng tái sinh lại ở những kiếp khác. Nhưng thân phận của ta ở mỗi kiếp đó rất khác nhau. Có  kiếp cực kì vinh quang, thành đạt nhưng cũng có kiếp ta mang thân phận tầm thường, khi thành công, lúc thất bại; thậm chí phải mang thân súc sinh. Đó không phải là điều mê tín, huyền hoặc mà là sự công bằng của vũ trụ. Nghĩa là người biết sống tử tế, phụng sự cho cuộc đời, hi sinh vì tha nhân thì buộc phải có phần thưởng trở lại dành cho họ. Phần thưởng đó do con người công nhận, mang đến hoặc có thể không ai biết công lao của họ, nhưng trời đất sẽ ban tặng họ mọi điều còn xứng đáng hơn nữa.

Vì vậy nếu ai may mắn tin được vào sự công bằng của vũ trụ rồi cố gắng vun bồi đạo đức, làm nhiều điều tốt cho cuộc đời thì sự công bằng sẽ trở lại với người đó là vinh quang, là thành công. Và hôm nay Thượng toạ đã giúp mọi người đi tìm chìa khóa của sự thành công đó. Vì mỗi người nếu thành công sẽ đóng góp cho sự thành công chung của đất nước. Ngược lại, sự thất bại của mỗi người sẽ kéo theo gánh nặng, làm cả đất nước trì trệ, đi xuống.

Thành công có hai nghĩa:

Nghĩa thứ nhất, thành công là được giàu sang, quyền chức, nhưng nghĩa thứ nhất của sự thành công này là lấy cái tôi làm trung tâm. Còn nghĩa thứ hai, thành công là cống hiến cho cuộc đời, giúp đỡ cho rất nhiều người và nghĩa thứ hai này lấy tha nhân làm trung tâm. Người nào chọn ý nghĩa thành công thứ hai để hướng đến là những người hết sức trí tuệ vì biết chọn một con đường đẹp để đi đến tương lai.

Thất bại cũng có hai nghĩa: Nghĩa thứ nhất cũng lấy cái tôi làm trung tâm - tức là tôi không giàu, không thi đỗ, không danh tiếng không địa vị. Còn nghĩa thứ hai của sự thất bại là không giúp được ai trong cuộc đời này cả. Ví dụ có người sống một đời giàu có sung túc nhưng đến lúc già, khi nhìn lại họ thấy mình đã không giúp ai, cứ sống bình thường, hết tranh đấu lại hưởng thụ. Họ tự cho đó là một thất bại. Nên ý nghĩa thứ hai của thất bại cũng lấy tha nhân làm chính, tức là nếu ta không giúp được nhiều người thì đó cũng là một sự thất bại. 

Nói về sự thành công, Thượng toạ nhấn mạnh chúng ta không cần địa vị, không cần giàu sang nhưng vẫn có thể giúp đỡ người khác. Chúng ta chọn cách tiếp cận, hướng đi khác đó là đặt vấn đề cống hiến, phụng sự lên hàng đầu, chứ không lấy cái tôi làm trung tâm.

Con người có thể sai biệt nhau về địa vị cao thấp trong xã hội, nhưng trên khía cạnh đạo đức thì sự cống hiến là hoàn toàn bình đẳng với nhau, không phân biệt. Người kỹ sư và người công nhân vẫn bình đẳng với nhau, nếu họ đều cống hiến để cùng làm ra những con đường, những công trình cho cuộc đời. Vì thế hãy hướng tới sự thành công của cuộc đời mình trên nền tảng của đạo đức. Nhân quả phước đức đưa ta đến vị trí nào, xã hội phân công ta vào vị trí nào, ta sẽ cống hiến, phụng sự, làm tròn trách nhiệm trong vị trí đó. Được vậy là ta đã thành công. Trong sự thành công này tâm hồn chúng ta luôn thanh thản, mối quan hệ của con người cũng được cải thiện, sự tranh giành, đấu đá cũng không còn.

Nhiều người ước mơ mình được bước lên một vị trí cao hơn trong khi năng lực, địa vị của họ chưa với đến được. Đó là tham vọng đã khiến không ít người phải khổ đau, dằn vặt và phạm sai lầm, thậm chí làm vô số điều tội lỗi. Một nhà xã hội học của Mỹ đã phân tích hiện tượng con người có khuynh hướng muốn leo lên địa vị mà mình không đủ năng lực. Sau đó ông cho rằng xã hội có sự phân công tự nhiên mà ai hoàn thành xuất sắc trách nhiệm trong vị trí của mình, đó là người thành công. Vì vậy, chúng ta hãy học hành một cách thanh thản. Điều này không đồng nghĩa với việc không nỗ lực, nhưng mục tiêu học của ta là đủ kiến thức để sau này phụng sự, cống hiến cuộc đời, giúp đỡ được mọi người chính nơi vị trí mình đang đứng, dù cao hay thấp. 

Để có được thành công, Thượng toạ chỉ ra 4 tố chất mà con người cần phải có. Đó là: Phước, trí tuệ, sức khỏe và đạo đức. 

Đi sâu vào 4 tố chất trên, Người cho rằng “Phước” rất bí mật, hoàn toàn vô hình nhưng mang đến cho ta hai điều: Trước tiên là những điều may mắn. Tiếp đó là sự chọn lựa rộng rãi trong cuộc sống. Phạm vi nhỏ là chọn được chiếc áo mình thích, căn nhà mình muốn, lớn hơn là chọn được nghề nghiệp mình theo đuổi…

Ta gây tạo phước bằng cách gì? Cũng bằng sự giúp đỡ mọi người. Có người đã làm điều đó từ kiếp trước nên đời này họ thường được giàu sang may mắn. Nếu ta không nằm trong trường hợp trên, vào kiếp này ta phải biết gây tạo từ khi còn bé. 

Nhiều người từ bé thường tránh né khi bố mẹ sai bảo. Đó là người không yêu công việc và chắc chắn quả báo dành cho họ là sự thất nghiệp trong tương lai. Vì thế để không bị thất nghiệp, mỗi người hãy tự tìm làm những việc công ích như lắp ổ gà, đắp đường, sửa chữa nhà cửa, giúp cụ già neo đơn, v.v… Sau này khi đã có phước ta sẽ được tự do lựa chọn công việc, dù đi đến đâu cũng xin được việc làm.

Hướng ánh mắt từ ái về mọi người và chuyển sang giới trẻ, Thượng toạ nhắc nhở các em phải ý thức điều này để chuẩn bị cho cuộc đời của mình ở mai sau, đừng đợi đến lớn mới làm phước, bởi lúc đó đã muộn màng. Từ bây giờ hãy luôn tìm cơ hội để giúp người, giúp đời, giúp bạn, giúp thầy cô, giúp bà con lối xóm. Đừng bao giờ để những dịp tốt đó trôi qua uổng phí. 

- Yếu tố thứ hai của thành công là trí tuệ. Trí tuệ được chia làm 3 loại: Thông minh, khôn ngoan, thiên tài. 

Thông minh bao gồm khả năng hiểu và ghi nhớ nhanh. Tuy nhiên thông minh không đồng nghĩa với khôn ngoan, vì nhiều người dù học rất giỏi trong nhà trường vẫn không xử lý được các tình huống thực tế nơi cuộc đời đầy phức tạp rối rắm. Có người học lực chỉ ở mức khá nhưng lại thành công khi ra đời bởi họ rất khôn ngoan. 

Thiên tài là những người có sự sáng tạo làm thay đổi xã hội, làm thay đổi thế giới. Đó là khả năng họ đã có từ kiếp trước. Còn lại đa phần chúng ta đều thông minh có hạn. Vì thế để tạo ra trí tuệ, ta phải có phương pháp.

Thứ nhất, hãy ngồi thiền. Đây là phương pháp đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng vào trường học; Thứ hai, hãy tập khí công. Phương pháp này hỗ trợ cho thiền rất nhiều; Thứ ba, hãy siêng năng lễ Phật, biết kính trọng bậc Thánh; Thứ tư, luôn ca ngợi người học giỏi, thường kể các câu chuyện về những vĩ nhân cho người khác nghe. Nếu ta ganh tỵ với người giỏi hơn mình, quả báo trở lại ta sẽ bị mất hết tài năng. Đất nước nào có nhiều người mắc tật đố kị, đất nước đó sẽ bị kiềm hãm không phát triển được; Thứ năm, thường tụng những bài kinh nói về đạo đức.

- Yếu tố thứ ba của thành công là sức khoẻ. Sức khỏe do di truyền, do đời sống lành mạnh, rèn luyện thể lực. Dân tộc ta có một phương pháp rèn luyện sức khỏe là khí công. Trong quá khứ, người Việt dù cơ thể yếu đuối nhỏ bé, nhưng vẫn chiến thắng được những kẻ thù hung hãn mạnh mẽ là cũng nhờ bí quyết luyện nội công.

- Yếu tố thứ tư của thành công là đạo đức. Đạo đức là những suy nghĩ, lời nói, hành vi chỉ mang lại quả báo tốt lành hạnh phúc an vui cho ta. Tức là nhìn vào quả báo nơi chính mình mà ta biết rằng hành vi của mình có đạo đức hay không. Ta nói một lời kết tội người khác để rồi sau này quả báo trở lại chính ta làm điều gì cũng rất dễ bị kết tội.

Hãy nhìn vào quả báo đó để biết rằng mình đã nói những lời không đạo đức. Hoặc ta khởi một ý nghĩ tự tôn quá đáng, cho mình là thần thánh cao siêu để rồi chính ta phải chịu quả báo mất dần tài năng, hư bộ não, thậm chí đến mức phát điên. Như vậy ý nghĩ kiêu mạn đó là không đạo đức. Hoặc ta luôn giữ lòng kính trọng mọi người, vì nghĩ rằng ai cũng có điểm hay để ta học hỏi, quả báo trở lại đầu óc ta ngày càng thông minh sáng suốt, vì đó là ý nghĩ đạo đức.

Cho nên, nếu biết làm thêm những điều này thì chúng ta sẽ thấy trí thông minh không phải là điều khó tạo ra.

Trước khi kết thúc bài Pháp thoại, Thượng toạ đã gửi gắm rất nhiều hy vọng vào thế hệ trẻ của Quảng Bình - những con người chăm chỉ, thông minh. Người tin tưởng rằng Quảng Bình sẽ phát triển nhanh chóng nhờ vào sự thành công của những cá nhân tốt ở đây.

Hơn một giờ trôi qua, trong sự tĩnh lặng, đạo tràng trang nghiêm, các Phật tử đã lắng nghe từng lời Thượng toạ trao truyền tận trái tim nên ai nấy rất xúc động. Các em thiếu niên thì hăng hái phát biểu.

Những lời dạy của Người sẽ là hành trang trong cuộc sống sinh hoạt, học tập của mỗi người. Đồng thời, nó còn là phương tiện để giúp đỡ nhiều người xunh quanh cũng thành công như mình. Đại diện Phật tử đã gửi tới Thượng toạ những lời cảm ơn chân thành nhất và hy vọng Người sẽ tiếp tục quay lại Quảng Bình, thuyết giảng cho mọi người nhiều bài Pháp hay hơn nữa.

Tóm lại, thông qua bài Pháp thoại, Thượng toạ đã chỉ ra thêm một khái niệm rất mới mẻ về người thành công. Theo đó, người thành công là người luôn biết giúp đỡ người khác, sống đời tử tế, không quan trọng tiền tài, danh vọng.

Nhờ vậy, mọi người có một khái niệm, một tư tưởng đúng đắn để đi theo, rũ bỏ được gánh nặng về vật chất. Cuộc sống từ đó cũng trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.

Bên cạnh đó, bài Pháp cũng khẳng định để là người thành công không khó nếu có phương pháp đúng đắn. Tuy nhiên, chúng ta cần biết nhìn nhận, đánh giá đúng năng lực của bản thân, tự biết hài lòng về những gì mình đang có, làm tròn trách nhiệm mà xã hội giao phó, không nên làm những việc vượt quá khả năng của bản thân. Quan trọng nhất, lúc nào cũng biết giúp đỡ người khác. Như vậy là ta đã thành công rồi.

Sau cùng, các Phật tử và các em thanh thiếu niên được quý thầy hướng dẫn tập khí công.

Đồng thời cô Phó tổng Tập đoàn Trường Thịnh còn thỉnh cầu TT Thích Chân Quang hướng dẫn Thiền cho Cán bộ - nhân viên và học sinh ở đây. Thượng  toạ rất hoan hỷ và cho phép quý thầy ở lại vài ngày để hướng dẫn Thiền, giúp hoàn thành ý nguyện của nhân dân Phật tử - những người biết được lợi ích của Thiền và thiết tha muốn học Thiền./.

Các tin đã đăng:
© 2005-2011 Chùa Vĩnh Nghiêm.
Biên tập: Đ.Đ. Thích Thanh Phong.
Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08)3848 3153 Fax: (08)3843 9901
Email: [email protected]
Website: http://www.vinhnghiemvn.com