Tâm Đạo Sĩ
02/12/2008 15:37 (GMT+7)

Hồi chuông sớm bỗng ngân lên giữa đêm trường tĩnh mịch, thế là Thầy ra đi, hóa thân vào hoàn vũ với muôn sao trời lấp lánh, để đêm trần thế ảm đạm một màu tang.Tên tuổi Thầy gắn liền với chốn Tổ Vĩnh Nghiêm. Không những chỉ là một trong những vị khai sơn tạo tự mà chính Thầy đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho việc hưng công và duy trì chốn Tổ.

Vĩnh Nghiêm to lớn thật. Nhưng đó chỉ là mặt vật chất. Nếu không tiếp nhận được hồn thiêng từ Thầy thì Vĩnh Nghiêm chỉ vỏn vẹn là một khối bê tông cốt thép, một cái xác không hồn. Thật vậy, Ngài đã thắp sáng chốn Tổ bằng chân đức của mình, tạo cho Vĩnh Nghiêm có chiều sâu của tâm linh, chiều cao của Phật chất. Nói cách khác, bề thế to lớn của Vĩnh Nghiêm không làm cho tên tuổi của Thầy quảng bá được mà chính đức hạnh của Ngài đã bao trùm lên ngôi Phạm vũ, làm cho thạc đức lưu phương: Ðạo tại nhân hoằng chúng trung tôn.Nơi Thầy còn đọng lại cái chất của cổ đức, cái hồn của cổ nhân: điềm tĩnh, nhã nhặn, trọng đức, khinh tài, không màng đến chức tước, danh vọng. Từ buổi phát túc siêu phương là Ngài đã hiểu rõ được trần gian là mộng ảo. Thầy hiểu, trực nhận cảnh không hoa bằng tâm của người đạo sĩ chớ không phải bằng miệng lưỡi của kẻ thức giả kinh viện. Giáo hội giao bất cứ một Phật sự gì Thầy cũng sẳn sàng đảm nhận. Khi đảm nhận thì Thầy tận tâm hành sự, luôn làm tròn trách vụ của sứ giả Như lai. Ngài không bao giờ bận tâm đến việc thành, bại. Trong đời này, ai dám chắc việc làm của mình luôn thành công? Không. Thành, bại là chuyện so đo, tính toán, là chuyện y vi cô tức. Ðối với Thầy, cái quan trọng nhất là thành tâm, thành ý trong công việc phụng sự Tam bảo, là việc thành nhân chớ không phải thành danh.Không những Thầy chỉ tham gia các công việc của Giáo hội, chứng đàn trong tuyển Phật trường hay chỉ giảng dạy ở các trường Phật học mà còn phó hội cho các buổi trai tăng hay hộ niệm tang lễ các Phật tử quá vãng. Nơi Thầy không có sự phận biệt sang hèn, nhất bên trọng nhất bên khinh. Ngài thường dạy: Việc làm không có gì là cao hay thấp, vấn đề là cái tâm của người hành đạo: Ngưu ẩm thủy thành nhũ, xà ẩm thủy thành độc. Thầy đến với mọi người chỉ với một tâm niệm duy nhứt: “vì lòng thương tưởng, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh”. Ðó là lời dạy của đức Ðạo sư mà Ngài đã nhập tâm ngay từ buổi sơ tâm hành đạo để rồi suốt cuộc đời của mình, Thầy đã trung thành với lời dạy đó của đức Từ phụ một cách không ngơi nghỉ. Ba mươi năm về trước, Thầy đã phải chịu phẫu thuật, cắt bỏ đi một phần bao tử nên việc ăn uống phải rất kiêng cử. Trong các buổi trai tăng Thầy không ăn được nhiều vì không hợp với các thức ăn có nhiều dầu nên thường chịu khó nhịn để khi về đến chùa mới ăn một tí gì lót bụng. Thế nhưng bất cứ nơi nào, kể cả các gia đình Phật tử, thỉnh là Thầy đi. Thầy đi với bi nguyện độ sinh của sứ giả đã vào nhà Như lai, mặc pháp phục của Như lai, lấy niềm vui của chúng sinh làm niềm vui của mình, lấy hạnh phúc, an lạc của chúng sinh làm hạnh phúc, an lạc của chính mình.

Lịch sử đã sang trang, dân tộc bước sang một giai đoạn mới, Vĩnh Nghiêm bị đặt vào ngã ba lịch sử. Trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, Thầy đã cùng tăng chúng trong chùa đi trồng rau, trồng sắn để tự túc suốt mấy năm trời. Việc canh tác ấy làm cho Ngài cực nhưng không hề làm xao động tâm trí của Thầy, không làm cho Thầy khổ. “Cùng giả ích kiên, lão đương ích tráng” Nhưng cái khổ tâm là làm sao đưa được Vĩnh Nghiêm ra khỏi khúc quanh lịch sử để còn tồn tại và phát triển theo hướng đi của dân tộc. Thác uẩn trần hoàn, Thầy hiểu rõ thế sự vô thường. Tấm thân bào ảnh này thì không có nghĩa lý gì đối với bánh xe quay cuồng của tạo hóa nhưng vấn đề chính là sự tồn vong, là hướng đi của đại cuộc. Dù sao thì Thầy cũng là công dân của một nước. Không thể đứng bên lề của lịch sử và lại càng không thể cản được hướng đi của lịch sử mặc dù người ta có thể viết, có thể tạo nên lịch sử. Theo học cửa Khổng sân Trình từ thuở ấu, Thầy tôn trọng đức tính thanh cao, liêm khiết của Khuất Nguyên nhưng Thầy không đồng tình cách hành xử cực đoan của Khuất. Cuối cùng, Thầy đã chọn con đường tùy thuận, không phải là tùy thời. Nói cách khác, Thầy đã hòa quang đồng trần để Phật hóa nhân gian. Bằng việc đồng sự đó, dần dần, nhân cách của Thầy như sao khuê vằng vặc giữa trời: “Ngưỡng chi di cao, toản chi di kiên”.

Trong cuộc đời mình, Thầy không có gì để ghét sao? Có chớ. Cái mà Thầy ghét nhứt là sự phơi bày khuyết điểm của người khác. Thầy thường dạy: “Nhân vô thập toàn, hà nhân vô tội, hà giả vô khiên?”. Ngài không bao giờ soi bói lỗi lầm, khuyết điểm của bất cứ ai. Tất cả những thư từ nặc danh gửi đến Thầy, đều bị thiêu hủy hết, Thầy không bao giờ bận tâm đến những chuyện thế gian đầy hỷ nộ đó. Bởi trong những lá thư đó người ta chỉ ra lỗi lầm để xây dựng nhau? Họ nhục mạ nhau nặng mùi trần tục để chỉ vì một chút danh vọng hão huyền. Thầy luôn lấy đức bao dung, nhân từ để cảm hóa tha nhân: Ðức hóa quần sinh. Thầy tiếp tăng độ chúng bằng con đường đó. Tức bằng đức trị hơn là pháp trị. Tết đến, cho dù bận trăm công nghìn việc, Phật tử thập phương về chốn Tổ đỉnh lễ vấn an Thầy nhưng Ngài vẫn một thân một mình lặn lội đi chúc tết tất cả các chùa trong chốn Tổ dù lớn hay nhỏ, xa hay gần.

Sau hơn 30 năm ly hương, giấc hương quan luôn canh cánh bên mình. Nhưng khi trở về được chốn cũ, đặt chân trên mảnh đất tu Ðạo năm xưa, Thầy không thể không ngậm ngùi trước cảnh tiêu điều, đổ nát của chiến tranh. Chốn Tổ nơi mà Ngài phát nguyện thiệu long thánh chủng khi xưa huy hoàng chừng nào thì bây giờ càng hoang sơ chừng nấy, chỉ còn trơ lại đúng mái lá con con giữa cánh đồng bát ngát. Ðau lòng trước cảnh Tổ đình thu vãn, Thầy đứng ra cùng chư Tôn Ðức trong sơn môn xây dựng lại chốn Tổ Trung Hậu được thập phần tố hảo, trên dưới nức tiếng ngợi khen. “Nhân sinh bách tuế du nhược sát na”. Với tấm thân bé nhỏ Thầy đã thắp sáng đèn thiền nơi trời Nam, trùng quang Tổ ấn nơi đất Bắc. Công ấy, hạnh ấy giấy mực nào tả cho cùng, ngôn ngữ nào diễn cho tận?

Vượt ngoài tuổi cổ lai hy, tứ đại nghe điều bất hòa, tấm thân 80 năm trong trần thế nghe chừng bất ổn, đáng lẽ Thầy phải được ngơi nghỉ theo cái tuổi giả lão an chi nhưng Thầy vẫn làm việc như thuở bình sinh, về đến chùa là cặm cụi bên ngọn đèn viết kinh, dịch sách. Thường thường 8 hay 9 giời tối Thầy chợp mắt khoảng một tiếng để sau đó tiếp tục cặm cụi bên bàn làm việc cho đến 1, 2 giờ đêm. Sáng hôm sau vẫn dậy niệm Phật cùng đại chúng. Bỗng một hôm, cây đại thụ bồ đề trước sân chùa đổ xuống. Ðó là một trong hai cây mà 40 năm về trước, chính tay Thầy cùng cố Hòa thượng Tâm Giác hạ thổ trong buổi đầu xây dựng chốn Tổ. Thế có nghĩa là hóa duyên dĩ mãn! Cho nên lần ra giảng tại Học Viện Phật giáo Hà nội vừa rồi, ngoài giờ dạy, Thầy đi thăm khắp các sơn môn, chốn Tổ và vấn an chư vị Tôn Ðức. Ai nấy ngạc nhiên. Rồi một hôm, Thầy gục ngã bên trang kinh vẫn luôn là điều tâm đắc của Ngài. còn thơm mùi mực mới, và “Nhất triêu dịch trách, vạn cổ trường miên”, một buổi sánh tinh mơ của ngày cuối cùng thiên niên kỷ, Thầy ra đi giữa tiếng trợ niệm hồng danh của chư Tăng-Ni, Phật tử cùng các môn đồ xa gần của Ngài. Ðó là lần thứ hai từ khi xây dựng chốn Tổ, hồi chuông, không phải là chuông chiêu mộ mà là hồi chuông vĩnh biệt ngân lên để đưa bậc chân nhân về cõi Niết.

Tám mươi năm trần thế, Thầy đã cống hiến trọn đời cho Ðạo, cho lý tưởng giải thoát, Thầy đã giữ trọn giới đức như viêm minh châu trong sạch không nhiễm một tí bụi trần. Có bụi trần nào nhiễm được khi Thầy đã trực nhận trần hoàn là mộng ảo? “Vô thường thị thường”, Thầy thuận lẽ tử sinh, trả tấm thân ngũ uẩn về cho tứ đại. Thôi rồi không còn nữa dáng từ bi trong nếp y vàng sớm chiều hai buổi nơi điện Phật, không còn nữa tiếng hải triều trên tòa sư tử khi mỗi độ sen về! Nhưng vẫn còn mãi tâm của đạo sĩ, hồn của chân nhân. Tâm ấy, hồn ấy vẫn mãi tỏa hương trong từng trang sử chốn Tổ, là hồn thiêng của Phạm vũ, là chất liệu nuôi sống các thế hệ hôm nay và mai sau của Vĩnh Nghiêm.

Nhật bản, Kinh đô, Tri ân viện

Ðêm trăng tròn Phật đản năm 2001

Vọng bái liên đài


Các tin đã đăng:
© 2005-2011 Chùa Vĩnh Nghiêm.
Biên tập: Đ.Đ. Thích Thanh Phong.
Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08)3848 3153 Fax: (08)3843 9901
Email: [email protected]
Website: http://www.vinhnghiemvn.com