Giới thiệu một số tác phẩm của Hòa thượng Thích Thanh Kiểm
02/12/2008 15:29 (GMT+7)

Hoà Thượng Thích Thanh Kiểm là một trong những học Tăng xuất sắc trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo được chọn gửi sang Nhật học. Ngài là một học giả lỗi lạc, các trước tác và dịch phẩm của ngài có tính thẩm quyền, làm nền tảng cho việc nghiên cứu lịch sử, triết học, tư tưởng Phật giáo. Ngài là Xuất gia ngày 09-12 -1935, tại chùa Liên Ðàn, xã Linh Ðường, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Ðông (nay là Hà Nội), nghiệp sư là Hoà Thượng Thích Thanh Khoát, trụ trì chùa Bạch Trữ, Sơn môn Trung Hậu, tỉnh Vĩnh Phú. Hoà Thượng thọ Sa Di năm 1938 tại chùa Tây Thiên, làng Trung Hậu, tỉnh Phúc Yên, thọ Tỳ Kheo năm 1942 tại chùa Linh Ứng, làng Trung Hậu, tỉnh Phúc Yên. Từ năm 1937 đến năm 1950 Hoà Thượng tham học các trường Phật học Bằng sở, Cao Phong, Trung Hậu, Bồ Ðề, Hương Hải, Quán Sứ. Từ 1951 đến năm 1954 Hoà Thượng giữ chức vụ thư ký Giáo hội Tăng già Bắc Việt (chùa Quán Sứ Hà Nội), kiêm Giảng sư. Từ năm 1954 đến 1962 Hoà Thượng du học tại trường Ðại học Rissho Tokyo, Nhật Bản. Đến năm 1962 Hoà thượng về Sài gòn, năm sau Hoà Thượng tham gia giảng dạy tại Viện Ðại học Vạn hạnh Sài gòn. Từ năm 1963 đến 1973 là Phó Ðại diện miền Vĩnh Nghiêm, kiêm phó ban Kiến thiết và Thủ quỹ xây cất chùa Vĩnh Nghiêm, năm 1974 Chánh đại diện Miền Vĩnh Nghiêm, Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm. Sau 1975 đến lúc viên tịch Hoà Thương giữ nhiều chức vụ quan trọng trong giáo hội, tuy bận công tác Phật sự, hàng ngày Hoà Thượng luôn miệt mài bên trang kinh để soạn, dịch nhằm chuyển tải tư tưởng Phật giáo cho mai hậu.

Trước tác, dịch phẩm của Hoà Thượng đặt nền tảng cho sự phát triển Phật giáo. Trong bài viết này chúng tôi tóm tắc một số tác phẩm quan trọng của Hoà Thượng giới thiệu đến độc giả.

1. DIỄN THUYẾT TẬP Hà Nội,1951

Bao gồm 22 bài pháp vừa là trước tác, biên soạn và dịch thuật. Tác phẩm được hình thành trong trong khoảng thời gian phong trào chấn hưng Phật giáo đang lan rộng, có nhiều người tìm hiểu nghiên cứu về Phật pháp. Đây là một trong những tác phẩm được biên soạn trước khi Hoà Thượng Tôn sư sang Nhật Bản du học. Nội dung Diễn Thuyết Tập bao gồm các bài diễn giảng: Phật pháp, bình luận, luân lý, lịch sử, nghiên cứu và những vấn đề cần thiết trong các buổi lễ Phật giáo. Tác phẩm bao gồm 2 tập, tập 1 có 10 chủ đề, tập 2 có 12 chủ đề. Các chủ đề hướng đến thính chúng phổ thông cũng như giới nghiên cứu và cácgiảng sư.

2. LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ

Đây có thể nói là tác phẩm làm nền tảng cho việc nghiên cứu Phật giáo Ấn độ. Nội dung có 4 phần chính: 1) Thời kỳ nguyên thuỷ Phật giáo, đề cập đến thời đại đức Phật còn tại thế cho đến cuối thế kỷ thứ 3 TTL. Các diễn biến, sự phân chia bộ phái của giáo đoàn, cũng như giáo lý Nguyên thuỷ được trình rõ 2) Thời kỳ bộ phái, từ cuối thế kỷ 3 TTL đến cuối thế kỷ thứ 2 TL, sự biến thiên của giáo đoàn vào giáo lý của các bộ phái, sự phát triển của Tiểu thừa Phật giáo được bàn thảo ở phần này 3) Thời kỳ Đại thừa Phật giáo, giai đoạn từ cuối thế kỷ thứ 2 cho đến cuối thế kỷ thứ 7, bao gồm sự phát triển của Đại thừa, các vị Tổ sư lỗi lạc như Long Thụ, Thế Thân, và Vô Trước, đây là thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Ấn độ, 4) Thời kỳ mật giáo và phần phục lục Thánh tích Phật giáo, từ cuối thế kỷ 7 đến thế kỷ thứ 12, thời kỳ Mật giáo ở Ấn Độ và Tây Tạng hưng thịnh và biến thiên.

3. LỊCH SỬ PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC

Lịch sử Phật giáo Trung quốc là một trong những sách tham khảo của sinh viên Đại học Vạn Hạnh, khoảng thời gian này các tác phẩm về Phật giáo Trung quốc rất hiếm, hầu như là không có. Phật giáo truyền vào Trung quốc phát triển đến cực điểm.Tuy nhiên, để hội nhập và phát triển Phật giáo không ngừng nỗ lực trong các lĩnh vực, như trước tác, dịch thuật, hình thành các bộ phái. Hoà Thượng phân chia lịch sử phát triển của Phật giáo Trung quốc ra là 5 giai đoạn, bao gồm 16 chương, mỗi chương đề cập khái quát về lịch sử thời đại, Phật giáo, sự quan hệ giữa Phật giáo với Nho giáo và Đạo giáo cũng như tình hình giáo đoàn. Nét đặc thù của từng thời đại được nêu rõ. : 1) Thời đại phiên dịch, từ thời Phật giáo truyền vào Trung quốc cho đến thời Đông Tấn, Phật giáo chú trọng về công tác phiên dịch kinh điển, 2) Thời đại nghiên cứu, từ thời Đông Tấn đến thời đại Nam Bắc Triều, giới Phật giáo chú trọng đến 2 lĩnh vực dịch thuật và nghiên cứu, 3) Thời đại kiến thiết, từ thời Tuỳ đến đời Đường là thời kỳ Phật giáo phát triển độc lập, các tông phái hoàn thiện hệ thống giáo lý của mình. 4) Thời đại kế thừa, từ thời đại Ngũ Đại cho đến thời Minh, phần lớn là kế thừa thành quả đã phát triển ở đời Tuỳ, Đường không có tư tưởng triết học mới xuất hiện, 5) Thời đại suy vi, từ thời Thanh trở về sau thiếu Tăng tài, Tăng Ni, tự viện bị đào thải dẫn đến suy vi. Chúng ta có được một bức tranh toàn cảnh của Phật giáo Trung Quốc từ khi giới thiệu vào, phát triển, suy vi qua Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc.

4. SÁCH DẠY CẮM HOA:

Đế vương ngắm hoa để tiêu khiển, thi sĩ ngắm hoa để tạo nguồn cảm xúc, đại trượng phu nhìn hoa thấu triệt lý vô thường. Từng loài hoa có một sự tượng trưng riêng biệt, cắm hoa cũng có một sự biểu trưng nhất định, như, óc thẩm mỹ, lòng chân thật. Cắm hoa là cả một công trình nghệ thuật. Bước sang lĩnh vực nghệ thuật, trong những năm du học tại Nhật ngoài thời giờ lên lớp tại đại học Rissho, Hoà Thượng theo học thêm nghệ thuật căm hoa. Sách bao gồm 3 phần chính, ngoài phần giới thiệu. 1) Phần lý luận, Hoà thượng cho chúng ta biết được giá trị của hoa, nó có ảnh hưởng như thế nào đến đời sống con người, “Trong gia đình được trang sức một bình hoa tươi đẹp thì mọi người trong gia đình đều có một hoà khí an vui.” Cắm hoa còn là một nghệ thuật sáng tạo. Thế như khi cắm xong một bình hoa để đặt nó đúng vào vị trí cũng là một việc trọng yếu. Lối cắm hoa Hoà Thương trình bày là ngành cắm hoa Sōgetsuryu, lối trình bày đơn giản, lý tưởng cao rộng chứa đựng nhiều mỹ thuật, phù hợp với phong cách Á đông. 2) Phần chuẩn bị, phần này Hoà Thượng giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu để người học tham khảo, đều có hình minh hoạ 3) Phần thực tập, người cắm hoa phải biết rõ được, hoa tài (hoa để cắm), hoa khí (vật để cắm), hình thức (kiểu dáng), cả 3 phải kết hợp như thế nào để được hài hoà. Mỗi tác phẩm đều có hình minh hoạ giúp người tự học dễ dàng thực hành Phần giới thiệu giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử cắm hoa.

Ngoài ra còn có một số tác phẩm biên soạn và dịch khác được biên soạn, dịch có tính học thuật cao, như:

LUẬT HỌC ĐẠI CƯƠNG: Luật Học Đại cương có 4 chương: 1) Khái quát về luật học, 2) Giáo nghĩa của Tiểu thừa Luật bộ và Đại thừa luật bộ, 3) Giáo đoàn Phật giáo, 4) Luận Tôn.

THIỀN LÂM BẢO HUẤN: Có thể nói Thiền Lâm Bảo Huấn thuộc loại sách giáo khoa Phật giáo. Đây là những lời dạy của Cao Tăng răng dạy về cách sống, phong cách trụ trì, hoằng dương chính pháp. Bản dịch của Hoà Thượng Tôn sư y cứ vào Đại tạng Q.48, trang 1016-1040. Có chia ra làm 3 phần: phiên âm, dịch nghĩa và phần chú thích rất rõ nghĩa.

KHOÁ HƯ LỤC: Khoá Hư lục bao hàm kinh nghiệm tu tập của tác giả, Trần Thái Tông. Sách được Hoà Thượng dịch, phiên âm, chú thích tường tận.

ĐẠI Ý KINH PHÁP HOA: Có nhiều bản dịch kinh Pháp hoa cũng như giảng giải kinh Pháp hoa, thế nhưng rất ít bản toát yếu kinh Pháp hoa, Đại Ý Kinh Pháp Hoa giúp chúng ta hiểu tóm lược được tư tưởng Chư Pháp Thực Tướng của bộ kinh này. Phần giới thiệu là một bài nghiên cứu chi tiết về công tác phiên dịch cũng như triết học của bộ kinh này, triết học. Nội dung tác phẩm chú trọng đến 2 phần: 1) Đại ý tổng quát kinh Pháp Hoa, và 2) Nội dung cốt yếu của từng phẩm.

KINH VIÊN GIÁC: Đây là Giáo án Học Viện Phật Giáo Việt Nam, được Hoà Thượng dịch và chú thích chi tiết.

A-TỲ-ĐẠT-MA CÂU XÁ LUẬN: Đây là dịch phẩm cuối cùng của Hoà Thượng. Tác phẩm đang dịch dở dang. Phật Pháp Sơ Học, Hà Nội,1952, Nghiên Cứu Về Tư Tưởng Bản Giác Của Phật Giáo (Nhật Ngữ), Lược Giảng Kinh Pháp Hoa , Pháp Hoa Yếu Lược…

Ngoài những tác phẩm biên soạn và dịch trên, Hoà Thượng còn có nhiều bài viết cũng như thơ, văn được in trong các tạp chí, báo Phật giáo, website chính thức của Tổ đình Vĩnh Nghiêm sưu tập và cập nhật, các vị có thể truy cập tại địa chỉ:

Những tác phẩm, dịch phẩm của Hoà Thượng có giá trị học thuật cao trong quá khứ, hiện tại cũng như mai hậu. Tất cả được biên soạn, dịch thuật công phu, được phân chia chương mục đúng theo phương pháp nghiên cứu. Đặc biệt phần chú thích rất tường tận giúp người đọc, nhà nghiên cứu dễ dàng thấu nội dung.

Các tin đã đăng:
© 2005-2011 Chùa Vĩnh Nghiêm.
Biên tập: Đ.Đ. Thích Thanh Phong.
Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08)3848 3153 Fax: (08)3843 9901
Email: [email protected]
Website: http://www.vinhnghiemvn.com