Giữa màu yêu thương
02/01/2009 15:48 (GMT+7)

Trên đồi nắng mẹ ôm con mẹ hát

Trên rừng thưa cha đi và cha đi…

Con nghe nắng mai hoài trong mắt mẹ

Con nghe rừng thưa mãi bước chân cha

Cỏ non ơi màu yêu thương mềm quá! …

Đó là lời tự sự trong ca khúc Màu yêu thương của ĐĐ. Thích Giới Lực ( Nguyễn Đức Vân ) mà tôi vinh dự được nghe thầy hát trong lúc đang trò chuyện với thầy tại một Thảo am trên đồi Phương Bối ( Bảo Lộc ) – nơi thầy Giới Lực trú ngụ tu hành. Có thể nói, lần gặp thầy là một ấn tượng khó phai nhất sau 20 năm gặp lại. 20 năm, một khoảng thời gian không dài so với một quá trình lịch sử nhưng lại là một ký ức của một thời “hành điệu” dưới mái chùa quê. Thuở ấy, tôi và thầy Đức Vân ( tôi quen gọi thầy bằng tên tục danh ) thả bò ăn cỏ trên khu đồi và cùng bi bo đọc tụng những bài kinh thuộc lòng. Thế mà, 20 năm sau tôi lại gặp một Đức Vân hồn nhiên, trong sáng và yêu đời, yêu thiên nhiên đến lạ kỳ.

Nguyễn Đức Vân vào chùa xuất gia năm 12 tuổi, được Bổn sư ban đạo hiệu Giới Lực. Từ ấy, chốn thiền môn có thêm một người con của thơ ca để làm suối nguồn êm dịu cho cuộc đời, cho chính bản thân mình. Ngày gặp lại thầy, tôi thật sự bất ngờ khi biết thầy đã về núi ẩn tu suốt 10 năm nay và được nghe thầy kể về nơi ẩn cư của mình: “Một am nhỏ xây bằng gạch không tô vữa, xung quanh trồng toàn sim rừng và một vạt đồi bông bí vàng. Đẹp nhất khi trăng về khiến hồn người dậy lên bao lời kinh, miệng hát vang bao khúc ca và đôi chân lạc bước nẻo Niết Bàn cùng cây cỏ đẫm sương vàng nhuộm bởi màu trăng”. Rồi thầy cất giọng hát vang: “ Hôm xưa trên khu đồi, tôi hay chờ trăng lên, tôi đi như trẻ dại, hát ca với riêng mình. Trăng xuống như huyền thoại, trăng ôm choàng mái đồi, trăng ngân loang nơi nơi, tôi đi, đi lạc loài! … Ô kìa trăng xuống suối, suối cuộn chở trăng theo, ô trăng ghì suối lại, hốt nắng ngàn bay đi!”. Ôi đẹp làm sao! Lung linh làm sao trước tâm hồn một chàng tu sĩ khi bắt gặp những gì của tự nhiên; của đất trời để rồi từ đó Thầy an trú trong từng khoảng khắc của chánh niệm, hòa quyện vào thiên nhiên bằng những lời kinh của tận đáy lòng. Vâng, cuộc sống tu hành của Nguyễn Đức Vân là thế. Với Thầy thơ là kinh; thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá… là chốn quê thân thiết của cõi lòng: “Hôm nay tôi kiếm củi trong rừng, lạc mất đường về chợt bỗng dưng sực nhớ rằng đây là rừng rú thẳm, là quê thân thiết biết bao chừng. Là quê thân thiết biết bao chừng ! ( Người về )”

Thuở nhỏ, Nguyễn Đức Vân thường theo cha vào rừng hái măng, nhặt củi… cần mẫn ươm mầm từng cây thông trồng thành đồi Phương Bối, để rồi ngày nay Phương Bối lại đón chào mọt tu sĩ áo nâu về gọi hồn cho bạt ngàn thông xanh cùng những “cư dân” huyền hoặc thiền hành, ca hát. Và, cũng từ đó sản sinh ra những tác phẩm thi ca mang đậm chất nhân văn, thiền vị. Các tác phẩm thơ, nhạc của Nguyễn Đức Vân như : Đồi trăng Phương Bối; Người đẹp; Cảm thức đêm sương; Vườn mẹ như mơ; Đứng giữa vườn hoa… được đánh giá rất cao trong quá trình sáng tác văn học nghệ thuật. Nhà thơ Ý Nhi nhận xét: “Con người và thiên nhiên trong thơ của Nguyễn Đức Vân đẹp và mộng mị như được hiện ra sau bức rèm kỳ ảo”. Còn NSƯT Tạ Minh Tâm, Trưởng khoa Thanh nhạc Nhạc viện TP.HCM cho biết: “Giai điệu trong âm nhạc của Nguyễn Đức Vân như một lời kinh cầu. Không oán than nhưng lại rất truyền cảm. Giai điệu và ca từ hòa quyện như đang bàng bạc về thiên nhiên, tình yêu con người và cuộc sống. Tôi rất thích những ca khúc của Thầy.”

Đầu tháng 11-2008, Thầy Đức Vân gọi điện cho tôi báo là vừa hoàn thành CD ca nhạc Màu yêu thương được thực hiện bởi giọng ca Vân Khánh, Anh Bằng, Hồng Hạnh, Thanh Thúy, Xuân Phú, Thanh Ngọc, NSƯT Tạ Minh Tâm và chính giọng ca của tác giả. Các ca khúc Thanh thản, Đồi trăng Phương Bối, Người về, Đá núi, Vườn mẹ như mơ, Đứng giữa đồi hoa, Tin Tưởng, Màu yêu thương thể hiện ở giai điệu nhẹ nhàng, ca từ gần gũi với thiên nhiên, con người và mang đậm chất Thiền, thực sự là món quà nhân dịp Xuân mới Kỷ Sửu mà Nguyễn Đức Vân muốn chia sẻ đến với những ai đã và đang tìm về cội nguồn yêu thương, tâm từ bi đối với muôn loài… CD do Saigon Vafaco phát hành, hiện có bán tại các phòng phát hành kinh sách Phật giáo tại TP.HCM, hoặc có thể liên hệ với chính tác giả qua số điện thoại: 0918 649 707.

Giang Phong

(vi tính: CS.Huỳnh Hoa)

Các tin đã đăng:
© 2005-2011 Chùa Vĩnh Nghiêm.
Biên tập: Đ.Đ. Thích Thanh Phong.
Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08)3848 3153 Fax: (08)3843 9901
Email: [email protected]
Website: http://www.vinhnghiemvn.com