Ni giới Việt Nam ngày nay
02/01/2009 15:26 (GMT+7)


(ảnh: Minh Chi, Câu lạc bộ võ thuật, Ni sinh, Học Viện PGVN tại Hà Nội)

Thích nữ Hương Nhũ  
Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh


Tóm tắt

Trong bài viết này, dựa vào kinh nghiệm cá nhân, tôi sẽ trình bày khái quát về hiện thực Phật giáo Việt Nam và vai trò của ni giới Việt Nam ngày nay. Phần thứ nhất là giới thiệu về Phật giáo Việt Nam. Hiện nay, Phật giáo Việt Nam có 3 truyền thống lớn: Bắc tông (Mahayàna), Nam tông (Theravada), và Khất sĩ. Tuy hình thức sinh hoạt khác nhau, nhưng cả 3 truyền thống này đều có tăng ni tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam; và vai trò của Ni giới Việt Nam đã được thể hiện cụ thể trên nền tảng của tổ chức Phật giáo duy nhất này.

Phần thứ hai là giới thiệu một vài gương sáng danh ni tiêu biểu Việt Nam đã được ghi chép trong lịch sử Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay. Những tấm gương danh ni ấy là ni sư Diệu Nhân, ni trưởng Như Thanh, ni trưởng Giác Nhẫn, ni trưởng Trí Hải …vv. Qua những gương sáng danh ni Việt Nam tiêu biểu này, người viết muốn nhìn lại và suy nghĩ về những thành quả tu tập cũng như những đóng góp cho sự nghiệp hoằng Pháp của chư vị danh ni ấy. Từ đó, người viết tự rút ra bài học kinh nghiệm quý báu và nguồn cảm hứng cho bản thân và cho tha nhân noi theo.

Phần thứ ba là phân tích chính về một số vai trò ni giới Việt Nam trong sự nghiệp tu hành và hoằng pháp phổ độ chúng sinh. Theo quan sát của người viết, ni giới Việt Nam ngày nay đã chứng tỏ khả năng của mình trên tất cả mọi lĩnh vực từ tu tập, xây dựng chùa chiền, cho đến giáo dục, từ thiện xã hội …vv. Bên cạnh những đóng góp tích cực ấy, người viết cũng nêu ra một số hạn chế và thách thức mà ni giới Việt Nam ngày nay đang phải đối diện.

Phần kết luận, thông qua chủ đề vai trò của ni giới Việt Nam trong xã hội hiện nay, người viết rút ra 3 bài học kinh nghiệm để nữ Phật tử trên thế giới lưu tâm tham khảo thêm. Ba bài học ấy là: 1/ sự cần thiết của nghệ thuật tổ chức để thành công hơn nữa trong hoạt động phật sự , 2/ sự cần thiết trong việc nghiêm trì giới luật, 3/ tầm quan trọng của mối tương tác giữa văn hóa dân tộc và Phật giáo Việt Nam.

*******

Tham luận chính          

Chúng tôi xin tỏ lòng biết ơn đến ban tổ chức đã ưu ái dành cho chúng tôi một cơ hội hy hữu để chia sẻ một vài quan điểm với tất cả nữ phật tử đã câu hội về Mông Cổ từ các quốc gia trên thế giới. Đây là một niềm vinh dự đối với một quốc gia có mật độ dân cư thưa thớt, thảo nguyên bao la, đồi núi bạt ngàn, sa mạc mênh mông… Dù cho mùa đông Mông Cổ giá rét thế nào đi nữa, nhưng tại nơi đây, trong hội trường này thật là đầm ấm và thân thiện biết bao để chúng ta có thể cùng nhau trao đổi những ý kiến xây dựng trong tinh thần hòa hợp, học hỏi và tiến bộ. Tất cả chúng ta đều tri ân đức Phật, tri ân nhà nước Mông Cổ đã tạo những điều kiện tốt đẹp nhất cho ngày hội của những người con gái của đức Phật (Sakyadhita) này.

I. Phật giáo Việt Nam ngày nay

Phật giáo Việt Nam hiện nay có ba truyền thống tông phái lớn, bao gồm: Bắc Tông (Mahayana), Nam Tông (Theravada) và Khất Sĩ (Mendicant). Ba truyền thống tông phái này không những phát triển mạnh mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến quần chúng phật tử Việt Nam. Trong đó, truyền thống Phật giáo Bắc tông có số lượng ni giới chiếm ưu thế, thứ đến là Khất Sĩ. Riêng truyền thống Nam Tông thì số lượng chư ni còn rất hạn chế do một số quy định của nội bộ tông phái này.

Tuy nhiên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981 là tổ chức Phật giáo duy nhất thống nhất quản lý cả ba truyền thống Phật giáo ấy từ trung ương đến các cơ sở tự viện, tịnh xá … trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp. Cơ cấu nhân sự lãnh đạo trong tổ chức giáo hội này có cả chư tăng và chư ni. Và vai trò của ni giới Việt Nam đã thực sự thể hiện đầy đủ trên nền tảng của Giáo hội Phật giáo này.

II. Vài gương sáng danh ni tiêu biểu Việt Nam

Chúng tôi rất tự hào bởi chiều dài lịch sử của ni giới Việt Nam. Từ đầu thế kỷ thứ nhất, ở miền Bắc Việt Nam, rất nhiều nữ tướng của triều đại Hai Bà Trưng (40 – 43) như: Công chúa Bát Nàn, Thiều Hoa, Vĩnh Huy, Phương Dung…[2], sau khi tham gia vào công cuộc đấu tranh giành độc lập cho nước nhà, họ đã “xem công danh như đôi dép bỏ” và trở về chùa tiếp tục nếp sống tu hành cao quý. Vào thời Lý Thánh Tông, có ni sư Diệu Nhân (1042-1113)  được đánh giá như là một tấm gương mẫu mực nhất của hàng ni chúng thời bấy giờ. Thế danh của ni sư là Ngọc Kiều, xuất thân từ hoàng gia, xuất gia học đạo với thiền sư Chân Không, và thuộc thế hệ thứ 17 của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi[3]. Sau khi đắc pháp, ni sư đã được thiền sư Chân Không bổ nhiệm giữ chức vụ viện chủ ni viện Hương Hải. Tại đây, trước khi viên tịch, ni sư đã gọi các đệ tử đến và đọc bài kệ thị tịch. Qua tư tưởng bài kệ này đã chứng tỏ ni sư Diệu Nhân là một bậc tu hành chứng đạo.

Ở miền Nam, đến đầu thế kỷ XX, nhiều ni sư đã có nhiều công lao đóng góp cho sự hưng khởi phong trào tu tập của ni giới như ni sư Diệu Ngọc (1885-1952), ni sư  Diệu Tịnh (1910-1942). Các bậc trưởng lão của ni giới Việt Nam do tu hành cẩn trọng, trì giới nghiêm mật, nên xứng đáng là những người con gái gương mẫu của Đức Phật mà điển hình trong số ấy có thể kể đến là ni trưởng Như Thanh (1911-1999). Sau một đời hành Bồ tát đạo, xây dựng ni giới Việt nam,  trong những giây phút cuối đời, ni trưởng Như Thanh đã khẳng định: “ Tôi sẽ trở lại cõi Ta Bà để tiếp tục công việc còn lại bởi vì tôi thương Ni giới nhiều lắm. Họ cần có người dạy bảo trong đời sống tu tập của họ”. Hay ni trưởng Giác Nhẫn (1919 – 2003), sau khi viên tịch cũng đã lưu xá lợi cho đời như một bằng chứng sống động của một đời phạm hạnh thanh tịnh và công đức viên mãn. Trong hệ phái Khất sĩ cũng có những vị ni nổi danh trong công tác độ sinh cũng như trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc như ni trưởng Huỳnh Liên, ni trưởng Bạch Liên[4]...vv. Trong công tác giáo dục, nổi bật là ni trưởng Trí Hải (1938 - 2003), người đã trước tác, dịch thuật nhiều tác phẩm có giá trị, được giới trí thức phật tử đánh giá cao và tôn trọng. Hiện nay, trong lĩnh vực từ thiện, ni sư Huệ Từ (chùa Giác Tâm - TPHCM) là người nổi tiếng trong công cuộc vận động ni giới Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động như: ủng hộ tài vật cho nạn nhân các vùng bị thiên tai, xây dựng nhà tình thương, giúp đỡ nạn nhân chất độc màu da cam, và nuôi dạy trẻ mồ côi…vv. Trong công tác quản lý tự viện, ni sư Như Đức  (thiền viện Viên Chiếu – Long Thành), và ni sư Như Như (Tu Viện Đại Tòng Lâm – Bà Rịa Vũng Tàu) đã hướng dẫn hàng trăm nữ thiền sinh tu học có hiệu quả. Một trong số những người tiên phong bảo vệ môi trường sinh thái là ni trưởng Huệ Giác (Quan Âm Tu Viện – Biên Hòa) - người đã trồng và chăm sóc trên 400 ha rừng. Ngoài ra, còn nhiều vị tỳ kheo ni ẩn mình nơi am thanh, cùng cốc nên hành trạng của họ chưa được ghi nhận trong các trang sử Phật giáo Việt Nam.

III.. Vai trò của Ni  giới Việt Nam trong đời sống ngày nay

Vào đầu thế kỷ 21, số lượng chư Ni ở Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển lên đến hàng vạn người, chiếm tỉ lệ 54% trên tổng số 50.000 tăng ni trong cả nước. Trong số đó, có nhiều vị tốt nghiệp học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.[5] Nhưng vấn đề không phải là số lượng chư ni phát triển nhiều hay ít, học vị cao hay thấp, mà vấn đề then chốt ở đây chính là, tùy theo năng lực và nỗ lực cá nhân, ni giới Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong sự nghiệp tu hành và hoằng pháp độ sinh trước những thay đổi và thách thức của thời đại mới? Chúng tôi xin đơn cử một số vai trò căn bản mà ni giới Việt Nam đã và đang đảm nhiệm.

1. Nếu “Hội nghị Phật giáo Quốc tế về Vai trò Nữ giới trong Tăng đoàn” tại đại học Hamburg, Đức quốc  tháng 7 năm 2007, các đại biểu đã kiến nghị tạo điều kiện cho nữ phật tử theo truyền thống Phật giáo Theravada và Phật giáo Tây Tạng  được thọ Cụ túc giới, thì chư ni Việt Nam vốn có đầy đủ thẩm quyền xuất gia, thọ giới Sa Di Ni, Thức Xoa Ma Na, Tỳ Kheo Ni và Bồ Tát giới. Những đặc quyền này gắn liền với lịch sử phát triển ni giới Việt nam cả ngàn năm nay.

2. Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoàn toàn công nhận giáo phẩm của chư ni tương đương với giáo phẩm của chư tăng.

3. Dựa vào năng lực và giới đức cá nhân của chư ni, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể mời hay công cử vị ni ấy đảm nhiệm các chức vụ trong các ban nghành khác nhau của giáo hội, hoặc bổ nhiệm vị ni ấy làm viện chủ, trụ trì trong các thiền viện, tự viện, tịnh xá vốn là đơn vị cơ sở quan trọng của giáo hội. Và phần lớn những ngôi chùa, tự viện, thiền viện của chư ni Việt Nam hiện nay đều do các Ni trưởng, Ni sư phạm hạnh quản lý và hướng dẫn ni chúng, phật tử tu học.

4. Ni giới Việt Nam ngày nay luôn dấn thân trong mọi lĩnh vực của cuộc sống  từ việc xây dựng, trùng tu chùa chiền cho đến các hoạt động từ thiện xã hội, hay công tác xóa đói, giảm nghèo do nhà nước chủ trương. Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam hầu như luôn xem các chùa chiền, tịnh xá của chư ni là hạt nhân quan trọng trong các hoạt động từ thiện xã hội. Kết quả, ni giới Việt Nam thật sự đã xoa dịu phần nào nỗi khổ đau, và đem lại lợi ích thiết thực cho mọi người.

5. Một phần lớn số lượng chư ni du học Ấn Độ, Trung quốc, Đài Loan, Miến Điện …vv, sau khi tốt nghiệp, trở về Việt Nam, bằng thực lực, họ đang cố gắng phát huy năng lực của chính mình trong lĩnh vực thông tin báo chí, giáo dục, hoằng pháp, phúc lợi xã hội … vv để đáp ứng phần nào nhu cầu tâm linh của các thế hệ phật tử hôm nay và mai sau.

6. Tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố HCM, ni giới có một vị trí xứng đáng trong công tác giáo dục. Ni giới có thể giảng dạy tất cả các môn học cho cả tăng và ni, và được khuyến khích đăng đàn thuyết pháp trong các hội chúng phật tử, hay thuyết trình trong các hội thảo ở trong cũng như ngoài nước.

Từ dẫn chứng cụ thể trên đây, rõ ràng là ni giới Việt Nam đã chứng tỏ năng lực của họ trong đời sống tu hành và trong mọi lĩnh vực của cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực ấy, không phải chư ni Việt Nam không có những điểm còn hạn chế. Chẳng hạn như:           

1. Hiện nay, ni giới Việt Nam mạnh về số lượng nhưng chất lượng tu học vẫn còn hạn chế, nhất là trong số các ni trẻ. Do bản lĩnh tu tập chưa vững, ý thức học tập chưa cao nên họ dễ bị ngoại cảnh tác động, chi phối - một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống hiện nay.

2. Là nữ Thích tử, chúng ta vững tin rằng, nam nữ đều có Phật tánh. Nhưng vì xã hội Châu Á chịu ảnh hưởng bởi truyền thống Nho giáo, nên một số chư Ni Việt Nam vẫn còn thiếu tự tin và tự ti về khả năng tu tập của chính mình.          

3. Đây đó vẫn tồn tại ít nhiều tư tưởng cục bộ hệ phái và địa phương tính trong một số nhỏ chư Ni Việt Nam đã phần nào hạn chế khả năng tập trung nhân lực và trí tuệ tập thể trong các phật sự có tính quy mô rộng lớn.

IV. Kết luận

Thông qua sự trình bày về ‘vai trò của Ni giới Việt Nam ngày nay’, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu sau đây:           

Thứ nhất, Phật giáo Việt Nam đã khéo vận dụng và ứng dụng giáo lý vô ngã của đức Phật vào ngay trong sự tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để quản lý thống nhất hài hòa tất cả các truyền thống Phật giáo, bao gồm cả tăng và ni trong tinh thần Lục Hòa. Kết quả, công tác phật sự có thể được tổ chức một cách nhanh chóng và có hiệu quả, mà bằng chứng là gần đây đã tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 tại thủ đô Hà Nội.

Thứ hai, nhìn lại và suy nghĩ về một vài gương sáng danh ni Việt Nam tiêu biểu trong lịch sử quá khứ và gần đây, thì hầu hết chư vị danh ni ấy đều là những người luôn sống thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, và nghiêm trì giới luật, nhất là Bát Kính Pháp mà đức Phật đã phương tiện chế ra để dành trang sức cho ni giới. Kết quả, tăng ni Việt Nam có thể cùng nhau hợp tác một cách hiệu quả trong công tác phật sự và trong sự nghiệp hoằng pháp phổ độ chúng sinh.

Thứ ba, sở dĩ ni giới Việt Nam có thể tự do tu tập và đạt được nhiều thành tích trong mọi lĩnh vực của cuộc sống bất chấp những thay đổi và thách thức của thời đại mới là vì chiều dài lịch sử tôn trọng nữ giới trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chính bề dày lịch sử tôn trọng nữ giới vốn thấm nhuần trong tâm thức của nam giới Việt Nam này, mà một cách rất tự nhiên, vai trò của ni giới đã được xác lập trong lịch sử Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay.

________________________________________
 

[1] Tham luận Hội Nghị Nữ Phật tử Thế Giới lần thứ 10 tại Mông Cổ từ ngày 1-5/7/2008

[2] HT Thích Trí Quảng, Vai trò của nữ tu Phật giáo trong thời Bắc thuộc, [email protected]

[3] Thiền uyển tập anh, trang 66b8-67b3 và Đại Việt sử ký toàn thư, trang 16a7-8-9.

[4] Nguyễn Gia Quốc, Ni giới Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX , www.chuyenphapluan.com

[5] Nguyễn Kha, Một số suy nghĩ đàng sau vài con số của Vesak 2008, Văn Hoá Phật Giáo số 58, 1/6/2008

Các tin đã đăng:
© 2005-2011 Chùa Vĩnh Nghiêm.
Biên tập: Đ.Đ. Thích Thanh Phong.
Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08)3848 3153 Fax: (08)3843 9901
Email: [email protected]
Website: http://www.vinhnghiemvn.com