Khoảng trống thông tin
16/12/2014 14:52 (GMT+7)

Vừa qua, Thông tấn xã Việt Nam và Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác thông tin trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội.

Tại buổi lễ ký kết, ông Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cũng đã nhấn mạnh ý nghĩa của việc ký kết hợp tác thông tin này. Ông cho rằng việc các cơ quan chức năng né tránh báo chí chính là điều kiện để tạo ra khoảng trống, để các kênh thông tin không chính thống chiếm lĩnh khai thác.


Với thực tế của thế giới truyền thông, việc làm tốt 
thường ít được khai thác như một hiện tượng xấu ác - Ảnh minh họa

Hiện tượng đó không chỉ diễn ra đối với các cơ quan chức năng thuộc hệ thống Nhà nước, mà cũng vậy đối với Phật giáo, cụ thể là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong môi trường bùng nổ thông tin như những năm gần đây, rất nhiều chuyện “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường”. Giáo hội lẽ ra cần có tiếng nói để hướng dẫn dư luận một cách chủ động, thì lại im lặng, thụ động nhường sân cho báo chí, các kênh thông tin không chính thống, ngoài Phật giáo tận dụng khai thác với nhiều mục đích khác nhau.

Có nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến Phật giáo (con người, việc làm, pháp môn, tín ngưỡng, quan điểm…) dư luận rất quan tâm, đôi khi gây hoang mang cho người có tín ngưỡng đạo Phật, nhưng Giáo hội đã không có tiếng nói kịp thời nhằm hướng dẫn dư luận, để cho báo chí bên ngoài, hoặc các trang thông tin mạng cá nhân hay nhóm thành lập tự phát mặc sức tung hoành.

Ngay cả đôi khi phóng viên các báo, tạp chí Phật giáo đến đặt vấn đề, ghi nhận ý kiến, phỏng vấn để truyền thông…, một số giáo phẩm chức trách cũng thoái thác, né tránh trả lời với nhiều lý do, rằng Giáo hội chúng ta không có giáo quyền, hay đó là điều tế nhị, không muốn đụng chạm đến người này người nọ, v.v…

Có vị còn quan niệm việc dư luận lên tiếng chẳng qua như kiểu “chó sủa hình”, hiện tượng vu vơ, không đáng quan tâm và lo ngại, rồi mọi thứ sẽ lắng đi.

Với cái nhìn nhân duyên, không có cái gì tự nhiên xuất hiện, rồi tự nhiên biến mất. Sự xuất hiện của một hiện tượng bất kỳ chắc chắn phải có nguyên nhân của nó, và nó phải để lại một tác động, chỉ khác nhau ở độ lớn hay nhỏ, nhất thời hay lâu dài…

Trong kinh Đức Phật đã dạy, chớ coi thường những điều (thiện hay ác, xấu hay tốt...) nhỏ nhặt, cho rằng không đáng làm, tích lũy những điều xấu nhỏ sẽ thành cái ác lớn; gom nhiều điều lành nhỏ sẽ thành điều thiện lớn.

Cũng vậy, bất kỳ làn sóng dư luận nào, lớn hay nhỏ, cũng có những tác động vào suy nghĩ, nhận thức, cách nhìn của một số người hay nhiều người. Với Phật giáo, hay Giáo hội cũng không ngoại lệ.

Với thực tế của thế giới truyền thông, việc làm tốt thường ít được khai thác như một hiện tượng xấu ác. Phát ngôn, hành vi không phù hợp của một cá nhân (Tăng/ Ni), một sự việc hay hiện tượng không phù hợp với tinh thần đạo Phật diễn ra trong một ngôi chùa - cơ sở Phật giáo... đều bị dư luận quan tâm, săm soi, khai thác triệt để, và thường nó bị đồng hóa với đoàn thể Tăng Ni, đạo Phật hay Giáo hội. Những điều tưởng như rồi sẽ đi vào dĩ vãng ấy, nếu không được hướng dẫn và giải thích, có động thái thỏa đáng của Giáo hội thì chắc chắn tác hại sẽ không nhỏ, để lại những tổn thương cho Phật giáo cũng không hề nhỏ.

 

Hoàng Độ

giacngo.vn

Các tin đã đăng:
© 2005-2011 Chùa Vĩnh Nghiêm.
Biên tập: Đ.Đ. Thích Thanh Phong.
Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (08)3848 3153 Fax: (08)3843 9901
Email: [email protected]
Website: http://www.vinhnghiemvn.com