Tự viện trong nước
Chùa Keo gần ngàn năm tuổi
17/12/2008 17:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cách thành phố Thái Bình chưa đầy 20km có một ngôi chùa cổ đã gần 1.000 năm tuổi, một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt tiêu biểu của đất nước...

Đó là chùa Keo.

Chùa Keo có tên chữ là Thần Quang tự, thuộc địa phận xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Khu di tích lịch sử - văn hóa này gồm hai cụm kiến trúc: chùa là nơi thờ Phật và đền Thánh thờ Dương Không Lộ, vị đại sư.



Hồ nước trước tam quan nội

Theo sử sách, thiền sư họ Dương, húy là Minh Nghiêm, hiệu là Không Lộ. Thiền sư sinh ngày 14-9 năm Bính Thìn (1016), xuất thân làm nghề chài lưới nhưng mộ đạo và đi tu từ năm 29 tuổi. Năm 44 tuổi, ông tu tại chùa Hà Trạch cùng các sư Đạo Hạnh, Giác Hải, chuyên tâm nghiên cứu đạo thiền. Năm 1060, ba ông đã sang Tây Trúc để tu luyện đạo phật. Một năm sau, vào thời vua Lý Thánh Tông, ông về nước dựng chùa Nghiêm Quang, tiền thân của chùa Thần Quang. Năm 1611, do sông Hồng sạt lở, chùa bị bão lũ làm đổ, nửa làng Dũng Nhuệ phiêu dạt sang tả ngạn sông Hồng. Thời đó, một vị quan lớn thời Lê - Trịnh là Tuấn Thọ Hầu Hoàng Nhân Dũng, quê ở phủ Hải Thanh, cùng vợ là bà Lại Thị Ngọc Lễ đứng ra khởi công xây dựng. Chúa Trịnh chỉ cấp 100 cây gỗ lim để xây chùa, còn lại đều do nhân dân tự đóng góp. Quận công Hoàng Nhân Dũng đã phải mất 19 năm ròng rã đi vận động quyên góp, bản thân ông cũng góp khá nhiều tiền của. Đến tháng 11-1632, chùa Keo được tái tạo, khánh thành.

Trải gần 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17), nhất là ở các công trình chính như Tam quan, chùa Phật, đền Thánh, gác chuông, hành lang... Từ trên mặt đê sông Hồng nhìn về phương Bắc, giữa đồng lúa xanh bát ngát và những xóm làng trù phú xung quanh nổi lên một quần thể kiến trúc cổ hoành tráng soi bóng xuống ba mặt hồ hình chữ nhật ở phía trước và hai bên. Xung quanh hồ là những cây cổ thụ lớn xanh tốt quanh năm. Quần thể kiến trúc chùa Keo hiện còn 17 công trình với 128 gian phân bố trên 2.022m2. Từ mặt đê xuống qua bậc tam cấp gặp một sân nhỏ lát đá tảng, công trình đầu tiên là tam quan ngoại. Rẽ phải hay trái theo con đường men theo hồ nước đều gặp hai cổng tò vò, giữa là tam quan ngoại. Điều đáng quan tâm nhất ở tam quan nội là bộ cánh cửa gian trung quan - một kiệt tác chạm khắc gỗ từ thế kỷ 17. Từ đây, qua một sân cỏ rộng sẽ đến khu chùa Phật, là nơi tập trung nhiều nhất các pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao vào thế kỷ 17, 18 như tượng Tuyết Sơn, La Hán, Quan thế âm Bồ Tát... Khu đền thánh được nối tiếp với khu thờ Phật gồm tòa giá roi, tòa thiêu hương, tòa phục quốc và thượng điện. Những công trình này nối tiếp nhau, tạo thành một kết cấu kiểu chữ "công"; sau cùng là gác chuông ba tầng hoàn toàn bằng gỗ, nguy nga, bề thế, rất độc đáo. Theo sử sách, quả chuông ở đây được đúc bằng loại đồng do Thánh tổ lấy từ 10 kho đồng ở nước Ngô đem về đúc tứ khí (tượng Quỳnh Lâm, chuông Phả Lại, vạc Đỉnh Minh, tháp Báo Thiên), số còn lại đem về đúc chuông chùa Keo. Hai dãy hành lang đông, tây nối từ chùa ông Hộ đến gác chuông thẳng tắp, dài hun hút hàng chục gian bao bọc cả khu chùa.


(CA TPHCM, 09-2004)

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch