Tự viện trong nước
Một di tích thời hậu Lê
17/12/2008 17:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chùa Phúc Lâm còn có tên là chùa Nhân Hòa nằm ở thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Chùa nằm riêng biệt trên diện tích 1,5ha, xung quanh là đồng ruộng và những cây cổ thụ soi bóng xuống dòng sông Nhuệ.



Tam quan


Chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê. Theo dòng lịch sử, chùa ngày càng được mở rộng và bổ sung thêm những hiện vật như: bia Tân tạo nghĩa điềm kim bì (năm Thịnh Đức thứ tư - 1654), bia Hậu Phật bi ký (năm Chính Hòa thứ ba -1682), bia Phúc Lâm tự (năm Vĩnh Thịnh thứ hai - 1705)...

Trải qua nhiều lần tu sửa, đến năm 1928, chùa được hoàn chỉnh với quy mô kiến trúc như hiện nay. Tam quan chùa được xây dựng từ cuối thế kỉ 19 với hai tầng rất đồ sộ. Chùa có ba gian: chùa chính, nhà Tổ và nhà mẫu. Nhà Tổ kiến trúc theo kiểu chồng giường, bảy gian giữa cột cái và cột con ở phía trong đặt các bia đá và bệ thờ. Từ sân bước vào là một hiên nhỏ được bó vỉa bằng đá xanh là tòa Phật điện lớn có bảy gian với sáu cột lim cao 3,5 mét được kê trên chân đá tảng. Trên mỗi cột đều treo các câu đối sơn son thiếp vàng. Đối diện với hàng cột lim ở tiền tế là bảy vòm cuốn.



Hàng cột lim

Trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật rất phong phú với nhiều kiểu dáng, chất liệu và niên đại khác nhau. Trong đó đáng kể là 38 đạo sắc phong, 15 mặt bia đá (bia sớm nhất là năm 1682), ba bệ chạm hoa văn mây xoắn từ thế kỷ 18, một chuông đồng cao 37cm từ thời Tự Đức, một chuông từ thời Minh Mạng (1838) cao 1m, đường kính miệng 0,5m, 28 câu đối... Chùa Phúc Lâm còn lưu giữ 41 pho tượng Phật và một tòa Cửu Long, có nhiều tượng lớn, đẹp và có niên đại từ thời Lê. Cao và to nhất là bộ tượng Tam Thế cao 1,2m. Tiếp đến là tượng A Di Đà rất lớn ngồi trên đài sen, rồi tới bốn vị Bồ Tát đứng trên đài sen. Dưới nữa là pho tượng Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt. Ngoài ra còn có các pho tượng Ngọc Hoàng, Phạm Thiên, Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu... với những đường nét tinh xảo, sống động văn hóa Việt.

Trải qua mấy trăm năm, chùa Phúc Lâm ngày nay vẫn giữ được vẻ tôn nghiêm, đẹp đẽ. Năm 1992, chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.


(Theo CA TPHCM)

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch