Phật giáo quốc tế
Đôi nét về lịch sử Phật giáo Hàn Quốc
Tuyết Lan ( dịch)
19/03/2012 23:19 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cũng như ở hầu hết các nước phương Đông, khi Phật giáo chưa du nhập vào Hàn Quốc thì Nho giáo đã có mặt và bám rễ sâu trong đời sống văn hóa xã hội đất nước này. Mặc dù vậy, Phật giáo cũng có mặt trên đất nước Hàn Quốc tương đối sớm và có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội người dân xứ Hàn.


Mặc dù các học giả vẫn tranh luận về khả năng đạo Phật có thể du nhập vào Hàn Quốc trực tiếp từ nước Ấn Độ nhưng nhìn chung những cứ liệu lịch sử không ủng hộ ý kiến này. Rất ít người bị thuyết phục bởi bằng chứng là có thể có tên gọi địa danh theo tiếng Ấn Độ ở vùng Gimhae của Hàn Quốc, hay những tặng vật của Vua A Dục cho Hàn Quốc vào thế kỷ thứ 3 TCN. Mà phần lớn các ý kiến đều cho rằng đạo Phật truyền từ Trung Quốc sang bán đảo Hàn Quốc, và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đạo Phật theo hệ phái Đại thừa Trung Quốc. Cho tới nay, đạo Phật đã tồn tại ở Hàn Quốc khoảng 1.600 năm và trong suốt giai đoạn lịch sử đó, đạo Phật đã hình thành truyền thống sâu sắc và tạo nên một nền văn hóa đặc trưng cho đất nước này.

Thời kì ba Vương quốc (57 TCN – 668 CN)
 
Năm 372, đạo Phật được truyền tới Vương triều Goguryeo (37 TCN – 668 CN); sau đó là tới Vương triều Baekje (18 TCN – 660 CN) vào năm 384 và cuối cùng đến Vương triều Silla (57 TCN – 935 CN) năm 527. Đó là một trình tự tự nhiên theo vị trí địa lí của các Vương quốc. Dường như không có sự mâu thuẫn liên quan đến đạo Phật giữa Vương quốc Goguryeo hay Baekje. Ở Vương quốc Goguryeo, vào năm 373 (một năm sau khi những lời răn dạy của Đức Phật được giới thiệu trước toàn dân), vua Sosurim đã dẫn dụ dân chúng hãy “tìm thấy niềm hạnh phúc trong sự tôn kính Phật pháp”. Cũng trong thời gian này, 9 ngôi đền, bao gồm đền Ibullansa, được xây dựng tại Pyongyang, thủ đô của Goguryeo. Khi Vương triều Baekje quyết định đi theo đạo Phật vào năm 384, nhà vua chào đón các tăng sỹ đến từ Trung Quốc với thái độ vô cùng kính ngưỡng, ngài đã đi vài dặm từ cung điện của mình để đến nơi tiếp đón họ.
 
Trong khi đó, Vương triều Silla lại không chính thức công nhận Phật giáo trong suốt 150 năm. Nhưng trớ trêu thay, Phật giáo cuối cùng lại hưng thịnh ở Vương triều Silla, và Phật giáo Silla thường được đại diện cho Phật giáo trong thời kì ba Vương triều. Phật giáo Silla cũng tượng trưng cho một giai đoạn mới trong sự truyền bá đạo Phật từ Ấn Độ đến các nước phương Đông.
 
Thông thường, quần thần của ba Vương triều rất hăng hái trong hoạt động truyền bá đạo Phật. Họ công bố rằng toàn thể ba Vương triều sẽ chấp nhận Phật giáo và tích cực ủng hộ các hoạt động của tôn giáo này. Thật vậy, cả ba Vương triều đều coi đạo Phật như một tôn giáo chính thống. Không lâu sau khi xuất hiện ở Hàn Quốc, Phật giáo phát triển mạnh ở cả ba Vương quốc với nhiều đền, chùa được xây dựng ở khắp mọi nơi, những nghi lễ Phật giáo long trọng được tiến hành như những nghi thức quốc gia. Trong số đó, Phật giáo Silla đặc biệt thu hút được rất nhiều sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân.
 
Cũng chính tại vương triều Silla, với quá trình bản địa hóa Phật giáo, đã hình thành ý tưởng “đất Phật”. Quá trình bản địa hóa và khái niệm “đất Phật” là thành quả vô cùng to lớn từ sự nỗ lực của một số nhà sư xuất chúng như Đại sư Jajang (608-686), bậc thầy của dân tộc trong thế kỉ thứ thứ VII. đó là người khởi xướng sự sùng đạo của người dân núi Odaesan, tỉnh Gangwon. Khái niệm “đất Phật” phát triển xa hơn với tư tưởng đạo Phật là tôn giáo “bản xứ” của Silla chứ không còn là tôn giáo du nhập từ nước ngoài.
 
Phật giáo Silla không chỉ đưa đến hệ tư tưởng chính trị xã hội thống nhất đất nước mà còn truyền nguồn cảm hứng vào cuộc sống tri thức, nghiên cứu học thuật và nghệ thuật sáng tạo của con người. Thời điểm này xuất hiện những nhà tư tưởng xuất chúng như Woncheuk, Wonhyo và Uisang có vốn tri thức và thành tựu nghiên cứu học thuật được quý trọng trong lịch sử Phật giáo. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của đạo Phật đối với hoạt động tri thức và phát triển văn hoá của người dân Hàn xưa.
 
Thời kì Vương triều Silla hợp nhất (668-935)
 
Cả ba Vương triều không ngừng tranh giành ngôi vị bá chủ thống trị bán đảo Hàn Quốc, cuối cùng Vương triều Silla đã đánh bại Baekje vào năm 660 và Goguryeo vào năm 668. Tuy nhiên, Silla đã thất bại khi nắm quyền cai trị toàn bộ lãnh thổ của Goguryeo, tạm bằng lòng với sự thống trị chỉ trên hai phần ba bán đảo.
 
Sự hợp nhất ba Vương triều dưới Vương triều Silla được phân tích từ nhiều phương diện khác nhau. Dù vậy, nhân tố chính giúp Silla lên nắm quyền chắc chắn phải là sức mạnh giáo hội từ việc chấp nhận đạo Phật. Giai cấp cầm quyền đã có sự am hiểu và tôn sùng Phật giáo nên quần chúng nhân dân sẵn sàng theo họ. Do đó, Phật giáo đã tăng cường tình đoàn kết trong xã hội Silla. Trong những năm đầu của Phật giáo Silla, sự ràng buộc tôn giáo giữa những người cầm quyền và những người bị cầm quyền phải chịu ơn rất nhiều đức tin vào Phật Di Lặc, Đức Phật của tương lai.
 
Quan niệm duy tâm này làm thỏa mãn sự khao khát chung về một vùng đất hạnh phúc, không có khổ đau. Cùng lúc đó, quan niệm này đã khuyến khích những người dân đồng nhất quốc vương của họ hay những vị anh hùng dân tộc với vị thần Phật giáo. Với sự giúp đỡ của Phật giáo, Vương triều Silla đã thành công trong việc chuyển đổi từ chế độ thị tộc sang nhà nước quân chủ tập quyền với tính thống nhất quốc gia mạnh mẽ.
 
Việc tiếp cận học thuyết và kinh điển Phật giáo ở vương triều Silla đã vượt xa các vương triều khác. Sự trưởng thành và thành tựu thâm nhập kinh điển Phật học trong Phật giáo Vương triều Silla thể hiện ở việc đặc biệt coi trọng và nghiên cứu sâu những bộ kinh Phật Đại thừa, như: Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra), Kinh Pháp Hoa (Saddharma-pundarika Sutra). Phật học viện có ảnh hưởng nhất trong Phật giáo Hàn Quốc được ra đời và thành lập trong giai đoạn này, với công lao của nhà tư tưởng Phật giáo bậc thầy Uisang (625-702).
 
Cuối thời kì Silla hợp nhất, Phật giáo Seon (Thiền tông) được du nhập vào Hàn Quốc. Như ở Trung Quốc, đạo Phật Seon Hàn Quốc cũng khởi đầu như một phong trào tôn giáo không chính thống bởi các nhà sư bị tước đoạt quyền lợi ở khu vực nông thôn. Từ thời kì Silla cuối cùng đến kỉ nguyên Goryeo đầu tiên (thế kỉ 9 tới thế kỉ 11), trung tâm Thiền được thành lập. Mặc dù khởi đầu chỉ như phong trào không chính thống nhưng nó sớm trở thành xu hướng chủ đạo của Phật giáo Hàn Quốc.
 
Thời kì Goryeo (918-1392)
 
Cuối cùng Vương triều Silla đã tan rã sau một loạt những cuộc ly khai, các phong trào khởi nghĩa của nông dân và những cuộc phiến loạn do chính quyền khu vực nông thôn gây ra. Giữa các quyền lực đang tranh đấu này, cuối cùng đội quân do Wang Geon lãnh đạo lại chiếm ưu thế và Bán đảo Hàn Quốc được thống nhất lại dưới sự cai trị của ông. Ông thiết lập triều đại mới, gọi là Vương triều Goryeo.
 
Như trong suốt thời kì ba Vương triều, Phật giáo dưới triều đại Goryeo cũng giữ vai trò là nguồn cảm hứng chủ đạo cho sáng tác nghệ thuật và nghiên cứu chuyên môn học thuật sâu. Một trong những thành tựu to lớn nhất của nền văn hóa Phật giáo dưới triều đại Goryeo là nghệ thuật chạm khắc Tripitaka Koreana (Tam Tạng kinh Hàn bản). Đây là Bộ Kinh Phật được thực hiện vào đầu thế kỉ 13 trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh với người Mông Cổ. Bộ Kinh này bao gồm hơn 80.000 mộc bản.
 
Tam Tạng kinh là một công trình quốc gia được tạo nên không chỉ bởi công sức của chính quyền mà còn toàn thể dân chúng, là sự kết tinh của một nền văn hóa dân tộc bắt nguồn từ đức tin Phật giáo.
 
Tới cuối triều đại Goryeo, sự chiếm hữu đất xây dựng chùa thờ Phật gia tăng hàng năm, việc miễn thuế và các nghi lễ quốc gia được tổ chức trên diện rộng đã trở thành gánh nặng lớn đối với ngân sách nhà nước. Hơn nữa, những vụ việc các nhà sư tham nhũng, cùng với sự dính líu của họ tới những cuộc tranh giành quyền lực chính trị, tiền tệ hay những vụ bê bối khác đã diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng. Do đó, trước sự biến đổi của triều đại, Phật giáo đã phải chịu đựng những tổn thất nặng nề.
 
Thời kì Joseon (1392-1910)
 
500 năm triều đại Joseon là kỉ nguyên tối tăm đối với Phật giáo. Tân Khổng giáo nổi bật lên như một thế lực mới, đàn áp Phật giáo một cách có hệ thống. Có thể nhìn thấy từ viễn cảnh của Tân Nho giáo, Phật giáo cùng với Saman giáo và những tôn giáo truyền thống khác chỉ được chú ý đến ở những khía cạnh thông tục như cõi âm hay thoả mãn dục vọng cá nhân; vấn đề này không những không hữu ích mà còn có hại đến xã hội.
 
Tuy nhiên, dù muốn, ngay lập tức chính quyền phong kiến không thể loại bỏ hoàn toàn Phật giáo ra khỏi đời sống xã hội vì Phật giáo đã phổ biến và ăn sâu vào tiềm thức người dân cũng như nhiều lĩnh vực của văn hóa xã hội quốc gia này. Mặc dù chịu thái độ thù địch của giai cấp cầm quyền nhưng các nhà sư vẫn mang tinh thần yêu nước truyền thống, đây là một đặc trưng của Phật giáo Hàn Quốc ngay từ thuở ban đầu. Khi Nhật Bản xâm lược bán đảo Hàn Quốc năm 1592, Phật giáo Hàn Quốc đã thể hiện vai trò “hộ quốc an dân”, tiêu biểu như các vị sư Yeonggyu, Seosan… Phật giáo Joseon đã hưng thịnh trở lại sau cuộc xâm lược của Nhật Bản.
 
Mặc dù vậy, sự quản lí nhà nước đối với Phật giáo ngày càng trở nên căng thẳng hơn, và lên đến đỉnh điểm khi có lời tuyên bố rằng các nhà sư là thành phần bị xã hội ruồng bỏ nên không được phép bước vào khu vực thủ đô. Nhà nước đưa ra lệnh cấm xây dựng các đền thờ gần thị trấn và nhiều đền thờ đã bị phá hủy. Những tu viện đã tồn tại phải ẩn sâu trong núi. Do đó, Phật giáo đã mất đi địa vị của mình trong nền văn hóa xã hội Hàn Quốc. Giới Phật giáo gần như rất thất vọng và mang tư tưởng chủ bại. Phật giáo chủ yếu được liên tưởng trong nhận thức của dân chúng đối với thực tế Saman giáo và tín ngưỡng dân gian. Mặc dù vậy, Phật giáo vẫn tồn tại nhờ vào sự nỗ lực mang đến niềm an ủi đối với sự khổ đau của toàn thể dân chúng trong xã hội Joseon.
 
Thời kỳ cận đại
 
Đến cuối thế kỉ thứ 19, các cường quốc đế quốc trên thế giới đã tranh giành quyền thống trị Bán đảo Hàn Quốc. Nhật Bản cuối cùng cũng thành công trong việc thôn tính Hàn Quốc vào năm 1910. Chế độ thuộc địa của Nhật Bản thực hiện có hệ thống chính sách Nhật hoá nền văn hoá Hàn Quốc. Trong đó, Phật giáo đã trở thành đối tượng chính. Các nhà sư Hàn Quốc được ủng hộ kết hôn, từ bỏ truyền thống sống độc thân, như các nhà sư Tân Tăng Nhật Bản đã và đang làm. Nhiều tu sỹ Phật giáo Hàn Quốc đã làm như vậy, và đây chính là nguồn gốc của cuộc xung đột nghiêm trọng trong cộng đồng Phật giáo diễn ra sau khi Hàn Quốc được giải phóng khỏi ách thống trị Nhật Bản năm 1945. Những nhà tu hành còn độc thân muốn xua đuổi những nhà sư đã kết hôn ra khỏi cộng đồng Phật giáo. Sau vài thập kỉ đấu tranh gay gắt, hai phe phái Jogye và Taego, tiêu biểu cho hai chủ trương nhà tu hành phải sống độc thân hay được kết hôn, thỏa thuận cùng chung sống như hai dòng Phật giáo lớn nhất ở Hàn Quốc.
 
 Đặc điểm của Phật giáo Hàn Quốc
 
 Phật giáo ở Hàn Quốc bao gồm hai đặc điểm. Thứ nhất, tôn giáo này là nền tảng tư tưởng của giai cấp thống trị trong quá khứ; và thứ hai, tôn giáo này đóng vai trò là tôn giáo phổ biến trong quần chúng nhân dân.
 
 Phụ thuộc vào thái độ của tầng lớp cầm quyền trong việc sử dụng quyền lực ở Hàn Quốc mà Phật giáo của đất nước này đã phải trải qua nhiều thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử. Người ta cũng chỉ ra rằng niềm tin vào tôn giáo của những người dân thường khá sâu sắc. Nhưng trên thực tế, niềm tin của quần chúng nhân dân không phải duy nhất và trung thành với học thuyết đạo Phật mà đôi khi nó còn hướng đến niềm tin Saman giáo hay niềm tin dân gian khác. Nhu cầu của người dân thường có xu hướng cụ thể. Khi họ đặt niềm tin ấy vào Phật giáo là hy vọng Phật giáo sẽ mang lại cho gia đình họ những điều tốt lành thực sự, như sự thành công của con cái họ trong cuộc thi quan trọng hoặc trong công việc, chữa lành bệnh tật, và những sự quan tâm gần gũi khác nữa.
 
Mặc dù có rất nhiều mối quan tâm mà dân chúng đặt vào niềm tin Phật giáo nhưng tất cả những người theo đạo Phật đều có chung một điểm: tất cả họ đều tin rằng họ có thể giải quyết những khúc mắc cá nhân cũng như những vấn đề to lớn của xã hội thông qua lời răn dạy của Đức Phật. Họ cũng tin rằng Phật giáo có thể ghi lại mọi thử thách của cuộc sống và mọi khổ đau diễn ra trong quá trình lịch sử.
 
Tương lai của Phật giáo Hàn Quốc
 
Ở Hàn Quốc, cũng như ở nhiều quốc gia khác trong thế giới thứ ba, quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng tương tự như quá trình Âu hóa, và sự tấn công của đạo Cơ đốc là một phần trong quá trình Âu hóa đó. Để đối phó với những thách thức của kỷ nguyên hiện đại, Phật giáo Hàn Quốc phải đại diện cho nhu cầu hiện đại hóa của nước nhà. Để làm được điều này, những người theo đạo Phật cần khôi phục lại thông điệp ban đầu trong tinh thần Phật giáo Đại thừa với lý tưởng Bồ Tát mang đậm lòng trắc ẩn và trí tuệ vào đời sống thường ngày của dân chúng vì một thế giới hạnh phúc và an lạc.
 
Ngày nay những người theo Phật giáo được kêu gọi hoạt động trong ba phương diện chính: phát triển truyền thống Phật giáo Seon (Zen), rèn luyện tinh thần của những người Phật tử, và hoằng truyền Phật pháp.
 
Nhiệm vụ cấp bách nhất vẫn là cần phải có những tăng ni được đào tạo, có đạo hạnh và trải nghiệm thực tế. Với định hướng này, tương lai Phật giáo Hàn Quốc sẽ rất xán lạn.
 
Điều đó không chỉ vì Phật giáo là tôn giáo phổ biến nhất và lớn mạnh nhanh nhất, được phân bố rộng rãi nhất và được toàn thể dân chúng xứ Hàn chấp nhận, mà còn vì vẫn có rất nhiều vị cao tăng thạc đức với đạo hạnh và trình độ Phật học uyên thâm đang trụ trì các tự viện, để duy trì và phát huy truyền thống, tinh thần Phật giáo đến ngày nay. Trước mối lo lắng về sự suy thoái của các giá trị xã hội, người dân Hàn coi Phật giáo như một chỗ dựa tinh thần, cung cấp năng lượng và thanh lọc tâm hồn họ. Những nhà tu hành và các tín đồ Phật tử tâm huyết với các giá trị Phật giáo ở Hàn Quốc đang nỗ lực thực sự để thực hiện sứ mệnh này./.

Theo: PTVN

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch