Nhân vật
Không Hải đại sư - Sơ tổ sáng lập Chân Ngôn Tông
Trí Sơn
21/02/2012 10:46 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Không Hải đại sư - Sơ tổ sáng lập Chân Ngôn Tông
Trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản, có một vị Đại sư mà tiểu sử của Ngài thường được rất nhiều sách vở, tài liệu nghiên cứu đề cập và đặc biệt cuộc đời của Ngài được thể hiện trong vô số mẫu chuyện thần thoại dân gian được phổ biến sâu rộng trong dân chúng Nhật.

 

Điều này chứng tỏ đời sống của Ngài có ảnh hưởng sâu rộng trên khắp nước Nhật từ Osaka, Kyoto, Shikoku ở miền nam cho những vùng phụ cận của phía Bắc và Đông Bắc Nhật Bản. Người đó chính là Ngài Kooboo Daishi (Hoằng Pháp Ðại Sư) hay còn gọi la Kuukai (Không Hải) (774 – 835).
 
Ngài Không Hải sinh ra trong một gia đình quý tộc ở tỉnh Sanuki, đảo Shikoku, Nhật Bản. Tương truyền, khi chào đời, Ngài ngồi tư thế kiết già, hai tay chắp lại mà ra khỏi lòng mẹ. Thuở thiếu thời, Ngài là một cậu bé khôi ngô, đĩnh đạc được cha mẹ muôn phần thương yêu.Năm lên 17 tuổi, Ngài đỗ đại học và bắt đầu nghiên cứu Tứ Thư, Ngũ Kinh.
 
Song kiến thức Khổng giáo không giải đáp thoả đáng những thắc mắc của Ngài về cuộc đời.Trong lúc đang băn khoăn về một con đường sống cao đẹp thì tình cờ Ngài gặp một tu sĩ Phật giáo và được vị ấy dạy cho một bài chú thuộc Mật tông, lòng Ngài cảm thấy an lạc vô ngần. Kể từ buổi tương phùng hy hữu đó, Ngài quyết tâm dấn thân vào đời sống của một ẩn sĩ tại những nơi hẻo lánh xa xôi như Otaki và Muroto.

Bản kinh văn khiến Ngài chuyển hướng cuộc đời mình là Akashagarbha(Hư Không Tạng), một tác phẩm trong Mật tông đã được Ngài Thiện Vô Uý, sơ tổ Mật tông Trung Quốc, dịch ra chữ Hán.Có một ngày Ðại Sư đến thăm chùa Todai ở Nara. Đến trước tượng Phật lớn phát lời nguyện “Con phát tâm tìm cầu chỗ quan yếu của Phật pháp. Con đã đọc hết Tam Thừa, Ngũ Thừa,12 bộ kinh. Nhưng đọc cái nào cũng có những nghi vấn. Trong sâu xa của tâm con có niềm tin tưởng, nhưng rất khó quyết đoán được.Vậy kính mong thập phương ba đời chư Phật, hoan hỷ chỉ bày cho con cái nào là:”Chơn thật bất nhị ”.
Trước khi đến Trung Quốc, Ngài Không Hải đã bắt gặp bộ “Ðại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì”, một cuốn kinh quan yếu của Chân Ngôn tông, tại một ngôi chùa phía đông Kumedera, tỉnh Yamato. Thực tế thì đây là một bộ kinh gồm có 7 quyển. Nói gọn là: Kinh Ðại Nhật.
 
Ðó là một trong những quyển kinh căn bản của Mật Giáo. Ngài liền cố gắng hết mình để đọc nội dung, nhưng cảm thấy chẳng dễ dàng chút nào cả. Sau khi đọc hơn phân nữa, thấy toàn là chữ Phạn được dịch ra âm Nhật. Ngài hiểu rằng việc dùng các ngón tay kết ấn tác pháp, chắc chắn đòi hỏi phải học trực tiếp với một vị Tăng, chứ không còn có cách nào khác.
 
Ðúng ra trong lúc ấy ngay cả tại Nara và Kyoto vẫn không thể nào tìm ra một vị minh sư đúng nghĩa để theo học những pháp nầy. Ngoài việc dùng thuyền sang Trung Quốc nhà Đường tìm minh sư, để học hỏi được những phương pháp tu hành.
 
Năm 804, Ngài Không Hải đáp thuyền đến miền Đông Bắc, tỉnh Phúc Kiến rồi sau đó lại đến Trường An, Trung Quốc. Lúc bấy giờ Mật tông rất thịnh hành tại kinh đô Trung Quốc do công lao của Bất Không Kim Cang Đại sư, một người đã phiên dịch rất nhiều bản kinh Mật giáo sang Hán ngữ.
 
Khi đến Trường An, Ngài Không Hải học tiếng Phạn với hai nhà sư người Ấn là Bát Nhã và Munissi. Tài thư pháp của Ngài khiến cho giới thư pháp tại Trường An phải kính nể. Ngài được hoàng đế Trung Quốc mời vào cung để viết tên cho các gian phòng trong cung.

Sau khi đã thông thạo Phạn ngữ, Ngài liền đến chùa Ching Lung (Thanh Long tự) để cầu học Mật giáo với tổ Huệ Quả (746-805). Khi vừa thấy Ngài, tổ Huệ Quả liền nói: Ta đã nghe người đến Trường An từ lâu rồi. Do vậy ta đã có tâm chờ ông ở chùa nầy từ dạo ấy. Đời sống của ta cũng chẳng còn kéo dài trong bao nhiêu lâu nữa. Nhưng chưa có đệ tử truyền pháp lại cho đầy đủ. Do vậy mà ta chờ ông cho đến ngày hôm nay đây. Ngày nay gặp nhau được tại nơi đây, quả thật là điều vô cùng sung sướng. Hãy mau sửa soạn hương hoa và nhập vào đàn Quán Đảnh. Ta muốn ông kế tục mật pháp của Mật Giáo”
 
Ngay sau ngày gặp gỡ đầu tiên, Ngài được tổ Huệ Quả truyền pháp Thai Tạng Giới. Một tháng sau, Ngài lại được truyền thọ Kim Cương Giới. Đến tháng thứ ba, Ngài trở thành ngôi vị Truyền Pháp A Xà Lê,lãnh hội toàn bộ yếu nghĩa của Mật giáo. Như thế chỉ trong vòng ba tháng, Ngài đã tiếp nhận được giáo nghĩa chân truyền của Mật giáo.Vào cuối năm ấy (805), sau khi phó chúc cho Ngài, tổ Huệ Quả an nhiên thị tịch ở tuổi 59. Kể từ đây Ngài thành tổ thứ tám của Mật tông.

Mùa thu năm 806, Ngài đáp thuyền quay về Kyushu, Nhật Bản. Trong chuyến trở về lần này, Ngài mang theo 216 bộ kinh gồm 451 quyển trong đó có 124 bộ thuộc đại tạng của Mật tông. Phần lớn những tác phẩm này do Ngài Bất Không Kim Cương biên dịch.
 
Ngoài ra Ngài còn mang về nhiều tác phẩm nghệ thuật và pháp khí của Mật tông.
 
Từ khi trở về Nhật cho đến năm 807, Ngài trú tại Dazaifu và Kyushu. Cũng trong thời gian đó, Ngài Tối Trừng (Saichoo 767-822) cũng từ Trung Quốc về và truyền bá Thiên Thai tông ở kinh đô.

Khi Ngài Không Hải đến kinh thành, một sự kiện hy hữu đã diễn ra trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản, đó là vị tổ Thiên Thai tại Nhật - Tối Trừng Đại sư cùng các đệ tử của mình đã đến thọ giáo với Ngài Không Hải, tổ sư Chân Ngôn tông. Lúc đó Ngài Tối Trừng 43 tuổi và tổ Không Hải được 38 tuổi.

Đương thời, tại Nhật có ba vị cao tăng nổi tiếng đó là Ngài Tối Trừng, Shuen và Không Hải, trong đó Không Hải là người có ảnh hưởng nhiều nhất trong xã hội. Cuộc đời Ngài gắn liền với những giai thoại về khả năng kỳ diệu của một bậc chân tu.
 
Chuyện kể rằng có lần Ngài đến một ngôi làng nọ bị hạn hán trầm trọng. Dân làng phải đi lấy nước ở những vùng xa xôi. Theo sự thỉnh cầu của nhiều người, Ngài bèn thi triển thần thông chống một cây gậy xuống đất và một nguồn suối trong mát phun lên trắng xoá. Kể từ đó, ngôi làng ấy không bị thiếu nước nữa.
 
Câu chuyện về việc sửa chữa hồ nước ở tỉnh Samuky cũng thật là một kỳ công hiếm thấy. Khu hồ này được tạo thành từ một con sông, bao quanh là những khu đồi cao thoai thoải. Năm 703, chính phủ Nhật khởi công xây dựng hồ nhưng đến năm 818, một cơn lũ khủng khiếp đã làm sập những bờ tường khổng lồ xung quanh. Sau đó triều đình đã ra lệnh xây dựng lại nhưng công việc diễn ra rất chậm chạp và không mấy thành công.
 
Ngài Không Hải thay mặt triều đình lo việc xây dựng và chỉ trong vòng hai tháng, công trình đã hoàn thành viên mãn.

Năm 809, thể theo lời mời đặc biệt, Ngài đã vào cung để trao đổi với Thiên hoàng Saga về nghệ thuật thư pháp. Thiên hoàng rất khâm phục trước tài năng của Ngài. Mùa hè năm 816, Ngài gởi một bức thư đến Thiên hoàng xin phép xây dựng một ngôi chùa trên đỉnh Cao Dã Sơn và kể từ đó ngọn núi này là thánh tích thiêng liêng của Chân Ngôn tông.

Đầu năm 823, Ngài được cử làm trụ trì tại chùa Toji ở Kyoto và đến mùa đông năm ấy, Ngài được phép triều đình để tiếp nhận đệ tử và truyền bá Mật tông. Kể từ đây, Chân Ngôn tông xuất hiện tại Nhật. đến năm 834, Ngài lập thêm một điện thờ Chân Ngôn tông tại Cung điện để dạy cho Thiên hoàng và các quan lại.
 
Năm 822, sau khi điện thờ Chân Ngôn tông được hoàn tất tại chùa Đông Đại thì tông phái này phát triển mạnh mẽ, vô số người đã trở thành đệ tử xuất gia của Ngài, trong đó có thái tử Takaoka.
 
Đức độ của Ngài đã cảm hoá rất nhiều tầng lớp dân chúng trong xã hội Nhật. Năm 830, Ngài hoàn thành bộ sách “Mười giai đoạn phát triển tâm” gồm 10 cuốn, trong đó Ngài trình bày cốt lõi tư tưởng cũng như đường hướng tu tập của Chân Ngôn tông.

Ngày 23-4-835, sau khi căn dặn đồ chúng xong, Ngài ngồi kiết già và an nhiên thị tịch. Vào tháng 10 năm Thiên An nguyên niên (857), Văn Đức Thiên Hoàng đã truy phong cho ngài là Đại Tăng Chánh.Đến tháng 10 năm Diên Hỉ thứ 21 (921) Đề Hồ Thiên Hoàng tuyên dương ngài với Thụy Hiệu là Hoằng Pháp Đại Sư.
 
Cuối cùng muốn nói thêm một lời nữa. Đó là việc ra đi của Đại sư. Không gọi đó là: nhập diệt hay nhập tịch như những vị Tăng Sĩ khác, mà gọi đây là Nhập Định. Điều này có nghĩa là ngài không bao giờ mất đi, mà ngài đang đi vào sâu trong thiền định. Cũng có thể nói là ngay bây giờ ngài vẫn còn sống.Tùy theo việc tôn xưng mỗi vị Tổ Sư của mỗi Tông Phái khác nhau. Nhìn lại từ xa xưa trở lại đây, chữ Nhập Định nầy chưa thấy có ai gọi như thế. Tuy nhiên đối với việc nầy, có thể nhìn thấy dưới nhãn quan về cuộc sống của Chân Ngôn Mật Giáo, hay gọi là: “Đời sống ấy trở về một với đất trời vũ trụ và đang ở trong trạng thái Thiền Định lâu dài”.
 
Hiện nay trên Cao Dã sơn vẫn còn bia và mộ của Ngài nhưng không có nhục thân của Ngài trong đó, tương truyền nhục thân của Ngài vẫn còn được cất giữ ỡ 1 chỗ bí mật và thời gian rất lâu sau khi thời duyên đến, Ngài sẽ xuất định và xuất hiện hướng mọi người đến một con đường mới.
 
Kết luận
 
Chân Ngôn tông hiện nay trở thành một tông phái chính và lớn của Phật giáo Nhật Bản. Truyền thừa của chân ngôn tông không bị đứt đoạn và được truyền chánh thống từ Đại Nhật Như lai cho Kim cang tát đoả Bồ tát. Sau đó Long thọ Bồ tát đến tháp sắt Nam thiên, mở cửa tháp thấy Bồ tát Kim cang tát đoả và được trao truyền chánh pháp Mật tạng,trở thành vị tổ thứ 3. Từ đó truyền thừa qua các chư tổ Ấn độ gồm Long trí,Kim cang Trí và Bất Không Kim cang và đến tổ Trung quốc Huệ Quả,sau đó là Không Hải đai sư trở thành Bát tổ Mật giáo Trung quốc và Sơ tổ của Chân Ngôn Tông.
 
Rất tiếc lich sử, Mật giáo Trung Hoa sau thời Đường đã suy yếu,đến đời Tống chỉ còn là Tạp mật ( nghỉa là không còn là những nghi quỹ chánh thống,mà rời rạc với nhau) và sau đó hoai diệt. Nhưng rất may là Bát tổ Không hải đã nhận kế tuc Mật pháp và phát triển hoằng pháp tại Nhật nên Chánh Pháp Mật không bị gián đoạn.Sau tổ Không hải không còn lệ truyền y bát nữa mà mà phát triển hơn 18 phái đã làm sáng chói hình anh của Chân ngôn tông- chánh thuần Mật giáo.
 
Nam Mô Đại Sư Biến Chiếu Kim Cang
Na Mu Dai Shi Hen Yoo Kon Goo
 
TPHCM, Chùa Minh Nguyệt cư sĩ lâm đệ tử

Trí Sơn (PTVN)

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch