Nhân vật
Ngô Thì Nhậm - Hải lượng đại thiền sư
20/04/2012 07:30 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) là danh sĩ, nhà văn, nhà tư tưởng đời Hậu Lê - Tây Sơn, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh tan quân Thanh. Ngô Thì Nhậm xuất thân từ gia đình vọng tộc chốn Bắc Hà, là con Ngô Thì Sĩ, người làng Tả Thanh Oai, (tục gọi là làng Tó), trấn Sơn Nam (nay là xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, Hà Nội). Thuở nhỏ, ông tên là Phó, sau đổi là Nhậm, tự là Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên. Ông là người thông minh, học giỏi, sớm có những công trình về lịch sử. Ông đỗ khoa sĩ vọng năm 1769, rồi tiến sĩ tam giáp năm 1775. Sau khi đỗ đạt, ông được bổ làm quan ở bộ Hộ dưới triều Lê - Trịnh, được chúa Trịnh Sâm quý mến. Năm 1778, ông được bổ làm Đốc đồng Kinh Bắc và Thái Nguyên. Khi đó, cha ông làm Đốc đồng Lạng Sơn. Cha con đồng triều, nổi tiếng văn chương trong thiên hạ.

Sau vụ án năm Canh Tý (1780), Ngô Thì Nhậm bị nghi ngờ là người tố giác Trịnh Khải, nên phải bỏ trốn về quê vợ ở Thái Bình lánh nạn. Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần hai, xuống lệnh "cầu hiền". Danh sĩ Bắc Hà đầu quân cho nhà Tây Sơn từ trước đó mới chỉ có Trần Văn Kỉ, Ngô Văn Sở và Đặng Tiến Đông. Ngô Thì Nhậm và một số thân sĩ khác, như Phan Huy Ích, Bùi Dương Lịch; các tiến sĩ, như Ninh Tốn, Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Bá Lan, Đồn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, Phạm Huy Lượng... sau này đã lần lượt ra làm quan cho nhà Tây Sơn.(*)

Cuối năm Mậu Thân (1788), do vua Lê Chiêu Thống cầu viện, 29 vạn quân Thanh kéo sang Đại Việt, với chiêu bài diệt Tây Sơn dựng lại nhà Lê, Ngô Thì Nhậm đã hiến kế giúp vua Quang Trung lui binh về giữ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn (Ninh Bình) góp phần làm nên chiến thắng quân Thanh của nhà Tây Sơn. Năm 1790, vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm giữ chức Binh bộ thượng thư. Tuy làm ở bộ Binh, nhưng Ngô Thì Nhậm chính là người chủ trì về các chính sách và giao dịch ngoại giao với Trung Hoa. Ông là người đứng đầu một trong những sứ bộ ngoại giao sang Trung Hoa.

Sau khi Quang Trung mất (năm 1792), Ngô Thì Nhậm không còn được tin dùng, quay về nghiên cứu Phật học. Gia Long tiêu diệt được nhà Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích bị đem ra kể tội và đánh đòn tại Văn Miếu. Ngô Thì Nhậm qua đời tại quê - làng Tó, Tả Thanh Oai, đó là ngày 16 tháng 2 năm Quý Hợi tức ngày 7 tháng 4 năm 1803.

Tuy chỉ hưởng thọ 57 tuổi, nhưng Ngô Thì Nhậm đã có nhiều cống hiến cho dân tộc. Đặc biệt, ông đã để lại một kho tàng văn thơ có giá trị cho những người đời sau học hỏi và nghiên cứu. Ở đây, có thể kể đến một số tác phẩm lớn của Ngô Thì Nhậm về văn, thơ và phú.

Về thơ, Ngô Thì Nhậm có một số tập thơ nổi tiếng, như Bút hải tùng đàm, Thủy vân nhàn đàm (Thủy vân nhàn vịnh), Ngọc đường xuân khiếu, Cúc hoa thi trận, Thu cận dương ngôn, Cẩm đường nhàn thoại, Hy Doãn công thi văn tập, Hoàng hoa đồ phả, Sứ trình thi họa, Yên đài thu vịnh. Về phú, ông có 17 bài chép ở tập Kim mã hành dư. Về văn, ông có một số tác phẩm lớn, như Hàn các anh hoa, Bang giao hảo thoại, Xuân Thu quản kiến, Kim mã hành dư và đặc biệt, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh được coi là tác phẩm thể hiện nổi bật nhất tư tưởng triết học của Ngô Thì Nhậm. Ông viết Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh với ý muốn xây dựng thành kinh sách để thuyết pháp, trong đó nội dung thể hiện rõ sự kết hợp giữa Nho, Phật và Lão, nhằm kế tục Thiền phái Trúc Lâm đời Trần. Do vậy, người ta gọi ông là tổ thứ tư của Thiền phái Trúc Lâm. Còn sư Hải Hòa và hòa thượng Hải Âu thì gọi ông là Hải Lượng đại thiền sư. Ông đặt tên kinh này là Đại chân viên giác thanh. Kinh chia làm 24 chương nên cũng gọi là Nhị thập tứ chương kinh; mỗi chương là một thanh (Thanh là lời nói, thanh cũng là giáo lý), mỗi thanh gồm ba phần là Thanh dẫn, Chính văn và Thanh chú.

Tư tưởng triết học Ngô Thì Nhậm hình thành và phát triển gắn liền với những điều kiện lịch sử xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII, cùng với đó là sự kế thừa những quan điểm của Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang và tư tưởng của Tống Nho cũng như ảnh hưởng trực tiếp từ tư tưởng của cha mình là Ngô Thì Sĩ. Tư tưởng triết học của Ngô Thì Nhậm thể hiện rõ ba phương diện cơ bản của triết học là bản thể luận, nhận thức luận và triết lý nhân sinh xã hội với những nét độc đáo khác nhau, tạo nên một tư duy mới cho dòng tư tưởng lúc bấy giờ.

Về mặt bản thể luận, trước hết, Ngô Thì Nhậm cho rằng, bản thể vũ trụ là hoá công, chính hoá công đã làm cho vũ trụ có một hình hài tương đối hoàn chỉnh và chất chứa những điều kỳ diệu. Ngoài tư tưởng bản thể là hoá công, ông còn coi bản thể là trời. Theo ông, nhờ có trời mà vạn vật được sinh sôi nảy nở, cũng nhờ có trời mà vạn vật có một trật tự ổn định. Tuy nhiên, đôi khi ông không đề cao vai trò của trời và hoá công mà cho rằng, việc vạn vật tồn tại trong thế giới này chỉ là sự tồn tại một cách tự nhiên, không do ai sắp đặt.

Trong tư tưởng về bản thể, Ngô Thì Nhậm còn tiếp thu quan điểm Thiền tông. Ông coi bản thể là Phật tính (buddha - svabhava); Phật tính cũng được gọi là Chân như. Chân như theo Thiền tông là cái bất sinh, bất diệt, vô thỉ, vô chung, là chí nhất và chí đa, chí tĩnh và chí động, chí nhu và chí cương; Chân như này giống như phạm trù Đạo của Lão - Trang và phạm trù Thái cực “bất dịch mà biến dịch” của Chu dịch. Trong triết học của Ngô Thì Nhậm, Chân như được tượng trưng bằng hình ảnh của mây và nước, vận động không ngừng và bao trùm cả vũ trụ. Theo ông, bình thường thì nước trông có vẻ nhu nhược, song chính nó lại là cái công phá được những vật cứng mạnh, vì nước còn có cái lực bên trong mà bằng mắt thường không thể thấy được, đó chính là chí nhu và chí cương của vật.

Bản thể vũ trụ ở Ngô Thì Nhậm là u huyền, lặng lẽ, nhưng cũng rất lưu động, biến thiên. Ngô Thì Nhậm đã nhận thấy thế giới này là một thể thống nhất hoàn chỉnh, tất cả đều bắt nguồn từ một mối nhất định. Theo ông, “số của trời bắt đầu từ một nguyên, lý của âm dương bắt đầu từ một khuyên. Số “một” là nơi hoá công chứa cái “vô tận” và thánh nhân chứa đựng những cái không bao giờ hết, chỉ có núi sông và trăng gió mới đương nổi mà thôi”(1). Thế giới này sinh ra từ sự hỗn độn, nhưng nó đều bắt nguồn từ một điểm duy nhất, nhìn vào đó có thể thấy một trật tự ổn định mà không cần phải suy xét. Không dừng lại ở đây, ông còn nhấn mạnh sự thống nhất của thế giới ở chỗ: ““vạn” quy vào “một”, hợp cái khác nhau vào chỗ “nhất quán”, vào cái “lý”, cái “số” cả trời đất, âm dương đều ở đó”(2). Như thế, ông đã thấy được sự thống nhất của các sự vật, hiện tượng trong thế giới, qua việc nhấn mạnh vai trò của số một. Nhờ có số một mà vạn vật mới hợp lại thành hình, nhờ số một mà hoá công mới có nơi cất giấu những điều bí ẩn của mình. Theo ông, “trời được một số mà trong, đất được một số mà yên, thánh nhân được một số mà thiên hạ đâu vào đấy”(3).

Ngô Thì Nhậm không chỉ dùng số “một” để diễn đạt tư tưởng của mình mà bên cạnh đó, ông còn dùng từ “đình” có nghĩa là “chứa đựng” để thể hiện tư tưởng của mình một cách rõ ràng và dứt khoát hơn. Ông đã cảm nhận được vạn vật trong vũ trụ này đều chứa đựng trong một vật dụng vô hình của trời đất, nhờ cái vật dụng vô hình đó mà muôn vật, muôn loài đều được che chở. Con người sở dĩ tập trung lại được với nhau là nhờ có “đình”. Ông viết: “Trời lấy “đình” (chứa đựng) để nuôi muôn vật; đất lấy “đình” để chứa muôn loài; người ta lấy “đình” để tụ họp với nhau mà muôn vật muôn loài đều là khách. Cho nên nơi người ta tụ họp lại với nhau thì có “đình””(4).

Tuy nhiên, theo Ngô Thì Nhậm, không phải nằm trong sự thống nhất mà vạn vật trở nên bất động. Chính trong sự thống nhất và mâu thuẫn giữa một và nhiều mà sự vật không ngừng biến đổi, phát triển. Ở ông, sự vận động, biến đổi của thế giới không phải do một cá nhân, một lực lượng nào sinh ra, mà nó diễn ra một cách hết sức tự nhiên.

Vẫn là sự tiếp thu tư tưởng Thiền tông, Ngô Thì Nhậm đã xuất phát từ âm thanh của cái không để làm rõ hơn tư tưởng, quan điểm của mình về bản thể. Theo ông: “Trong cái không mà có thanh thì thanh ấy không biết từ đâu đến, cũng không biết nó đi đâu, đón trước thì cũng không biết chỗ nó bắt đầu, theo sau nó thì không biết chỗ nó chung kết, sang sảng, oang oang không dừng lại một giây”(5). Như vậy, theo ông, sự xuất hiện của tiếng không là điểm xuất phát của vạn vật trong vũ trụ và khi thời cơ chưa đến thì tiếng không còn ở trong sự hỗn độn, mịt mờ. Trong Ẩn thanh, ông viết: “Từ một luồng khí thông thoáng hỗn độn chưa chia, muôn vàn hiện tượng sinh ra từ cái không, cái không cũng chính là Thái cực”(6).

Ở đây, nếu đứng ở góc độ Phật học, chúng ta thấy không là thể tính của vạn hữu, bất sinh bất diệt, không từ đâu tới cũng không đi về đâu, không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, khái niệm. Trong triết học Phật giáo thì không cũng là một khái niệm đa nghĩa, không có nghĩa là bản thể, khởi nguyên, cội nguồn của vũ trụ, vạn vật. Tuy nhiên, ở Ngô Thì Nhậm, chúng ta thấy có bước phát triển mới hơn. Ông không chỉ giải thích vấn đề ở một góc độ tản mạn, không chỉ dựa vào kiến thức Phật học, mà còn đứng trên cả lập trường của Nho giáo để phát triển tư tưởng của mình: không không chỉ là thể tính của vạn hữu, bất sinh, bất diệt mà đứng về phía Nho học thì không còn là thái cực, là khí hỗn nguyên. Ngô Thì Nhậm đã tán đồng với những quan điểm của các nhà Nho đời Tống, khi ông xác định vạn vật của vũ trụ này đều sinh ra từ Thái cực.

Tuy nhiên, chúng ta thấy vạn vật trong thế giới này rất đa dạng mà Thái cực chỉ chỉ có duy nhất một thì làm thế nào vạn vật sinh sôi nảy nở được, cái làm cho Thái cực biến thành những sinh vật cụ thể vô cùng phong phú, đa dạng nhưng lại mang trong mình bản chất Thái cực là gì đây? Trả lời cho vấn đề này, các nhà Lý học đời Tống đều cho rằng, nhờ có lý mà Thái cực sinh hoá thành vạn vật, nó gắn liền, tồn tại ở trong mọi sự vật, hiện tượng cụ thể. Ngô Thì Nhậm cũng coi lý là điều kiện để Thái cực sinh hoá thành vạn vật. Theo ông, lý là không, là cái mà “Tý chưa mở (chưa có trời), Sửu chưa sinh (chưa có đất) thì thanh ở nơi hỗn độn”(7). Ông còn cho rằng, lý là đạo, là đường lối vận hành của vũ trụ, phân tán thành vạn vật, cái thể thì đồng nhưng cái dụng thì dị. Đồng là gốc mà dị là ngọn, xem bề ngoài thì tưởng như khác đường khác nẻo, nhưng thống hội lại đến chỗ cực kỳ tinh vi thiết yếu thì chẳng có gì vượt ra ngoài đạo lớn kia được.

Ngô Thì Nhậm coi khí chính là cái gốc của vạn vật, nhờ có lý thì khí mới chuyển hoá thành sự vật phong phú, đa dạng khác nhau, trời đất đều có hình, có khí, vạn vật đều bẩm khí ở trời và thành hình ở đất. Theo ông, chính hai khí âm dương đọng lại thành vật tượng. Ông cũng coi đạo là cái không do ai sinh ra và cũng không ai có thể làm nó tiêu tan mà bản thân đạo phát sinh từ tự nhiên, tự nhiên nó đến, không ai có thể thay đổi được đạo. Ông tin vào đạo, tin vào những gì đạo mang đến cho con người. Vạn vật trong vũ trụ này đều từ đạo phát ra, một gốc phân tán ra làm vạn vật, vạn vật khác nhau hợp lại làm một gốc. Bên cạnh đó, ông còn coi sự xuất hiện của con người là do khí trời sinh ra, thừa nhận hình thể con người là do hình và khí tạo nên. Theo ông, cái thân thể của con người là đồng chất với trời đất, chỉ khi nào có cái tinh thần rồi mới có cái thân thể.(6)

Như vậy, có thể nói, bản thể luận trong tư tưởng triết học Ngô Thì Nhậm không chỉ mang sắc thái quan điểm Phật giáo, mà còn chứa đựng triết lý Nho và Lão, cho thấy rõ mong muốn dung hoà “tam giáo” của ông. Ngô Thì Nhậm đã lấy cái không làm điểm xuất phát, không còn là Thái cực, từ không (thái cực) xuất hiện trời đất và trời đất vận hành sinh ra bốn mùa, tạo nên một quy luật khách quan vốn có trong vũ trụ. Ông không chỉ giải thích nguyên nhân sự xuất hiện thế giới, mà còn chỉ ra sự vận động, biến đổi không ngừng của vạn vật. Ông đề cao vai trò của đạo, sự lưu hành đạo, cũng nhờ có đạo mà vạn vật trong trời đất mới được vận hành và phát tán.

Nhìn chung, khuynh hướng chủ đạo trong bản thể luận của Ngô Thì Nhậm là hướng đến sự dung hoà “tam giáo”. Ông không phải là người đầu tiên theo xu hướng này, nhưng sự hòa hợp của ông không giống như các nhà tư tưởng khác. Ông đã không bê y nguyên các phạm trù về bản thể luận của Phật, Nho, Lão dung hợp thành các phạm trù của mình như các học giả đời Tống, mà chỉ sử dụng các phạm trù Tống Nho đã tạo dựng, như tâm, tính, lý, dục để giải thích trở lại các quan điểm triết học của Phật giáo.

Về Nhận thức luận, Ngô Thì Nhậm cho rằng, cái cần nhận thức ở đây chính là cái lý của thế giới sự vật, hiện tượng đang tồn tại. Sự vật hiện tượng trong thế giới này rất phong phú, đa dạng, chỉ dùng mắt thường con người không thể tiếp cận hết sự vật, mà chỉ thấy cái dáng vẻ bề ngoài mà thôi. Cái con người cần nhận thức không chỉ là cái hình bên ngoài, mà phải thấu hiểu được cái ý bên trong của sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan. Do vậy, đòi hỏi phải dùng cả tâm để nhận thức thì mới thấu đáo được sự vật, sự việc.

Khi tìm hiểu nguồn gốc, nguyên nhân của sự vận động, biến đổi của sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan, Ngô Thì Nhậm đã coi khởi nguồn của thế giới này bắt đầu từ không, không chính là điểm xuất phát của vạn vật và không cũng là Thái cực. Sở dĩ Thái cực sinh hoá thành vạn vật là nhờ có lý. Trong tư tưởng của mình, ông coi lý là đạo, là đường lối vận hành của vũ trụ, của khí, là nơi mà vạn vật trong trời đất phát tán ra. Do vậy, đối tượng nhận thức trong triết học Ngô Thì Nhậm là hướng vào lý, nhận thức lý, có nhận thức được lý thì mới hiểu thấu cả hình lẫn ý của sự vật. Lý là cái cần phải có trong sự vật và bản tính của lý là có ngang, có chếch, có cong, thẳng như cái thớ của cây. Sự ngang, chếch, cong, thẳng đó chính là cái ẩn dấu bên trong của sự vật con người cần nhận thức. Coi lý là đạo, là đường lối vận hành của vũ trụ, là quy luật của tự nhiên, ông cho rằng, con người phải thuận theo đường lối ấy, vì có thuận theo quy luật của tự nhiên thì mới tồn tại được. Nhưng sự thuận theo lý ở đây không phải là sự thuận theo tuyệt đối, vì có những trường hợp con người phải đi ngược với đạo, sự đi ngược này nếu đưa vào xét trong ánh sáng của dục, nghĩa là tính chất và khuynh hướng nằm sẵn trong tự thân của sự vật thì sự đi ngược vẫn nằm trong lý. Ngoài ra, việc không noi theo lý một cách tuyệt đối được là do lý còn có thuận, có nghịch. Cái lý tuyệt đối bao gồm cả thuận và nghịch. Lý có thể thuận theo được khi đạt đến thái độ phá chấp.

Hiểu được lý sẽ giúp con người không bị mê hoặc khi tiếp cận sự vật và còn là cơ sở để con người đi đến sự tĩnh lặng, diệt được vô minh vốn tồn tại trong bản thân mỗi người. Nói theo quan điểm nhà Phật có nghĩa là hướng con người đến trạng thái tịch diệt. Cho nên, mục đích nhận thức trong triết học Ngô Thì Nhậm là tịch diệt. Ở đây, tịch là trái với huyên (ồn ào), diệt là trái với khởi (dậy). Trong bản thân con người thì sự “ồn ào” và “dậy lên” là tính người còn sự “lặng lẽ” và “dập tắt” là tính trời, cùng với nhân tâm, đạo tâm gần giống nhau. Trên thực tế thì cái tính trời rất khó dậy mà tính người lại rất khó diệt, cái mừng, cái giận, cái vinh, cái nhục xâu xé lẫn nhau ở trong lòng và đó chính là những cái chướng ngại vốn có trong bản thân con người.

Vì coi lý là đối tượng nhận thức quan trọng để con người đạt đến tịch diệt, cho nên đặc điểm nhận thức trong triết học của Ngô Thì Nhậm là nhận thức trực giác. Nhận thức trực giác là sự nhận thức không đòi hỏi phải có sự suy xét, kinh nghiệm hay sự phân tích của tư duy, lý trí mà nhận thức trực giác là sự cảm nhận trực tiếp. Từ sự cảm nhận trực tiếp mà con người có thể đưa ra được những suy nghĩ, ý kiến của mình xung quanh các vấn đế về thế giới, con người,.. Khi xác định bản thể của thế giới bắt nguồn từ không và đòi hỏi nhận thức lý thì không thể dùng kinh nghiệm hay lý trí để giải thích cho vấn đề này được, mà chỉ có thể sử dụng trực giác để đi sâu vào bản chất để nhận thức. Điều này không chỉ phù hợp trong một, hai hoàn cảnh nhận thức nhất định, mà nó là điều cần thiết tối ưu trong tất cả các đối tượng nhận thức. Chỉ có dùng trực giác thì sự vật mới hiện lên đúng như nó tồn tại.

Về phương pháp nhận thức, Ngô Thì Nhậm cho rằng, nhận thức chỉ được chân xác khi dứt bỏ tư dục và ông đưa ra một số phương pháp nhận thức, như phát tưởng, hành tàng, thiền, tinh tiến, tinh nhất, khắc kỷ, sát hại, giáo dục, học hỏi,… Phát tưởng là phương pháp cần có trong quá trình nhận thức của con người. ở đây, tưởng là nhận thấy đối tượng, gồm có tâm và đối tượng. Tu sĩ tu luyện đến mức độ nhất định có thể vượt khỏi tưởng, gọi là phi tưởng. Tu luyện đến mức độ cao hơn nữa, tinh tế đến mức không còn cái gọi là tưởng hay phi tưởng gọi là phi phi tưởng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng phát tưởng, bởi trong con người thường có sự vọng tưởng, mà đã vọng tưởng, thì tâm động, không yên tĩnh, càng tưởng càng dẫn đến sự bế tắc trong tư tưởng, từ đó sẽ không vượt qua được tưởng để đến cái phi tưởng, phi phi tưởng. Duy chỉ có những bậc thánh hiền mới có khả năng phát tưởng, bởi tâm họ không chứa dục vọng, không động. Hành tàng cũng là một trong những phương pháp quan trọng, hành có nghĩa là hành đạo, tàng có nghĩa là cái đạo được giấu kín. Tàng là cái đạo đức chứa bên trong của người quân tử, còn hành là cái sự nghiệp được biểu lộ ra bên ngoài. Thiền là một phương pháp không thể thiếu nhất là đối với các bậc thánh nhân, thiền ở đây chính là sự “tĩnh toạ, tức tâm”. Tuy nhiên, trong cách nói của mình, Ngô Thì Nhậm lại nói thiền là thiện. Theo ông, chữ thiền khi đọc là thiện thì có nghĩa là trao truyền, nghĩa là trao truyền cho cái tâm thánh nhân, cái tâm giác ngộ. Con người muốn đạt tới sự tĩnh lặng, xóa bỏ được vô minh thì thiện là một phương pháp quan trọng và hữu hiệu. Chính quá trình thiện sẽ giúp người ta giác ngộ được cái tâm chung, là điều kiện giúp người trở thành thánh nhân, chúng sinh trở thành Phật.

Về con đường đi đến tịch diệt để nhận thức lý, ngoài những phương pháp đã trình bày, Ngô Thì Nhậm còn đưa ra phương pháp tinh tiến và phương pháp tinh nhất. Theo ông, con người luôn bị chìm đắm trong vô minh, có nghĩa là tâm người luôn bị trói chặt trong ngục tù của hỗn muội tối tăm, mà ngục tối vô minh rất khó phá bỏ, chứ không phải dễ phá như ngục tù của thế gian nên phải dùng phương pháp tinh nhất của Nho gia và phương pháp tinh tiến của Phật để phá ngục. Ở đây, tinh nhất được hiểu theo quan điểm của Nho gia là “duy tinh duy nhất doãn chấp quyết trung” (phải tinh tường chuyên nhất mới nắm được đạo trung). Còn tinh tiến, theo quan điểm Phật học, là “tinh thuần và gắng gỏi” (không tạp và không nhác). Bên cạnh phương pháp tinh nhất và tinh tiến, Ngô Thì Nhậm còn nhắc đến phương pháp khắc kỷ, tức là “giữ mình” và phương pháp sát hại, tức “phủ định dứt khoát với hiện tượng bên ngoài” để thực hiện nhận thức mọi việc.

Nhìn chung, những phương pháp mà Ngô Thì Nhậm nêu ra đều có ý nghĩa quan trọng trong việc giải thoát con người, hướng con người đến những cách nhận thức đúng đắn. Và, ở đây, bí quyết của sự giải thoát là phải biết “ngăn tà khí, giữ lòng thành, xa rời cái gì hão huyền, để phục hồi cái tia sáng (trí tuệ), không đến nỗi chìm đắm trong bể khổ, mà được mọi điều giải thoát”(8) (nhàn tà, tồn thành, xa lìa hư vọng dĩ phục kỳ quang minh). Ở đây, ngăn tà, giữ thành là giới, xa lìa hư vọng là định và phục hồi sự sáng là tuệ. Ngô Thì Nhậm đã theo quan điểm nhà Phật khi đưa ra phương pháp tam học để giúp con người tu tập, thực hiện sự giải thoát với chính bản thân mình. Giới – định – tuệ chính là con đường giải thoát, là phương tiện giải thoát tốt nhất để đưa con người tới sự giác ngộ.

Giáo dục và học hỏi cũng là một trong những phương pháp quan trọng trong triết học Ngô Thì Nhậm. Ông coi giáo dục là điều kiện cần thiết để con người lĩnh hội những giá trị đích thực của cuộc sống và sống xứng đáng hơn. Bằng cách giáo dục sẽ giúp con người không tham lam, xa lìa được hư vọng. Tuy nhiên, giáo dục không thì vẫn chưa ổn mà cần phải có sự tiếp thu, học hỏi sự giáo dục ấy để mài dũa chí hướng, giữ được tấm lòng trong sạch.

Là một người thấm nhuần triết lý Thiền tông, đồng thời luôn có khuynh hướng dung hoà “tam giáo”, nên các vấn đề trong nhận thức luận của Ngô Thì Nhậm luôn chứa đựng những yếu tố mới mẻ. Tư tưởng của ông thể hiện khá rõ nét về đối tượng nhận thức, mục đích nhận thức, đặc điểm và phương pháp nhận thức. Ông đã hướng con người vào nhận thức lý để có thể đi sâu, hiểu cả hình lẫn ý của sự vật, tức là không chỉ nhìn thấy cái mặt bên ngoài, mà còn phải thấu đáo cái bản chất ẩn giấu bên trong của sự vật. Chính việc nhận thức lý đã quy định nên mục đích nhận thức là tịch diệt và đặc điểm nhận thức là trực giác, nhận thức đuợc lý chung quy là để con người hiểu được sự vật mà không sai lầm, đạt đến cái tâm tĩnh lặng, không chứa dục vọng, vô minh. Ngô Thì Nhậm cố gắng đưa con người đến tịch diệt bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ chỗ mong muốn con người thực hiện được sự phát tưởng, ông hướng họ đến việc thực hiện hành tàng, thiện, tinh tiến, tinh nhất, khắc kỷ, sát hại,… đồng thời không bỏ qua phương pháp giáo dục và học hỏi. Ông đã kế thừa tư tưởng của cả Nho, Phật và Lão trong cách giải quyết vấn đề của mình. Do vậy, nhận thức luận trong tư tưởng triết học của ông mang phong cách độc đáo riêng. Ông đã tiếp thu tư tưởng của các bậc thiền sư đời trước, nhưng không phải là sự sao chép, rập khuôn, mà trong đó có sự chọn lọc, phát huy theo một tinh thần mới, phù hợp với tư tưởng của thời đại lúc bấy giờ.(8)

Về triết lý nhân sinh, Ngô Thì Nhậm đã dành nhiều tâm huyết cho việc tìm kiếm con đường giải thoát con người ra khỏi “bể khổ” của cuộc đời, đồng thời hướng họ tới một cuộc sống tốt đẹp hơn theo mong muốn của mình. Ông coi bản thân con người vốn không bao giờ được bình lặng và yên ổn do vô minh che lấp, họ luôn phải đối mặt với khó khăn và khổ ải trong cuộc sống của mình. Theo ông, bản chất con người khi sinh ra là mang tính thiện, nhưng do hoàn cảnh sống mà tâm tính con người bị thay đổi, họ trở nên bạc ác.

Ngô Thì Nhậm luôn nhấn mạnh vai trò của con người trong cách gìn giữ bản thân. Mọi nỗi khổ mà con người đang phải hứng chịu là do họ gây nên. Cho nên con người cần phải hiểu được đạo lý của trời mà vận dụng vào cuộc sống thường ngày mới mong không gặp phải tai họa.

Ngô Thì Nhậm còn cho rằng, khổ là do trong lòng con người luôn chứa đầy dục vọng. Ở con người, dục là tính (tự nhiên); nó ở trong nhật dụng thường hành, như khi đói thì muốn ăn, khát thì muốn uống, không có không được. Như vậy, ngay từ lúc sinh ra, con người cũng đã có dục trong lòng, mà dục lại là tính tự nhiên nên con người luôn phải đáp ứng những nhu cầu để thoả mãn chính bản thân. Nhân dục càng lớn thì con người càng bị nhấn chìm vào vô minh, làm cho họ không phân biệt được phải trái, đúng sai, đạo lý bị đảo lộn. Vì coi dục là tính tự nhiên, nên việc xoá bỏ dục không phải là một điều dễ dàng. Theo ông, con người muốn từ bỏ được dục thì trước hết, phải dứt bỏ được tham, sân, si để đi đến với đạo. Đến với đạo là một yêu cầu quan trọng trong cách giải thoát của con người. Người ngộ đạo bao giờ cũng sáng suốt, dứt bỏ được dục vọng, thoát khỏi đau khổ.

Danh lợi cũng là một dục vọng thường hành trong con người, chính sự quyến rũ của danh lợi làm cho con người không giữ được đúng đạo của mình, việc con người ham mê danh lợi là con đường gần nhất dẫn họ đến vô minh. Ngoài việc ham mê danh lợi, việc không biết phân biệt lợi, hại cũng dễ làm cho con người lầm đường, lạc lối trong hành động của mình. Vì vậy, không nên chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên mất rằng, cái lợi luôn đi đôi với cái hại, không nên lấy lợi làm lợi, mà phải lấy nghĩa làm lợi. Có như vậy mới giữ mình tránh khỏi tai hoạ.

Ngoài ra, con người thường đem họa đến cho mình cũng bởi không tuân theo đạo lý của trời đất. Theo Ngô Thì Nhậm, một người thông minh phải biết tuân theo đạo, biết giữ đúng đạo trời thì mới mong không vướng vào mê loạn. Do vậy, ông rất coi trọng việc con người biết tôn trọng và giữ đúng đạo, giữ đúng đạo, một mặt, để làm tốt bản thân, xa lìa được danh lợi; mặt khác, còn giúp ích cho kẻ khác. Xa lìa danh lợi là một trong những cách tốt nhất để con người trở về với cái tâm trong sáng của mình và học là một bước rất quan trọng để con người biết đạo, ngộ đạo.

Nhìn chung, Ngô Thì Nhậm coi trọng việc giữ đạo, nhất là đạo trung hiếu. Tuy nhiên, việc vận dụng đạo không phải là tuỳ tiện, mà cần có phép tắc của nó. Phép tắc, theo ông, chính là “cái để làm khuôn khổ cho sự vận dụng của tâm”. Biết dừng lại đúng giới hạn cho phép trong hành động là phép tắc quan trọng cần có của mỗi người.

Trong tư tưởng của mình, Ngô Thì Nhậm cũng coi liêm sỉ là một trong những đức tính không thể thiếu được ở con người; thiếu đi sự liêm sỉ, con người sẽ trở nên mù quáng trước những hành động của mình, từ đó mà dễ rơi vào vòng mê muội trong cách đánh giá sự việc. Ông khuyên con người luôn phải giữ được sự liêm sỉ để sáng suốt trong quá trình nhận thức, không làm trái quy luật khách quan.

Con người khổ không chỉ do họ đắm chìm vào danh lợi, mù quáng với cái lợi trước mắt, mà còn do họ luôn bị trói chặt trong cái vòng tròn sinh - lão - bệnh - tử. Sự sống chết luôn làm họ phân tâm, lo sợ và không giữ được mình. Ngô Thì Nhậm đã đem đến một cách nhìn mới trong vấn đề sinh tử. Với ông, sinh tử ở con người là điều tất yếu phải diễn ra trong vòng sống của một đời người, đã được sinh ra ở trên đời thì tất có lúc phải diệt. Con người không thể thoát khỏi cái vòng sinh tử luân hồi, nên tốt nhất là phải biết tu dưỡng bản thân để tránh gây ra tai vạ, còn bằng không thì sẽ tự đưa mình vào khổ ải. Việc con người sống hay chết đều phụ thuộc phần lớn vào cách sống của họ, sống chết sớm hay muộn là thuộc ở con người, biết tu dưỡng, chăm lo cho bản thân thì sống chết không là mối lo. Ông khuyên con người không nên vướng bận trước vấn đề sinh tử, mà quan trọng là phải biết giữ mình để tạo sự tin tưởng với mọi người. Thái độ thờ ơ trước vấn đề sinh tử đã cho chúng ta thấy một Ngô Thì Nhậm điềm nhiên, tự tại, không vì danh lợi mà tham sống, sợ chết.

Ngô Thì Nhậm luôn trăn trở truớc thực tại và mong muốn tìm ra con đường giải thoát con người ra khỏi khổ ải. Kế thừa tư tưởng của Nho gia, ông coi trọng lễ trong cách giáo dục, giúp con người bỏ được danh lợi, xa lìa tham sân. Ông coi việc con người tuân theo lễ chính là con đường ngăn ngừa những thói hư, tật xấu, giữ được lẽ phải. Nhờ có lễ, con người kìm chế được dục vọng, không bất chấp quy tắc mà vượt đạo. Có lễ, con người sẽ giữ đúng đạo. Vì vậy mà lễ như là khuôn phép và cũng là phép tắc để con người nhìn vào đó mà không dám làm điều xằng bậy. Ông coi lễ là tiêu chuẩn cao nhất của đạo đức. Với ông, không có lễ thì nhân tâm, dù ở bất cứ dạng thức nào, cũng không phù hợp với tiêu cuẩn đạo đức. Không chỉ thế, ông còn đề cao cương thường lễ nghĩa trong việc giúp con người giữ mình.

Ngô Thì Nhậm cũng luôn tin vào sự chi phối của mệnh trời đối với con người và cuộc sống con người, kể cả sự hưng thịnh hay suy vong của một thời đại. Ngô Thì Nhậm đã gắn kết mệnh trời với lòng người, đặt lòng người trước “ý trời” trong cách thuyết phục con người trước những chủ trương, quyết sách chính trị. Việc thuận theo ý trời sẽ đem lai lợi ích tốt lành cho muôn người. Ông luôn thông cảm với nỗi khổ của con người, những gì con người phải nếm trải, một mặt, là do cách sống của họ, song mặt khác, là do trời định. Vì vậy, trong hành động của mình, Ngô Thì Nhậm khuyên con người cần phải khéo léo và tỉnh táo.

Những điều nói trên cho thấy, tư tưởng nhân sinh xã hội ở Ngô Thì Nhậm không xa rời lý tưởng nhân sinh của Phật giáo và Nho giáo. Con người khổ phần lớn và chủ yếu là do chính hoàn cảnh sống đã dẫn dắt họ vào con đường lợi dục. Với quan niệm này, ông luôn kêu gọi con người xa lìa danh lợi, hoặc đạo để sáng suốt trong từng hành động, suy nghĩ. Ông còn tin vào quan điểm của Nho gia, khi coi số phận con người là do mệnh trời quyết định. Ông khuyên con người cần phải biết “đợi mệnh” và tuân theo mệnh. Là một người đã từng nếm trải những khổ ải trong cuộc sống, nên ông càng hiểu rõ hơn những số phận ngặt nghèo. Ông cố gắng tìm mọi cách để hướng con người tới một chân lý cao đẹp hơn. Tư tưởng nhân sinh xã hội của ông thắm đượm màu sắc của Phật giáo và Nho giáo. Đây chính là tư tưởng điển hình cho xu hướng dung hoà Nho - Phật của ông.

Do khuynh hướng hỗn dung đa nguyên, nên trong những quan điểm triết học của mình, có chỗ, có lúc Ngô Thì Nhậm vẫn rơi vào chủ nghĩa duy tâm. Cũng như một số nhà tư tưởng trước đó, ông chủ yếu hướng vào giải thoát con người về tâm linh, tinh thần, chứ chưa phải là sự giải phóng con người cả về tinh thần lẫn thể xác. Ông kêu gọi con người sống đúng đạo, đặc biệt là đạo trung hiếu, đạo cương thường, cần thiết thì nên tìm đến cuộc sống ẩn dật để giữ đúng đạo của mình. Ngoài ra, ông còn tin vào sự chi phối của mệnh trời đối với con người. Điều đó cho thấy tư tưởng triết học Ngô Thì Nhậm đã thể hiện rõ sự linh hoạt và sáng tạo trong cách kế thừa, chọn lọc những tinh hoa của nhân loại để lại, đặc biệt là sự kế thừa tư tưởng của các bậc tiền bối. Với tư tưởng triết học này, ông đã có đóng góp lớn, tạo tiền đề lý luận mới cho việc khôi phục Thiền phái Trúc Lâm lúc bấy giờ. Là một người sống và tham gia vào chính sự, nên những tư tưởng của Ngô Thì Nhậm không nằm ngoài mục đích vì dân, vì nước. Tư tưởng của ông mang tinh thần hành động và nhập thế tích cực, đáp ứng được đòi hỏi của xã hội đương thời. Có thể nói, Ngô Thì Nhậm đã xây dựng nên những quan điểm triết học mà về cơ bản, mang khuynh hướng duy vật và những quan điểm duy vật ấy, mặc dù còn mang tính chất thô sơ, chất phác, nhưng trong đó đã có những yếu tố biện chứng.

DOÃN CHÍNH
NGUYỄN THỊ HỒNG PHƯƠNG
Nguồn: Tạp chí Triết học

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch