Đời sống
Thực trạng vui ít, khổ nhiều của đời sống
11/01/2014 12:28 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cho dù đã “tạm gác lại” không bàn đến một địa ngục sau khi chết, nhưng chúng ta cũng không thể không nhận ra một sự tương đồng giữa những gì đã được mô tả về cảnh địa ngục ấy với những trạng thái đau đớn về tinh thần mà ta đang cảm nhận. Hay nói khác đi, một cảnh giới địa ngục sau khi chết, nếu có, chẳng qua cũng chỉ là một sự kéo dài của những gì mà hiện tại chúng ta đang cảm nhận

Vì thế, đến đây chúng ta có thể vui mừng nhận ra một điều là: nếu như mỗi chúng ta có thể sống như thế nào để thoát khỏi “cảnh giới địa ngục trong hiện tại”, thì một “địa ngục sau khi chết” – nếu như có thật – chắc chắn cũng không phải là nơi đến của chúng ta!

 

Có người nói rằng: “Hạnh phúc là sự tạm dừng của những khổ đau.” Phát biểu này tuy chưa phải là hoàn toàn chính xác, nhưng cũng tạm nói lên được thực trạng “vui ít khổ nhiều” của đời sống. Ngay cả khi chúng ta có gặp được rất nhiều may mắn thì sự trải nghiệm khổ đau dường như vẫn là tính chất chủ đạo của cuộc sống này.

 

Nhưng những nỗi khổ đến với chúng ta cũng không hề có sự đồng nhất như nhau. Mỗi đau khổ có một nguyên nhân, và khi nguyên nhân khác nhau thì kết quả nhận lãnh cũng sẽ khác nhau.

 

Vì thế, luật nhân quả xưa nay vốn thường được hiểu như là mối tương quan giữa những hành vi thiện ác với những kết quả sẽ nhận được về sau. Nhưng thật ra còn có mối quan hệ tức thời giữa một hành vi với tác động của nó đối với bản thân người thực hiện mà phần lớn chúng ta ít khi quan tâm đến, cho dù đó là điều vẫn thường xuyên xảy ra trong cuộc sống.

 

Chẳng hạn như khi ta giúp đỡ một người bạn bằng cách làm thay công việc trong khi anh ta bị bệnh. Theo cách hiểu về nhân quả thì hành vi này được xem là một điều thiện và sẽ mang lại cho ta một kết quả tốt đẹp tương ứng trong tương lai, chẳng hạn như ta cũng sẽ được ai đó giúp đỡ khi cần thiết, hoặc sẽ nhận được những may mắn, phúc lộc nào đó…

 

Điều mà ít ai quan tâm đến là tác động tức thời của hành vi tốt đẹp mà ta vừa thực hiện. Sự thật thì việc thực hiện hành vi tốt đẹp ấy sẽ mang lại cho ta một sự hài lòng, thỏa mãn, một niềm vui nhẹ nhàng khi có thể làm được công việc mà ta biết là tốt đẹp. Và tác động tích cực này không thể không được xem là một phần kết quả của hành vi đã làm, thậm chí còn phải nói là một kết quả trực tiếp, thiết thực mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy ngay, nhưng lại rất ít khi lưu tâm đến.

 

Trong kinh Pháp cú, ở kệ số 18 Đức Phật dạy rằng:

 

Hiện tại vui nơi đây,
Đời sau vui nơi khác.
Người tu các nghiệp lành,
Nơi nơi đều vui vẻ. 

 

(Hiện thế thử xứ hỷ,
Tử hậu tha xứ hỷ.
Tu chư phước nghiệp giả,
Lưỡng xứ câu hoan hỷ.) 
 

Cho nên, những hành vi tốt đẹp không chỉ là tạo ra kết quả tốt đẹp trong tương lai, mà ngay khi thực hiện những hành vi đó, chúng ta đã nhận được những kết quả tốt đẹp tức thời về mặt tinh thần.

 

Nếu bạn đã từng làm một việc thiện nào đó – tôi tin là như vậy – cho dù rất nhỏ nhoi, bạn sẽ dễ dàng tự mình nhận biết được thế nào là niềm vui có được sau khi làm điều thiện. Và điều đó cũng có nghĩa là: có một mối tương quan giữa mỗi hành vi của chúng ta với những cảm nhận về mặt tinh thần của chúng ta ngay sau đó.

 

Và vì thế, sẽ không khó hiểu khi ngược lại cũng có những hành vi mà sau khi thực hiện sẽ đẩy ta vào sự khổ sở, dằn vặt hay ray rứt trong tâm hồn… Và theo như những gì mà chúng ta đã bàn đến, có thể xem những hành vi thuộc loại này như là những chiếc chìa khóa mở cửa vào địa ngục.

Vì thế, chúng ta cũng có thể thấy được rằng một người đang giận dữ là đang sống trong một cảnh giới tinh thần hoàn toàn khác biệt với những lúc bình thường. Tâm hồn của người ấy bị nung nấu bởi một sức nóng dữ dội do cơn giận tạo ra. Sức nóng ấy có thể bộc lộ cả ra bên ngoài với những dấu hiệu cụ thể như thân nhiệt tăng, mồ hôi tuôn ra và vẻ mặt đỏ bừng lên…

 

Và nếu như đặc điểm của lòng tham lam là sự chiếm hữu, thì điểm đặc trưng của lòng sân hận lại là sự đập phá, hủy hoại. Khi cơn giận bừng lên, sự đập phá trở thành một “nhu cầu”! Việc trút cơn giận vào đúng đối tượng rất ít khi xảy ra, bởi có những sự ngăn trở nhất định không phải bao giờ cũng có thể vượt qua. Hơn thế nữa, có những cơn giận không có đối tượng cụ thể hoặc có quá nhiều đối tượng… Chẳng hạn như, có những trường hợp người ta nổi giận đến mức điên cuồng và nghĩ rằng… cả thế giới này đang chống lại mình! Hoặc đơn giản hơn nữa là sự vắng mặt của đối tượng trong lúc cơn giận đang “bốc lên”. Và vì thế, một người đang tức giận có thể đập phá, hủy hoại bất cứ vật gì trong tầm tay của anh ta, cho dù ai cũng biết đó là một hành vi hoàn toàn vô lý!

 

Điều đáng buồn là sự đập phá, hủy hoại không bao giờ là biện pháp thích hợp để hóa giải cơn giận, mà chỉ càng làm cho nó bốc lên mạnh mẽ hơn nữa. Khi dừng lại để quan sát cảnh đập phá ngổn ngang do chính mình vừa gây ra trong cơn giận, người ta thường không thấy “hối hận” hay dịu đi ít nhiều, mà thực tế là càng thấy… tức giận hơn, như thể sự đập phá, đổ vỡ đó là do chính người mà mình đang tức giận gây ra.

 

Cũng tương tự như sự chiếm hữu không làm thỏa mãn lòng tham, sự đập phá cũng không giúp ta chấm dứt cơn giận. Cơn giận chỉ có thể chấm dứt khi sự kích động của nó lắng dịu đi và ta lấy lại được sự bình tĩnh.

 

Và nhận xét này cũng chính là nguyên tắc để đối trị lòng sân hận. Để ngăn không cho một cơn giận bốc lên, mọi sự suy luận, phân tích của lý trí hay tác động của tình cảm đều vô hiệu. Phương thức hiệu quả duy nhất là sự định tĩnh. Bạn có thể đạt được sự định tĩnh bằng nhiều cách, nhưng cách tốt nhất và dễ thực hiện nhất là cách ly mọi tác động từ bên ngoài, ngồi một mình trong phòng riêng chẳng hạn. Ngồi yên, và chỉ cần ngồi yên, không suy nghĩ bất cứ điều gì, nhất là những gì liên quan đến sự việc đang làm bạn tức giận. Chỉ cần khoảng 10 hay 15 phút ngồi yên như vậy, bạn sẽ có thể hóa giải được vô số những tác hại mà một cơn giận có thể gây ra. Và một khi đã có được sự bình tĩnh, đó mới là lúc bạn có thể nhờ đến sự can thiệp của lý trí hay tình cảm.

Vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy rằng những người có thực hành thiền định rất hiếm khi nổi giận. Bởi vì lòng sân hận giống như một ly nước bị khuấy động lên, trong khi thiền định lại chính là phương thức đối trị để làm cho ly nước ấy lắng yên trở lại. Nếu bạn thực hành thiền mỗi ngày, ngay trong những tâm trạng bình thường, thì lòng sân hận không có mấy cơ may có thể khống chế được tâm hồn bạn, ngay cả khi bạn gặp phải những điều trái ý nhất.

 

Điểm tương đồng giữa lòng tham lam và lòng sân hận là cả hai đều làm cho tâm hồn ta mất đi sự sáng suốt. Khi chúng đã khống chế được tâm hồn ta, chúng thôi thúc ta phải có những hành vi đáp ứng với sự tham lam, sự giận dữ, cho dù những hành vi ấy có thể là vô lý, có thể là đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức. Vì thế, một khi đã trừ bỏ được lòng tham lam và sân hận, tâm hồn ta sẽ trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn nhiều, vì không phải chịu những sự trói buộc, thôi thúc của các yếu tố độc hại này.

 

Tham lam và sân hận đều có thể đẩy ta vào chỗ si mê, thiếu sáng suốt. Sự si mê này là do lý trí của ta tạm thời bị vô hiệu hóa bởi tác dụng của lòng tham lam hay sân hận. Ngay khi ta trừ bỏ được sự tham lam hay sân hận thì tâm trí ta sẽ lại sáng suốt như trước đó.

 

Nhưng si mê còn là một yếu tố độc hại vốn có trong mỗi chúng ta, cũng tương tự như tham lam và sân hận. Bởi vì si mê vốn là một cách diễn đạt khác của sự thiếu tri thức, thiếu hiểu biết, mà tri thức hay sự hiểu biết lại không phải là điều tự nhiên có được, vốn phải do nơi sự học hỏi. Nếu như chúng ta không quan tâm đến sự học hỏi những điều tốt đẹp trong cuộc sống, thì sự si mê tự nó vốn đã hiện hữu. Và một khi sự si mê đã hiện hữu thì chúng ta không thể có đủ những hiểu biết cần thiết để nhận ra và đối trị với lòng tham lam hay sân hận. Do đó mà những yếu tố độc hại này sẽ phát triển ngày càng mạnh hơn. Rồi như một hệ quả tất yếu, càng tham lam, sân hận thì chúng ta lại càng si mê hơn nữa!

 

Cái vòng luẩn quẩn này sẽ chẳng bao giờ có thể bị phá vỡ, trừ khi chúng ta có được một nỗ lực tự thân để khai mở trí tuệ, đẩy lùi sự si mê. Sự học hỏi giúp ta làm được điều đó, bởi vì nó mang lại những hiểu biết, tri thức cần thiết để chúng ta có thể nhận ra vấn đề và biết được là cần phải làm những gì.

 

Vì thế, tuy là yếu tố độc hại được kể ra cuối cùng, nhưng si mê có thể xem là mấu chốt quan trọng nhất trong cả ba yếu tố. Mối tương quan sinh khởi như vừa phân tích trên cho thấy rằng, nếu không đẩy lùi được sự si mê thì sẽ chẳng bao giờ có thể mở ra khả năng nhận biết và trừ bỏ được các yếu tố tham lam và sân hận. Ngược lại, khi đẩy lùi được sự si mê, ta sẽ có đủ sáng suốt để nhận ra sự tham lam và sân hận đang hiện hữu trong lòng mình, nhận biết được tác hại của chúng cũng như phương thức đối trị, và nhờ đó mà có thể tiếp tục tiến bước trên con đường hướng thượng.

 

Ba yếu tố độc hại vừa kể trên có thể xem là sự thâu tóm một cách khái quát nhất các nguyên nhân sinh khởi của mọi điều ác. Vì thế, trong kinh Phật dạy rằng: “Nếu không có tham, sân, si thì gọi đó là trí huệ.” (Nhược vô tham sân si, thị danh vi trí huệ.)

 

Nguyên Minh


» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch