Chuyện đạo đời
Hãy sống với con người chân thật
11/01/2014 12:22 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 Dù khoa học, y học có nhiều tiến bộ vượt bực, tiện nghi vật chất dẫy đầy, nhưng vẫn không sao làm cho con người thật sự có được an vui, hạnh phúc vững bền, không bệnh và hết khổ, có khi sự tiến bộ của khoa học chừng nào thì sự huỷ diệt lại đến với nhân lọai càng nhanh chừng nấy.

Đức Phật dạy:” Nhân thân nan đắc, …” nghĩa là sinh được làm thân người là khó…, và khi mới vừa xuất hiện trên cõi trần nầy, Ngài cũng đã truyền đi một thông điệp khẳng định quyền nhân bản, chỉ có con người là hơn hết trong tất cả:” Người ta sinh ra trên đời, đầu đội trời, chân đạp đất, mỗi người là chúa tể của chính mình, quyết định vận mệnh của chính mình, mà không phải nghe theo mệnh lệnh của ai, hoặc vị thần linh hay siêu nhân nào khác”. Năng lực căn bản của con người là như vậy có thể dời núi, lấp biển, lên thiên đường, xuống địa ngục, thành Phật hay đọa lạc trong tam đồ, ác đạo cũng đều do ta tạo ra cả.

Nếu ai ai cũng phát huy được năng lực nầy để hiểu rồi thương yêu nhau và tu hướng thượng thì cõi Ta bà sẽ trở thành Tịnh độ! Nhưng hiện nay chiến tranh vẫn còn đang tiếp diễn, môi trường ô nhiễm, hệ sinh thái biến động, sự điêu linh thống khổ và hủy diệt của muôn loài cũng còn đang hiện diện, lòng ngưòi vẫn còn khủng hoảng, thế sự vẫn còn lắm nhiễu nhương! Dù khoa học, y học có nhiều tiến bộ vượt bực, tiện nghi vật chất dẫy đầy, nhưng vẫn không sao làm cho con người thật sự có được an vui, hạnh phúc vững bền, không bệnh và hết khổ, có khi sự tiến bộ của khoa học chừng nào thì sự huỷ diệt lại đến với nhân lọai càng nhanh chừng nấy. Tất cả những vấn đề như vậy là do sống không chân thật với nhau, sống với bản ngã thấp hèn, nhiều ái dục, đầy vô minh của con người gây tạo ra cả. Đức Phật đã thấy rõ và có dạy trong Tương Ưng bộ Kinh rằng: Có 4 hạng người :

1._ Không có ai hỏi cái Tốt của mình mà cứ nói huống là có hỏi

2._ Có ai hỏi đến cái Tốt của người cũng chỉ nói bập bẹ, nói ngập ngừng huống là chẳng hỏi

3._ Không ai hỏi đến cái Xấu của người mà cứ nói huống là có hỏi

4._ Có ai hỏi đến cái Xấu của mình thì che dấu, huống là không hỏi

pb

Đúng thế, tâm lý thường tình của con người là như vậy, chỉ biết lo chạy theo vật chất bên ngoài, hướng ngoại tìm cầu, để rồi quên đi nhân tính và bản tính hằng thanh tịnh sẵn có của mình ở bên trong, nên chỉ biết lo nhìn ra để chỉ thấy lỗi người, che dấu lỗi mình, khoe khoang cái hay của mình che dấu cái hay của người, có lắm khi lại nêu cái xấu của người ra để che đậy cái xấu của mình, khiến gây thêm oan trái, ác duyên với người, biến thành bức tường kiên cố ngăn cách đạo giải thoát, khiến không tiến bộ và mãi trầm luân trong bể khổ. Nên nhớ cho rằng: “Lang thang làm kiếp phong trần, quê nhà ngày một muôn lần dặm xa”.

Thấy biết tận tường 4 chân lý: Khổ – Tập – Diệt – Đạo và thấy được 4 hạng người rõ ràng như vậy nên Đức Phật trong tất cả các bộ kinh đều nói rõ qua ” Bốn pháp ấn” đó là : Vô thường – Khổ – Không – Vô ngã và chỉ bày Phật tính trong mỗi chúng sanh. Muốn đạt được vô ngã để tỏ bày Phật tánh thì con người trước nhất phải “sống thật” phải phá tan “ngã chấp” bằng cách diệt trừ “Tâm lỗi lầm”: thấy lỗi người, che lỗi mình và hãy quên mình đi, để lo phục vụ cho muôn loài, sống đơn giản và “ít muốn, biết đủ” thì mới mong tiến vào cửa Đạo được. Lục Tổ có dạy:” Người thật tâm tu hành thì đừng bao giờ thấy lỗi thế gian, các việc muốn không ngại thường phải thấy lỗi mình, như thế mới hợp với Đạo”. Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng đã dạy” Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” nghĩa là tự soi rọi lại lòng mình đó là nhiệm vụ chính, không theo ở ngoài mà được.

Cho nên người thế gian muốn hướng lên Thánh thiện và người Phật tử muốn thành Phật thì phải luôn xoay lại với chính mình, tự kiểm điểm xét soi lại những lỗi lầm khi tâm niệm vừa mới dấy khởi, phải hằng tĩnh thức. Được như vậy thì “Chân nhân ” hiển lộ, con đường tiến đến giải thoát, giác ngộ không khó, an vui, tự tại, lợi ích vô vàn. Nếu một người mà trở nên được như thế thì sẽ không có thời gian để nghĩ đến lỗi người, làm gì có mang phiền não vào lòng để rồi sinh Tâm kiêu mạn tạo nhiều ác nghiệp, khiến mình buồn khổ và tạo cho những người chung quanh phải chịu ảnh hưởng theo.

Hãy “sống với con người thật” của mình để được tự nhiên thoả mái, không có lo ngại với tha nhân  và luôn “tuệ tri” những gì hiện đến với thân tâm ta, không cho lục căn đắm nhiễm lục trần, là ta đã đi vào lối đạo và từng bước đã thoát khổ, chứng Đạo và mãi mãi an vui, như vậy mới đúng là người Tu theo Phật, nếu không sẽ cô phụ với chính mình và lòng từ của Đức Phật cũng như sự kỳ vọng của nhiều người thân, uổng phí một kiếp ngưòi, mất thân người rồi khó mà tìm lại được, như con rùa mù tìm bộng cây giữa biển cả mênh mông mà trong kinh Pháp Hoa Đức Phật đã ẩn dụ.

Thích Viên Thành

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch