Chùa Vĩnh Nghiêm

Một người bà hết mình vì con trẻ

Khi hỏi lý do vì sao Bà lại yêu trẻ em đến như vậy, Bà cúi mình trầm ngâm nghẹn ngào trả lời: “Tất cả chỉ vì tình thương. Trẻ em trên thành phố, một gói kẹo, một hộp bánh không là gì. Nhưng với trẻ em vùng sâu, vùng xa, một gói quà trị giá năm ngàn đồng cũng vô cùng quí hiếm đối với chúng…”

Khi hỏi lý do vì sao Bà lại yêu trẻ em đến như vậy, Bà cúi mình trầm ngâm nghẹn ngào trả lời: “Tất cả chỉ vì tình thương. Trẻ em trên thành phố, một gói kẹo, một hộp bánh không là gì. Nhưng với trẻ em vùng sâu, vùng xa, một gói quà trị giá năm ngàn đồng cũng vô cùng quí hiếm đối với chúng…”

Bài viết nhân dịp ngày phụ nữ Việt Nam20 tháng10

Thầy Thích Thiện Hữu -Giác Hạnh Hoa

Không biết từ khi nào Bà đã như thế. Bà thường không nói về mình và cũng rất ít ai cho quay phim, chụp hình hay phỏng vấn. Bà không nhớ và cũng không biết đã thực hiện bao nhiêu chuyến từ thiện, nhưng lại nhớ rất kỹ nơi nào đang cần sự trợ giúp của Bà.

2010.jpg

Đến với Quỹ Từ Thiện Đạo Phật Ngày Nay như một nhân duyên thù thắng nhiệm mầu. Nhân thân của Bà cho đến giờ phút này ít ai biết đến, nhưng tấm lòng và sự quan tâm của Bà đối với việc từ thiện, đặc biệt là: người mù, người bị bệnh cùi hủi, người từ nơi khác tới thành phố lập nghiệp thì mọi người đều biết. Hơn nữa, Bà còn tự nêu phương châm cho chính mình bằng hành động hết sức quan tâm đến học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng sâu, vùng xa.

Tuy đã đến tuổi xế chiều, nhưng Bà chưa bao giờ nói tiếng mệt mỏi hay từ chối đối với những công việc từ thiện. Dù trên bảy mươi tuổi, nhưng Bà vẫn đứng đi nhanh nhẹn, khỏe mạnh không thua một cô thiếu nữ nào. Những năm tháng gần đây, Bà dành thời gian đi vào những siêu thị hay đến các công ty xuất khẩu quần áo may sẵn, tìm mua và chọn lựa từng mầu sắc phù hợp với trẻ em. Sau đó sắp xếp di chuyển hàng hóa đến tận nơi mà Bà muốn sẻ chia. Ngoài những bộ áo quần tươm tất, Bà còn cưu mang và trao tặng cho các em những suất học bổng, sách vở, tập viết, nón đội và dầy dép…

Khi hỏi lý do vì sao Bà lại yêu trẻ em đến như vậy, Bà cúi mình trầm ngâm nghẹn ngào trả lời: “Tất cả chỉ vì tình thương. Trẻ em trên thành phố, một gói kẹo, một hộp bánh không là gì. Nhưng với trẻ em vùng sâu, vùng xa, một gói quà trị giá năm ngàn đồng cũng vô cùng quí hiếm đối với chúng…”

Quả thật! Khi có nhân duyên cùng với Bà trong nhiều chuyến về tận vùng sâu vùng xa, tôi mới thấy lời nói và việc làm của Bà đi đôi với nhau. Ôi, hình ảnh một người lớn tuổi lẽ ra phải ngơi nghỉ sau bao năm dựng xây gia đình hạnh phúc, đóng góp tâm huyết cho xã hội phồn vinh, và tận tụy với công việc khi tổ chức giao phó. Tuổi của Bà đáng lý phải được cháu con cung phụng, phải được xã hội tôn vinh, phải được bạn bè quý mến. Nhưng Bà đã từ chối tất cả những đặc ân đó. Bà đã mạnh dạn từ bỏ những vinh hoa như phù du hư ảo, xa lánh những danh thơm của thế trần như nước trôi qua cầu, để tiếp tục thân hành độ hóa, đêm ngày đi khắp vùng Sông nước hay Tây nguyên để thực hiện con đường Bồ tát đạo.

Chính mắt tôi thấy rõ, Bà đã tận tay nâng niu từng chiếc áo mặc cho các em, như nâng niu chiếc áo cuới cô dâu trong ngày lên xe hoa xuất giá. Bà đã thân hành mang đến cho các em từng cuốn tập, hộp sữa, như chính mình dâng lên đấng Từ tôn trọn vẹn tâm lòng thành. Lén nhìn gương mặt Bà, tôi thấy Bà đang tươi cười rạng rỡ như những nụ cười tinh khôi thơ ngây của tuổi học trò. Phải chăng, chính nụ cười hoan hỷ không vụ lợi, không ngã-nhân, không toan tính đã tô thêm nét đẹp lão của Bà, để mọi người trong đoàn cứ ngỡ đang tiếp xúc với Cô Tiên trong truyện cổ tích Việt nam.

Tuy ở tuổi ‘thất thập cổ lai hi’nhưng Bà lúc nào cũng lạc quan yêu đời, nói năng hòa nhã với mọi người mọi tầng lớp. Nhất là gần đây, sau chuyến đi mấy ngày liền ở Kon-Tum, trong đoàn từ thiện Bà là người nhiều tuổi nhất. Quý Thầy và mấy anh chị ai cũng quan tâm lo ngại cho sức khỏe của Bà. Đi đường xa, làm việc nhiều, ai cũng vất vả thấm mệt, vậy mà Bà chẳng biết mệt nhọc là gì. Sau chuyến đi, mọi người bái phục sát đất.

Có lẽ, khi được đích thân trao cho các em nơi đây những tấm áo mới, khi tận mắt nhìn thấy các em cầm trên tay những cuốn tập còn thơm mùi giấy, là niềm vui khôn tả để Bà quên cả mỏi mệt của tuổi già?

Thường thường, sau mỗi chuyến đi, trên đường trở về thành phố, tôi thấy ánh mắt Bà chan chứa nỗi buồn, gương mặt Bà lộ rõ nét ưu tư sầu vương. Hình như Bà vẫn chưa thỏa mãn với những việc mình đang làm. Hình như Bà vẫn thấy nơi mình còn nhiều trách nhiệm với người nghèo, với trẻ em, với người khuyết tật-những thành phần đang cần tình thương, đang cần sự ưu ái quan tâm, đang cần trái tim bao dung từ ái của Bà và những nhà hảo tâm khác!

Bà có một căn biệt thự, được dựng xây trước khi mặt bằng cả khu này được nâng cao. Giờ mỗi khi mưa lớn trở về, Bà phải dùng máy bơm, bơm nước ra rất cực nhọc. Tôi hỏi tại sao Bà không cho nâng nền cao để nước mưa khỏi vào và đỡ mất thời gian. Bà bảo: “Ở vậy được rồi, để tiền đi làm từ thiện tốt hơn. Sống lãng phí như tự đốt phước của mình vậy”.

Nghe Bà nói câu này, tôi tự thấy hỗ thẹn vì chưa từng nghĩ được như vậy. Tâm trí của tôi suy nghĩ mênh mang, liên tưởng đến những cặp vợ chồng già thời hiện đại, hay tổ chức ‘lễ hấp hôn’ thật hoành tráng, chi phí có khi lên đến 60 tỷ đồng. Nếu có cùng dòng suy nghĩ và trái tim từ thiện như Bà thì có biết bao con người thoát khỏi được cảnh chiếu đất màn trời, thoát khỏi được những năm tháng nhọc nhằn vất vả với chén cơm manh áo, thoát khỏi những bẫn chật của học phí đến trường. Quả thật, so sánh hai việc làm này, mọi người có thể suy nghĩ thêm về bài học nhân bản, về giá trị đạo đức và về lối sống ấm áp tình người!

Khi chúng tôi có ý định ghi lại một chút dấu ấn về công việc và công hạnh của Bà đang làm, Bà đã khéo léo cản ngăn và nói: “Viết về tôi làm gì. Chị hãy viết làm sao cho nhiều người ngoài xã hội hiểu tận tường về cái nghèo của trẻ em vùng sâu vùng xa. Qua đó có thể gởi một thông điệp tình thương cho mọi người để cùng nhau mang yêu thương đến đó. Tội nghiệp các em lắm, nghĩ tới mà thương chúng nó quá chừng!”

Còn nữa, ngay cái tên của Bà, Bà cũng không cho nhắc đến mà chỉ ghi tên hai đứa con trai của mình ghép lại trên bằng chứng nhận công đức mà thôi. Phải chăng Bà cũng đang gián tiếp giáo dục con mình, mở rộng vòng tay nhân ái cứu giúp tha nhân mà không cần chức vụ quyền hạn cũng như địa vị cao sang?

Ôi, tấm lòng thương yêu đùm bọc người nghèo, trẻ em cơ nhỡ thất học của Bà thật đáng trân quý làm sao!

Ôi, hình ảnh và những việc làm của Bà thật vô cùng ấn tượng và đẹp đẽ như bức tranh thủy mặc nhiều sắc màu được tôn trí ngay tại vườn hoa nhân loại!

Ôi, trái tim từ ái của Bà ít nhiều gì mang dáng dấp của trái tim Bồ tát Quán Thế Âm âm thầm dấn thân cứu đời không mệt mỏi!

Còn ở mức độ đời thường, trong tâm khảm của tôi, có lẽ Bà là một Cô Tiên trong ánh mắt thơ ngây, trong trái tim khiết bạch của trẻ em tại các vùng sâu vùng xa mỗi khi Bà đến.

Nếu xã hội có nhiều con người như Bà thì cuộc đời sẽ bớt đi những khổ đau bất hạnh. Ánh sáng trí tuệ sẽ thay thế màng vô minh dày đặc, niềm tin yêu sắc son vào việc thiện sẽ lớn dần trên bản đồ Việt nam và trên hành tinh này. Ước mong sao những con người như thế vẫn còn đang ẩn nấp nơi đâu, đã đến lúc trở lại nhân gian cùng nhau xua tan bóng tối lầm than!!!

 

Sài gòn tháng 10 năm 2014

Thầy Thích Thiện Hữu -Giác Hạnh Hoa
Nguồn: daophatngaynay.com

Nguồn: daophatngaynay.com


© 2005 -2024  Chùa Vĩnh Nghiêm | Homepage