Chùa Vĩnh Nghiêm

Lễ khởi công trùng tu tôn tạo chùa Hòa Bình Thượng (Báo Quốc Tự)

Sáng ngày 19 tháng 05 năm 2017, nhằm ngày 24 tháng 04 năm Đinh Dậu, tại chùa Hòa Bình Thượng (Báo Quốc Tự) – thôn Hòa Bình – xã Tân Tiến – huyện Văn Giang – tỉnh Hưng Yên đã trang nghiêm tổ chức lễ khởi công trùng tu tôn tạo chùa.




Chứng minh buổi lễ có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp – Phó Pháp chủ HĐCM TW GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS TW GHPGVN cùng quý chư tôn đức Phó chủ tịch HĐTS TW GHPGVN: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Hòa thượng Thích Gia Quang, Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Thượng tọa Thích Quảng Hà; Hòa thượng Thích Thanh Nhã – Ủy viên thường trực HĐTS kiêm Phó trưởng Ban nghi lễ TW GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Hiện - Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hưng Yên; Thượng tọa Thích Thanh Phong - Ủy viên thường trực kiêm Trưởng Ban tài chính kinh tế TW GHPGVN cùng chư tôn đức Tăng Ni trong HĐTS TW GHPGVN, chư tôn đức Tăng Ni đến từ các chùa, tự viện đã về tham dự buổi lễ.
Về phía chính quyền có: Ông Lê Thanh Ngọc – Nguyên giám đốc Sở tài chính Hưng Yên; Ông Lê Văn Dũng – Nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Giang; cùng sự hiện diện của đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử địa phương.

  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  

Mở đầu chương trình là lời phát biểu khai mạc của ông Lê Văn Hựu – Trưởng thôn Hòa Bình Thượng, Phó ban tổ chức buổi lễ.
Được biết, Chùa Báo Quốc là một ngôi chùa cổ được khởi dựng từ rất lâu đời, chùa có lịch sử gắn liền với lịch sử ra đời của thôn Hòa Bình Thượng. Ngoài chức năng chính là nơi tôn nghiêm thờ Phật, chùa còn phối thờ thần Kim Quy – vị thần có công giúp An Dương Vương gây dựng thành Cổ Loa, chống giặc ngoại xâm. Qua mấy trăm năm, kể từ khi khởi dựng, chùa đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Đến nay, chùa còn giữ được giữ được nhiều cổ vật như bia đá, khánh đá thời Hậu Lê và nhiều cổ vật rất có giá trị. Năm 2013, quần thể di tích Đình, chùa Hòa Bình Thượng đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trải qua biến thiên của lịch sử và sự phong hóa của thời gian, hiện nay chùa đã bị xuống cấp, một số hạng mục công trình có nguy cơ gây mất an toàn trong sử dụng. Do vậy sư cô trụ trì Thích Nữ Diệu Huyền và Phật tử cùng cán bộ địa phương có nguyện vọng trùng tu tôn tạo lại ngôi chùa để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân địa phương.

  
  
  
  
  

Tại buổi lễ, ban tổ chức đã được đón nhận những lẵng hoa tươi thắm chúc mừng của quý chư tôn đức trong HĐTS TW GHPGVN, chư tôn đức đại diện BTS các tỉnh thành và chư tôn đức các chùa lân cận.

  
  
  
  
  
  
  
  
  

Sau đó, ông Đàm Quang Trung đã thay mặt Ban quản lý di tích trình bày đề án trùng tu tôn tạo chùa Báo Quốc.

  
  
  

Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng đã có lời đạo từ bày tỏ niềm hoan hỷ bởi lẽ trong không khí dư âm của toàn thể Phật giáo đồ trên toàn thế giới vừa long trọng kỉ niệm lần thứ 2641 năm ngày Khánh đản của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni - người sáng lập ra Phật giáo và trong không khí đặc biệt tại buổi lễ này lại tổ chức đúng ngày 19/5 - ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vị cha già kính yêu của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Hơn nữa, đây cũng là một buổi lễ hiếm có, bởi chư tôn đức từ Đức Phó Pháp Chủ cho tới các vị Phó chủ tịch HĐTS của TW GHPGVN, các vị trong BTS các tỉnh thành từ miền Nam cho tới miền Bắc đều về đây đồng tâm hiệp lực cầu nguyện và trợ giúp cho công việc Phật sự trọng đại lần này của ngôi Báo Quốc Tự. Bên cạnh đó, thời tiết lại vô cùng mát mẻ thuận lòng người. Tất cả những điều này chính là nhân duyên tốt "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" cho việc khởi công động thổ ngôi Báo Quốc Tự lần này. 
Sau đó, Hòa thượng cũng đã nêu lên tầm quan trọng và sự gắn bó mật thiết của ngôi chùa trong đời sống của người dân Việt từ xa xưa tới nay. Chính vì sự quan trọng của ngôi chùa, cho nên từ vua chúa cho đến người dân đều dựng chùa, chùa ở trong nhân dân mà như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xếp lại là 3 hạng chùa: Quốc Tự, Quan Tự và Dân Tự. Quốc Tự là ngôi chùa do chính các bậc vua chúa làm nên, Quan Tự là các vị con em trong địa phương khi ra làm việc nước nhờ bổng lộc nhưng có lòng tín kính tin Tam Bảo dựng lên ngôi chùa. Đặc biệt nhất vẫn là Dân Tự - là ngôi làng nào cũng dựng chùa, dù là nơi đông hay ít dân cư, dù làng giàu hay nghèo, to hay nhỏ đều dựng chùa ở nơi có thế đất đẹp nhất trong làng.
Ngôi chùa Hòa Bình Thượng không nằm ngoài ý nghĩa đó. Ông cha ta dựng chùa nhưng bao giờ cũng có 2 cách đặt tên, thứ nhất là tên húy của chùa, thứ hai là tên của làng. Thông thường các chùa ở miền Bắc thì chùa nào cũng đều gọi theo tên làng. Tên húy được chọn bởi chính các bậc Tổ sư thời xưa khi dựng chùa nhằm mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Chùa Hòa Bình Thượng nằm trên đất thôn Hòa Bình Thượng, nhưng tên húy "Báo Quốc Tự" chính là bảo về đất nước, bảo vệ sự sống cho cộng đồng, cho nên ở đây thuộc về xứ Kinh Bắc gắn liền với vị vua An Dương Vương và các vua Hùng dựng nước. Hai chữ "Báo Quốc" là một trong tứ trọng ân của mỗi người con Phật, chính là ơn quốc gia xã hội.
Qua đó, Hòa thượng mong rằng, với sự trợ duyên của nhân dân Phật tử, các mạnh thường quân, sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, ngôi chùa sẽ được hoàn thiện thật trang nghiêm, là nơi quy ngưỡng tâm linh của không chỉ của thôn Hòa Bình Thượng nói riêng mà còn là của tỉnh Hưng Yên nói chung, đưa Phật giáo tỉnh nhà ngày càng phát triển.

  
  
  
  
  

Sau lời đạo từ đầy ý nghĩa của Hòa thượng Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN, Ban tổ chức càng thêm hoan hỷ khi được đón nhận những phần tịnh tài đóng góp xây dựng chốn già lam của chính những vị mạnh thường quân là người con của quê hương Hưng Yên nơi đây.  

  
  
  
  
  

Cuối buổi lễ, sau lời phát biểu cảm tạ của sư cô trụ trì Thích Nữ Diệu Huyền, chư tôn đức và toàn thể đại chúng đã làm lễ niêm hương bạch Phật, trì chú và thực hiện nghi thức động thổ khép lại buổi lễ thành tựu viên mãn trong niềm hỷ lạc vô biên của những người con Phật. Hi vọng, trong tương lai không xa, ngôi Báo Quốc Tự này sẽ là một chốn già lam trang nghiêm, tố hảo, đáp ứng được trọn vẹn nhu cầu tu tập, sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của không chỉ người dân địa phương nơi đây mà còn là nơi quy tụ của nhân dân tín đồ Phật tử tỉnh Hưng Yên và các vùng lân cận về tu học, nương tựa Tam Bảo sống đời tỉnh thức.

  
  
  
  
  
  
  
  
  
  


© 2005 -2024  Chùa Vĩnh Nghiêm | Homepage