Chùa Vĩnh Nghiêm

Ảnh hưởng giáo lý Phật giáo qua ca dao - tục ngữ

Dấu ấn Phật giáo thể hiện trong ca dao - tục ngữ bao gồm những đặc trưng mang màu sắc Phật giáo như: vấn đề ăn chay, quan niệm về luân hồi và kiếp sau, quan niệm về chữ “duyên”, quan niệm về Phật và ma, quan niệm về sự tu hành.

 Dấu ấn Phật giáo thể hiện trong ca dao - tục ngữ bao gồm những đặc trưng mang màu sắc Phật giáo như: vấn đề ăn chay, quan niệm về luân hồi và kiếp sau, quan niệm về chữ “duyên”, quan niệm về Phật và ma, quan niệm về sự tu hành.
1. Đặt vấn đề
 
Trải qua hơn 2000 năm du nhập và phát triển, Phật giáo đã có sự ảnh hưởng sâu rộng trong các lĩnh vực của đời sống, trong đó có nền văn hóa, văn học dân gian người Việt. Một bộ phận của nền văn học ấy là ca dao - tục ngữ đã thấm đượm tinh thần từ bi của nhà Phật, về giáo lý nhân quả, quan niệm về chữ “duyên”, về hạnh phúc khổ đau cùng lối suy nghĩ trọng cái tâm – cái thực chất thuần khiết bên trong hơn là những hình thức thể hiện bên ngoài. những câu ca dao - tục ngữ này không chỉ làm phong phú thêm kho tàng văn học dân gian nước nhà mà còn là một trong những cách truyền bá giáo lý đạo Phật hiệu quả, dễ thẩm thấu đối với đại đa số bộ phận người bình dân, qua đó Phật giáo ngày càng hòa quyện với văn hóa dân tộc, góp phần làm lợi lạc cho đạo và cho đời.
 
2. Ảnh hưởng giáo lý Phật giáo qua ca dao - tục ngữ
 
Phản ánh thuyết nhân quả 

Học thuyết nhân quả của Phật giáo đã được người Việt tiếp nhận theo tư duy nhân quả. nỗ lực làm những hành động thiện lành sẽ thu được kết quả tốt đẹp về sau, còn làm những chuyện xấu xa độc ác thì chắc chắn sẽ gặp chuyện không may mắn. Sự biểu hiện quan niệm này được tìm thấy rộng khắp trong tục ngữ, ca dao. chẳng hạn, về tục ngữ có những câu:
 
- Ở hậu gặp hậu, ở bạc gặp bạc.
- Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ.
- Ác giả ác báo, hại nhân nhân hại.
- Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai.
- Ai ăn mặn nấy khát nước.
- Ai ăn trầu thì nấy đỏ môi.
- Cấy ác thì gặt ác.
- Gieo gió, gặt bão.
- Làm phúc được phúc, làm ơn được ơn.
 
Quan  niệm “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ” cũng được diễn giải chi tiết hơn qua ca dao:
 
Ở hiền thì lại gặp lành
Những người nhân đức trời dành phúc cho.
Ở hiền thì lại gặp lành
Nhược bằng ở dữ, tan tành cái con.
Ở hiền thì lại gặp lành
Ở ác gặp dữ tan tành như tro.
Ở hiền thì lại gặp lành,
Hễ ai ở ác tội dành vào thân.
Cadaotucngubagtranha (1).jpg
Ở đây ta thấy không hề có sự hiện diện của yếu tố nhân duyên như quy luật nhân - duyên - nhân - quả của giáo lý đạo Phật. Từ nhân đến quả phải có đủ duyên thì sự việc mới xảy ra, nhưng trong ca dao - tục ngữ người Việt đã đi thẳng vào tiến trình nhân - quả như một hệ quả.
 
Điều này phản ánh tâm thức tôn giáo người Việt không hề thiên về những yếu tố siêu hình, những giáo lý cao siêu mang tính học thuật mà chủ yếu tiếp nhận những bài học giáo lý đã được đơn giản hóa, dễ thuộc, dễ nhớ và dễ áp dụng vào cuộc sống.
 
Quan niệm về hạnh phúc và khổ đau trong kiếp sống nhân sinh

Quan niệm về chữ “phúc” của người Việt thiên về suy nghĩ những ai có phúc sẽ có được cuộc sống thuận lợi và dễ dàng hơn, còn người nào không có phúc hoặc không đủ phúc thì mọi việc trong đời người đó sẽ gặp nhiều trắc trở, thất bại, không đạt được nhiều thành tựu.
 
- Có phúc có phần, vô phúc vô phần.
- Có phúc thì hóa, vô phúc thì đọa.
- Có phúc thì mới có phần
- Người nào vô phúc sạch không lầu lầu.
 
Vì phần đông con người chúng ta thường có khuynh hướng đồng nhất hạnh phúc với sự giàu sang và sung túc, nên tập trung gieo cái nhân làm phúc cũng chỉ để hướng đến cái quả là được giàu.
 
Có thể bắt gặp điều này trong một số câu tục ngữ mang ảnh hưởng Phật giáo, khi thuyết nhân quả của nhà Phật đã được người dân ứng dụng vào cuộc sống một cách trực tiếp và giản đơn:
 
- Làm phúc cũng như được giàu/Làm phúc như làm giàu.
 
Tuy vậy, hạnh phúc trong cõi đời này không phải là cái tồn tại vĩnh hằng, nó vô thường, tạm bợ:
 
- Phú quý như phù vân.
 
Có lúc đứng trên đỉnh vinh quang, nhưng cũng có ngày rớt xuống vực thẳm. Vinh và nhục, giàu và nghèo, sang và hèn, phúc và họa thay nhau xoay vần con người trong cõi tạm, có đó rồi mất đó, khiến đôi lúc họ cũng phải thốt lên một câu ai oán cho kiếp sống nhân sinh nhiều trắc trở không lường trước được:
 
Cuộc đời như cảnh phù du,
Sớm còn tối mất, công phu nhọc nhằn.
Họ nhận ra cái lẽ của cuộc đời như một chu kỳ xoay chuyển luân hồi, có lên cao thì có xuống thấp, có khi thịnh vượng thì cũng có lúc suy tàn, mang đậm triết lý nhân sinh của nhà Phật: “Hữu thạnh hữu suy”.
 
Nỗi đau khổ của con người hiện diện ngay chính lúc họ đã tái sinh trong cuộc đời này, mang thân của một chúng sinh cùng với nghiệp báo riêng của mỗi người. Quan niệm của đạo Phật hễ có thân là có nỗi khổ hiện hữu cũng đã được thể hiện qua một số câu tục ngữ:
 
- Có thân có khổ.
- Có thân phải khổ về thân.
 
Và để giảm bớt nỗi khổ đau cho chúng sinh, “thiểu dục tri túc” cũng là một trong những phương pháp cần được thực tập thường xuyên.
 
- Tham thì thâm, Phật đã bảo thầm rằng chớ có tham.
 
Tham đắm vật dục đưa lại những phiền não vô tận. Khi khởi tâm tham muốn sẽ nảy sinh nỗi thèm khát, dằn vặt, tìm mọi cách để có được cái mình muốn, đôi khi bất chấp đạo đức. nếu đã như vậy mà vẫn không đạt được mục đích thì sẽ sinh tâm sân hận.
 
Mối quan hệ nhân - quả “tham thì thâm” nếu chưa thể hiện ra cái quả xấu khi chúng sinh có hành động bất chính thì cũng thể hiện cái quả báo hiện tiền là tinh thần luôn bất an, bức bối, không có lấy một phút giây thanh thản, an lạc.

Tinh thần từ bi của nhà Phật

Sự từ bi của những người con nhà Phật nằm ở chỗ luôn mở lòng với tất cả chúng sinh, ngay cả với những người từng hiềm khích, hãm hại, ganh ghét ta, gây cho ta nỗi khó chịu bực dọc - những người được cho là có ân oán nợ nần với ta trong vô lượng kiếp, thường được gọi nôm na là “oan gia”. Phật dạy:
 
Hận thù diệt hận thù 
Điều này không có được, 
Từ bi diệt hận thù
Là định luật ngàn thu.
(Kinh Pháp Cú 5) 

Khi quan niệm này đi vào trong tục ngữ, nó vẫn mang đậm tinh thần từ bi của Phật giáo: “Oan gia nên mở không nên kết”. bên cạnh đó, tấm lòng thương yêu chúng sinh đến quên bản thân mình cũng là một cách thể hiện triết lý Vô ngã của người con Phật.

Ở đời thà chịu thiệt mình
Chớ đừng tàn hiếp vì ta hại người.
Chấp nhận thiệt thòi về phía bản thân chứ không “ăn miếng trả miếng”, không vì cái lợi hay danh dự bản thân mà làm chuyện tổn hại cho người chính là một nét đáng quý trong nhân cách người phật tử.
 
Những  quan  niệm  về  lối  sống  đúng  với  chữ “tâm” trong đạo Phật

- Phật tại Tâm.
- Chân Tâm tức Phật.
 
Đạo Phật quan trọng chữ “tâm” cái thực thể tinh thần thuần khiết bên trong chứ không phải cái hình thức tu hành hào nhoáng bên ngoài. ai có thể sống được với chân tâm trong sáng, giác ngộ hằng hữu của mình, người đó chính là Phật.
 
Nghĩ như Phật, nói như Phật, hành động cũng như Phật, thì mới đích thực là Phật. còn những ai “Khẩu xà tâm Phật” hoặc tệ hơn là “Khẩu Phật tâm xà” thì vẫn chỉ là những “phàm phu”, những “chúng sinh” còn nặng nghiệp, còn rất nhiều khiếm khuyết phải chỉnh sửa mới có thể tiến bước trên con đường tu hành làm lợi lạc cho chính bản thân và cuộc đời. bởi vì trọng cái “tâm” như vậy nên dân gian mới có câu: “Chiếc áo không làm nên thầy tu” và trong ca dao - tục ngữ mới có lời phê phán đến những kẻ chỉ chăm chăm tu hành hời hợt ngoài mặt, chỉ lo thể hiện để lấy danh mà không soi xét lại những bất ổn trong tâm địa và cách sống của chính mình:
 
Ở ăn chẳng lành, đọc kinh phải tội.
Dẫu bà lắm gạo nhiều tiền
Bà chẳng ở hiền cúng cũng như không.
 
Mặt khác, đạo Phật cũng chỉ ra rằng trong mỗi chúng sinh có sẵn khả năng giác ngộ, chính là: Trong nhà sẵn báu thôi tìm kiếm Đối cảnh vô tâm, hỏi chi thiền? - (Cư trần lạc đạo - Trần Nhân Tông) 

Viên minh châu trong chéo áo của kẻ cùng tử - một ẩn dụ trong kinh Pháp Hoa chỉ ra rằng chúng sinh và Phật bình đẳng như nhau ở bản chất thanh tịnh và khả năng giác ngộ sẵn có, có điều Phật thì sống với viên minh châu - chân tâm đó, còn chúng sinh thì bị vọng tưởng lôi kéo đến nỗi không nhận ra được tính giác nơi mình. Ta có thể bắt gặp ẩn ý của giáo lý cao siêu và mầu nhiệm ấy qua câu tục ngữ: “Bụt trong nhà chẳng thiêng, cầu Thích Ca ngoài đường”.
 
Trong dân gian, nó thường được hiểu giản đơn là thói quen đi cầu cạnh người ngoài mà coi thường và bỏ quên người nhà, người quen của mình. Dù sao, quay lại với chính nội tâm và những gì thân quen với  chúng ta, bắt đầu tu từ những thứ nhỏ nhặt xung quanh mình cũng là một cách tu thiết thực, hơn là rong ruổi tìm cầu những ảo vọng bên ngoài.
 
Ảnh hưởng của một số đặc trưng khác của Phật giáo trong ca dao - tục ngữ

Dấu ấn Phật giáo thể hiện trong ca dao - tục ngữ bao gồm những đặc trưng mang màu sắc Phật giáo như: vấn đề ăn chay, quan niệm về luân hồi và kiếp sau, quan niệm về chữ “duyên”, quan niệm về Phật và ma, quan niệm về sự tu hành.
 
Về quan niệm luân hồi - kiếp sau, có một số câu ca dao - tục ngữ sau:
Ai ơi, hãy ở cho lành, kiếp này chẳng gặp để dành kiếp sau.
 
Làm ác kiếp sau chịu tội. Điều đó chứng tỏ giáo lý nhân quả và luân hồi đã cắm rễ sâu bền trong tâm trí người dân, với mục đích khuyên răn con người hãy nghĩ đến kiếp sau mà ngay cuộc sống hiện đời này hãy ăn ở cho thiện lành, tránh làm việc ác, tức là hành động theo tinh thần “ẩn ác dương thiện” của nhà Phật mới có thể hướng đến một quả báo tốt đẹp về sau. mặt khác, trong vòng luân hồi bất tận này, nhân quả không hề sai chạy. nếu một người đã gây nhân ác thì chắc chắn trong thể tránh khỏi quả báo xấu. Đôi khi chưa kịp trả quả đã gây thêm nhiều nghiệp và cứ phải tái sinh để trả món nợ ân oán, gây nên cảnh: “Oan oan tương báo”.
 
Trên cơ sở đó, gặp gỡ nhiều người, có nhiều vợ hay nhân tình chưa chắc là một điều hạnh phúc, khi mà những người ấy có thể là oan gia nhiều đời nhiều kiếp với chúng ta:
 
Lắm nhân duyên, nhiều điều phiền não.
Lắm vợ nhiều oan gia.
hanh-phuc.jpg
Về luật lệ ăn chay trong nhà Phật (nhất là đối với Phật giáo Bắc truyền) cũng có một số ảnh hưởng nhất định và rộng rãi đối với người dân, ví dụ tập tục ăn chay vào các ngày rằm, mùng một, một số ngày vía, ăn chay kỳ hay chay trường. riêng đối với tục ngữ có câu: “Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối”. Dĩ nhiên ăn mặn - ăn chay và nói ngay - nói dối không liên hệ nhiều đến nhau, chúng tôi cho rằng đó chỉ là một cách nói cho có vần với ý nghĩa đề cao sự trung thực, nhưng dù sao nó cũng thể hiện sức ảnh hưởng nhất định của đạo Phật trong tâm thức dân gian. 

Đối với quan niệm về chữ “duyên”, giáo lý nhà Phật cho rằng vạn vật trên thế giới hiện tượng này đều hình thành và vận động trên nguyên tắc “muôn trùng duyên khởi”, nghĩa là các nhân duyên dày đặc sắp xếp cho mọi thứ diễn ra theo đúng nhân - quả của nó. 

Đạo Phật xem trọng nhân duyên. Phật là bậc giác ngộ vĩ đại với đạo lực không thể nghĩ bàn và lòng từ bi rộng lớn sâu thẳm, nhưng Phật cũng có “tam bất năng”:
 
1. Bất năng tức diệt định nghiệp. (Không thể ngay lập tức diệt được định nghiệp)
 
2. Bất năng hóa độ vô duyên chúng sanh. (Không thể hóa độ chúng sanh không có duyên với Phật)
 
3. Bắt năng độ tận chúng sanh giới. (Dù Phật có thể độ vô số chúng sanh nhưng cũng không thể độ tận hết toàn bộ thế giới chúng sanh)
 
Trong tục ngữ người Việt cũng nhắc đến yếu tố nhân duyên hóa độ chúng  sanh này: “Phật thường độ hữu duyên”.
 
Bên cạnh đó, điều quan trọng đối với một nhà sư đi hoằng pháp là khả năng thích nghi linh hoạt để giáo hóa chúng sinh. cái hành xử rất “duyên” của một vị “sứ giả Như Lai” chính là vậy: “Đáo xứ tùy duyên”.
 
Nhưng một điều cần lưu ý, rằng cái “tùy duyên” của đạo Phật là “tùy duyên bất biến” chứ không phải nhu nhược để chúng sinh sai sử rồi đánh mất sơ tâm và ý nguyện ban đầu của mình, tùy duyên đến nỗi đánh mất chính mình và hòa tan hoàn toàn thì không phải cái “tùy duyên” sáng suốt và có trí tuệ trong nhà Phật.
 
Về quan niệm Phật - ma, dấu ấn của hai hình ảnh đối lập này thể hiện trong một số câu tục ngữ như: “Phật không thèm ăn mày ma” thường được dùng với ý chỉ người cao sang không cầu cạnh người hèn kém. Hoặc: “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” dùng để chỉ khả năng thích nghi linh hoạt đối với từng đối tượng hoặc hoàn cảnh, nhưng đồng thời cũng chỉ ra 2 hình ảnh cho 2 mặt đối lập: thánh thiện - quỷ quyệt, thiện - ác, tốt - xấu. 

Hình ảnh đạo Phật nói chung và Đức Phật nói riêng đã trở thành biểu tượng của cái thiện và cái tuệ toàn bích trong văn hóa Việt nam. bên cạnh đó, câu tục ngữ: “Đạo cao năm thước thì ma cao một trượng” có  điểm tương đồng rất lớn với câu nói: “Phật cao một thước, ma cao một trượng” trong nhà Phật nhằm cảnh báo rằng những vọng tưởng xấu ác, nghiệp lực sâu  dày, các thế lực nội ma, ngoại ma thường xuyên quấy phá người tu hành để cản trở họ trên bước đường tìm đến sự giác ngộ.
 
Quan điểm này được biến thể trong câu tục ngữ “đạo cao năm thước thì ma cao một trượng” với ý chỉ những điều xấu xa thường có khuynh hướng lấn át những giá trị đạo đức tốt đẹp. Về vấn đề tu hành, ông bà ta xưa có câu: Lênh đênh qua cửa Thần Phù, Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm.
 
Thần Phù là cửa biển thuộc Thanh Hóa, thuyền bè qua lại nơi đây thường xuyên gặp nguy hiểm. Do vậy mới có quan niệm rằng đến cửa này những ai “khéo tu” thì sẽ thoát được, còn “vụng tu” thì sẽ gặp nạn. Dưới góc nhìn Phật giáo, khéo tu hay vụng tu chính là ở vấn đề nhân quả phước báu. những người từng làm việc thiện lành trong kiếp này hoặc các kiếp trước, tức đã sẵn có một phước báu nhất định hoặc được chư Thiên, thần thánh phù trợ để vượt qua được những hiểm nạn, họ luôn có lợi thế hơn những người không có hoặc có rất ít phước báu. câu tục ngữ này nêu lên một nhận định về cửa biển Thần Phù đầy nguy hiểm, nhưng đồng thời cũng phản ánh dấu ấn Phật giáo trong suy nghĩ của người dân Việt Nam.
 
bên cạnh đó, khi quan niệm về chuyện tu hành, dân gian cũng cho rằng: “Dữ tu hành hơn lành kẻ cướp”. Điều này có nghĩa là người tu hành tuy hung dữ nhưng vẫn hơn một kẻ cướp hiền lành. Theo quan niệm Phật giáo, khi đã gieo một hạt giống bất kỳ thì nó chắc chắn sẽ trổ quả, nhưng quả như thế nào còn tùy vào điều kiện nhân duyên. người đã phát nguyện đi tu nhưng còn lưu giữ những tập khí xấu đã có từ trước, nhưng họ cũng đã kịp gieo một hạt giống lành vào trong tâm thức và làm chuyển nghiệp của chính mình. Trong quá trình tu hành họ sẽ có sự chỉnh sửa dần dần để tự hoàn thiện mình. Điều đó sẽ tốt hơn là làm một kẻ cướp, tuy tâm tính hiền lành nhưng nghiệp trộm cướp - lấy của không cho lại rất xấu, chắc chắn sẽ dẫn đến quả báo không tốt, có thể đọa lạc.
 
3. Lời kết
 
Dấu ấn Phật giáo trong ca dao - tục ngữ người Việt phản ánh sự gắn bó mật thiết giữa đạo Phật và văn hóa bản địa. Qua bộ lọc văn hóa dân gian, những giáo lý kinh điển của nhà Phật như thuyết nhân quả, luân hồi, quan niệm về chữ tâm, chữ duyên, về hạnh phúc - khổ đau cùng tinh thần từ bi vô ngã đã được truyền bá sâu rộng trong nhân dân theo một phong cách thích hợp và dễ thẩm thấu đối với đại đa số người bình dân Việt nam.
 
Đó là cái “đáo xứ tùy duyên” mềm mỏng, linh hoạt, là sự uyển chuyển đầy từ tâm trong sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh của đạo Phật. Tuy tùy duyên nhưng là bất biến, những bài học thấm đẫm tinh thần Phật pháp vừa trở nên dễ hiểu dễ nhớ lại vừa giữ vững được bản chất trí tuệ của đạo khi nhìn nhận cuộc sống vô thường “hữu thịnh hữu suy”, nỗi khổ của kiếp nhân sinh “hữu thân hữu khổ” cùng quan niệm nhân quả “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”.
 
Hạt giống trí huệ sáng suốt và lòng từ bi vô tận của đạo Phật khi du nhập vào Việt nam đã gặp gỡ mảnh đất thuần hậu khoan dung trong tiếp biến văn hóa của nhân dân, hấp thụ tinh hoa ở đó để nảy mầm thành một cây xanh văn hóa Phật giáo mang đậm phong cách Việt nam, cắm gốc rễ sâu dày và phát triển bền vững theo thời gian.
 
Vũ Thị Hạnh Trang 

Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3 năm 2014


© 2005 -2024  Chùa Vĩnh Nghiêm | Homepage