Chùa Vĩnh Nghiêm

Ấn tượng một ngày sinh hoạt ngoại khóa tại TV Sùng Phúc
Thiện Duyên

Hà Nội ngày đông 19/12/2011, thời tiết buổi sáng lạnh buốt, chẳng ai muốn chui ra khỏi chăn ấm vào ngày chủ nhật như thế này.


Nhưng đã hẹn trước với nhóm sinh viên trường Khoa học xã hội& nhân văn, nên Tôi cố gắng rời tổ ấm để sang Thiền viện Sùng Phúc mãi bên Cự Khối- Long Biên, gần Bát Tràng để có một ngày sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu về Phật giáo với mọi người. Chợt nghĩ “Bầy giờ mà đi qua cầu Chương Dương thì hay lắm đây. Không biết cái lạnh nó đến đâu nữa?” 

8h00, Tôi và nhóm đã có mặt ở đây, dắt xe vào sân chùa thì đã thấy rất nhiều xe máy được dựng ngay hàng ở lối vào rồi. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau và tự nhủ rằng: Sao mọi người chịu khó đến đây sớm thế nhỉ? Rồi cũng chỉ biết cười với nhau.
 
Trên loa của nhà chùa thông báo: Hiện nay đã đến thời khóa thực hiện nghi thức sám hối sáu căn và tụng Tam quy Ngũ giới của Thanh niên Phật tử trong ngày tu tập cuối tháng. Chúng con xin đề nghị toàn thể quý vị đạo hữu và các bạn đoàn sinh trong chính điện nghiêm trang nơi thân để hội chúng được thanh tịnh. Xin mời những quý vị nào đã đến Thiền viện hãy khẩn trương về nơi chính điện tại tầng 2 để cùng tham gia thời khóa đầu giờ sáng chủ nhật hôm nay. Giờ này, ban cung nghinh đang tác bạch và cung thỉnh quý Thầy quang lâm chính điện để làm chủ sám hướng dẫn cho Phật tử thời khóa này.
 
Nghe lạ tai về những ngôn từ chuyên môn nhưng cũng thấy thú vị. Cần tìm hiểu thêm về cách nói, cách xưng hô trong chùa rồi đây!
 
Nơi Đại hùng bảo điện, chúng tôi nhìn rõ hình ảnh tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni, toàn thân màu vàng, tay phải cầm đóa sen, đôi mắt hiền hòa nhìn xuống phía dưới nơi đó khoảng hơn 100 người gồm cả già, trẻ mà rất nhiều các em bé chắc chỉ đang học từ lớp 3 đến lớp 5; đứng làm bốn, năm hàng, bên trái là nữ, bên phải là nam.
 
Ấn tượng ghê, ai ai cũng im lặng, hai tay chắp bút măng trên ngực. Bốn bạn nam: người cầm cái chuông đi hai bước lại ngân lên một tiếng, người bê khay có lư trâm tỏa hương và hai bạn mang bình hoa đang tháp tùng Thầy giáo thọ bước an nhiên vào đây để bắt đâu buổi hành lễ.
 
Tất cả đồng quỳ, Tôi ngước lên nhìn đức Phật thấy Ngài đang mỉm cười và nhìn mình từ hòa quá đi thôi và thấy bức hoành phi đề năm chữ mà chưa hiểu rõ ý lắm: VÔ SƯ TRÍ VI TÔN.
 
Trong suốt một tiếng đồng hồ hành lễ của buổi sáng, ai cũng phải quỳ và nét mặt đều nghiêm trang, rất thành tâm. Nhưng riêng đối với bản thân tôi thì thấy sao mà lắm tội lỗi thế. Như thế này thì biết sám hối đến bao giừo mới hết lỗi. Vì đụng đến bộ phận nào trên thân người này thì đều thấy tội lỗi và tội lỗi.
 
Như mắt thì có những lỗi “Yêu ghét nổi dậy, đẹp xấu tranh giành/ Gặp người sắc đẹp, liếc trộm nhìn ngang/ Thấy ai giàu có, giương mắt mãi nhìn./Gặp kẻ bần cùng, lờ đi chẳng đoái./Người dưng chết chóc, nước mắt ráo khô/Thân quyến qua đời, đầm đìa lệ máu.”
 
Và lỗi của tai là “ Văng vẳng mỏ chuông, coi như ếch nhái/ Câu ví bài vè, bổng nhiên để dạ/ Lời kinh câu kệ, không chút lắng tai/Thoảng nghe khen hảo, khấp khởi mong cầu; Biết rõ lời lành đâu từng ưng nhận./ Vài ba bạn rượu, năm bảy khách chơi;/Tán ngắn bàn dài, châu đầu nghe thích./Hoặc gặp thầy bạn, dạy bảo đinh ninh;/Những điều hiếu trung, che tai bỏ mặt.”
Với mũi của người thì “Hoặc ra phố chợ, hoặc vào bếp sau;/ Thấy bẩn thèm ăn, ưa nhơ kiếm nuốt./ Chẳng ngại tanh hôi, không kiên hành tỏi;/ Mê mãi không thôi, như lợn nằm ổ./ Hoặc chảy nước mũi, hoặc hỉ đàm vàng; / Bôi cột quẹt thềm làm nhơ đất sạch./
 
Còn lưỡi của mình thì đầy lỗi như: “Tham dủ mọi mùi, thích xét ngon dở;/Nếm hết các thứ, biế rõ béo gầy./Sát hại sinh vật, nuôi dưỡng thân mình;/Quay rán cá chim, nấu hầm cầm thú./Thịt tanh béo miệng, hành tỏi ruột xông;/ Ăn rồi đòi nữa, nào thấy no lâu./ Mắt đầy mỡ thịt, cười nói hân hoan;/ Rượu chuốt cơm mời, nóng thay nguội đổi./ Bày tiệt đãi khách, cưới gã cho con;/ Giết hại chúng sanh, vì ba tấc lưỡi./ Nói dối bày điều, thêu dệt bịa thêm; / Chê bai người khác, che giấu lỗi mình;/ Khoe khoang giàu có, lăng nhục người nghèo/ Tô vẽ điều sai, nói không thành có.
 
Mà tại sao chỉ nghĩ vơ nghĩ vẩn, không lúc nào dừng cũng là tội nhỉ? Ai kinh doanh bây giờ mà chẳng thích chỉ bỏ ra mười vốn được ngàn lời; không được để mất của mình một đồng mà làm sao phải được của người mấy trăm chứ?
 
Vậy mà tất cả những điều đó sẽ đều là tội vô lượng vô biên sẽ bị rơi vào ba đường ác hoặc đọa vào ba đường khổ hay bị vào ngục bạt thiệt hay rơi vào địa ngục và sau khi trãi hằng sa kiếp, mới được làm người, dù được làm người, lại bị mù chột hoặc sẽ lại làm người điếc, bị bệnh mũi, bị câm bặt.v.v. Phải làm sao mới hết những tội như thế?
Nếu không sám hối, đâu được tiêu trừ;
Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối”
Thêm một vấn đề nữa để chúng tôi tìm hiểu về Phật giáo rồi. Sám hối là gì? sẽ phải sám hối như thế nào để được tiêu trừ những lỗi tưởng chẳng có gì quan trọng vậy mà lại là rất nặng rất sâu.
 
Ngay sau hành lễ là chúng tôi đã đi sang ngay khu vực Nhà Tổ nơi có thờ tôn tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma cùng Tam Tổ Trúc Lâm để tham dự ngồi thiền.
 
Lại được Thầy Thái Phước – theo lời giới thiệu của bạn Tuấn- Thầy hướng dẫn tỷ mỷ phương cách ngồi như thế nào, xoa bóp đầu, mặt, cổ, thân, tay, mắt, chân ra làm sao. Thầy hướng dẫn rất chi tiết, dễ hiểu.
 
Sau đó tất cả lại lễ ba lần sát đất và bắt đầu ngồi im lặng.
 
Tôi cũng đếm, hít vào 1, thở ra 2 và cứ vậy đến 10 nhưng sao toàn nhầm và quên thôi ah. Tôi không đếm nữa, nhắm mắt lại, thế mà sao đầu óc cứ nghĩ đi những đâu đâu vậy, chẳng thể nào tập trung được. Tôi hít một hơi thật sâu và mở mắt ra nhìn về phía trước thấy các bạn mặc áo màu lam sao ngồi im thế. Cả phòng nghe rõ tiếng chân của ai đó đnag đi lại. Ngồi thiền cũng thú vị quá ah. Rất nhẹ nhàng. Nhưng sao cái chân, cái chân trái nó lại đau thế?
 
Sau thời gian ngồi thiền, tất cả chỉ kịp thu gọn các dụng cụ ngồi thiền lại là lại xếp hàng rồi. Đến giờ nghe giảng Pháp. Thầy Thái Phước giới thiệu Thầy Thích Trúc Thông Tánh- Phó trụ trì TVTL Hàm Rồng nói chuyện.
Mình ở Thành phố Thành Hóa mà chưa nghe thấy thiền viện này? Hôm nào về nhà sẽ lên đó thăm quan.
 
Qua bài nói chuyện khái quát khoảng 45 phút với chủ đề “ Thiền Tông và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” của Thầy Thông Tánh, chúng tôi biết ai là người khai sinh ra Thiền Tông, chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; Thiền tông có tất cả 28 vị Tổ Ấn Độ và 6 vị Tổ Trung Hoa? Hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ở Việt Nam và được tìm hiểu phương pháp tu thiền tại các thiền viện do Hòa thượng Thích Thanh Từ hướng lập và tại Thiền viện Sùng Phúc.
 
Thầy Thông Tánh đã giải thích rõ ràng, cặn kẽ đường lối tu thiền và nhắc cho chúng tôi nhớ rõ lối tu hiện nay tại tất cả các thiền viện Trúc Lâm là:
 
1. Biết vọng không theo, vì vọng tưởng là những tâm niệm hư ảo.
2. Ðối cảnh không tâm, vì nó là tướng duyên hợp giả dối tạm bợ.
3. Không kẹt hai bên, vì đối đãi là không thật.
4. Hằng sống với cái thật, không theo cái giả, vì giả là luân hồi, thật là giải thoát.
 
11h30p kết thúc bài giảng, sau khi hồi hướng “ Nguyện đem công đức này/ Hướng về khắp tất cả/ Đệ tử và chúng sinh/ Đều trọn thành Phật đạo”, lại phải đi  ngay xuống trai đường để dùng cơm trưa nay.
 
Thời gian cứ trôi và các hoạt động cũng cuốn chúng tôi đi. Không có lúc nào để có thể tranh thủ nói chuyện riêng và đi chụp ảnh cả. Vì chúng tôi không muốn bỏ qua bất kỳ hoạt động tập thể chung nào cả.
 
Ôi! Ăn cơm mà cũng ngộ ghê.
 
Ở nhà, ngồi vào mâm là ăn thôi nhưng ở đây thì phải  đứng yên chờ một hồi khánh để chắp tay chào nhau trước khi kéo ghế rồi mới được ngồi, phải bắt ấn cúng cơm (cái này phải tìm hiểu thêm mới được, vì thấy bản thân cứ long ngóng làm sao, chưa quen và thấy khó chịu nữa ah)… và khi ăn phải nhớ rằng: Tán tân nói chuyện của tín thí khó tiêu. Đại chúng khi nghe tiếng khánh, mỗi người phải nhất tâm chánh niệm “ Nam mô Phật bổn sư Thích Ca Mâu Ni”. Rồi tay bưng bát cơm ngang trán, nguyện cho chúng sanh, Pháp thí thành tựu, nhận người trời cúng dường.
 
Bắt đầu ăn ba miếng cơm, miếng thứ nhất nguyện dứt tất cả các điều ác, miếng thứ hai nguyện làm tất cả các điều lành, miêng thứ ba nguyện độ tất cả chúng sanh và lại ôm bát trước ngực: Nghĩ xem thức ăn nầy từ đâu đem đến, công của người nhiều hay ít. Tự xét công đức của mình đủ hay thiếu, mà nhận thức ăn nầy. Thức ăn nầy cốt dẹp tham sân si. Hãy coi thức ăn nầy như uống thuốc trị bịnh ốm gầy.Vì thành đạo nghiệp, mới thọ nhận thức ăn nầy và cuối cùng chúng tôi được nhắc để đảm bảo vệ sinh khi ăn cơm, tất cả phải dùng đũa để gắp thức ăn vào bát, ăn cơm bằng thìa, không nói chuyện riêng và gây ôn ào khi thọ trai.   
 
Kết thúc buổi ăn cơm trong im lặng là một thời tụng kinh và chúng tôi mới biết thêm là khi thọ trai như vậy thì bản thân mình cũng có chút công đức, nay được Thầy Trụ trì hướng dẫn nguyện cho chúng sanh, việc làm đều được đầy đủ Phật pháp và hồi hướng công đức lành đó cho các thí chủ vì học đạo tiến tu  do nhờ lòng từ dạy răn của Thầy Tổ nên đã không quản ngại khó khổ trồng cây lúa, làm ra hạt gạo, sự nhọc nhằn của người may dệt và do sự nhín ăn bớt mặc của đàn na để cúng dường tới đại chúng bữa trưa ngày hôm nay. Nguyện cho thí chủ: “Ruộng phước thêm nhiều, đạo tâm thêm lớn, cùng chúng sanh khắp trong pháp giới, kẻ mất người còn đồng thành Phật đạo”.
 
Tôi lại có thêm ấn tượng đối với Đạo Phật qua bữa cơm chay thanh tịnh buổi trưa nay. Thật là ăn cơm rất rất vào miêng, ăn no và thấy rất thích bữa cơm này.
 
Sau khi dọn dẹp, chúng tôi tranh thủ đi thăm quan các tầng của Thiền viện và tranh thủ ghi lại những tấm hình để làm kỷ niệm. Tôi rất ấn tượng với khu vực Thiền Đường, nơi có một không gian thoáng đãng, sạch sẽ, tiêng chuông gió vang ngân lúc xa, lúc gần, giúp long chúng tôi đều thanh thoát và nơi đây cũng là nơi đặc biệt vì có bài trí toàn “báu vật của Đạo Phật”- theo lời giới thiệu của Thầy giáo chúng tôi. Đây là nơi cần nghiêm trang thanh tịnh hơn bao giờ hết, vì chúng tôi có may mắn được chiêm bái các tháp xá lợi Đức Phật cùng các tôn giả A- la- hán. 
 
13h30, nghe thấy một hồi chuông, nhìn thấy mọi người nhanh nhẹn từ khắp chỗ về nơi Tổ đường. Bên trong, những màn hình,máy chiếu và các tấm đệm ngồi thiền đã được Ban tổ chức cuộc thi “ Thỉnh Pháp – Ngân Chuông” chuẩn bị sẵn.
 
Các bạn tôi rất thích thú vì được tham gia vào hoạt động trò chơi kiểm tra kiến thức lịch sử Phật giáo và sẽ được ngân chuông chùa.
 
Cá nhân Tôi không tham gia là thí sinh chính thức nhưng qua cuộc thi nhỏ nhỏ này Tôi đặc biệt ấn tượng với cuộc thi này.
 
Ai cũng hồ hởi thăm gia. Ở phần khởi động chúng tôi được làm quen với một số bài hát mà nghe đáng yêu lắm “Bên trái tôi đây là người Tôi yêu Tôi thương, Bên phải tôi đây là người Tôi yêu Tôi thương. Trước mặt tôi đây là người Tôi yêu Tôi Thương. Xung quanh tôi đây là người Tôi yêu Tôi Thương”. Được biết rõ về cách thức tham gia cuộc thi; giá trị tinh thần như thế nào; và sẽ được tặng sách “ Chúng ta đi chùa là để cầu xin hay tu theo Phật” để đọc. Đặc biệt, nếu ai ngân chuông đảnh pháp được thì sẽ có phúc duyên lớn được thỉnh tháp xá lợi Phật về nhà. Và được các bạn ở đây chia sẻ rất chân tình: Hy vọng và mong muốn rằng tất cả chúng ta tiếp tục được kết bạn với nhau trên các kênh thông tin khác sau buổi hữu duyên này. Có thể là trên FB của Đoàn Trần Thái Tông chẳng hạn?
 
Theo dõi cuộc thi, Tôi tiếp nhận được một lượng kiến thức Phật giáo rất nhiều. Tôi đã có thể giái thích được vì sao: Lại tôn xưng Đức Phật là đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả? Làm thế nào để báo hiếu bố mẹ? Nguyên do nào mà Đức Phật xuất gia? Biểu tượng Phật Thích Ca ngồi an tọa, đôi mắt ngó xuống là ý nghĩa gì? Thế nào là học, hiểu và thực hành giáo lý Phật đà.
 
Chúng tôi càng ngẫm về bài thơ Cuộc đời qua mắt Tôi trong cuộc thi này càng thấy đúng và xin ghi lại như sau: Chiếc thân tứ đại khói. Sinh hoạt thế gian mây. Thành công khối nước đá. Thất bại chùm bọt tan. Nhục vinh bong bóng nước. Thương ghét hạt sương mai. Khổ vui trong giấc mộng. Lành dữ bóng chim bay. Tháng ngày cái chớp mắt. Còn mất nước trăng lay. Chung cuộc cơn gió thoảng. Viên mãn bầu trời trong.
 
Tôi còn ấn tượng về những nụ cười của mọi người ở đây, từ các vị Thầy đến các bạn thanh niên. Hình như ai cũng vui vẻ và sẵn sàng tặng trao cho nhau nụ cười của mình. Nhất là đến câu hỏi thứ 10, khi phải sử dụng quyền cứu trợ thì cả ban giám giám cùng các cổ động viên bất đắc dĩ đều hồi hội, rồi Thầy và Trò đều hạnh phúc khi tất cả thí sinh đều trở lại vòng thi tìm hiểu kiến thức đạo Phật.
 
Bài hát kết dây thân ái đã nối chúng tôi lại với nhau trước khi tạm chia tay hôm nay. Thầy Thông Tánh có dặn thêm chúng tôi rằng: Hôm nay thầy rất vui được sinh hoạt Thanh niên với các bạn đoàn sinh Đoàn TTNPT Trần Thái Tông và các bạn sinh viên của Trường. Lâu rồi Thấy mới được sinh hoạt cùng các con. Thầy rất cảm ơn các con đã đến sinh hoạt và tìm hiểu đạo Phật tại Thiền viện. Nếu lần sau không đi cùng tập thể, thì Thầy vẫn hy vọng từng cá nhân các con sẽ vẫn đến Thiền viện để cùng sinh hoạt với các bạn thanh niên Phật tử ở đây. Thầy chúc tất cả các con….
 
Cảm giác thân quen tràn về trong lòng mỗi chúng tôi, nên chẳng ai muốn rời khỏi ngôi nhà này sau khi đã có hàng chục kiểu ảnh tập thể, cá nhân lưu giữ lại khoảng khắc này.      
 
Đêm! Tôi muốn viết gì đó để diễn tả lại ấn tưởng trong Tôi về buổi dã ngoại lý thú này nhưng đành phải ghi lại theo dòng cảm xúc vì:
“Làm sao chẳng viết nổi ý thơ
Đèn khuya leo lắt ánh trăng mờ
Sao nỡ nàng thơ đi ngủ sớm
Để hồn thi khách bỗng bơ vơ”
 

Lần hồi trên Facebook của Đoàn Trần Thái Tông, tìm được vài tấm hình mà tôi ấn tượng, xin gửi thêm tới các bạn Thiện Duyên.

 




© 2005 -2024  Chùa Vĩnh Nghiêm | Homepage