Chùa Vĩnh Nghiêm

Phật Đản với thi nhân

http://phatgiao.vn/images/news/lumbini0803.jpg

(Một góc vườn Lâm-tỳ-ni)

15.4    Ngày ling thiêng !  Ngày huyền diệu !
15.4    Ngày đại hỷ của nhân loại ! Ngày trọng đại của trần gian !
15.4    Ngày Khánh Mừng Đấng Đại Đạo Sư đến với Muôn loài, Muôn nơi !

Ngày hôm nay có hào quang sáu sắc chiếu sang vũ trụ bao la, có nhạc thiên thần reo vang tấu khúc; có hoa chư thiên tung bay rợp trời; có hương ngát tỏa nơi nơi thơm phức ; có hoa muôn màu khoe sắc mặn mà ; có chim líu lo, véo von tiếng hót; có triệu cõi lòng hòa nhịp niềm vui …

Ngày hôm nay từ Thiên, Nhân, vạn vật đến cỏ cây hoa lá đều tung hô đón chào Đấng Đại Giác - Bậc Đại Đạo Sư của Thiên, Nhân, vạn vật thị hiện trong ngày trăng tròn tháng tư…

Ngày hôm nay năm Châu đều rộn lên niềm tin vui bất diệt, nơi nơi đều hoan hỷ hoan ca. Từ Đông sang Tây; từ Nam chí Bắc ; từ những dân tộc sống trên triền núi cao ngất đến những dân tộc sống trong rừng rậm bao la; từ những rừng dừa lá cao ngất nghểu của xứ Tích Lan đến những rừng già u tịch của xứ Miến Điện; từ những triền núi phủ tuyết trắng xóa của xứ Tây Tạng đến những khu vườn anh đào khoe sắc thắm tươi của xứ Nhật Bản; từ những đô thị lộng lẫy huy hoàng, phồn hoa náo nhiệt đến những nơi thôn trang hẻo lánh, đơn sơ…Hàng muôn triệu ức đại hội hoa đăng đỏ rực tỏa ánh sang bao trùm hàng muôn triệu người đang đổ xô như thác lũ dồn về những ngôi chùa sáng rực đèn hoa.

Ngày hôm nay, hàng muôn triệu bàn tay giơ lên đón mừng Đấng Đại giác; hàng muôn triệu con tim đều rộn rã niềm cảm thông, hàng muôn triệu cặp mắt đều mở rộng hướng về nơi đất Thiêng Linh - Diệu để đón chờ Ánh Lửu Bi, Trí, Dũng xuất hiện… Năm châu, bốn biển tuy cách xa nhau hàng muôn vạn dặm trường, nhưng ngày hôm nay lại gần nhau trong niềm tin vui rộng lớn, bao la:

Cách xa dù mấy nhịp cầu.
Đến ngày Phật Đản năm châu cũng gần.

Ngày Phật Đản năm châu cũng gần vì hôm nay là ngày vui chung của nhân loại, ngày thông cảm của trần gian nên ngày hôm nay đâu đâu cũng:

Có bóng cờ bay ở khắp nơi
Cảm thông ven biển đến chân trời
(Thơ Huyền Không)

Trần gian đã vui trong ngày Trọng Đại, nhưng ngày Trọng đại ấy còn là ngày Hoa nở, ngày ca mừng của Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới:

            Chỉ có một niềm vui,
            Trong một ngày trọng đại:
            Ngày Hoa Nở của Hằng Hà
            Sa số Vũ Trụ bao la!
            (Thơ Minh Ngọc – Phạm Đức Châu)

Ngày hôm nay, muôn triệu tâm hồn đều lắng đi những phút giây phiền não phàm trần để thân tâm thanh tịnh hướng về nơi Đất Thiêng Linh Diệu… Thành Ca Ty La huy hoàng dưới ánh rạng đông lộng lẫy. Hình ảnh hoàng hậu Ma Gia thấp thoáng trong vườn Lâm Tỳ Ny giữa buổi sáng thanh xuân với hoa Vô Ưu đua nở trong khắp vườn. Trong niềm an vui thanh tịnh, gót ngọc khoan thai dạo quanh vườn Thượng Uyển để thưởng lãm muôn loài kỳ hoa, dị thảo đang khoe hương sắc màu mà dưới ánh bình minh rạng rỡ như sắp sửa đón chào một tin vui sắp đến:

            Ca – pi – La, Ca – pi – La!
            Thanh sắc ý mặn mà
            Bạch tượng sáu ngà khai ngọc thể
            Mộng lành hiện rõ Mẹ Maya.
            (Thơ Thiện Chánh)

… Gót ngọc vẫn khoan thai dạo bước… tới gốc cây Vô Ưu tay ngà vừa vin lên nhành lá để với bông hoa xinh đẹp thì Bậc Đại Đạo Sư của Muôn Loài, Muôn Nơi thị hiện:

            Hỡi kinh thành Ca – pi – La –vác:
            Nghe chăng thần nhạc tấu cung sao
            Nghe chăng thần lạp sáng muôn màu
            Ngời thánh thể Gautama xuất hiện!
            (Thơ Thiện Chánh)

Hay với tiếng thơ trong trẻo dịu dàng của Tăng sĩ kiêm Thi sĩ Đức Nghiệp:

            Chân thơm Mẫu Hậu bước miên man,
            Đến góc Vô Ưu đón gió ngàn,
            Tay ngọc vin trên cành lá biếc,
            Để lòng hé mở cửa trần gian…

và với tiếng thơ của Nữ Sĩ Hương Khuê:

            Tay ngọc vươn lên chạm nhánh hoa:
            Bốn phương chuyển động nhạc chan hòa.
            Lòng bà nhè nhẹ nghe khoan khoái ,
            Giữa cõi trần gian Thánh hiện ra…

Người đã hiện ra giữa trần gian… Người là ánh sáng giữa đêm trường u tịch soi dẫn đường đi cho nhân sinh lạc hướng trong đêm tối… Người là dòng suối ngọt ngào giữa sa mạc bao la nắng gắt cho khách bộ hành khát đạo tìm cầu… Nhân sinh chờ đợi mãi, mong cầu mãi ánh sáng ấy, dòng suối ấy qua bao ngày tháng để mới có một ngày hôm nay:

            Nhân sinh chờ đợi mãi
            Ngày mai vọng ngày mai,
            Một năm ngày trông đợi:
            Hôm nay Phật Giáng – sinh.
            (Thơ Huyền - Không)

Hôm nay Phật Giáng sinh… Ánh sáng ấy đã bừng sáng, dòng suối ấy đã chuyển lưu để đáp đúng lòng mong đợi từ lâu của Thiên Nhân, vạn vật chỉ chờ có một ngày, một phút huy hoàng… Ngày ấy, phút ấy hàng bao nhiêu năm mới có một lần:

            Năm năm chỉ có một ngày,
            Ngàn năm chỉ một phút này mà thôi.
            (Thơ Lê Tâm Niết)

Chỉ có một ngày, chỉ có một phút… Ngày ấy, phút ấy đã đến đem theo một Người cũng đã đến mà Muôn Loài, Muôn Nơi vẫn hằng khao khát mong chờ…

Người đã đến… Chư Thiên hoan hỷ khánh Mừng ngày trọng đại của muôn thuở ngày bất diệt của muôn nơi. Ngày hôm nay biết bao điềm lạ đã ứng hiện để:

            Chào đón Siêu Nhân đã hiện ra,

Nào diệu hương thơm ngát xông tỏa muôn phương hương thơm thanh khiết và cao quý muôn vàn chỉ có một lần để cúng dường Bậc Đại Giác mỗi khi thị hiện:
 

                        Thuở ấy đất trời tỏa ngát hương,
                        Chân bà Mẫu Hậu bước vương vương
                        Bình minh tươi sáng xui chân bước
                        Thượng uyển Vô-Ưu nở khắp vườn.
                        (Thơ Hương Khuê)

Nào nhạc thần vang lừng tấu khúc, thanh âm trổi động, vang dội nơi nơi để cùng chung hòa niềm tin vui rạng rỡ trong giờ phút Linh Thiêng:

            Sáu phương rung động trời inh nhạc,
            Chào đón Siêu Nhân ứng hiện ra.
            (Thơ Trác Diệp)

và với tiếng thơ của Hương Khuê:

            Tay ngọc vươn lên chạm nhánh hoa,
            Bốn phương chuyển động nhạc chan hòa.

Nào hoa ngũ sắc tung bay rợp trời giữa muôn tiếng hát vui mừng rạng rỡ trong ngày vui Vạn - kỷ:

            Thay lớp chư Thiên xuống hát đàn,
            Có đàn em bé hát vang vang,
            Tung hoa ngũ sắc dâng chân Phật,
            Dân tộc mừng reo rộn xóm làng.
            (Thơ Huyền Không)

hay qua tiếng thơ lục bát dịu dàng của Phổ Đà Phạm-Từ Lan:

            Chư Thiên ca hát vang lừng,
            Tung hoa ngũ sắc đón mừng Phật sinh.

Nào chư thiên lớp lớp khắp vạn phương trời đều giáng hạ xuống nơi Thánh địa để cung nghinh Bậc Đại Đạo sư trong giờ Hoàng Đạo:

            Khắp mấy phương trời xuống đón nghinh
            Từ nay nhân loại có cha lành.
            (Thơ Hương Khuê)

Nào tiếng tung hô vang dội của Thần, Tiên để tỏ lòng thành kính, hân hoan trong ngày tươi sáng huy hoàng.

            Thiên Thần cất tiếng tung hô,
            Vang lừng muôn cõi điểm tô Ngày Vàng.
            (Thơ Phổ Đà Phạm Từ Lan)

Nào đất chuyển vui mừng báo tin lành trong ngày hoan hỷ: từ nay muôn nơi được ân pháp nhũ an lành; muôn loài được ân cứu khổ ban vui:

            Đất chuyển sáu phen đời vỡ mộng,
            Trần gian thấm nhuận phúc ân lành!
            (Thơ Thiện Chánh)

hay qua tiếng thơ của Phổ Đà Phạm Từ Lan:

            Rung rinh đất chuyển mấy lần
            Báo tin người đã xuống trần độ sinh.

Người đã xuống trần độ sinh nên khắp trần gian đều rộn rã đón mừng ngày Thánh Đản trong muôn màu sắc huy hoàng của Ngày Đại Hội, của Đêm Hoa Đăng. Đâu đâu cũng có bóng cờ bay phấp phới, có đèn sáng lung linh, có tiếng chuông la đà, có nhịp mõ vang vang, có lời kinh trầm bổng, có lòng người thành khẩn trong ngày Đản sinh:

                        Huy hoàng sáu sắc cờ bay,
            Lung linh đèn sáng phô bày nơi nơi.
                        Khánh mừng nhạc trỗi chơi vơi,
            Cúng dường theo gió đầy trời hoa bay.
                        Năm châu tay nhịp bàn tay:
            Trẻ, già, trai, gái lễ đài: dâng hương.
                        Bồ Đề nẩy lộc ngàn phương,
            Cánh sen bừng nở tràn hương gió lùa
                        Lời kinh quyện tiếng chuông chùa,
            Hòa theo nhịp mõ, dâng ngày Đản sinh.
                     (Thơ Minh - Ngọc Phạm Đức Châu)

Dâng Mùa Đản Sinh nên cứ mỗi lần Mùa Đản sinh về là lòng người lại dâng lên niềm cảm thông rộn rã trong niềm tin tưởng vô biên:

            Có bóng cờ bay ở khắp nơi,
            Cảm thông ven biển đến chân trời.
            Từ trong thành thị về thôn xóm.
            Tâm niệm trào dâng mắt sáng ngời.
            (Thơ Huyền Không)

và non sông cảnh vật cũng đều đổi mới khác thường:

            Hôm nay Đản sinh Đức Phật,
            Khắp non sông cảnh vật đua tươi:
            Khói trầm hương nghi ngút,
            Cờ Phật giáo đầy trời,
            Tiếng trống, chuông vang dội khắp nơi…
            (Thơ Tâm Thông)

Thiên, Nhân đã hoan hỷ khách mừng ngày thị hiện của Đấng Đại Giác, nhưng cỏ cây hoa lá cũng reo vui hớn hở trong Ngày Trọng Đại vì từ nay được nhờ ân pháp nhũ nên cũng rạng rỡ sắc hoa, chuyển động lá cành, phảng phất hương hoa để cúng dường Ngày Vui ấy:

            Sáng nay hoa nở:
            Hương sắc lộ hân hoan.
            Địa cầu vui hớn hở
            Đời tươi đẹp huy hoàng.
            (Thơ Huyền Không)

Có những cánh sen ngát hương tươi nở dưới nắng mai hồng trong ngày vàng muôn thưở:

            Đây những sen xinh bừng nở mạnh,
            Mừng ngày Phật Đản thưở xa xưa.
            (Thơ Đức Nhuận)

Hay những cánh hoa đàm cũng hớn hở bừng nở để được đón hương xa, phơi trong nắng lạ:

            Nhạc trời trỗi dậy muôn phương,
            Hoa nở chim ca ý dị thường,
            Rộn rã Ưu Đàm phơi nắng lạ,
            Vườn lam hòa điệu gió say hương.
            (Thơ Thiện Chánh)

Và những cánh hoa đang ủ rũ cũng vội lắng đi nỗi u sầu để tỏa hương thơm ngào ngạt nhờ gió đưa đi hương lòng thanh khiết để cúng dường Đức Từ Bi trong ngày thị hiện:

            Ngày hôm ấy gió muôn phương dồn lại,
            Hoa đưa hương và lắng tiếng tơ sầu.
            Vạn sinh linh hằng ngưỡng vọng mến yêu,
            Ơn pháp nhũ Đấng Từ Bi Cao Cả!
            (Thơ Đức Nhuận)

“Ơn pháp nhũ Đấng Từ Bi Cao Cả nên Vạn sinh linh hằng ngưỡng vọng mến yêu” vì thế ngày hôm nay ngày Khánh Đản Đấng Từ Bi muôn sinh vật cũng hân hoan, vẫy vùng, ca hót trong niềm vui chung bất diệt:

            Chim ca trong rừng vắng,
            Cá mừng dưới đại dương.
            (Thơ Huyền Không)

Và từng đàn chim tung cánh đầy trời bay về vườn xưa thành cũ để tìm lại hình ảnh ngày vui:

            Một con chim xinh,
            Ngàn con chim mộng,
            Vèo qua liên thành.
            Vườn xưa, lối ấy!
            (Thơ Thạch Trung Giả)

Riêng ở Việt Nam, một dân tộc đã chịu ân Tam Bảo trong suốt bao thế kỷ, Phật Pháp đã ăn sâu vào nếp sống của dân tộc. Từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu mà chẳng có chùa, có nơi thờ tự đức Phật Từ Bi. Người dân nước Việt đã quyết bảo tồn tất cả những gấm vóc mà tổ tiên đã dày công xây dựng với bao công lao, mồ hôi, nước mắt, máu xương trong đó có Đạo Nhiệm Mầu, vì thế con cháu chẳng nỡ lòng nào quên ân tiên tổ, đem công lao của các bậc tiền nhân chôn vùi vào quá khứ. Do đó dân Việt chỉ quyết một lòng sống với Tổ tiên với Dân tộc, đúng như câu ca dao đã diễn tả:

                        Ta về ta tắm ao ta,
            Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.

Sống với Tổ tiên, sống với dân tộc tức là sống với Đạo Nhà – vì Tổ tiên và Dân tộc đã sống với  Đạo ấy – một Đạo thiêng liêng đã xoay vần trên giang sơn cẩm tú suốt bao nhiêu năm và đã gắn liền với lịch sử nước nhà:

            Ánh đạo thiêng liêng quá nhiệm màu,
            Người dân nước Việt đã ghi sâu.
            (Thơ Huyền Không)

Vì ánh đạo đã ghi sâu vào tâm hồn người dân Việt nên không ai dám quên đi nền đạo ấy. Vì quên đi Đạo Nhà thì có khác nào quên đi gốc Tổ. Như thế đâu còn xứng đáng là con Rồng cháu Tiên của giống Việt oai hùng như thi sĩ Huyền Không đã viết:

            Nếu ai quên hết đường quê cũ,
            Lúc muốn quay về biết hướng đâu?

Vì thế người người đều quay về với ánh sáng đạo xưa để sống trong lẽ đạo thiêng liêng mà tiền nhân vẫn hằng sùng kính. Cho nên cứ đến ngày Khánh Đản Đức Thế Tôn thì đâu đâu cũng:

            Niềm vui về với toàn dân,
            Trẻ, già, trai, gái tinh thần sáng tươi.
            Thôn trên xóm dưới reo cười,
            Vang vang tiếng hát, người người hân hoan.
            (Thơ Huyền Không)

Không vui sao được, không mừng sao được vì đó là ngày vui dân tộc, là ngày non sông được được tắm gội ân pháp nhũ, là ngày con cháu tiếp tục nối gót tổ tiên trong việc phụng thờ ánh đạo vàng son:

            Theo gót người xưa gia tộc mình,
            Lên chùa làm lễ Phật sơ sinh.
            (Thơ Huyền Không)

Vì thế ngày hôm nay nào lễ đài được dựng lên nhan nhản, nào xe hoa hiệu rước được diễu hành khắp nơi, nào chuông ngân, trống điểm… càng tô thêm cho ngày Đại Lễ thêm phần lộng lẫy:

            Lễ đài tôn bóng Từ Quang,
            Toàn dân rước Phật muôn làng Việt Nam.

hay:
            Trống đánh vang lừng, chuông nhẹ ngân,
            Không gian xa cách nối thêm gần.
            Nguồn vui bừng dậy trong tin tưởng,
            Kỷ niệm ngày xưa Phật giáng trần.
            (Thơ Huyền Không)

Trong tiếng chuông ngân, tiếng trống điểm… đoàn người vẫn tấp nập tới chùa làm lễ dâng hương… trong cảnh “lên chùa lễ Phật phải đua chen”…

Thật là cảm động, trong biển người tin Phật có những cụ già đầu tóc bạc phơ cũng thấy lòng như trẻ lại chẳng quản tuổi già, sức yếu, vẫn vui vẻ đi lễ chùa trong ngày Đản sinh:

                        Cụ già tóc đã bạc phơ,
            Lòng như trẻ lại: mong chờ hôm nay
                        Run run gậy trúc cầm tay,
            Chống đi từng bước vui say đến chùa…
                     (Thơ Phổ - Đà Phạm Từ Lan)

Lại còn gì cảm động hơn, từng đàn em bé ngây thơ đôi mắt sáng ngời cũng tung tăng: nào đèn, nào hát, nào trống…trong  đoàn rước Phật:

            Phật Đản ngày vui lại trở về,
            Có đàn em bé rước vui ghê,
            Tung tăng đèn sáng – đang cất bước
            Trống đánh vang lừng, hát say mê.
            (Thơ Minh Ngọc Phạm Đức Châu)

Cũng trong biển người tin Phật ấy, có những đoàn thanh niên với lứa tuổi thanh xuân đầy sức sống, trong lòng cũng dạt dào niềm tin tưởng:

            Có đoàn trai tráng,
            Tuổi xuân dâng trào,
            Lòng thấy nao nao
            Trong ngày tươi sáng.
            (Thơ Minh Đức)

Và còn cả những thiếu nữ dịu dàng cũng biểu lộ Đức Tin qua những bó hoa tươi thắm dâng lên Phật đài trong ngày Đại Lễ:

                  Từng đoàn thiếu nữ dịu hiền,
            Dâng hoa lễ Phật niềm tin dâng trào.
            (Thơ Phổ Đà Phạm Từ Lam)

Tất cả Muôn Loài Muôn Nơi: Từ Thiên, Nhân, Vạn Vật đến Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đều Khánh Mừng Ngày Đản Sinh của Bậc Đại Đạo Sư vì Người là kết tinh của Từ Bi, là ánh sáng của Trí Tuệ, là thể hiện của Dũng Mãnh:

            Ngài thành Phật với muôn vàn hoa thắm,
            Nguồn trí giác như mặt trời sáng láng,
            Đấng Từ Bi lòng rộng mở vô biên…
            Khắp muôn loài, giữa sầu khổ triền miên.
            (Thơ Đức Nhuận)

Nhân loại chờ đón ngày hôm nay cũng chỉ vì người người đều mong đợi những bất công, đau khổ, đen tối, u buồn ở nơi nơi đều trôi đi, để mang lại cho nhân loại niềm vui sống chan hòa, hạnh phúc, hy vọng và giải thoát thể hiện ở Đấng Cứu Khổ Muôn Loài.

            Ngày hôm ấy, phá tan bao thành kiến…
            Từ ngày xưa vạn vật đẫm đau thương,
            Và những gì của áp bức bất lương;
            Đã dệt lại bằng sợi dây đạo lý.
vì:
            Ngày hôm ấy, đóa hoa đàm bừng nở!
            Là điềm thiêng ngàn thuở mãi tinh anh;
            Là nguồn tin tràn ngập mọi an lành…
            Đã khơi mở sống còn… từ vạn hỷ.
nên:

            Ngày hôm ấy, muôn cõi lòng hoan hỷ,
            Mang về đây niềm hy vọng ngày mai,
            Khắp muôn loài, làm sống lại muôn nơi…,
            Cho tất cả được nhờ ơn công đức.
và:
            Ngày hôm ấy, gió muôn phương dồn lại,
            Hoa đưa hương và lắng tiếng tơ sầu
            Vạn sinh linh hằng ngưỡng vọng mến yêu;
            Ơn pháp nhũ, Đấng Từ Bi cao cả.
             (Thơ Đức Nhuận)

Ơn pháp nhũ Đấng Từ Bi cao cả nên ngày hôm nay muôn lòai, muôn nơi đều hoan hỷ khánh mừng ngày Đản sinh của bậc Đại Đạo sư trong Niềm Tin thành kính, trang nghiêm và trong cảnh huy hoàng, rực rỡ…

            … Ngày Vàng Son Sáng Lạn xuất hiện…
 

Minh Ngọc
Phạm Đức Châu
(Đuốc Tuệ, số 14, 1964, Vi Tính: GĐPT Vĩnh Nghiêm)


© 2005 -2024  Chùa Vĩnh Nghiêm | Homepage