Chùa Vĩnh Nghiêm

Những điểm quan trọng cần có của một giảng sư

TT. Thích Ngộ Tịnh
(Thành viên BHP tỉnh Khánh Hòa)

Như chúng ta đã biết, hơn 2.500 năm qua, từ khi ánh bình minh của đạo Phật xuất hiện trên thế gian này, mục đích của chư Phật là nhằm: "KHAI THỊ CHÚNG SANH NGỘ NHẬP PHẬT TRI KIẾN", giúp chúng sanh vượt thoát dòng bộc lưu khổ đau sanh tử. Do vậy, ngay từ ngày đầu tiên chuyển vận bánh xe Pháp tại vườn Nai, xứ Ấn cho đến tận phút giây cuối cùng, trước khi vào Niết bàn, Đức Phật luôn khích lệ và động viên các đệ tử đem suối nguồn giáo lý mà tự thân Ngài đã tu chứng, hướng dẫn, chuyển vận vào đời, để xua tan bóng đêm vô minh đang bủa vây toàn thể nhân loại. Cho đến hôm nay, dòng pháp âm vô tận ấy vẫn mãi trường lưu trên thế gian này.

Kính bạch chư tôn thiền đức!

Để cho suối nguồn pháp âm ấy mãi trường lưu, hàng đệ tử xuất gia với trọng trách là một "sứ giả Như Lai" phải thực thi nhiệm vụ "Tác Như Lai sứ - hành Như Lai sự" mà Đức Phật đã ủy thác. Với đà tiến của nhân loại, sự phát triển của xã hội ngày nay, nền đạo đức của con người đang bị băng hoại, nhân cách con người đã bị vật chất hóa đến mức báo động. Con ma vô minh lại bành trướng thế lực của mình. Do vậy, hơn bao giờ hết, những người đệ tử xuất gia phải ra sức đưa ánh sáng trí tuệ của đạo Phật vào đời, đem lại hạnh phúc cho con người. Vì vậy ngày nay Giáo hội đã nỗ lực đào tạo, vun bồi nhiều thế hệ giảng sư để "hoằng dương Phật pháp", phục vụ chúng sanh. Nhưng trên thực tế, số lượng giảng sư được đào tạo còn quá khiêm tốn, và không ít các vị giảng sư trẻ còn thiếu nhiều kinh nghiệm trên pháp tòa. Cho nên, hôm nay, trong buổi tọa đàm này, với tư cách là một thành viên của Đoàn giảng sư Ban Hoằng pháp tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi xin đóng góp ý kiến về đề tài: "ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ CỦA MỘT GIẢNG SƯ KHI ĐỨNG TRÊN BỤC GIẢNG", để giúp cho các vị giảng sư trẻ có thêm một số kinh nghiệm trên bước đường sự nghiệp hoằng pháp của mình.

Thật hy hữu để các huynh đệ chúng ta có dịp gặp nhau cùng tâm sự và trao đổi những kinh nghiệm tu học, mà ở mọi thế hệ đều có những điều kiện thuận cũng như nghịch với những trăn trở, băn khoăn. Tất cả cũng đều bởi xuất phát từ mục đích: "Làm sao xây dựng và phát triển Giáo hội ngày càng thăng hoa và hoàn thiện nhất?". Hôm nay, Đoàn giảng sư Ban Hoằng pháp T.Ư đã tổ chức buổi tọa đàm, thiết nghĩ cũng nhằm mục đích ấy. Tôi tin rằng, buổi tọa đàm này là giao điểm của nhiều thế hệ giảng sư cùng phát huy hết khả năng của mình để kiện toàn và hoàn thiện Ban Hoằng pháp phát triển tốt đẹp.

Có lẽ nhiều Tăng Ni trẻ nghĩ rằng: với số kiến thức mà mình đã được học ở nơi các giảng đường Trung cấp và Cao cấp giảng sư, cùng với những vốn liếng được trau dồi ở nơi các giảng đường Trung cấp, Cao đẳng hoặc cấp Đại học Phật học rồi vào các khóa Trung cấp và Cao cấp giảng sư, cùng với những vốn liếng được trau dồi ở nơi các giảng đường đại học thế học, là đủ để trở thành một giảng sư. Nhưng thực tế đã trả lời cho tất cả, nhiều Tăng Ni trẻ khi đứng trên bục giảng mới thấy được những cái khó, không giản đơn như mình tưởng, từ đó chán nản, thối thất tâm nguyện "hoằng dương Chánh pháp" của mình.

Ông cha ta từng dạy: "Vạn sự khởi đầu nan". Điều này nhắc nhở chúng ta dù gặp khó khăn đến đâu cũng phải giữ vững chí nguyện "Hoằng pháp vi gia vụ". Muốn hoàn thành chí nguyện ấy, trước hết cần phải lưu tâm và ghi nhớ những điểm quan trọng cần phải có của một vị giảng sư:

- Quý huynh đệ vẫn hằng nhớ hình ảnh thiêng liêng:

"Nhất bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du,
Chỉ vị sanh tử sự,
Giáo hóa độ xuân thu"

Qua hình ảnh ấy, chúng ta thấy được thân giáo tuyệt vời của Đức Từ Phụ Thích Ca. Ngài dạy cho chúng ta điều quan trọng đầu tiên là: Tâm niệm vị tha vì đạo không cầu danh lợi cá nhân.

- Ôn lại cả chặng đường lịch sử cuộc đời của Đức Phật, từng hành động việc làm từng ngôn từ, lời nói của Ngài, nhắc nhở cho chúng ta phải lưu ý: cuộc sống phải đàng hoàng và gương mẫu.

- Phải luôn luôn hoan hỷ (dù gặp nghịch cảnh) và kiên nhẫn trong mọi trường hợp.

- Khi giảng, giọng nói phải rõ ràng, dứt khoát (khoa học và đại chúng).

- Từ điệu bộ cho đến giọng nói phải hấp dẫn, lâu lâu phải có những lời nói vui.

- Giảng sư phải làm cho lớp giảng linh hoạt, làm cho mọi người chăm chú.

- Phải xem và chuẩn bị bài giảng thật kỹ.

- Khi giảng, cần phải lưu ý:
    + Không nên đả kích, khích bác các đảng phái, tôn giáo.
    + Không nên chạm đến tự ái cá nhân của người khác.
    + Khi tỷ dụ cái gì xấu thì phải ám chỉ cho mình, cái gì tốt nên chỉ cho người.
    + Lời nói luôn cẩn thận, dè dặt.

Vị giảng sư muốn ban bố giáo pháp, phải có đủ 10 đức:

1. Khôn khéo biết nghĩa lý của giáo pháp.
2. Hay vì chúng sanh mà tuyên nói giáo pháp.
3. Ở trong chỗ đông người không sợ sệt.
4. Biện tài vô ngại (thông suốt nội giáo lẫn ngoại giáo).
5. Phương tiện khéo léo để mà nói.
6. Theo giáo pháp thực hành giáo pháp.
7. Oai nghi đầy đủ.
8. Dũng mãnh, mạnh mẽ ròng rặt, tiến tới không lui trong việc giáo hóa.
9. Thân tâm đừng nghĩ đến sự mỏi mệt.
10. Thành tựu oai thần của mình và người.

Trong cuộc sống, mọi người khi dấn thân vào cuộc đời, ai cũng đều mong muốn thành công trong công việc của mình. Muốn thành công trong công việc thì đòi hỏi phải có tư duy và phương pháp. Cũng vậy, một vị giảng sư muốn thành công trong thuyết giảng, thì cần phải có phương pháp diễn giảng. Muốn có được phương pháp diễn giảng tốt, thì cần phải có những bước sau đây:

1. Chuẩn bị xa cho một buổi giảng:

Chuẩn bị ở đây có nghĩa là được đào tạo về nhiều phương diện, nói khác hơn là huấn luyện từ trước, để đến lúc lên pháp tòa không còn ngượng nghịu, ấp úng. Muốn được như thế, đòi hỏi vị giảng sư phải:

a) Am tường giáo lý – chuẩn bị kiến thức: Một giảng sư phải thông hiểu càng nhiều môn càng tốt. Phải gia tâm nghiên cứu, sưu tầm các môn học khác như: tôn giáo, triết lý, văn học, xã hội v.v... Đọc nhiều các loại sách: học làm người, tư tưởng Đông Tây…, những loại sách có thể giúp kiến thức phát triển để làm nền tảng vững chắc cho việc diễn giảng. Nhưng đọc sách phải có nghệ thuật:
    + Ý thức đọc sách tối cần, tránh đọc những loại sách làm mất thời giờ và bị đầu độc.
    + Đừng đọc nhiều quá mà tiêu hóa không kịp, mà cũng đừng đọc ít quá.
    + Đọc với sự chú tâm, với trí tìm hiểu, với óc phẩm bình và đọc để mà học.
    + Đọc và toát yếu, chép dàn bài, ghi tư tưởng hay và sưu tập danh ngôn.
    + Tránh lối đọc để khoe: "tôi đọc nhiều sách".

b) Luyện trí nhớ: trí nhớ cung cấp cho ý tưởng, ý niệm, nhờ đó xây dựng được lý luận – Ký ức nghèo kém quá thì lấy đâu để thuyết. Có nhiều cách luyện trí nhớ, song đây là những phương pháp chính yếu:
    + Khéo đặt câu hỏi, khắc sâu hình ảnh hoặc cảm tưởng trong óc ta.
    + Liên tưởng, lặp đi lặp lại.
    + Đọc lớn tiếng, đọc nhiều lần, mỗi lần 10 phút, để cho mau nhớ và nhớ lâu hơn là đọc một lúc trong vài ba tiếng đồng hồ.
    + Tránh những việc phá hoại trí nhớ như: thức quá khuya, hút thuốc nhiều.

c) Luyện giọng: Một giảng sư muốn thu hút thính giả từ chỗ mê mờ đến hiểu đạo, không thể không quan tâm đến giọng nói. Tư tưởng dù hay đến đâu, giáo lý dù hiểu sâu đến đâu, vẫn không thu đạt được kết quả như ý, nếu không diễn đạt bằng giọng nói truyền cảm.

d) Âm điệu: lời nói có âm điệu, dịu, sắc mà hùng, ấm làm cho sáng tỏ ý tưởng, dễ nhận thức hơn, dễ thu hút và gây cảm tình với thính giả.
    + Nói xuôi xị, cứng nhắc, nói rề rề, rên rên… thì khó được thính giả chấp nhận. Vì thế phải chuẩn bị tập đọc, diễn tả âm điệu thật nhiều, khi một mình trong phòng vắng hay giữa đồng trống, sửa soạn âm điệu: cao, thấp, trầm, hùng. Tập cho đến khi trở thành một thói quen. Lời nói có lúc êm như suối đàn, có lúc hùng dũng như thác đổ, hết than thở đến ngạc nhiên, lúc nào cũng pha màu: hỷ, nộ, ái, ố, lạc…

đ) Làm quen hay đọc sách của nhiều pháp sư, giảng sư hay diễn giả danh tiếng:
    + Đừng bỏ qua những cơ hội tốt tham dự những buổi thuyết pháp, diễn thuyết của pháp sư, giáo sư tên tuổi, những buổi nói chuyện của những nhân vật lừng danh trong các ngành văn chương, nghệ thuật, khoa học… Mỗi người đều có những bí quyết giúp họ thành công. Có vị hấp dẫn bằng điệu bộ, có vị chinh phục bằng giọng nói, bằng những lặng thinh đúng lúc. Có vị thu hút bằng lời văn phong phú, nhẹ nhàng, êm dịu v.v… Tất cả đó là những bài học quý giá nhất của mỗi vị giảng sư. Cứ mỗi lần dự nghe một buổi diễn giảng là một lần hun đúc thêm cho mình nhiều kinh nghiệm, tích trữ lâu dần thành kho tàng kinh nghiệm quý báu.

e) Thu thập tài liệu: Nhiều tài liệu quý báu ta biết từ lâu, xem qua từ lâu, nhưng lúc cần dùng lại quên mất. Soạn bài giảng nếu tài liệu thiếu kém quá, làm sao nội dung bài giảng vững chắc, phong phú được. Vì thế, ngoài kinh điển đã đọc, đã học, để giúp trí nhớ nên ghi vào sổ tài liệu, dùng chép những ý tưởng thâm thúy, những lời kinh, lời văn. Ngoài ra, sổ tài liệu dùng để ghi những điều cần nhớ về một cuốn kinh, sách như tên tác giả, tên nhà xuất bản…

2. Trước một buổi giảng:

a) Đặt đề tài, sửa soạn dàn bài:
- Dù lỗi lạc đến đâu, khi giảng cũng phải có trước một dàn bài. Dàn bài hoặc viết, hoặc cưu mang trong trí nhưng nhất định phải có. Đối với những vị giảng sư trẻ mới diễn giảng, nên có dàn bài được viết rõ ràng, để giúp phần tự tin trên pháp tòa.
- Thuyết pháp là một dịp để bàn với Phật tử, với những người chưa hiểu đạo, chưa am tường giáo lý đạo Phật, dồn vào tâm não họ một ý lực, hướng dẫn hành vi và lời nói của họ quay về với đạo, am hiểu giáo lý sâu sắc để thực hành. Do vậy, khi đặt chủ đề rõ rệt mới tập trung ý tưởng lại thành một khối logic duy nhất để chinh phục. Các ý con phải được trật tự hóa để yểm trợ cho ý mẹ, các ý mẹ được thống nhất hóatrong một hệ thống để biện minh cho chủ đề. Tránh tham lam, đang bàn đề tài này, lo xét đề tài khác hay phải cái tật bị chi tiết dẫn dắt làm rơi chủ đề. Phải chuẩn bị một dàn bài có đầy đủ: Nhập đề-Thân đề-Kết luận (Rõ ràng và khúc chiết).

b) Tìm ý:
Trí của chúng ta có khi như nắng hạn, ý đi đâu mất, óc như đặc lại, rồi có lúc đến như mưa rào, như nước lũ. Cứ việc ghi hết, chưa đến lúc lựa chọn, thì hễ ý nào có liên hệ đến đầu đề, chủ đề đang nghĩ, ta cứ ghi. Vì thế, bất kỳ lúc nào, ở đâu, nếu có ý lạ nảy ra đều ghi liền. (Lý Hạ đời Đường làm thơ trên lưng ngựa, nghĩ câu nào chép ra câu ấy, hoặc như một thi nhân Trung Quốc đang đại tiện, tìm ra một vần thơ hay, ghi liền lên nhà xí).

c) Tìm các ý con:
Đã có ý mẹ, phải dùng óc phân tách để nảy ra các ý con. Muốn nảy ra các ý con thì phải nhìn vấn đề theo nhiều phương diện. Đặt câu hỏi: Ai? Cái gì? Tại sao? Ở đâu? Cách nào? Khi nào? Ra sao?... Đòi hỏi phải đọc và phân tích nhiều bài. Có những điều ta đọc nhiều lần mà lúc cần không nhớ, song vài bữa sau coi lại nhớ rất lâu. Tiềm thức vốn phong phú mà ẩn tàng, sẵn sàng cung cấp tài liệu cho ý thức và nhờ vậy ta có các ý tưởng. Những lúc không nhớ, nên coi lại sổ tài liệu các bài giảng.
- Chú ý: cần nhất là ý tưởng rõ ràng, những ý tưởng nào chưa được minh bạch thì phải suy nghĩ lại, tìm cho được luận chứng thuyết phục.

Trên đây là một số điểm kinh nghiệm, tôi trao đổi cùng các huynh đệ giảng sư trẻ, chỉ là một số ít trong muôn vàn kinh nghiệm, tôi tin rằng các huynh đệ sẽ tìm và học hỏi thêm ở những bậc thầy, những người anh chị đi trước, để hoàn thiện khả năng thuyết giảng, diễn giảng của mình trong tương lai.

Chúng ta đang sống đầu thế kỷ XXI, cuộc sống xã hội đang trên đà tiến rất nhanh với kỹ nghệ thông tin, tiến bộ của khoa học rất cao. Nền kinh tế vật chất đã vượt xa so với những thập niên trước đây. Do vậy, con người đang bị cuốn hút bởi mãnh lực của vật chất, quên đi giá trị tinh thần và tâm linh truyền thống. Ngoài ra, trình độ học thức và hiểu biết của con người của thời đại ngày nay, trong đó có cả những Phật tử, tiến bộ khác xa với những Phật tử của các thế hệ trước đây. Do vậy, khó khăn đối với người nhận lãnh trách nhiệm "sứ mệnh hoằng pháp" càng lớn và nặng nề hơn. Cho nên, người giảng sư ngày nay phải nhìn nhận và nắm bắt kịp thời đà tiến của thời đại, trau dồi và nâng cao khả năng của chính mình, đừng để trở thành người tụt hậu.

Với thời đại ngày nay, với những sự thật của thế giới quanh ta đang hiện hữu, hơn bao giờ hết, vị giảng sư cần phải hoàn thiện Ngũ minh mà Đức Thế Tôn đã dạy. Nhưng, điều tối cần thiết của người xuất gia, muốn "truyền trì mạng mạch Phật pháp", trong đó có những giảng sư chúng ta, đó là khả năng tự thân tu học và hành trì lời Đức Từ Phụ Thích Ca đã dạy, để chúng ta trau dồi khả năng tâm linh, có được một đời sống an tịnh, hoàn toàn tỉnh thức, không bị sức hút của vật dục, những thứ mà Thái tử Tất Đạt Đa đã nhàm chán và vứt bỏ cách đây hơn 25 thế kỷ, để tìm ra chân lý mà chúng ta đang hướng tới. Được vậy, chúng ta mới xứng đáng với hình ảnh tuyệt vời "Gióng lên pháp âm vi diệu" của Thế Tôn khả kính đã để lại. Như thế, chúng ta mới không cô phụ lòng tin của Đấng Từ Phụ và công ơn giáo dưỡng của thầy tổ, không đánh mất chí nguyện "Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh" của mỗi chúng ta, và không đánh mất niềm tin thánh thiện về ngôi Tăng bảo trong lòng của mỗi người và cộng đồng Phật tử.

Kính chúc buổi tọa đàm thành công tốt đẹp.


© 2005 -2024  Chùa Vĩnh Nghiêm | Homepage