Chùa Vĩnh Nghiêm

Tiêu chuẩn của một vị giảng sư

TT. Thích Minh Nghĩa
(Ủy viên Ban Hoằng pháp T.Ư)

Hôm nay, trong tinh thần hòa hợp thấm tình đạo vị, người con Phật từ khắp mọi miền đất nước về đây tham dự lễ ra mắt Đoàn Giảng sư và thảo luận chuyên ngành hoằng pháp. Đây là một sự kiện lịch sử, suốt 25 năm qua, GHPG Việt Nam đã hình thành và kiện toàn về mặt tổ chức pháp lý, Ban Hoằng pháp T.Ư đã thể hiện một sự phát triển rất lớn về các mặt, đó là nhờ sự phát đại bồ đề tâm của Hòa thượng Trưởng Ban Hoằng pháp T.Ư xiển dương đạo pháp làm sáng tỏ chân lý của Đức Phật. Với một tinh thần, trọng trách của ngành Hoằng pháp, đúng với câu:

Hoằng pháp vi sự nghiệp
Lợi sanh vi bổn hoài


Ngành Hoằng pháp là chính vụ của chư tôn đức Tăng. Nếu chúng sanh còn lặn hụp trong bể khổ sông mê, thì sứ mạng hoằng pháp của chư tôn đức giảng sư phải luôn tục được tiếp nối.

Một vị giảng sư đem Chánh Pháp truyền bá khắp thế gian, cần phải có 4 tiêu chuẩn, đó là Tứ tất đàn, bốn pháp thành tựu. Vì Đức Phật, suốt 49 năm thuyết pháp 300 hội, chưa bao giờ rời khỏi tứ tất đàn. Ngài dùng bốn pháp này làm cho chúng sanh thành tựu đạo quả, thẳng đến đạo Bồ đề.

1.Thế giới tất đàn :
Trước hết Đức Phật tùy thuận chúng sanh căn cơ, trình độ có khác, ngôn ngữ bất đồng. Đức Phật cũng tùy duyên mà thuyết pháp, theo chỗ sở thích của chúng, nói những pháp vi diệu làm cho chúng sanh ưa thích khởi tâm hoan hỉ, v.v...

2. Các các vị nhân tất đàn:
Pháp Tất đàn nầy tất cả chúng sanh trong năm giới, Đức Phật xem xét căn cơ của chúng sanh, tùy cơ ngơi của họ hoặc lớn, hoặc nhỏ. Kẻ trí người ngu, đã có chúng tánh thiện cảm, nhiều hay ít. Đức Phật thuyết pháp thích hợp với mọi tầng lớp chúng sanh, khiến họ phát khởi lòng chánh tín để nuôi lớn thiện duyên, phát tâm Bồ Đề, thượng cầu Phật quả thành tựu.

3 . Đối trị tất đàn:
Đối với chúng sanh nhiều lòng tham dục thì Đức Phật dạy những chúng sanh ấy phải phát từ tâm, phải có lòng thương, xem như cha, mẹ, anh chị em của mình. Đối với chúng sanh nặng vì ngu si, tham chấp, Đức Phật dạy quan sát nhân duyên, từ vô minh đến duyên hành.... Đức Phật dùng vô số phương tiện để hóa độ chúng sanh cũng như vị lương y, tùy theo căn bịnh mà cho thuốc, với tâm từ bi bình đẳng không phân biệt.

4. Đệ nhất nghĩa tất đàn:
Tất đàn cuối cùng, Đức Phật dạy: Thấy căn cơ của chúng sanh đã thuần thục lúc bấy giờ Đức Phật mới nói thật tướng của các Pháp. Và Ngài đã chỉ rõ bốn pháp vô cùng quan trọng:
a.Chơn thường
b. Chơn lạc
c. Chơn ngã
d. Chơn tịnh


Lúc bấy giờ, Đức Phật nói Pháp: tương ứng với người nghe Pháp, để thấu rõ được diệu lý của Chánh Pháp, bởi vì Đức Phật hiện thân trên cõi đời này, không ngoài mục đích cứu khổ ban vui cho tất cả chúng sanh, dứt trừ phiền não, vô minh, khai sáng trí tuệ.

Khi Đức Phật thành đạo dưới cội cây bồ đề, lúc bấy giờ, Ngài đã thu nhận đệ tử thành lập Tăng đoàn, một thân một bình bát, một cà sa, lấy cội cây làm nhà, chiếu màn là sương gió, những dấu chân của Người suốt 49 năm, chân không giày dép, in đậm nét trên sông Hằng cho đến miền sơn cước của nước Ấn Độ. Chúng ta bây giờ là những người thừa kế của Đức Phật, đem tiếng chuông thức tỉnh cho người, đó là: Pháp luân thường chuyển huệ tâm khai. Chúng ta phải đốt sáng ngọn đuốc trí tuệ, soi sáng nẻo vô minh, cũng như nguồn suối nước mát dịu, cứ âm thầm chảy trong lòng đất, để làm chất liệu ngọt ngào, để nuôi dưỡng cỏ cây, hoa lá, đơm bông kết trái, nó không cuốn đi những kỳ hoa dị thảo, làm mất bản chất, hương vị ngọt ngào của Chánh Pháp, cũng không bị ảnh hưởng của ngoại lai, mà còn tạo đậm nét nền văn hóa của dân tộc.

Trong lịch sử những ngà hoằng pháp thời cận đại, có lẽ một tấm gương sáng chói của thế kỷ XX tiêu biểu cho sứ mạng hoằng pháp là Hòa thượng Thích Thiện Hoa, để lại cho thế hệ sau này một kho tàng vô giá, chúng ta lấy đó làm kim chỉ nam, từ đó đến nay các vị Tăng già kế thừa đốt sáng ngọn đèn trí tuệ để phổ độ quần sinh.

Sứ mạng Hoằng pháp muốn được vẻ vang trên lộ trình đã đi đến mục đích thì phải có 3 yếu tố căn bản: thân giáo, khẩu giáo, ý giáo, phải thông suốt Tam tạng kinh điển, đạo hạnh được sáng ngời, giới luật trang nghiêm, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, từ bi bình đẳng làm phương châm để tiến thủ, ngoài những công hạnh đó, những pháp thế gian, chẳng hạn như bằng cấp, học vị đừng đặt nặng mà mất đi cái tinh hoa của đạo pháp.

Kính bạch chư tôn đức, thưa quý liệt vị giảng sư, chúng ta nên nhìn lại ngược dòng lịch sử, xứ Ấn Độ thời bấy giờ, thời kỳ Thánh quân của vua A Dục Vương, Vua Ca Nị Sắc Ca, nhờ có tinh thần Hoằng pháp mà đất nước được thanh bình hùng mạnh. Sau khi thống nhất đất nước, hoàng đế A Dục với một tâm niệm chân thành xiển dương đạo pháp ở trong nước, người đã cung thỉnh chư Tăng đầy đủ đạo hạnh để truyền bá chánh pháp, đem lại lợi lạc nhân thiên, cho nên đất nước của người sống được an vui thịnh vượng.

Việt Nam của chúng ta, dưới các triều đại như: Lý, Trần,... Tăng sĩ cũng vừa tu vừa học vừa truyền bá Chánh Pháp, giúp nước phò vua, cho nên đạo Phật lúc bấy giờ được áp dụng trong nhân gian, lấy tam qui ngũ giới làm nền tảng, có thể nói rằng thời kỳ ấy Phật giáo đóng một vai trò quan trọng trong xã hội. Từ đó, các vị Danh Tăng nổi bật như: Vạn Hạnh Thiền sư, Khuông Việt Quốc sư, v.v... tuy chẳng có bằng cấp học vị, thay vào đó, các Ngài thực tu, thực chứng giới đức được trang nghiêm là một tấm gương sáng cho nhiều thế hệ.

Muốn biết Phật giáo thạnh hay suy, thì chúng ta cứ nhìn thẳng vào đường lối của Hoằng pháp quá khứ cũng như hiện tại như thế nào thì sẽ rõ và tương lai chúng ta có nhận định rõ ràng vạch ra phương hương cụ thể, lèo lái con thuyền chánh pháp đi ngược trùng dương, nối đèn thuyền Bát nhã, tay lái tay chèo, nhưng thiếu người trợ giúp, nhất là lương thực trong thuyền mỗi ngày khô cạn thì làm gì mà có năng lực, để lèo lái chiếc thuyền Bát nhã, đưa khách sang sông. Do đó, các vị Giảng sư của chúng ta cũng phải cần có các vị tôn túc, hướng dẫn đạo sư đi suốt trên lộ trình hoằng pháp, để kịp thời đáp ứng với thời đại, nhưng cũng không tách rời sự tu học

Có một điều cần lưu ý chúng ta đã phát tâm xuất gia, có những lời nguyện ban đầu.

Thiệu long thánh chúng
Chấn nhiếp ma quân
Dụng báo tứ ân
Bạt tế tam hữu

Đã ý thức được mà mình đã lãnh sứ mạnh, tiếp nối đường đi của các bậc tiền bối, khai thông trí tuệ cho đàn hậu học sau này đó là thuyết pháp độ sanh báo Phật ân đức thì việc làm ngày hôm nay không khác gì ngày hôm qua.

Chúng tôi mong muốn rằng, tất cả các vị giảng sư của Ban Hoằng pháp T.Ư cũng như các tỉnh, thành hội đầy đủ trí lực, huệ lực, đem Chánh Pháp truyền khắp mọi nơi, từ vùng sâu vùng xa, nơi nào chưa có Phật Pháp thì chúng ta nên quan tâm, đem Chánh Pháp truyền bá đến chỗ đó và trợ duyên cho các Ban Trị sự tỉnh, thành hội hoàn thành Phật sự. Nhất là các tỉnh lẻ, chưa thành lập được Giảng sư đoàn, thì Ban Hoằng pháp T.Ư phải có trách nhiệm có thể cử người đến đó để xiển dương đạo pháp, chúng ta đem một ngọn gió mát quạt vào nhà lửa, thì tin chắc rằng nhà lửa đó trở lại một trạng thái bình thường không còn bị cháy khô.

Hôm nay, trong buổi hội thảo và ra mắt Đoàn Giảng sư của Ban Hoằng pháp T.Ư, chúng tôi xin kính chúc chư tôn đức, Tăng Ni trong buổi hội thảo trước thềm năm mới được đầy đủ sức khỏe và an lạc trong Chánh Pháp.


© 2005 -2024  Chùa Vĩnh Nghiêm | Homepage