Chùa Vĩnh Nghiêm

Cần có chương trình mới và bộ sách Phật học giáo khoa

TT. Thích Chơn Không
(Ủy viên BHP T.Ư)

I. Trong 25 năm qua, kể từ ngày GHPGVN được thành lập vào năm 1981 đến nay, Giáo hội đã từng bước củng cố tổ chức, xây dựng ngôi nhà Chánh pháp ngày càng vững mạnh, số lượng tín đồ không ngừng phát triển, các đạo tràng tu niệm, các lớp giáo lý học tập, các giảng đường thuyết pháp, các khóa Phật học trên nguyệt san Giác Ngộ, các trang báo điện tử Phật giáo cũng như các phương tiện truyền thông khác trên Internet cũng được ứng dụng phục vụ cho các nhu cầu hoằng pháp, khiến cho các Phật tử gần hay xa, có lòng mộ đạo đều có thể tìm hiểu học hỏi, hoặc trực tiếp đến các tự viện, hoặc thông qua mạng Internet.

Theo thống kê năm 2006 của Ban Hướng dẫn Phật tử Thành hội Phật giáo, tại TP.HCM hiện có 127 đạo tràng (gồm các đạo tràng: Bát quan trai, Pháp Hoa, niệm Phật, tu thiền,...), 34 lớp giáo lý và hơn 20 giảng đường sinh hoạt hàng tuần với trên 16.000 lượt Phật tử tham gia tu học. Có thể khách quan ghi nhận rằng, trong những năm gần đây, phong trào tu học Phật pháp đã sinh động hẳn lên và phổ biến rộng rãi chính là nhờ nỗ lực chung của chư tôn đức Tăng Ni dưới sự lãnh đạo của Thành hội và Trung ương Giáo hội.

Tuy nhiên, tình hình chung cho thấy, những người đến các tự viện để tu học, phần đông là nữ Phật tử lớn tuổi. Điều đáng lưu ý là nam giới và thanh thiếu nhi cư sĩ Phật tử sinh hoạt với các đạo tràng, các lớp giáo lý, hay các giảng đường có phần thưa vắng và không thường xuyên. Điều đó cho thấy hầu hết các đạo tràng chưa thu hút giới trẻ, nội dung sinh hoạt chưa theo kịp nhu cầu của thực tế.

II. Vấn đề đặt ra hiện nay đối với Giáo hội nói chung, ngành Hoằng pháp, Tăng sự và Hướng dẫn Phật tử nói riêng là chúng ta cần phải mở ngay những chương trình sinh hoạt tu học mới, mang tính vui tươi lành mạnh, thích hợp với tuổi trẻ, hoạt động thường xuyên, rộng khắp các tự viện. Căn cứ các yêu cầu nêu trên, chúng tôi xin đề nghị một số chương trình cụ thể như sau:

1. Những tự viện có điều kiện nhân sự và mặt bằng nên lập ngay chương trình tu học riêng cho thanh thiếu nhi cư sĩ Phật tử, mỗi tuần một buổi, có thể tập trung sinh hoạt vào buổi chiều thứ bảy, hoặc buổi sáng, hay buổi chiều Chủ nhật hàng tuần. Mỗi buổi sinh hoạt khoảng 2 tiếng đồng hồ, gồm các tiết mục: lễ Phật - tụng kinh (30 phút), học giáo lý (45 phút), ca múa và trò chơi (45 phút). Chương trình này do vị trụ trì trực tiếp tổ chức và điều hành, dưới sự hỗ trợ chuyên môn của ngành Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử. Cũng xin nói rõ thêm, chương trình này chỉ dành cho thanh thiếu nhi cư sĩ Phật tử ở các tự viện chưa có tổ chức sinh hoạt Gia đình Phật tử.

2. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học hỏi giáo lý của các thanh thiếu nhi cư sĩ Phật tử, chúng tôi xin đề xuất với Tiểu ban Đặc trách Biên soạn Giáo lý – Ban Hoằng pháp Trung ương và chư tôn đức giảng sư nhanh chóng biên soạn bộ sách Phật học giáo khoa từ thấp lên cao, thích hợp với các lứa tuổi của thanh thiếu nhi cư sĩ Phật tử. Bộ sách này có thể chia thành 4 tập:

- Tập 1 dành cho cư sĩ Phật tử, tuổi từ 6 đến 12. Phụ bản truyện tranh: minh họa các bài học, các câu chuyện được đề cập trong tập sách.
- Tập 2 dành cho thiếu niên cư sĩ Phật tử, tuổi từ 13 đến 17.
- Tập 3 dành cho thanh niên cư sĩ Phật tử, tuổi từ 18 đến 35.
- Tập 4 với chủ đề "Hôn nhân và hạnh phúc gia đình".

Mỗi bài học cần có 4 phần: dàn bài, bài giảng, toát yếu và câu hỏi ôn tập. Các tiết học cần có thời lượng cân đối.

3. Về giáo trình giảng dạy các lớp giáo lý cho các cư sĩ Phật tử đã có từ trước đến nay (không giới hạn độ tuổi), nên căn cứ vào bộ sách Phật học phổ thông khóa I, II, III, IV của Hòa thượng Thích Thiện Hoa. Đồng thời biên soạn thêm phần toát yếu và câu hỏi ôn tập để các cư sĩ Phật tử dễ lãnh hội.

Về vị giáo thọ đứng lớp giảng dạy các buổi học được đề cập ở các mục 1, 2, 3 vừa nêu trên, nên cử một vị giảng sư phụ trách xuyên suốt trọn khóa thì hiệu quả sẽ tốt hơn, đến cuối khóa nên tổ chức thi tại lớp và cấp giấy chứng nhận cho các thí sinh đạt điểm trên trung bình.

4. Về việc thuyết giảng tại các đạo tràng, trong 3 thập niên qua, hầu hết các đề tài thuyết giảng ở các đạo tràng đều giống với các đề tài ở giảng đường. Nay chúng ta nên mạnh dạn tạo sắc thái riêng cho đạo tràng, tùy theo mục đích của mỗi loại hình đạo tràng mà soạn giáo trình thích hợp. Ví dụ:

- Đạo tràng Bát quan trai, biên soạn giáo trình, tập trung vào các bài kinh ngắn trong các bộ kinh A hàm (Agama) và Nikaya.
- Đạo tràng Pháp Hoa, triển khai tư tưởng các kinh: Pháp Hoa, Niết Bàn và các kinh sách liên hệ.
- Đạo tràng niệm Phật, triển khai các kinh: Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Niệm Phật Ba la mật và các kinh sách liên hệ.
- Đạo tràng tu thiền, triển khai các kinh: An Ban Thủ Ý, Niệm Xứ, Viên Giác, Kim Cang, Lăng Già Tâm Ấn và các kinh sách liên hệ.

5. Về việc thuyết giảng tại các giảng đường, tuy cùng một đề tài, nhưng mỗi vị giảng sư có mỗi cách trình bày, triển khai khác nhau và thính chúng đến nghe giáo pháp mang tính tùy duyên, không bắt buộc có mặt thường xuyên, nên chủ đề thuyết giảng có thể linh động tùy theo thời điểm diễn ra các cuộc lễ hội, các diễn biến quan trọng mang tính thời sự kết hợp với các bài giáo lý căn bản. Tuy nhiên các vị giảng sư chúng ta cùng sinh hoạt ở một giảng đường cũng nên hội ý với nhau để cung cấp các món ăn tinh thần cho thính chúng qua các đề tài mới lạ, nội dung phong phú, hàm súc và bổ ích. Sở dĩ chúng tôi đưa ra nhiều khía cạnh phổ cập giáo lý cho nhiều thế hệ là muốn thay đổi quan niệm cố hữu của quần chúng "trẻ vui nhà, già vui chùa"; trong khi tuổi trẻ chính là nguồn sinh lực, là vượng khí của đạo pháp và dân tộc mà ngành Hoằng pháp của chúng ta chưa đáp ứng được. Nếu mảng này được thực hiện tốt thì chúng ta đã góp một phần ổn định xã hội và phát triển bền vững sau hội nhập, bởi mọi chuyện đều bắt nguồn từ nhận thức đúng đắn.

Kính bạch chư tôn đức, kính thưa quý liệt vị,

Trên đây là những thực trạng đã và đang xảy ra, cùng các giải pháp khả thi, thực tiễn, mang tính định hướng nhằm góp một phần nhỏ bé vào chương trình hoằng pháp lợi sanh của Ban Hoằng pháp và Đoàn giảng sư Trung ương với niềm tin tưởng tương lai Phật giáo chúng ta sẽ rạng rỡ nhiều hơn nữa với sự tham gia tu học đông đảo của thanh thiếu niên cư sĩ Phật tử, góp phần giảm bớt các tệ nạn xã hội, giúp đất nước thêm thanh bình an lạc và thịnh vượng. Sự ưu tư của chúng tôi hôm nay xin được chia sẻ đến quý đại biểu và rất mong "Sứ mệnh hoằng pháp thời hiện đại" sẽ là những chương trình hành động của ngành Hoằng pháp bắt đầu từ năm 2007 để đáp ứng những nhu cầu tu học của thanh thiếu nhi cư sĩ Phật tử. Và thành quả quý báu này chính là món quà dâng lên chào mừng Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ VI sẽ được tổ chức vào cuối năm nay (2007) tại thủ đô Hà Nội.

Xin kính chúc chư tôn đức pháp thể khinh an, Phật sự viên thành. Kính chúc quý quan khách, quý cư sĩ Phật tử vô lượng kiết tường, vô lượng an lạc.


© 2005 -2024  Chùa Vĩnh Nghiêm | Homepage