Chùa Vĩnh Nghiêm

Sau Đại lễ Vesak, Phật giáo Việt Nam phải làm gì?

http://phatgiao.vn/images/news/vesak0870.jpg
Nhân viên công ty thực phẩm Âu lạc phục vụ thức ăn tại Đại lễ

Thế là Đại lễ Tam Hợp Vesak Liên hợp quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, Việt Nam, nơi đẫ từng diễn ra Hội Nghị thượng đĩnh APEC, từ ngày 13 đến 17 tháng 05 năm 2008 (PL.2552) đã thành công viên mãn, vượt quá sự kỳ vọng của mọi người, làm kinh ngạc cả bạn bè khắp năm châu.

Đại lễ đã được Chính phủ Việt Nam đăng cai yểm trợ, và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phối hợp với Ủy Ban Tỗ chức Quốc tế - IOC tổ chức, bao gồm các cuộc Hội thảo với chủ đề “Đóng góp của Phật giáo về một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã tập hợp được đại biểu của 74 quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham dự cùng hàng vạn Phật tử trong niềm hân hoan pháp lữ của nhân dân Việt Nam.

Vào đêm thứ hai của Đại lễ, chánh phủ đã mở tiệc chiêu đãi các trưởng phái đoàn Phật giáo và các đoàn khách cao cấp quốc tế. Trong buổi lễ bế mạc Đại lễ vào chiều ngày 16, GS. Lê Mạnh Thát, Chủ tịch IOC đã thay mặt Ban tổ chức đọc “bản tuyên bố Hà Nội” nhằm gởi đến các quốc gia trên thế giới, gồm 16 điểm bao quát về hòa bình, an ninh, phát triển, và bảo vệ môi sinh theo giáo pháp Phật giáo. Đại lễ Vesak đã được hòan mãn với đêm thắp nến cầu nguyện hòa bình chung quanh tượng đức Thế tôn trong quảng trường của Trung tâm Hội Nghị với 20.000 ngọn nến đã được thắp lên bởi 10.000 sinh viên, Phật tử và chư tôn đức Tăng Ni.

Sự kiện Việt Nam được ủy nhiệm đứng ra tổ chức Ngày Đại lễ Vesak Liên hợp quốc tại Hà Nôi lần đầu tiên trong Phật sử thế giới là một bước ngọăt văn hóa và chính trị quan trọng cho dân tộc, chính phủ và Phật Giáo Việt Nam ở thời đại mới. Thế giới từ nay càng biết rõ rằng Phật giáo là tôn giáo chính của dân tộc Việt Nam và đại đa số dân tộc Việt đều mang tín ngưỡng Phật giáo, như lịch sử lâu dài của Việt nam đã chứng minh; và quan khách quốc tế lại càng phải ngạc nhiên trước một dân tộc hiền hòa, hiếu khách và mộ đạo với nền văn hiến lâu đời ở một đất nước thái bình với giang sơn cẩm tú.

Với tầm vóc ở thời đại mới thì Phật Giáo Việt Nam, trong đó dĩ nhiên bao gồm Giáo Hội và cộng đồng đại đa số Phật tử trong và ngòai nước, phải biết ứng xử kịp thời, mạnh mẽ vươn vai đứng dậy nhận lãnh trách nhiệm của mình, sau một thời gian dài bị các thế lực vô minh làm cho mê ngủ và suy nhược, để nhanh chóng xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh; đồng thời làm cho quốc gia càng hùng mạnh và phú cường để kịp sánh với trào lưu thế giới.

Đã qua rồi thời kỳ các thế lực đen tối cấu kết với thực dân tây phương Âu Mỹ đày đọa dân tộc ta trong vòng nô lệ cho những chủ thuyết ngọai lai, hầu tiêu diệt gốc rễ văn hóa và xóa nhòa bản sắc truyền thống của giống nòi chỉ vì tham vọng thống trị tòan cầu của bọn họ. Không ai có thể quên được dã tâm của tập đòan này khi đô hộ được nước ta ở cuối thế kỷ 19, chúng đã tìm mọi cách tiêu diệt tàn ác hàng ngũ trí thức được gọi là Văn thân Cần Vương của xã hội ta như thế nào mà lịch sử vẫn còn ghi đậm nét. Phật Giáo Việt Nam cùng với tòan dân phải kiên quyết không để cho thời kỳ nhục nhã này tái diễn.

Từ khi dân tộc đánh đuổi được bọn xâm lược này ra khỏi bờ cõi, giành lại được độc lập chủ quyền; dần dần mọi giá trị đạo đức, tín ngưỡng cổ truyền của đồng bào đã được chính quyền Việt Nam quan tâm khôi phục cùng với những tiến bộ về kinh tế và xây dựng đất nước. Dĩ nhiên mọi việc đạt được như ngày hôm nay, chưa hẳn đã được như mong cầu, nhưng không thể một sớm một chiều mà những điều mong muốn đều thực hiện được. Mọi thành tựu đều cần phải có đủ thời gian giao thoa và thử thách; cần phải có đủ thời gian để gây dựng niềm tin tưỡng vững chắc giữa nhà nước và cộng đồng Phật giáo mà đại diện là Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.

Qua thực tế chính trị xã hội thời cận đại của nước ta, thì trong suốt thời kỳ chống ngọai xâm, tòan dân phải dốc hết nhân vật lực ưu tiên vào chiến đấu giải phóng dân tộc; đặc biệt là ở miền bắc trong một thời gian dài 21 năm từ 1954-1975, đã không hề có bất cứ một họat động tôn giáo công khai nào làm nhiều người cứ tưỡng là niềm tin Phật giáo và các tín ngưỡng cổ truyền đã không thể nào phục hồi được; thế nhưng một khi gặp thuận duyên thì nó bừng nở rộ với một sức sống mãnh liệt chưa hề thấy. Điều đó càng chứng tỏ tiềm năng sinh tồn của Phật giáo nói chung, và của Phật giáo Việt Nam nói riêng dồi dào như thế nào dù trãi qua biết bao thăng trầm theo vận nước.

Mọi người đã chú ý nhiều đến bài diễn văn chào mừng quan khách đến dự đại lễ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong ngày khai mạc tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia, Hà Nội ngày 14 tháng 5, 2008. Qua đó ông đã đánh giá đúng đắn vai trò của Phật giáo đối với lịch sử đất nước:

“Việt Nam là đất nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm, từ gần 2000 năm trước. Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng từ bi, hỉ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người.”

”Trong các thời đại, thời nào Lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân. Đặc biệt, lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công lao của vị vua anh minh Trần Nhân Tông có công lớn lãnh đạo nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi, từ bỏ giàu sang, quyền quý, tìm nơi non cao Yên Tử để học Phật, tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm - một dòng thiền riêng của Việt Nam tồn tại mãi tới ngày nay.”

“Nối tiếp dòng chảy và truyền thống gần 2000 năm qua, Phật giáo Việt Nam hôm nay đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, thực hiện cứu khổ độ sinh, thông qua hoằng dương Phật pháp vận động Tăng ni, Phật tử cả nước sống trong chánh tín, thực hiện đúng pháp luật Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của người công dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo, giúp đỡ người già cả, neo đơn, trẻ tàn tật, mồ côi, người gặp hoàn cảnh khó khăn, thực hiện xoá đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ... “

”Những việc làm cao cả ấy ngày càng rõ nét và đạt thành quả lớn lao, khẳng định Phật giáo luôn gắn Đạo với Đời, là một tôn giáo có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc.”

....

“Đại lễ được tổ chức với sự cổ suý của Liên hợp quốc nhằm tôn vinh những giá trị tư tưởng sâu sắc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về hoà bình, hoà hợp, hoà giải, vị tha, nhân ái đã có từ hơn 2.500 năm trước và vẫn còn nguyên giá trị trong thế giới ngày nay.”

”Với đông đảo Quý vị có mặt ở đây hôm nay, tôi hy vọng mỗi người hãy là một sứ giả thiện chí, của hoà bình, từ Đại lễ này sẽ được tiếp thêm sức mạnh, sự quyết tâm để tiếp tục nêu cao chính pháp của Đức Phật trong đời sống xã hội, vì tương lai tươi sáng và tốt đẹp của toàn nhân loại.”


Cũng thế, Nhà nước Việt Nam sau hơn hai thập niên nghi kỵ dè dặt dưới nhãn quan Cộng sản quốc tế xuất phát từ châu Âu, vốn có nền văn hóa hòan tòan khác biệt với ta đã đánh đồng mọi tôn giáo đều là thuốc phiện ru ngủ; nay đã nhận biết chân giá trị tốt đạo đẹp đời của Phật giáo và nhất là sinh mệnh của Phật giáo Việt Nam chính cũng là sinh mệnh của cả dân tộc, bất khả phân.

Một sự kiện đáng chú ý nữa là thành phần quan khách của Chính quyền đông đảo đến tham dự lễ khai mạc, ngòai Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết; còn có ông Huỳnh Đảm – Chủ tịch UBTW-MTTQ, ông Đỗ Mười – nguyên Tổng Bí thư, ông Trần Đức Lương – nguyên Chủ tịch Nước, ông Võ Văn Kiệt – nguyên Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn An – nguyên Chủ tịch Quốc hội, ông Phạm Thế Duyệt – nguyên Chủ tịch UBTW-MTTQ, ông Nguyễn Duy Niên – nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vv... đã nói lên tầm quan trọng của ngày Đại lễ và sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước.

Khi vào Việt Nam, Phật giáo đã hội nhập hài hòa với các tín ngưỡng khác của dân gian và chuyển hóa được nền văn hóa bản địa để đồng tiến. Một khi vào Việt Nam dù từ hướng nào, nó liền trở thành Phật giáo Việt Nam, tạo nên bản sắc của dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử của đất nước Việt Phật giáo đã từng bao phen xếp mình vào hàng ngủ dân tộc cùng hy sinh để đánh đuổi bao đợt xâm lăng thống trị của thực dân Tây Tàu Mỹ. Phật giáo đã không mưu đồ cấu kết với bất cứ thế lực ngọai bang nào để bắt dân làm nô lệ cho chúng; và để mình đạt cho kỳ được địa vị công giáo mà lấn át các tôn giáo khác. Bởi vì sao? Bởi vì bản chất từ bi, hỉ xã, khoan hậu của giáo lý nhà Phật luôn kết hợp hài hòa với tính ôn hòa, thành tâm, thiện ý, và lòng hiếu kính của dân Việt mà tạo nên nền văn hóa đặc biệt của dân tộc ta. Vì thế mạng mạch của Phật Gíao trong đời sống nhân dân Việt chính là sức đề kháng ngọai xâm mạnh nhất của dân tộc ta.

Nhiều lý do để giải thích vì sao Phật Giáo Việt Nam trường tồn cho đến ngày nay mà không cần đến súng đạn gươm giáo hay vật chất của ngọai bang cưỡng ép kẻ khác cãi đạo mà chỉ bằng tấm lòng từ bi vô lượng:

1) Vì đối tượng phục vụ của Phật Giáo là con người, muốn giải thóat con người khỏi mọi khổ đau, chứ không kềm kẹp con người để phục vụ thần linh hoang tưởng, mà thực sự chỉ phục vụ cho một thiểu số giáo sĩ trần tục đầy tham vọng quyền lực.

2) Vì Phật Giáo luôn đề cao trí tuệ của bản thân tín đồ; “duy tuệ thị nghiệp” như lời đức Phật dạy, chứ không hề áp đặt sự mê tín mà gọi đó là đức tin.

3) Vì Phật Giáo luôn nhấn mạnh vào khả năng “hồi đầu thị ngạn” của chính bản thân tín đồ mà làm lành tránh dữ chứ không tin vào sự cứu rỗi tha tội của một khái niệm ngọai tại nào. Cũng vì thế mà các dân tộc đông phương vốn rất bao dung, nên dù đã sáng tạo và nhân cách hóa khái niệm “trời” từ rất lâu, vẫn không hề đặt ra một giáo thuyết Trời độc thần độc tôn để khống chế đồng lọai.

4) Vì đạo lý của Phật Giáo nhắm đến sự chuyển biến hướng thiện của tâm linh sâu kín, dù đã trải qua hơn 2500 năm vẫn là chân lý, phù hợp với khoa học hiện đại của mỗi thời.

5) Vì Phật Giáo luôn hòa hợp, nên không hề tranh giành vật chất, đọat quyền đọat lợi cho tôn giáo mình được độc tôn; ngay cả vào thời không cần phải có điều ước ‘tự do tôn giáo’ như ngày nay.

6) Vì Phật Giáo không nhận lệnh từ một tổ chức quốc tế nào để khuynh đảo quốc gia, nên không hề có những “quan khâm sứ” đại diện đến ngự trị để quán sát Phật sự.

7) Vì Phật Giáo không chịu phục vụ cho một thế lực bạo tàn nào với mưu đồ thống trị thâm độc nào; nó dành cho mọi người với mọi căn cơ muốn tìm hiểu tu tập.

8) Vì thế, an nguy của Phật Giáo là an nguy của dân tộc, cho nên nó phải bám rễ chặt chẻ để cùng sống chết với tổ quóc trong mọi nguy biến; Nó không hề hô hào nhân dân bỏ làng bỏ nước để tìm sự bao che của các thế lực ngọai bang cho riêng mình.

9) Vì Phật Giáo lưu chuyển ở chỗ “Sắc sắc, không không”, như câu kinh Bát Nhã; nên vốn không hình tướng do đó chẳng thế lực nào có thể khống chế nó được. Tùy duyên mà hiện, tùy duyên mà biến; chỉ có kẻ đã ngộ được luật nhân quả mới nhận ra nó mà thôi. Và nhân dân Việt vốn đã thấm nhuần tư tưởng này từ lâu nên chẳng cần phải “đăng ký” để nhận mình là Phật tử; một điều không mấy cần thiết như thói đời. Nhưng khi hữu sự thì ai cũng là Phật tử cả!

Dù kiên cường khi phải cứu quốc hộ dân nhưng từ những buổi thuyết pháp của các sư sãi Phật giáo; không bao giờ người ta nghe những lời thô bĩ, hiếu sát, hiếu chiến, hận thù, tranh chấp, lật lọng vv... như những lời hô hào thường xuyên của tu sĩ các tôn giáo khác để gây thánh chiến; bởi vì họ luôn thấm nhuần giáo hạnh Bát chánh đạo mà đức Phật đã trao truyền để giữ thân khẩu ý cho trong sạch tịnh khiết. Ngay cả những tiên vương nhà Trần; sau khi bao phen đánh đuổi được quân Nguyên, cũng không nuôi tham vọng quyền lực mà lui vào chốn thiền môn lưu danh thơm muôn thuở cho hậu thế.

Điều đó càng thể hiện đậm nét qua pháp tướng của các vị cao tăng trong buổi lễ khai mạc đại lễ Vesak vừa qua. Chúng ta phải kính cẩn tâm phục đạo hạnh hiễn bày của Ngài Pháp chủ Phổ Tuệ, Ngài Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Trí Tịnh, vv... dù trong bối cảnh đại hoan lạc của chúng đồ; các ngài vẫn an nhiên tự tại, tâm không hề bị lôi cuốn theo ngọai cảnh. Thực đáng tán thán! Đáng tán thán! Quí ngài đã thể hiện tấm gương sáng của bậc chân tu Phật đạo để hậu bối noi theo tu dưỡng. Uy nghi của Thanh tịnh trong bất kỳ tình huống nào.

Vì thế mà ngày nay Liên Hợp Quốc, qua Đại kễ Vesak muốn rao truyền thông điệp hòa bình, từ bi, tình thương đối với mọi sinh linh của Đức Phật:

“Thông điệp đó nhắn nhủ mọi người cần mở rộng tấm lòng với chúng sanh, đồng loại, những người đang cần sự giúp đỡ, đòi hỏi chúng ta cần nhận ra bản chất đồng nhất trong mỗi người, mỗi loài và đặt hạnh phúc chung của cộng đồng, của nhân loại lên trên hạnh phúc riêng mình.”



“Đây chính là con đường đưa đến sự giác ngộ và cũng là nền tảng xây dựng thế giới hoà bình thịnh vượng và tốt đẹp hơn.”  


Lại nữa Đại lễ đã được Chính phủ Việt Nam đăng cai phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Uỷ ban Quốc tế Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc tổ chức tại thủ đô Hà Nội sau một thời gian ngắn hội nhập với chính trường quốc tế đủ nói lên nội lực của nhà nước ngày nay; một khi có được sự ủng hộ của tòan dân thì việc gì dù khó khăn mấy cũng làm được. Đánh đuổi được quân cướp nước, giành độc lập, tự do, vẹn tòan cho tổ quốc là kỳ công gian khổ hy sinh biết bao mà còn làm được thì cớ gì một đại lễ trong một đất nước hòa bình.

Đó cũng là cơ hội tốt đẹp để làm cho thế giới thấy rằng Việt Nam ngày nay đã phục hồi được sự tự tin về mọi mặt từ chính trị, kinh tế, văn hóa và tín ngưỡng vv... một khi ngộ ra rằng sức mạnh của dân tộc nằm ở ngay chính bản thân của mỗi người Việt biết đòan kết, tự mình sắp xếp lấy vận mệnh của mình mà không còn phải nhìn quanh ra thế giới bên ngòai, nhất là phương tây để ăn xin và nhận chỉ thị. Những bài học nhục nhã của hàng ngủ lãnh đạo vô liêm sĩ ở một thời đất nước bị ngọai bang thống trị trong lịch sử cận đại đã lưu lại nhiều vết nhơ nào ai dễ quên.

Ông Triết đã khẳng định: “Việt Nam hôm nay với chủ trương phát huy tối đa nội lực, thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, da dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, với tinh thần là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển.”

”Trong lĩnh vực văn hoá tinh thần, Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc song cũng sẵn sàng tiếp thu, đón nhận tinh hoa văn hoá thế giới và hội nhập với các nền văn hoá tiên tiến của nhân loại. Việt Nam luôn tôn trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đóng góp cho đời sống xã hội, hướng con người tới chân, thiện, mỹ, nhất là những giá trị phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống hướng thiện của con người Việt Nam, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng xã hội mới với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”


Vì thế Phật Giáo Việt Nam phải nhanh chóng tái xác định vị trí chủ đạo của mình như từ bao đời; nương theo luật pháp kỷ cương của Nhà nước, mà giúp đưa xã hội ổn định thêm trong đời sống văn hóa, đạo đức và tâm linh của dân tộc. Phật Giáo Việt Nam dĩ nhiên không thể tồn tại được bằng cách sống cô lập ở nơi chùa chiền tự viện trong chốn thâm sơn cùng cốc, xa lánh hồng trần, như các tập đòan thế lực ngọai bang từng xu phụ, tiêm nhiễm hay kềm hãm trong những thế kỷ gần đây vì chúng từng biết đến sức mạnh tiềm tàng của Phật Giáo trong đời sống bất khuất của dân tộc nên luôn tìm mọi cơ hội để tiêu diệt bằng được. Phật Giáo Việt Nam phải dấn thân vào đời nhiều hơn nữa mà thí phát hạnh Bồ tát cứu vớt chúng sanh; nhất là khi thế giới hiện đang ở vào nguy cơ của chiến tranh phá họai, thiên tai và nghèo đói chỉ vì còn có những khối quyền lực luôn đề cao tín ngưỡng độc thần cuồng tín. Lúc này chính là lúc giáo lý nhà Phật càng phải được xiễn dương mạnh mẽ hơn nữa.

Trong thời kỳ mới, với sự tương kính và đồng cảm của Nhà nước và cộng đồng Phật Giáo Việt Nam chiếm đại đa số dân tộc; mong rằng Chính quyền sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Phật Giáo phục hồi các tự viện, cơ sở; các họat động tôn giáo, y tế, từ thiện, văn hóa, nghệ thuật, xã hội, giáo dục phổ thông và đại học, các sinh họat đạo đức cho thanh thiếu niên qua các tố chức Gia Đình Phật Tử, thanh niên, sinh viên Phật tử vv…, vốn đã có lịch sử sinh họat lành mạnh lâu dài, để góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước càng ngày càng phú cường, văn minh và tiến bộ; đồng thời quảng đại hóa tín ngưỡng truyền thống của dân tộc; không để các thế lực ngọai bang tìm những sơ hở trong tổ chức xã hội do sự nghèo đói bất công mà xen vào khuynh lóat tạo nhiễu nhương cho đất nước. Trong một xã hội dân chủ, Nhà nước phải quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của đại đa số dân chúng. Nhưng Phật Giáo Việt Nam cũng nên luôn quan tâm đến “tự quán chiếu” để tránh tình trạng bừng nở thái quá đi xa giáo lý Phật đà mà trở thành một “thế lực phàm tục” như tôn gáo nào đó.

Một khi đã chấn chỉnh được tổ chức, kiện tòan được nhân sự, Phật Giáo Việt Nam sẽ hổ trợ các chính sách ngọai giao đúng đắn của Nhà nước mà mở rộng sự tương trợ với các nước bạn trong vùng và thế giới để làm rạng danh dân tộc và Phật Giáo Việt Nam trong thời đại mới.

Trần Trúc Lâm.
(Ngày bế mạc của Đại lễ Vesak LHQ.)


© 2005 -2024  Chùa Vĩnh Nghiêm | Homepage