Chùa Vĩnh Nghiêm

Hàn Quốc: Tôn trí Xá Lợi Phật trong ngôi tháp cổ tại chùa Bulguk ở Gyeongju

Xá-lợi thiêng đã được tôn trí lại trong một ngôi tháp cổ tại chùa Bulguk ở Gyeongju (Hàn Quốc) hôm qua, 16-9, trong khi quá trình trùng tu liên tục gần như đã hoàn thành.



Nghi thức tôn trí xá-lợi

Xá-lợi được an trí bên trong cấu trúc chính của tháp Seokga (tháp Thích Ca Mâu Ni), cùng với một chiếc hộp và một tài liệu về lịch sử trùng tu ngôi tháp sau một nghi lễ Phật giáo ngắn gọn.

"Xá-lợi rạng rỡ, trong suốt và không thể so sánh với bất kỳ báu vật nào. Chúng tôi đặt xá-lợi trong tháp Seokga mang theo những giấc mơ của triều đại Silla vào 16-9-2015. Khi được cất giữ ngày hôm nay, những báu vật này sẽ được tiếp xúc với thế giới bên ngoài sau 1 hoặc 2 ngàn năm sau trong điều kiện bình thường", trụ trì chùa cho biết trong bài phát biểu của mình trong buổi lễ.

Nhà chức trách đã lấy ra tổng cộng 46 viên xá-lợi vào năm 2013 trong khi tháo tháp để sửa chữa các vết nứt được tìm thấy trong lớp đá móng. Nhưng chỉ có 28 viên trong số đó được cất giữ trở lại, 18 viên kia được đặt trong một bảo tàng do nhà chùa điều hành.

Viện Nghiên cứu Quốc gia về Di sản Văn hóa trong hoạt động sửa chữa các báu vật quốc gia cho biết sẽ hoàn thành lắp lại cấu trúc 3 tầng này để nó có thể lấy lại trạng thái ban đầu vào cuối năm nay.

Tháp Seokga được cho là đã được hoàn thành vào giữa thế kỷ thứ 8, khoảng 200 năm sau khi xây dựng ngôi chùa vào năm 535 ở Gyeongju (khoảng 370 km về phía đông nam Seoul). Thành phố này là thủ đô ngàn năm tuổi của triều đại Silla. Chùa Bulguk đã được ghi vào danh sách di sản thế giới UNESCO.

Tháp đã trải qua 2 lần trùng tu. Lần trùng tu gần đây nhất được thực hiện vào năm 1966, khi đó một phần tháp bị hư hại bởi các tên cướp trong nỗ lực bất thành trong việc trộm cắp hòm chứa xá-lợi. Trong quá trình trùng tu, rất nhiều tài sản văn hóa, trong đó có "Chú Đại bi", được biết đến là bản in khắc gỗ lâu đời nhất trên thế giới hiện nay, đã được tìm thấy trong các khoang bên trong tháp.

Tác giả: Văn Công Hưng (Theo Yonhap)


© 2005 -2024  Chùa Vĩnh Nghiêm | Homepage