Chùa Vĩnh Nghiêm

Vấn đề hoằng pháp: Tìm kiếm một con đường "Trở Về"

Thích Nữ Hương Nhũ
(Giảng viên Học viện PGVN tại TP.HCM)

Schopenhauer(1) có nói một câu cũng đáng suy gẫm: “Những tính xuất sắc của tri thức làm cho người ta khâm phục, nhưng chẳng bao giờ làm người ta thương yêu”. Đó là câu nói nhẹ nhất của ông về trái tim và tri thức con người.

Với người mang nỗi lo âu mình đang giậm chân một chỗ trước sự tiến bộ của thế giới thì chỉ cầm một tờ báo thôi, nếu không có ý thức tự đào sâu thêm kiến thức sẽ thấy rất khó tiếp cận với trào lưu mới ấy. Khi có dịp lên mạng, nhập vào một chữ cần tìm sẽ có vô số thông tin bung ra. Nếu không phải là một người quen lướt mạng, sẽ không biết tìm tiêu đề nào để đọc. Rồi các loại sách là cả một rừng kiến thức Đông Tây, bổ ích có và nguy hại cũng nhiều; đặc biệt về Phật học: số lượng băng từ cassette, CD, VCD... tràn ngập ở khắp mọi phòng phát hành kinh sách, nhất là các loại ấn phẩm “free distribution”- phát hành miễn phí với nội dung “hoằng pháp” vừa đa dạng vừa mang nhiều mục đích khác nhau. Thậm chí, chúng kém chất lượng do ban ngành hữu trách không thể kiểm duyệt hết nội dung đã trở thành phản tác dụng trong việc giáo dục Phật giáo, bởi vì người tiếp cận nếu không đủ khả năng trạch pháp đôi khi bị hoang mang, dao động trước những quan điểm của các nhà “thế trí biện thông” này. Với những vấn đề như vậy, chúng ta liệu có thể có những giải pháp hữu hiệu nào chăng?

Là những người đang đứng trước thế hệ Tăng Ni trẻ, mọi việc dường như quá dễ dàng bởi tất cả đang trên đường học hỏi tri thức, mở mang kiến thức. Sức ép từ các phía: gia đình, thầy tổ, huynh đệ, học đường, nhu cầu xã hội v.v... khiến giới thanh thiếu niên nói chung, Tăng Ni sinh trẻ nói riêng chỉ còn con đường duy nhất là, nếu muốn theo kịp trào lưu phát triển của thời đại thì tất cả phải dồn tâm trí vào việc học. Nhưng tiếc thay, mọi điều không đơn giản như thế. Khả năng chắt lọc thông tin và tiếp thụ kiến thức của phần lớn giới trẻ ngày nay vẫn là điều đáng quan ngại vô cùng.

Đôi khi thử lắng nghe lời tâm sự từ phía Tăng Ni sinh trẻ, hay cũng là tiếng nói của chính mình mươi năm trước, tôi không tránh khỏi nhiều nỗi ưu tư. Với tất cả nhiệt tình vì sự hiển hưng Đạo pháp, thiết tưởng, trong chúng ta, ai cũng đều ước muốn cùng nhau ươm mầm, đào tạo Tăng Ni trẻ tài đức. Nhưng khi thực sự bắt tay vào việc, chúng ta lại không biết bắt đầu từ đâu? Bởi vì môi trường ta đang tiếp xúc, không có từ ngữ “trở về”, vì sự phóng tới quá mạnh của thời đại hôm nay. Bao nhiêu tâm lực của tuổi trẻ đã đổ hết vào học tập với những khát vọng ngày mai. Một hướng đi khó minh định. Người có chút lương tâm, nếu nhìn lại thì hoang mang về con đường mình đang đi. Tri thức càng nhiều, nỗi khổ cũng không giảm bớt. Bươn chải vì học vị, bằng cấp... vậy hóa ra mình đang xây dựng một hạnh phúc trên một cái gì đó quá mong manh, dù là rất thực như cái văn bằng đang cầm trên tay. Những văn bằng tiến sĩ, phó tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân... đang trở thành tiêu đích phấn đấu cho việc tu học, và lý tưởng "liễu sinh thoát tử" của buổi đầu thế phát xuất gia dường như mờ nhạt theo thời gian. Một em Ni sinh sau khi tốt nghiệp TCPH tại TPHCM đã tâm sự với Báo Giác Ngộ nỗi tủi thân, ân hận chỉ vì không tiếp tục thi vào các trường đại học: “Huynh đệ và gia đình có phần xem tôi là người thất bại trong chuyện học hành. Trong bối cảnh các Tăng Ni sinh trẻ hiện nay học hành tất bật ở cả trường đạo lẫn trường đời, cả trong nước lẫn ngoài nước..., tôi hy vọng lời giải đáp của tổ tư vấn toà báo có thể giúp em đó thấy rõ vấn đề: “Một người xuất gia trẻ cần phải xác định mục tiêu và lập trường tu học của mình là giác ngộ, giải thoát, lợi sanh. Trong đó Giới, Định, Tuệ là định hướng, tiêu điểm để phấn đấu hướng đến thành tựu đạo nghiệp.”(2)

Chúng ta phải sửa chữa quan niệm sai lầm ấy của giới Tăng Ni trẻ bằng cách hướng dẫn cho họ biết, nền tảng xây dựng đạo nghiệp giải thoát khổ đau phải từ bước chân chập chững đầu tiên giẫm trên miền đất tri thức vì mọi sự hiểu biết đều có nguồn gốc xuất phát từ cuộc sống đời thường. Tri thức không thoát ly cuộc sống. Nó chính là những gì mà chúng ta đang sống, đang truyền thụ, là những gì hàng ngày các em đang ghi chép, đang học hỏi, để sau mỗi buổi học, các em có đôi phút thấy rằng, những gì nghe như xa rời hiện thực, lại rất gần gũi trong tầm tay của mình. Như những hạnh phúc chân thật của một tâm an bình, tuy chỉ là những sát na ngắn ngủi cũng đủ gây niềm tin yêu cho những người đang gặp muôn vàn khốn khổ và cay đắng khi giáp mặt cuộc đời.

Nhưng để được như vậy, thì chính chúng ta, những người đang đứng trên bục giảng với tư cách một giáo thọ, một giảng sư phải tự tìm thấy một lối vào cho chính mình qua từng bài giảng. Nếu không, chúng ta chỉ là người đứng bên ngoài mô tả một khu vười đầy hoa trái. Đừng quy trách nhiệm là Tăng Ni sinh trẻ hiện nay không có định hướng và đang bị lún vào trào lưu mới của những luồng thông tin đa chiều. Đây chẳng qua là vì lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ luôn tầm cầu khám phá cái mới trong khi đó, chưa đủ bản lĩnh tri thức nên khi dấn thân vào con đường học tu, họ dễ chao đảo lúc nghiêng bờ bên này, lúc nghiêng bờ bên kia. Trách nhiệm thuộc về chúng ta, - những người đang đứng trước giới Tăng Ni trẻ.

Bên cạnh tri thức, những hiểu biết về thế giới bên ngoài, cái cần vẫn là sự am hiểu về nội tâm sâu xa của chính mình. Nhưng thử hỏi làm thế nào ‘quay về nhìn lại mình’ trong thời đại mà mọi thời gian nhàn rỗi đều bị những chương trình đặc sắc của truyền hình, những thông tin đa dạng trên mạng internet luôn sẵn sàng thôn tính thời giờ quý báu ấy, rồi điện thoại di động cũng liên tục réo vang cùng với biết bao việc cần giải quyết sau buổi học? Bạn chỉ có thể ngồi yên thư giãn khi đã kiệt sức bởi công việc và một chương trình học tập nghiên cứu nội điển lẫn ngoại điển. Cả ngày bị sức cuốn hút ngoại cảnh như thế, đêm đến, mệt mỏi rã rời thì lấy sức đâu để mà tĩnh tâm mình? Vậy thì còn lối nào để “đi về” trong tình trạng tâm thức như thế! Nhiều vị không còn thời giờ để nói chuyện chánh niệm, thiền định, niệm Phật, kinh hành, nói gì tới chuyện hiểu được nội tâm nhiều biến động của chính bản thân mình. Thử hỏi Tăng Ni trẻ mỗi ngày tự nhớ về mình bao nhiêu lâu? Nhớ những lời Phật dạy lúc nào? Dù rằng cả ngày họ được tiếp cận với lời Phật dạy. Nghịch lý là chỗ đó. Do không có thời gian hành trì, tu tập, thể nghiệm những gì đã học nên bản lĩnh và nội lực chưa vững chãi. Chính vì thế, khi đối diện thực tế cuộc sống, Tăng Ni trẻ cũng còn gặp nhiều khó khăn, bối rối. Thử hỏi bản thân họ còn như thế, thì làm sao có đủ an lạc và tỉnh táo để lắng nghe và cứu giúp tha nhân giữa biển đời đau khổ này? Trách nhiệm “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” cũng phai nhạt dần theo năm tháng.

Cho nên bắt đầu là phải bắt đầu từ chúng ta. Từ người đang đứng trên bục giảng, đang hướng dẫn cho những tâm hồn trẻ trung kia có một lối đi rõ ràng vững chắc. Tri thức không làm cho người ta hiểu rõ chính mình, nhưng qua phương tiện đó người ta có thể rõ được lối “trở về”. Bao giờ cũng vậy, tất cả khởi điểm của sự lên đường phải từ nhận thức của chính bản thân mình. Theo đuổi hay buông bỏ một vấn đề, tùy vào sự nhận định của chính mình về vấn đề đó. Vậy ai là người dẫn lối cho Tăng Ni trẻ có nhận thức rõ ràng đúng đắn, nếu không là sự hoàn thiện tri thức và tiến bộ tâm linh của chính chúng ta.

Chúng ta, ai cũng nhận thấy, tất cả các môn thế học đều có lý thuyết và thực hành. Một đề thi toán, ngoài phần câu hỏi giáo khoa có 40% tổng số điểm thì phần còn lại là những bài toán nào đó có tính ứng dụng phần lý thuyết giáo khoa chiếm 60% tổng số điểm. Nếu thí sinh không giải được những bài toán ứng dụng ấy thì dù có thuộc lòng xuất sắc phần giáo khoa tới đâu cũng chỉ đạt điểm dưới trung bình. Tiếc thay những môn học Phật pháp thiếu đi phần thực tập đó. Do vậy rất cần thiết trong từng giáo án hay bài giảng phải đặt ra các câu hỏi thực tiễn tu học để tái thẩm định sự nhìn nhận vấn đề của Tăng Ni trẻ. Đôi khi những phần ứng dụng này rất tương đắc cho em, cho tôi, để có thể thực tập cả đời. Một đề nghị như thế chỉ mong sao việc tu tập sẽ gắn liền với từng bài giảng sinh động để những gì chúng ta đang truyền trao ngấm được vào tâm tư của thế hệ Tăng Ni trẻ, giúp họ hiểu rõ hơn về chính mình, hiểu những gì nằm bên dưới những hành động vô tình hay cố ý, vì mỗi ngày việc trăn trở trong tâm mỗi người vẫn diễn ra, như con đường chúng ta đã chọn và đang đi.

Trở lại câu nói của triết gia nêu trên. Cái gì làm cho người ta yêu mến được bạn. Đó chính là lòng nhiệt tình với cuộc sống, chỉ có sức sống của bạn là điều còn lại trong tâm mọi người khi nghĩ về bạn, đó là sự cố gắng tự sửa đổi nơi bản thân. Nhà Nho mà còn tự nhắc: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân” - mỗi ngày ta tự phản tỉnh ba lần về mình, và Socrates - triết gia Hy Lạp vĩ đại với câu nói thời danh: “Hãy tự biết mình”, còn trong đạo Phật có từ ngữ ‘tự quán chiếu’. Sự quán chiếu tự thân là điều kiện cần và đủ cho quá trình hoàn thiện nhân cách sống.

Những Tăng Ni sinh trẻ hiện đang có mặt tại các trường sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và tại Học viện, không phải ai cũng có một hoàn cảnh dễ dàng. Như một viên sỏi thả xuống mặt nước đang tĩnh lặng, những đợt sóng lan ra chưa kịp dừng, thì lại tiếp tục dao động bởi nhưng viên sỏi kế tiếp. Tôi nói không phải để đưa đến sự bế tắc, nhưng chỉ để tránh việc mình nói những gì xa rời thực tế, sau những buổi thảo luận thì chẳng sửa đổi được gì, không để lại trong lòng nhau một chút hy vọng về chính mình trước khi hy vọng về hoàn cảnh chung quanh. Vậy thì cuối cùng, điều chúng ta cần nhìn lại là tự thân mỗi giảng sư, giáo thọ phải có một nỗ lực trong việc hoàn thiện về chính mình thì mới mong việc học và giảng dạy của chúng ta có thể củng cố thêm niềm tin cho tự thân và tha nhân.

Chúng ta thường hay ‘hoằng pháp’ những gì vốn được tiếp thụ từ bên ngoài nhiều hơn là để tâm chú ý diễn giảng những gì đã được khai phát từ nội tâm chúng ta. Đức Phật đã từng dạy các Tỳ kheo về bốn hạng thuyết trình: “Một người thành tựu bốn vô ngại giải phải thông suốt về nghĩa cũng như về văn”3. Nghĩa là vị Tỳ kheo phải am tường, thẩm thấu và chứng đạt về giáo pháp, nghĩa lý, ngôn từ mới đi đến biện giải vô ngại, Nói cách khác, vị Tỳ kheo cần phải tri hành hợp nhất, lời nói tương ứng việc làm, việc làm tương ứng lời nói. Khổng giáo có câu: “Thái thượng hữu lập đức, kỳ thứ hữu lập công, kỳ thứ hữu lập ngôn, tuy cửu bất phế, thử chi vị bất hủ”. Nghĩa là các bậc Thánh vương xưa lập đức, kế đó lập công, kế đó lập ngôn, tuy lâu dài mà không bị phế; ấy gọi là bất hủ.

Như vậy, lập đức là giai đoạn đầu tiên tối quan trọng rèn luyện nhân cách thể hiện qua việc thực hành oai nghi tế hạnh, đạo đức gương mẫu; lập công là giai đoạn ứng dụng tri thức đã được trau dồi vào cuộc sống để tư duy thể nghiệm; và lập ngôn là giai đoạn cuối cùng, diễn giảng lại những kinh nghiệm sống động đã được suy tư, chiêm nghiệm và chứng thực. Chính vì lẽ đó mà lời dạy của các bậc Thánh nhân xưa khi đã đi qua các trình tự ấy rồi thì đều là “ngôn giản tận ý”. Nói ít, lời đơn giản mà tác dụng sâu xa đến tâm thức con người. Lão Tử từng chủ trương: Hành bất ngôn chi giáo. Nghĩa là chỉ cần làm gương cho người mà chẳng cần lời. Còn thời nay chưa kịp lập đức, lập công đã vội lập ngôn, do vậy mà lời thuyết giảng nghe chừng lưu loát, bóng bẩy mà sao sáo ngữ và trống rỗng, thiếu sức thuyết phục.

Có nhiều cuộn băng giảng với nhiều câu chuyện rất hấp dẫn. Nghe xong, thính giả chỉ biết khen hay và nhận xét vội vàng: một vị giảng sư tuyệt vời. Nhưng nếu hỏi vị thính giả ấy hay như thế nào thì lập tức nhận được câu trả lời, giọng nói của vị giảng sư ấy ấm áp, nhẹ nhàng, truyền cảm hoặc hùng hồn. Ngoài sự cảm nhận có tính cảm quan ấy, thính giả cũng chẳng rút ra điều gì bổ ích để ứng dụng trong thực tế cuộc sống của chính mình. Đó là chưa nói đến những sai lạc nghiêm trọng do không thông đạt nghĩa lý kinh luận. Chính những tình trạng đáng tiếc ấy đã góp phần thúc đẩy thế hệ Tăng Ni trẻ sa đà vào việc ham thích tranh luận, triết lý suông mà quên rằng, tri hành hợp nhất mới trở nên minh triết, hiền nhân. Đức Phật cảnh tỉnh người đang mắc nạn lý thuyết suông: “Dù tụng nhiều kinh mà buông lung không thực hành thì chẳng hưởng được phần ích lợi của Sa môn, khác nào kẻ chăn bò thuê, chỉ lo đếm bò người” (Kinh Pháp Cú, câu 19).

Ngẫm nghĩ về đề tài “Sứ mệnh hoằng pháp thời hiện đại”, tôi không khỏi bâng khuâng, liệu chúng ta sẽ làm được gì, trong thế giới đang hướng ngoại tột cùng như vậy. Chính như tôi, thỉnh thoảng đôi lúc thấy mình như đang đứng trước một ngưỡng cửa mới. Cố gắng hội nhập vào thế giới mới và cố giữ những gì mình thấy cần thiết cho một cuộc dấn thân. Chỉ e sau một thời gian, soi gương không tự nhận ra chính mình. Chính vì thế tôi đắn đo khi phải nói rằng, chúng ta dành đôi chút thời giờ trong ngày để tự “trở về”, trước khi bảo đảm thế hệ trẻ có thể “trở về” với phẩm chất tinh thần và tài đức vốn cần thiết hội đủ trong hoàn cảnh như hiện nay, và nhất là chúng ta, để có thể “thông suốt về nghĩa cũng như về văn”, phải cố gắng tránh đi ngược lại trình tự giáo nhân của các Thánh vương xưa đã xác lập là đầu tiên lập đức, thứ đến lập công, rồi mới lập ngôn trong sứ mệnh hoằng pháp thời hiện đại.

Chú thích
(1) Athur Schopenhauer (1788 – 1860) Triết gia Đức. Là triết gia lớn duy nhất ở Tây phương thủ đắc kiến thức và hiểu biết sâu xa về triết học Đông phương cũng như người đầu tiên tìm thấy những mối liên hệ giữa tư tưởng Tây phương và Đông phương.
(2) Báo Giác Ngộ số 363, ra ngày 11.1.20073 Tăng Chi Bộ kinh II, chương IV, phẩm Loài người, VNCPHVN, 1996, tr. 78


© 2005 -2024  Chùa Vĩnh Nghiêm | Homepage