Chùa Vĩnh Nghiêm

Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế: Trị liệu vết thương lòng

TT - Sáng 16-3, đại trai đàn bình đẳng chẩn tế tại TP.HCM đã khai mạc tại chùa Vĩnh Nghiêm.



Thượng tọa Thích Lệ Trang (chủ sám đàn tràng) và thiền sư Thích Nhất Hạnh (phải) với nghi thức cầu siêu trong Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế chiều 16-3 - Ảnh: T.T.D.

Đại trai đàn do Thành hội Phật giáo TP.HCM phối hợp với thiền sư Nhất Hạnh cùng Tăng đoàn Làng Mai (Pháp) tổ chức. Được sự đồng ý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đây sẽ là khởi đầu cho đại trai đàn ở Huế và Hà Nội.

Tại lễ khai mạc, hòa thượng Thích Thiện Tánh, phó Ban thường trực trị sự Thành hội Phật giáo, trưởng ban tổ chức đại trai đàn tại TP.HCM, phát biểu: “Đại trai đàn chẩn tế hôm nay trước hết là bài học thực nghiệm tâm linh cho những người hiện hữu. Bài học về những người con của Phật với nhau, hòa hợp trong sinh hoạt và hòa hợp trong pháp môn tu tập”.



Hồ tắm vong được tăng ni, phật tử thả tiền, hoa sen - Ảnh: T.T.D

Trên tinh thần đó, thiền sư Nhất Hạnh và khoảng 200 tăng thân Làng Mai đến từ trên 30 quốc gia trên thế giới đã tề tựu về tổ đình Vĩnh Nghiêm cùng các tăng ni, phật tử và người dân Việt Nam trong đại lễ. Và dù cho tôn giáo nào hay quốc gia nào, những con người này đều thành tâm mong cho “âm siêu, dương thới”.

Như thiền sư Nhất Hạnh chia sẻ: “Chúng ta đến với nhau để cùng cầu nguyện cho tất cả những người xấu số, không phân biệt già trẻ, gái trai, Bắc Nam, chủng tộc, tôn giáo và chính kiến”. Những người xấu số ấy có thể là những người chết vì bom đạn chưa tìm thấy xác, có thể chết do tai nạn hay bỏ mình ngoài biển cả... qua các thời kỳ.

Đã là “trị liệu” thì không có ranh giới giữa tuổi tác hay tôn giáo. Là một người theo đạo Thiên Chúa, nhưng cô Bảo Ngọc, Q.3 vẫn đến chùa và tâm sự: “Trước là cầu siêu cho gia đình, sau đó là tất cả những vong hồn chưa siêu thoát”. Bản thân cũng là người công giáo và có người thân từng làm lính rồi bỏ mạng trong chiến tranh, cô Thu Hương, Q.6, nói: “Những gì trong quá khứ đã qua hơn 30 năm rồi, tôi chỉ mong người thân được siêu thoát và sống cho hiện tại và tương lai”.



Tăng ni, phật tử và người dân nghe thiền sư Thích Nhất Hạnh pháp thoại tại chùa Vĩnh Nghiêm sáng 16-3 - Ảnh: T.T.D.

Trong số những người đến tham dự lễ cầu siêu ngày đầu tiên còn có rất nhiều bạn trẻ. Nhiều người không theo tôn giáo nào, họ là những sinh viên, công chức, nhân viên...

Đại lễ tại TP.HCM sẽ diễn ra trong ba ngày. Ngoài các nghi lễ cầu siêu, rước linh, mỗi ngày thiền sư Thích Nhất Hạnh có pháp thoại với các đề tài: người thương tôi mất, biết tìm về đâu; chết đi về đâu, làm thế nào cho các người thân đã chết được nhẹ nhàng an lạc.

Ngày cuối cùng của đại lễ (18-3), tại chùa Vĩnh Nghiêm sẽ diễn ra lễ trao 200 học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học cùng 200 phần quà cho người nghèo.

Ngày đầu tiên, hơn 3.000 người đã đến cầu siêu cho người thân. Hơn 20.000 vong linh có tên và hàng triệu vong linh không tên sẽ được cầu siêu trong ba ngày. Không phải vết thương lòng nào cũng dễ lành sau khi cầu siêu chẩn tế. Thế nhưng đại lễ đã mang đến cho biết bao con người niềm hi vọng, bởi vì như hòa thượng Thích Thiện Tánh đã nói: “Đại lễ được diễn ra vào đầu năm mới, mùa của sự đâm chồi nẩy lộc, mùa của tăng trưởng sự sống và cũng là mùa bắt đầu cho một năm mới thịnh đạt, an vui”.

Y. TRINH

Theo giải thích của Làng Mai, “trai đàn chẩn tế” nghĩa là đàn chay, một đám hội cung cấp thức ăn chay để phân phát cúng dường cứu trợ những vong hồn không có ai thờ tự, không có nơi nương tựa. Trai đàn chẩn tế cũng là để hướng dẫn các hương linh sám hối, cho hương linh có cơ hội nghe kinh chuyển hóa và phát nguyện vãng sinh.

Đặc biệt, chữ “bình đẳng” nghĩa là tất cả các vong hồn đều được đối xử như nhau. “Trai đàn bình đẳng chẩn tế” là một công trình thực tập tập thể. Nương vào pháp lực của Tam Bảo và của tâm thức từ bi cộng đồng mà sự trị liệu ấy được thực hiện nơi những người đã khuất và nơi những người còn sống. “Đàn trai” không phải là một cái gì mê tín, thuần túy tôn giáo mà là một pháp thực tập tâm lý trị liệu rất khoa học, tuy nó có tính cách lễ hội dân gian.

(Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=191609&ChannelID=3)


© 2005 -2024  Chùa Vĩnh Nghiêm | Homepage