Chùa Vĩnh Nghiêm

Chuyển tải phật pháp đến với giới trẻ

Thích Nữ Như Hương
(Thành viên BHP TP.Cần Thơ)

Hồi tưởng ân đức từ bi vô lượng và công hạnh hoằng pháp suốt 49 năm khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã phát lời đại nguyện:

"Vũ trụ bao la ở đây cả
Bàn tay này ta chuyển Pháp luân,
Đến một ngày tất cả vui xuân
Ta mới hết Pháp luân thường chuyển".

Chí nguyện và giáo pháp của Ngài thật vô tận, còn đàn hậu học chúng con như những cánh chim non tập tễnh bay vào bầu trời giáo pháp mênh mông. Chúng con nhận thấy công tác hoằng pháp là một công tác đóng vai trò quan trọng, một sứ mệnh thiêng liêng cao cả mà hiện tại chúng con phải: “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”. Đây là hoài bão duy nhất mà chúng con phải cố gắng vận dụng tài sơ, trí thiển của mình làm hạt cát nhỏ, ngõ hầu góp phần xây dựng ngôi nhà Chánh pháp ngày được trang nhiêm, hưng thịnh.

Ngưỡng bái bạch quý ngài, kính thưa toàn thể chư liệt vị,

Trong chủ đề tọa đàm “SỨ MỆNH HOẰNG PHÁP THỜI HIỆN ĐẠI” được Ban Tổ chức gợi ý, chúng con xin phép trình bày đề tài: “HOẰNG PHÁP VỚI TUỔI TRẺ”.

1. Công tác hoằng pháp.

Hoằng pháp có nghĩa là chuyển tải những lời dạy mang tính đạo đức nhân bản của con người được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dày công, nghiên cứu, thực nghiệm và chứng đắc, đến với những người muốn tìm hiểu, học hỏi, thực hành, mong có được phút giây an lạc, giải thoát thật sự trong đời sống hiện tại.

Nói đến công tác hoằng pháp, từ xưa đến nay, người hoằng pháp không thể tách rời nguyên tắc của “Ngũ minh”. Vì Ngũ minh là công cụ tối ưu hỗ trợ người hoằng pháp đạt đến thành công cả lĩnh vực lý thuyết lẫn thực thực hành, suốt quá trình hành đạo cũng như đạt đến sở chứng.

Nếu nhà hoằng pháp chỉ có nội lực tiến tu mà không thâm hiểu Tam tạng Thánh điển đạo Phật, hoặc hiểu sơ sài mà vội truyền đạt giáo lý, hướng dẫn tín đồ Phật tử, sẽ dễ dàng dẫn đến con đường mê tín dị đoan, hay làm thay đổi áo nghĩa của đạo Phật, nên cần ứng dụng phương pháp Nội minh.

Nếu không dựa vào ba phương diện căn bản của TÔN, NHÂN, DỤ, tức là phàm làm gì phải nêu rõ chủ trương, mục đích của mình và lý lo thành lập chủ trương, mục đích, sau đó phải đưa sự kiện ấy ra để chứng minh cụ thể theo nguyên lý thuận, nghịch của nó dựa trên nguyên tắc Nhân minh.

Chẳng những người hoằng pháp chỉ dừng lại ở hai lĩnh vực trên, mà còn phải rèn luyện kiến thức văn học xã hội… và thông thạo ngôn ngữ của nhiều quốc gia trên thế giới, để trong việc truyền đạt, giảng dạy đến các dân tộc bản địa tiếp thu nền giáo lý Phật học dễ dàng, phải phát huy được vai trò của Thanh minh.

Trong thời kỳ đất nước đang trên đà phát triển, nhất là công nghệ và kỹ thuật, nhà hoằng pháp phải biết nắm bắt cơ hội này làm phương tiện hành đạo, phát triển nền kinh tế. Không phải lấy đó làm mục tiêu cho sự tham lam, gây tai họa cho nhân loại, mà chính nó là một bài pháp “Lợi tha” bất tận trong việc tổ chức công tác từ thiện như cứu tế, xây đựng nhà tình thương v.v… Đó là phương thức của Công xảo minh.

Hiện nay chẳng những con người sống trong sự đe doạ bệnh tật ngoại thân, mà còn không ít người mang căn bệnh nội tâm nan giải. Nhà hoằng pháp phải biết vận dụng hai phương thuốc :”Y DƯỢC và PHÁP DƯỢC” trị liệu sẽ mang lại ý nghĩa tích cực trong việc tế độ chúng sanh ngay trong cuộc sống hiện tại. Bằng cách trang bị Y phương Minh là phương pháp hữu hiệu nhứt.

Nhưng HOẰNG PHÁP không phải một danh từ đơn thuần hay một lý thuyết suông, mà nội dung và hình thức của nó phải thực hiện thế nào và ra sao? Nhất là “SỨ MỆNH HOẰNG PHÁP THỜI HIỆN ĐẠI”.
Giáo pháp của đạo Phật là giáo pháp “Tùy duyên nhi bất biến”. Giáo pháp ấy không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian, không phân biệt chủng tộc, giai cấp, tầng lớp nào cả, nhưng lại mang tính đặc thù đó là “khế lý, khế cơ”. Như trong kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Thảo dụ, Đức Phật nói với Tôn giả Ca Diếp: “Thí như trong cõi tam thiên, đại thiên, nơi núi, sông khe… đồng thời mưa xối xuống khắp nơi nhuần thấm… các giống cây lớn nhỏ tùy hạng thượng, trung, hạ mà hấp thụ khác nhau… hoặc xứng theo mỗi giống loại mà cây cỏ đặng sanh trưởng đơm bông kết trái… Dầu rằng một trận mưa thấm nhuần mà các cỏ cây đều có sai khác”.

Như vậy, hiện nay đòi hỏi sứ mệnh hoằng pháp phải biết chuyển tải giáo lý, ứng dụng phương thức thích hợp căn cơ, trình độ và giáo lý cơ bản, mới có thể đem lại niềm tin và sự an lạc cho tất cả nhân loài trong cuộc sống này hiệu quả, thiết thực.

Đề tài này giới hạn trong phạm vi “Hoằng pháp với tuổi trẻ”. Nhưng tuổi trẻ cũng đa dạng, vì vậy chỉ đề cập hai lĩnh vực chính. Đó là Tuổi trẻ biết hướng thượng và Tuổi trẻ suy thoái đạo đức”.

2. Vấn đề tuổi trẻ

2.1. Tuổi trẻ biết hướng thượng:

Như tất cả đều biết, Đạo pháp cũng như xã hội, đều kỳ vọng ở giới tuổi trẻ. Vì nói đến tuổi trẻ là nói đến độ tuổi đang ươm mầm sức sống, nói đến một thể lực tráng kiện, một sự sáng tạo vượt bực, một nhân tố tích cực, một sức sống vô biên, một tâm hồn trong sáng. Bao nhiêu thành tựu, kỳ công đều không thể thiếu đôi bàn tay tuổi trẻ và đã mang lại không biết bao nhiêu điều lợi ích cho nhân loại. Tuổi trẻ đã được khẳng định một vai trò tích cực, một nhân tố quan trọng không ai có thể phủ nhận được.

2.2. Tuổi trẻ có chiều hướng suy thoái đạo đức:

Bên cạnh sự thành tựu, người hoằng pháp cũng lại còn phải trăn trở, ưu tư về giới tuổi trẻ, đó là biết nhiều, hiểu nhiều, nhưng lại nghe ít. Tại sao chúng ta lại nói như vậy? Chúng ta phải thừa nhận rằng, giới tuổi trẻ hiện nay đa phần có bản tánh tự tin, tự quyết đoán, mà lại ít tuân theo “Lễ giáo gia phong” nên dễ dẫn đến điều đáng tiếc xảy ra. Tuổi trẻ rất có nghị lực và dễ thành đạt trong mọi lĩnh vực, nhưng cũng dễ ngã quỵ trước sóng gió cuộc đời, chỉ cần “cơn lốc nhẹ”. Bởi vì tuổi trẻ chỉ biết tự tin, biết phấn đấu, nỗ lực, nhưng lại khó vượt qua nắng gió phong sương.

Bởi lẽ, bên cạnh những niềm vui và sự kỳ vọng ở giới tuổi trẻ, lại còn điều đáng quan tâm nhiều đối với nhà hoằng pháp, đó là đất nước càng phát triển, khoa học hiện đại càng tiến bộ, thì khiến cho đời sống tâm linh của con người dường như có phần hạn chế. Vì sự lên tiếng báo động của báo, đài kể cả các thông tin hiện đại như các trang web trên mạng Internet… đã phản ảnh không ít về nguy cơ suy thoái của giới tuổi trẻ hiện nay, nhứt là lĩnh vực đạo đức truyền thống dân tộc người Việt Nam, đã làm không ít các bậc cha mẹ sầu khổ, thầy cô giáo lo âu, chính quyền nhọc trí, dân chúng hoang mang...

Trong công cuộc đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, sự diễn biến phức tạp nhứt là “Nghiện hút tuổi học đường, trộm cướp, mãi dâm, lạm dụng tình dục, HIV/AIDS...”đã và đang tấn công mạnh mẽ, từ thành thị đến thôn quê, như một cơn bão lũ càn quét sự bình yên, hạnh phúc của gia đình và xã hội... Hiện nay đất nước đang trên đà hội nhập quốc tế, đồng thời mở cửa giao lưu với các nước lân bang trên thế giới, về cơ chế thị trường, đứng về mặt tích cực thì nó đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển tăng tốc. Song mặt trái của nó lại là mối đe dọa hủy hoại lối sống lành mạnh của tuổi trẻ, do chạy theo lối sống “đòi hỏi hưởng thụ sớm”, dẫn đến hiện tượng con cái ngược đãi cha mẹ, xung đột với người thân, xâu xé với xóm làng, gây mất trật tự an ninh xã hội...

3. Trách nhiệm của người làm công tác hoằng pháp

Vai trò nhà hoằng pháp phải gánh vác trọng trách đối với giới tuổi trẻ làm mục tiêu hàng đầu, phải hòa nhập với giới tuổi trẻ. “Hòa nhập” chứ không phải “hòa tan”; có hoà nhập mới tìm hiểu được nguyên nhân, hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng tuổi trẻ, từ đó mới có thể ứng dụng giáo lý phù hợp đến với tuổi trẻ. Vì Đức Phật dạy chúng sanh có tám vạn bốn ngàn căn bệnh phiền não, thì đạo Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn để đối trị. Như triển khai đề tài TỨ NHIẾP PHÁP: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, hay các đề tài khác phù hợp với giới trẻ, có thể cảm hóa và tạo điều kiện cho giới trẻ thâm hiểu được giáo lý đạo Phật sâu sắc. Cần phải thấy, tuổi trẻ thành đạt hay suy thoái đạo đức cũng do hoàn cảnh, môi trường cuộc sống tác động, tuổi trẻ như một tờ giấy trắng phục vụ cho nhà hoạ sĩ, nếu được bàn tay hoạ sĩ lão luyện phác hoạ bức tranh tuyệt tác, có ý nghĩa thiết thực sẽ mang lại cho cuộc đời này một tác phẩm kỳ diệu. Còn ngược lại thì tờ giấy ấy trở thành vô dụng.

Vì vậy, nhà hoằng pháp rất cần chuyển tải Phật pháp đến với giới trẻ đã biết hướng thượng, phấn đấu, thành đạt, tích cực hoàn thiện được nhân cách, đời sống thanh cao, đạo đức, nhưng sự hoàn thiện đó chỉ trong lĩnh vực đời thường, một khi gặp phải hoàn cảnh bất đồng, những nhân vật này không thể bền tâm đứng vững trên cuộc đời mà cần trang bị thêm áo giáp Phật pháp. Dù là giới trẻ như thế nào chăng nữa, đối với nhu cầu đời sống tâm linh hiện nay rất cần học và thực hành theo đức tính từ bi, hỷ xả, trí tuệ, vô ngã vị tha vốn có trong mỗi con người. Hiện tại tuổi trẻ chỉ biết bám giữ, dành riêng sự yêu thương, sự tha thứ, sự hy sinh… chỉ trong phạm vi gia đình và người thân, nếu có được trí thức gọi là siêu tuyệt nhất, đó cũng chỉ tạm gọi trí thức bình thường của con người, chưa thoát khỏi sự phiền não đời thường chi phối. Như vậy, khi thấm nhuần được giáo lý đạo Phật, tuổi trẻ có được cơ hội tốt phát huy mạnh mẽ đức tính từ bi theo tinh thần Phật pháp, sẽ thành đạt hơn trong cuộc sống, biết trải tình thương và tấm lòng rộng mở bao la vô bờ bến, đến tất cả muôn loài, gạt bỏ được sự ích kỷ của đời thường, sẽ không còn chấp chặt cái Ta hay cái của Ta, có một tâm hồn trong sáng, an lạc và trái tim vô ngã cứu giúp muôn loài, không có dấu chân hận thù, ích kỷ tham lam, chỉ thuần một trí tuệ như thật tri kiến vượt ra khỏi sự ràng buộc danh lợi của đời thường.

Thời hiện đại, đối với sứ mệnh hoằng pháp, sự chuyển tải, truyền đạt giáo pháp không phải bằng lý thuyết suông hay giáo điều khô cứng mà phải biết linh động, nhứt là đến với giới trẻ, phải dựa trên thông tin hiện đại, các lĩnh vực tin học, kết hợp các môn học như toán, lý, hoá, sinh, văn hoá, lịch sử, triết học, khoa học xã hội… kể cả trong và ngoài nước. Phải bám sát và nắm bắt được tình hình thực tế, nhu cầu đời sống xã hội… tác động đến giới trẻ, ứng dụng giáo lý căn bản đạo Phật một cách hài hoà, thiết thực, không mơ hồ, viển vông, thể hiện được nền đạo đức nhân bản của con người, áp dụng cụ thể vào đời sống hiện tại cũng như hướng đến cuộc sống tốt đẹp cho tương lai. Có như thế mới mang lại lợi ích đến cho cả nhà hoằng pháp và người tiếp thu giáo pháp được công đức trọn vẹn và thành tựu viên mãn.

Tóm lại, giáo lý đạo Phật dù ở trong thời điểm nào, quốc độ nào, đều phù hợp với tất cả căn cơ và trình độ, đặc biệt thích nghi với giới trẻ. Nếu nhà hoằng pháp biết vận dụng phương pháp chính xác, có niềm tin vững chắc ở giới trẻ, mạnh dạn thực hiện SỨ MỆNH của mình, quyết chắc rằng giới trẻ sau khi tiếp thu giáo lý và tu tập, sẽ xây dựng được nền đạo đức nhân bản kiên cố, chắc hẳn sẽ mang lại cho cuộc đời niềm hạnh phúc sung mãn thật sự.

Không phải nhà hoằng pháp lúc nào cũng gặp những thuận lợi, thiện duyên, mà mỗi bước đi đều gặp phải chông gai, trở ngại. Nhưng vì hạnh nguyện “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”, dù hoàn cảnh nào chăng nữa, “SỨ MỆNH HOẰNG PHÁP THỜI HIỆN ĐẠI” được trưởng dưỡng trong vườn hoa chân lý. Sự kết tinh và trưởng thành của mỗi đoá hoa Phật pháp, mỗi dáng vẻ và sự dịu dàng khoe sắc có khác nhau, nhưng tựu trung đều tô điểm cho đời toả ngát những làn hương thơm thanh khiết làm đẹp ý mọi người. Chính bàn tay của nhà hoằng pháp góp phần vào công cuộc hoằng hoá lợi sinh mới đưa được tất cả mọi người hữu duyên về đến ngôi nhà an vui hạnh phúc, trường cửu.

Chính vì vậy, hiện nay nhu cầu cần thiết nhứt ở tuổi trẻ có chiều hướng suy thoái đạo đức, nhà hoằng pháp cần quan tâm về lĩnh vực giáo dục, hướng dẫn giới trẻ trở thành những mẫu người góp phần làm mang lại lợi ích cho bản thân và tha nhân. Có được như thế thì xã hội này sẽ trở thành cõi an lạc, thanh tịnh, không phải tìm đâu xa.

Cuối cùng chúng con ngưỡng chúc chư tôn giáo phẩm pháp thể khinh an, Phật sự viên thành.


© 2005 -2024  Chùa Vĩnh Nghiêm | Homepage