Chùa Vĩnh Nghiêm

Công Hậu với vai diễn Đức Phật Thích Ca

Năm 1998, có một bộ phim nhựa được chiếu khắp các rạp ở TP.HCM mà vẫn “cháy” vé, thậm chí tôi phải dẫn bà mẹ già chen vô Nhà hát Hòa Bình mà xem. Nhà hát dành cho sân khấu nhưng chiếu luôn phim, và không còn một chỗ trống. Nhiều bà, nhiều cô không thèm đặt chân tới mấy chốn "vui chơi giải trí" như bọn trẻ, vậy mà cũng ráng đi coi bộ phim đó cho bằng được. Bộ phim Ánh đạo vàng, trong ký ức của nhiều người, "tưng bừng" như vậy!

Công Hậu đã đóng gần 80 vai lớn nhỏ từ kịch tới phim, nhưng không hiểu sao khán giả chỉ nhớ anh trong vai Phật Thích Ca, và cho tới bây giờ bộ phim đã được sang ra 3 đĩa VCD bán hoài vẫn được. Cả chục năm, số lượng phát hành không biết bao nhiêu mà đếm, chưa kể các nhà từ thiện lại in hàng loạt đem tặng khán giả. Sức sống của bộ phim thật đáng ngạc nhiên.

Thật ra, hầu hết người Việt đều ảnh hưởng Phật giáo, cho nên nghe nói có chiếu "phim Phật" thì mừng lắm. Chưa kể đó gần như là "phim Phật" đầu tiên của Việt Nam, chứ hồi trước giải phóng chỉ có phim Ấn Độ mà thôi. Và sau giải phóng ngay cả phim Ấn cũng không thấy chiếu. Cho nên người ta ùn ùn mua vé. Ít ai biết rằng bộ phim được làm không phải để kinh doanh, mà chỉ do tâm nguyện của sư cô Huệ Trí chùa Diệu Giác Q.2, TP.HCM. Sư cô kết hợp với Hãng phim Mê Kông của nhà văn Nguyễn Quang Sáng để lo phần chuyên môn. Bao nhiêu là cực khổ, bởi anh em chưa quen chuyện đạo, cái gì cũng ngỡ ngàng, lúng túng. Nhưng tấm lòng thì quá tha thiết, nên ai cũng lăn xả vô làm, không hề tính toán. Ngay cả nghệ sĩ hóa trang Xuân Chính ngày nào cũng lấy tấm hình Đức Phật ra xem hàng giờ rồi mới bắt tay làm. Hư, bỏ biết bao nhiêu lần.

Phải nói bộ phim này là thử thách khắc nghiệt nhất của Xuân Chính. Nhưng từ đó anh trở thành cao thủ số một trong làng hóa trang, không ai qua nổi. Còn các nghệ sĩ thì học cách đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, sao cho oai nghi tế hạnh, không dám giỡn hớt, nói bậy. Riêng Công Hậu ăn chay luôn suốt 4 tháng làm phim, và vô chùa mượn sách để nghiên cứu Phật học. Thậm chí anh và vợ cũng không dám ngủ chung, hoàn toàn để thân tâm sống trọn vẹn cùng nhân vật. Tiền thù lao không bao nhiêu mà ai nấy hết lòng đến vậy. Lúc đó Công Hậu tròn 30 tuổi, khuôn mặt đầy đặn, trong trẻo. Còn Việt Trinh đóng vai công chúa Da Du Đà La cũng rất đẹp, vì gương mặt cô phảng phất nét lai tương tự người Ấn. Thật là một cặp diễn viên xứng lứa vừa đôi. Vừa chiếu lên màn ảnh, khán giả đã xuýt xoa, cảm động.

Phim có cảnh Đức Phật nhập diệt, hãng phim đã mời mấy trăm nhà sư thật từ Sóc Trăng lên tới Đà Lạt để quay. Công phu như vậy. Cảnh hoành tráng, đến mức Công Hậu nằm nghiêng bên phải thấy mấy trăm nhà sư "lạy mình" chợt bàng hoàng rung động. Lúc ấy trời bỗng mưa lất phất, không khí diệu kỳ như cảnh Niết Bàn thật sự. Cả đoàn phim không thể nào quên ấn tượng quá đẹp đó. Và cơn mưa như báo hiệu sự thành công sau này. Trong đó cũng không thể quên công của Phước Sang đã giúp bộ phim phát hành rộng rãi. Bộ phim đã đạt "doanh thu" về sự đoàn kết, ưu ái của mọi người, có lẽ điều đó còn lớn hơn cả tiền bạc.

Công Hậu còn niềm vui và ngạc nhiên khác nữa, là sau vai Phật Thích Ca anh đắt sô một cách lạ kỳ, cả kịch lẫn phim làm không hết việc, nhưng không hề đóng một vai phản diện nào nữa. Trước đó, không hiểu sao anh cứ bị giao vai ác, vai quậy, chưa bao giờ có một nhân vật tử tế. Vậy mà sau Ánh đạo vàng, Công Hậu trở nên khác hẳn trong mắt đạo diễn. Thậm chí bà con Công giáo còn mời anh đóng vai Chúa Giê-su trong các hoạt cảnh. Anh phải nhịn ăn cho ốm đi, để râu tóc dài ra, cộng với nghệ thuật hóa trang, mỗi lần anh xuất hiện là tín đồ rung động. Mỗi suất diễn từ 1.000-2.000 khán giả, im phăng phắc lắng xem. Và mới đây Công Hậu trở thành nhà hiền triết Jokanaan trong vở Salome của trường Điện ảnh-Sân khấu TP.HCM, vẫn nét đẹp thông thái và trầm tịch. Cái duyên "hiền triết" của Công Hậu chắc chưa hết đâu, thế nào cũng còn vai cho anh tiếp tục...

(Theo: Thanh Niên 04/07/2007)


© 2005 -2024  Chùa Vĩnh Nghiêm | Homepage