Chùa Vĩnh Nghiêm

Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Quang Khải



TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH QUANG KHẢI CHỨNG MINH ĐẠO SƯ HỆ PHÁI VĨNH NGHIÊM XUẤT THẾ NĂM ĐINH MÃO (1927) TRỤ THẾ 84 NĂM VIÊN TỊCH NGÀY 10.8.CANH DẦN (17.9.2010) LÚC 12H50 TẠI TP. HỒ CHÍ MINH ------------ * Tuổi thơ và thân thế : Người ta có thể nhìn thấy bên con sông Hồng cách đó ra khoảng mười cây số là một làng nhỏ Giang Xá thuộc thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức trước kia trong cương giới tỉnh Hà Sơn Bình nay là thành phố Hà Nội. Từ làng này, đi tới khoảng bảy cây số, có thể thấy từ xa ngọn núi Thầy và thấp thoáng ngôi chùa Tây Phương. Làng Giang Xá nằm trong cảnh trí thơ mộng thiên nhiên như vậy, dân cư hiền hoà làm nghề nông sống tin theo truyền thống đạo Phật bên ngôi chùa Linh Bảo – trung tâm tâm linh của làng. Hòa Thượng sinh ra và lớn lên ở đất quê này. Ngài tên thật là Nguyễn Văn Khiết sau này đổi lại là Nguyễn Văn Khải. Được biết, Ngài sinh ngày 10 tháng 10 năm Đinh Mão (1927) trong một gia đình mộ Phật lâu đời. Hai thân là người hiền lương nhân hậu đã sớm quy y tam bảo. Cụ ông là Nguyễn Văn Thính hiệu Phúc Mệnh, cụ bà là Nguyễn Thị Trà hiệu Diệu Quế. Tài liệu nói rằng Ngài là người con trai út trong gia đình, người con đầu là một chị gái, kế tiếp dưới là hai anh trai. Tất cả đều là những người hâm mộ Phật pháp và đã qua đời gần đây. Như vậy là phúc ấm của gia đình đã sửa soạn cho tuổi thơ của Ngài vào cửa Phật một cách thầm lặng từng bước thời gian. * Xuất gia và tu học : Thêm vào đó, có lẽ do nhân duyên nhiều đời, năm lên 6 tuổi, Hòa Thượng từ biệt song thân đến Chùa Linh Bảo tu tập theo khuôn phép thiền gia. Ngôi chùa này được coi là ngôi chùa Ngài sơ tâm xuất gia. Theo sử sách, chùa này mang dấu tích lịch sử là có một thời đức Vua Lý Nam Đế đến đây để tỉnh tâm tu dưỡng. Đến năm lên 9 tuổi, vì chí nguyện cầu đạo, tức vào năm 1939, Hòa Thượng lên Quán Sứ đảnh lễ Tổ Tố Liên thờ làm nghiệp sư. Đây là thời kỳ phong trào chấn hưng Phật giáo đang phát triển. Và vì thế chương trình đào tạo tăng tài được quan tâm trong giới Phật giáo nước nhà. Do đó, Hòa Thượng được theo học chương trình Phật học rất chuẩn mực và được Tổ lưu tâm. Năm 1945, Hòa Thượng 18 tuổi khi đó đất nước gặp khó khăn, là lúc Tổ thấy Hòa Thượng có đủ tâm cơ và cho thụ giới Sa Di. Đến năm 1947 Hòa Thượng thụ đại giới tại chùa Quán Sứ – Hà Nội. Một thời gian sau, do bản tính thông minh cần mẫn và chí cầu tham học, Tổ cho phép Hòa Thượng vào Huế theo học Phật học Đường Bảo Quốc. Tại đây, Ngài gặp lại một đồng môn xưa là Hòa Thượng Thanh Tuất, về sau làm trụ trì chùa Bồ Đề Quận Bình Thạnh và đã viên tịch tại Hoa Kỳ cách đây mười năm. Dường như, sau khi học ở Huế xong, Ngài trở về miền Bắc cho đến 1954 Ngài được Tổ cho phép vào Nam hành hóa. * Sự nghiệp hành đạo : Thời gian này (1954) Hòa Thượng có mặt tại Sài Gòn và khi đó, đất nước có nhiều biến động lịch sử. Ngôi chùa Phổ Quang gần sân bay Tân Sơn Nhất thuộc Hội Tương Tế Bắc Việt là ngôi chùa đầu tiên Ngài đến và chỉ lưu lại ở đây một thời gian ngắn. Sau đó, Ngài vân du đến chùa Viên Giác – tỉnh Biên Hòa. Ngôi chùa này được biết do các Phật tử miền Bắc xây dựng lên từ lâu và khung cảnh ở đây yên tỉnh rất hợp với phong cách tu tập của Ngài là chuyên tu tịnh độ và nhập thất. Đến trước năm 1963, Hòa Thượng được thỉnh về ẩn tu tại chùa Giác Hoa, Quận Bình Thạnh trước kia thuộc vùng Gia Định nay trong địa giới Tp. Hồ Chí Minh. Ở đây, Ngài chung lo Phật sự với Hòa Thượng Quảng Thạc khi đó là Viện chủ. Đặc biệt, ngôi chùa này đối với tăng già Bắc Việt đã mang nhiều kỷ niệm vì có một thời gian lưu dấu bước chân các Hòa Thượng Tâm Giác, Hòa Thượng Tuệ Đăng, Hòa Thượng Quảng Thiệp, Hòa Thượng Bình Minh, Hòa Thượng Thanh Minh, Hòa Thượng Minh Thông. Năm 1979, Tổ Trí Hải trong thời gian lưu lại thăm miền Nam, có ghé chân đến đây. Những chi tiết bối cảnh trên cần được nói thêm vì Hòa Thượng ở đây khá lâu, cho đến khoảng năm 1974 Ngài về độc cư tại một tịnh thất ở vùng Nhà Bè. Khung cảnh nơi đây tĩnh mịch nhưng không đủ duyên giữ Ngài ở được lâu. Khoảng một năm sau, Ngài lên chùa Giác Minh Quận 10 Sài Gòn chung lo Phật sự với trụ sứ và Tổ đình Vĩnh Nghiêm cho đến nay. Khoảng thời gian này, nhất là từ 1990, Ngài bắt đầu làm thơ để tải đạo, người ta thấy bút hiệu Vô Trụ xuất hiện trên nhiều tập thơ, văn chất hồn hậu như ‘Chùa Hương’, ‘Trường ca từ phụ’, ‘Hạnh nguyện đức Dược Sư’, và qua đây, cũng thể hiện chân ngôn tu tập của Ngài : ‘Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm’. Đây cũng là thời gian Ngài giữ ngôi chứng minh đạo sư cho Hệ phái Vĩnh Nghiêm. Một ngày vào thu, mùa mưa miền Nam, vào lúc 12h50 ngày 10.8.Canh Dần (17.9.2010) sau một thời gian lâm bịnh, như phong cách sống tự tại của Ngài, Ngài đã an nhiên thị tịch trụ thế 84 tuổi. Để lại một tấm gương tỏa áng đạo hạnh cho Chư Tăng và Phật tử hệ phái Vĩnh Nghiêm. Trước di ảnh với khói hương nghi ngút, Chư Tăng Phật tử thành tâm đảnh lễ giác linh Hòa Thượng với vô vàn thương tiếc. Nam mô Chơn Như tháp ma ha tỳ khiêu Bồ tát giới pháp húy Thích Quang Khải đạo hiệu Vô Trụ thùy từ chứng giám.

Ban Tổ Chức


© 2005 -2024  Chùa Vĩnh Nghiêm | Homepage