Chùa Vĩnh Nghiêm

Nhà Phật với giáo dục - Lịch sử và vấn đề
Gs.Nguyễn Khắc Thuần

Có lẽ chúng ta nên cùng nhau nghiền ngẫm lại câu nói của bậc cao tăng Già-la Đồ-lê: Hãy bắt đầu bằng việc nói cho bá tính biết những gì họ đang mong muốn biết chứ chưa vội nói với họ tất cả những gì chúng ta biết.


1. Có một thực tế tốt đẹp không thể phủ nhận được là ngay từ khi mới truyền bá tới Việt Nam, Phật giáo đã lập tức tiến hành một quá trình nhập thế lâu dài, tích cực và đầy hiệu quả. Sư không chen chân chốn lắm của đông người mà tự nguyện và ân cần đến với dân, chốn núi cao hay rừng thẳm, nơi trung du hay đồng bằng, vùng duyên hải hay ngoài hải đảo, bất luận nơi nào có dân là ở đó sớm muộn thế nào cũng sẽ có các nhà sư. Sư tận tình chỉ dạy cho dân đi khai khẩn đất đai, biến nhiều vùng hoang vu thành ruộng đồng tươi tốt, thành xóm làng trù mật. Sư tìm cách tập hợp và tổ chức dân làng chống thú dữ, tạo sự an lành cho thiên hạ. Sư cần mẫn tìm thuốc chữa bệnh cho dân, vui niềm vui trăm họ khỏe mạnh. Sư tận tâm truyền dạy đại đạo làm người và chân thành mong mỏi bầu khí các gia đình được trong trẻo. Sư nêu gương bảo vệ kỷ cương, khát khao trăm họ luôn biết kính trên nhường dưới, nền nếp gia phong ngày một đàng hoàng. Sư chỉ dẫn dân lành cách tôn vinh điều tốt và cách tránh xa việc xấu. Dân luôn yêu quý và tin cậy các nhà sư, chủ yếu là bởi tâm nguyện và phép ứng xử rất đáng kính ấy. Chừng như sức thuyết phục mãnh liệt của Phật giáo bắt đầu từ những hành vi thiết thực và phong thái siêu phàm của các nhà sư chứ không phải bắt đầu từ những nội dung triết lý cao siêu.

Nhờ nhập thế tích cực, sư đã nhanh chóng trở thành chỗ dựa tin cậy và vững chắc của muôn dân. Nhờ nhập thế tích cực, sư gần dân, hiểu dân và biết cách nhẹ nhàng chuyển tải những giá trị to lớn của đức nghiệp nhà Phật đến với dân. Nhờ nhập thế tích cực, trước khi dựng chùa, các nhà sư đã tạo lập được vị thế rất tôn nghiêm trong đức tin của xã hội.

2. Một trong những triết lý lớn của Phật giáo là duy tuệ thị nghiệp (惟 慧 是 業). Với triết lý rất giàu chất nhân bản và nhân văn này, nhà Phật đã vươn tới ba mục tiêu rất quan trọng. Một là tôn vinh vai trò đặc biệt cao quý của trí tuệ đối với lý tưởng sống của xã hội loài người. Hai là xác định năng lực phi phàm của trí tuệ đối với toàn bộ quá trình xây dựng sự nghiệp của bất cứ ai, bất cứ dạng thức hay quy mô nào. Ba là vừa khuyến cáo, vừa tạo cơ hội cho tất cả mọi người tiếp cận với trí tuệ để rồi sau đó sẽ từng bước làm chủ trí tuệ.

Vi mục tiêu thứ nhất, điểm tương đồng giữa nhà Phật với các nền giáo dục khác là luôn đề cao tri thức, luôn đề cao sự hiểu biết đa dạng và đa sắc màu, luôn đề cao sự hình thành, phát triển và ảnh hưởng tích cực của hệ thống những kỹ năng sống rất cần có đối với chúng sinh. Nhưng, nhà Phật không bao giờ câu nệ, không bao giờ tự giới hạn tri thức trong một khuôn khổ duy nhất là học vị chính quy từ thấp lên cao như nhà Nho và như một số nền giáo dục sau này. Chữ tuệ (慧) theo quan niệm của nhà Phật rất gọn gàng nhưng cũng rất hàm súc, ở đó có tuệ căn (慧 根 )[1], có tuệ lực (慧 力)[2], có tuệ mệnh (慧 命)[3], có tuệ kiếm (慧 劍)[4] và có cả tuệ nhãn (慧 眼)[5].

Với các nhà tôn sùng chủ nghĩa chính quy hiện đại, có thể điều này khiến cho họ cảm thấy không an lòng nhưng nếu lấy mục tiêu tối thượng của tri thức là khả năng ứng dụng để xem xét thì tiếc thay, chưa bao giờ hệ thống bằng cấp lại chặt chẽ như hiện nay mà cũng chưa bao giờ năng lực giải quyết những vấn đề lớn của thực tiễn sinh động lại yếu kém như hiện nay.

Vi mục tiêu thứ hai, do xác định rõ năng lực phi phàm của trí tuệ nên nhà Phật luôn bày tỏ từ tâm và đặc biệt là sự tin cậy đối với người học. Thực tế cho thấy rằng người thầy kém cỏi nhất chính là người thầy không bao giờ tin tưởng ở học trò của mình. Trí tuệ thu được trong quá trình học tập sẽ giúp các thế hệ học biết cách tự điều tiết mọi hành vi ứng xử sao cho phù hợp với cộng đồng, sao cho xứng đáng với niềm tin yêu của xã hội. Học để biết mà sống và làm việc chứ không phải học để dùng bằng cấp tạo thành bậc thang đi lên cho hoạn lộ của mình. Trong qua khứ, có một nền giáo dục chưa bao giờ vấp phải vấn nạn bằng cấp giả, đó chính là giáo dục Phật giáo. Người học chỉ làm những gì mà tuệ nghiệp của chính họ xét thấy cần làm và có thể làm được chứ không phải cứ vô tư nhận việc theo bằng cấp, bất kể mình có làm được hay không. Ở đâu mà trình độ hiểu biết với hệ thống học vị không chịu song hành với nhau, ở đó chưa thể có xã hội văn minh theo đúng nghĩa chặt chẽ của từ này. Hóa ra, thoạt trông cứ ngỡ giáo dục nhà Phật thuở xưa có vẻ như lỏng lẻo nhưng thực chất lại không phải vậy.

Vi mục tiêu thứ ba, có lẽ chính nhà Phật là lực lượng đi tiên phong trong toàn bộ quá trình mà ngày nay chúng ta gọi là giáo dục mở. Tuổi tác nào muốn học cũng đều được chấp thuận mà không chút câu nệ. Dù nam hay nữ, hễ có tâm nguyên mở mang kiến thức cũng đều có thể học, không khắt khe phân biệt và cấm đoán đàn bà con gái tới trường như nhà Nho. Chẳng có ai điểm danh, chẳng có ai kiểm soát và cũng chẳng có ai áp đặt nội quy…giáo dục nhà Phật xưa là vậy. Khi người học cảm thấy việc học là cần thiết, tự họ sẽ biết họ cần phải làm gì và làm như thế nào cho phải phép. Khi thầy là nhà sư, người vừa tận tình chuyển tải tri thức vừa quảng bá tâm đức có thật của chính bản thân họ, người học sẽ vì cảm phục mà theo đến cùng. Ở đời, ai khiến cho thiên hạ sợ mà theo thì thiên hạ có thể theo rất nhanh nhưng ngay vừa mới theo đã bắt đầu nhen nhúm lửa phản trắc. Nhưng cũng ở đời, ai khiến cho xã hội rộng lớn vì cảm phục mà theo, có thể họ sẽ theo chậm hơn nhưng phàm đã theo là vui theo mãi mãi. Theo khi thầy còn tại thế. Theo cả khi thầy đã viên tịch. Đôi khi chỉ nghe âm hưởng tốt đẹp phảng phất trong lời truyền tụng của người xưa cũng đủ để họ kính thờ.

3. Ra đời sớm nhất trong lịch sử giáo dục Việt Nam chính là giáo dục truyền nghề và giáo dục võ nghiệp. Hậu thế trân trọng ghi nhận cống hiến của hai nền giáo dục này nhưng công bằng mà nói, giáo dục truyền nghề và giáo dục võ nghiệp cũng chỉ mới dừng lại ở quy mô nhỏ, phân bố rải rác và nhất là xét về quy trình đào tạo, cả hai đều chưa có sự đồng nhất. Xuất hiện muộn hơn chút ít so với hai nền giáo dục nói trên là giáo dục Phật giáo nhưng ngay từ đầu, nền giáo dục này đã có những nét riêng khá độc đáo thể hiện qua đội ngũ những người thầy, qua cách tổ chức lớp học và nội dung chương trình.

Về đội ngũ những người thầy, chiếm ưu thế tuyệt đối tất nhiên vẫn là các nhà sư tu hành trong chùa. Các Ưu-bà-tắc (Upasaka hay 優 婆 塞 tức đàn ông tu tại gia) và các Ưu-bà-di (Upasikâ hay 優 婆 夷 tức đàn bà tu tại gia) tuy cũng có tham gia vào quá trình này nhưng xem ra họ cũng chỉ là lực lượng giữ vị thế bổ sung. Trong cách viết Hán tự, chữ (师) để chỉ người tu hành cũng chính là chữ dùng để chỉ người thầy giáo. Phàm đã là sư, nhận thức phải thông tuệ, đạo hạnh phải lớn lao, tại thế phải gương mẫu. Như trên đã nói, khi người thầy đã gồm đủ ba tố chất quan trọng này thì xã hội sẽ vì sự kính nể và cảm phục mà the o học đến cùng. Chưa hẳn mọi người đều đồng ý nhưng quả thật là tôi rất thích hai chữ thầy chùa. Sở dĩ gọi là thầy chùa vì thầy đang tu hành trong chùa và quan trọng hơn, vì thầy từ tâm hào hiệp dạy chùa chứ không hề thu một chút kinh phí nào cả. Với ngàn xưa, hình như chỉ có giáo dục Phật giáo và duy nhất giáo dục Phật giáo mới có hiện tượng đặc biệt này. Đây chính là điểm khác biệt dễ thấy nhất giữa giáo dục Nho giáo với giáo dục Phật giáo. Học chữ thánh hiền ai chẳng muốn nhưng không có học phí thì đành ngậm ngùi cam phận đứng ngoài. Không ai lên án thầy đồ thu tiền nhưng dẫu sao, việc thu tiền cũng đã khiến cho không ít người tuy bẩm sinh rất sáng dạ mà vẫn không được học.

Về tổ chức lớp học, nhà Phật luôn đề cao ý thức tự giác của mọi người chứ không ràng buộc ai bằng bất cứ một hệ thống quy chế cụ thể nào cả. Người người tự giác theo học vì tâm thành hằng ngưỡng mộ đấng chí tôn, vì sự cảm phục đức tuệ cao dày của sư thầy và vì những lợi ích thiết thân đối với bản thân và gia đình họ. Rất nhiều nội dung triết lý uyên thâm của nhà Phật đã được xã hội hoan hỷ đón nhận và coi là nền tảng căn bản của gia giáo, đức nghiệp lớn lao vĩnh tồn và đáng kính lắm. Hóa ra có quá nhiều điều tốt đẹp, tuy giáo dục Phật giáo không cần ồn ào kêu gọi bá tính hãy cố gắng làm mà rốt cuộc, hiệu quả lại rất lớn.

Về nội dung chương trình, sự thoáng đãng nhưng hữu ích của giáo dục Phật giáo thuở xưa rất xứng đáng được trân trọng ghi nhận. Ngoài các bộ kinh sách và giáo lý căn bản, những bài giảng còn lại được mỗi chùa thực hiện một cách khác nhau. Bậc cao tăng Già-la Đồ-lê từng có lời khuyên các sư thầy rằng hãy bắt đầu bằng việc nói cho bá tính biết những gì họ đang mong muốn biết chứ chưa vội nói với họ tất cả những gì chúng ta biết. Điều mà bá tính mong muốn biết là phép ứng xử với gia đình và họ tộc, với xóm giềng và cộng đồng gần xa, với môi trường tự nhiên và vạn vật, với tiền tài, quyền uy và tâm linh. Họ có thể đến nghe giảng một lần hoặc rất nhiều lần, họ có thể về nhà suy nghĩ và sau đó chân thành đến chùa xin sư thầy tiếp tục chỉ vẽ thêm. Không ai coi đây là chuẩn mực tuyệt đối và duy nhất của giáo dục nhưng rõ ràng, tính thoáng đãng và thiết thực cần được nghiên cứu để kế thừa.

Tóm lại là trong lịch sử giáo dục Việt Nam, giáo dục Phật giáo đã từng có những cống hiến không nhỏ. Khi nhà chùa là nhà trường, nhà sư là nhà giáo, khi nội dung giảng dạy luôn bám sát nhu cầu sinh động của thực tiễn, hiệu quả đào tạo tốt đẹp sẽ tự nhiên được xã hội trân trọng đón nhận. Điều bất ngờ là không ít nhà sư chẳng hề có bằng cấp những đã t rực tiếp đào tạo nên những bậc đại khoa bảng và cũng đã có không ít bậc đại khoa bảng dũng cảm từ bỏ công danh để trở về say mê nghiền ngẫm những giá trị triết lý của nhà Phật[6]. Họ hoàn toàn không phải là đại diện của đội ngũ trí thức tam giáo[7] mà thực sự là những Nho gia, sau đó tự tìm đến với Phật giáo bởi những lý do chính đáng riêng.

4. Có một thực tế rất phổ biến và kéo dài gần như xuyên suốt lịch sử giáo dục Phật giáo Việt Nam là các nhà sư thường không ngừng tìm cách ứng dụng hệ thống kiến thức Phật giáo vào thực tiễn xã hội chứ không phải là đầu tư thật nhiều công sức và trí tuệ cho hoạt động nghiên cứu Phật học. Với một số bậc cao tăng mà nhất là những bậc cao tăng đã có công khai sáng hoặc hoằng dương mạnh mẽ các dòng tu, tuy trình độ Phật học của họ rất uyên thâm nhưng đó không phải là hiện tượng phổ biến, càng không phải là hiện tượng đủ sức chi phối nền giáo dục Phật giáo. Thực ra, đây cũng là tình trạng chung của các nền giáo dục khác. Việt Nam từng có đến hàng ngàn bậc đại khoa Nho giáo nhưng lại rất hiếm nhà Nho thực thụ, có rất nhiều Đạo sĩ được đời ca tụng là cao tay ấn nhưng có quá ít các nhà Đạo học. Các hệ tư tưởng khác được truyền bá tới Việt Nam thời cận đại và hiện đại cũng không phải là ngoại lệ.

Trong bối cảnh của tình hình đất nước trước đây, xu hướng ứng dụng là hoàn toàn cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, vạn vật hữu sinh tất hữu diệt, đến một thời điểm cụ thể nào đó, xu hướng ứng dụng nhất định sẽ dần dần bị đẩy lùi để ít nhất là dành một phần thỏa đáng cho quá trình tổng kết và nâng cao kiến thức hàn lâm. Nhất định trong tương lai không xa, một nền Phật học Việt Nam bề thế sẽ được khai sinh và có ảnh hưởng quốc tế ngày càng rộng lớn.

5. Tôi có may mắn được mời tham gia giảng bài cho Học Viện Phật Giáo tại thành phố Hồ Chí Minh ngót hai chục năm nay. Đây chính là một trong những cơ hội thuận lợi để tôi có thể tiếp cận với nền giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện đại. Ngoài ra, vì lý do nghề nghiệp, tôi cũng từng có dịp đến viếng rất nhiều ngôi chùa lớn nhỏ trên khắp đất nước ta. Từ thực tiễ n của quá trình khá lâu dài này, tôi mạo muội trình bày vài cảm nghĩ của mình về giáo dục Phật giáo hiện nay.

Thứ nhất, giáo dục Phật giáo Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và đã khẳng định được vị trí riêng của mình. Căn tu và hạnh tu tuy vô cùng quan trọng nhưng nếu thiếu sự thông tuệ, dù ít hay nhiều cũng đều có thể gây nên những khó khăn rất khó lường cho ý nguyện không ngừng góp phần hoằng dương Phật pháp. Bởi lẽ này, tôi thật sự cảm kích khi được chứng kiến sự khai sinh của hàng loạt cơ sở đào tạo từ sơ cấp đến cao cấp. Xưa, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn từng đặt ra 4 tiêu chuẩn bắt buộc phải có đối với người xuất gia tu hành. Một là phải từ 50 tuổi trở lên, hai là phải có lý tưởng tu hành, ba là phải có đạo hạnh và bốn là phải thông hiểu giáo lý. Trong 4 t iêu chuẩn nói trên, tôi chỉ ủng hộ tiêu chuẩn thứ hai và tiêu chuẩn thứ ba. Tiêu chuẩn thứ nhất chẳng những không ủng hộ mà tôi còn phản bác. Với tiêu chuẩn thứ tư, tôi nghĩ rằng khi chưa xuất gia, nếu chưa thông hiểu giáo lý là điều bình thường, nhưng khi đã xuất gia lâu ngày mà không thông hiểu giáo lý là điều rất khó chấp nhận. Muốn được như vậy, ngoài nỗ lực tu tập cá nhân, giáo hội Phật giáo cần xây dựng một hệ thống đào tạo bắt buộc mà vẫn phù hợp với tình hình mới. Có một thời rất lâu dài trong lịch sử dân tộc, nhà sư là đội ngũ trí thức tin cậy của nước nhà, giờ đây, tuy quy chế giáo dục quốc gia đã hoàn toàn khác trước nhưng đối với các nhà tu hành Phật giáo thì triết lý duy tuệ thị nghiệp vẫn phải tiếp tục được đề cao. Xin giáo hội Phật giáo hãy ti ếp tục tổ chức đào tạo như đã từng liên tục tổ chức đào tạo trong mấy chục năm gần đây vì đó là tâm nguyện chung của xã hội rộng lớn chứ không phải chỉ bó hẹp trong phạm vi xã hội mộ Phật.

Thứ hai, theo thống kê sơ bộ của tôi, số nhà tu hành Phật giáo có học vị Thạc Sĩ hoặc Tiến Sĩ chiếm tỷ lệ khá lớn, trong đó, học vị do các học viện và trường đại học nước ngoài cấp cũng không phải là ít. Khi chúng ta đã và đang xây dựng một xã hội học tập, bất cứ ai đi học và đạt được học vị cao đều rất đáng mừng. Tuy nhiên, là một nhà giáo lâu năm, tôi luôn chân thành mong đợi nội dung của các luận án bậc cao đó sẽ phản ánh thật sâu sắc chất Phật học, thể hiện thật rõ đó là công trình nghiên cứu của một nhà tu hành Phật giáo. Tất cả các đề tài luận án khác tuy rất hay và cũng rất quan trọng nhưng sẽ hay hơn nữa, sẽ quan trọng hơn nữa nếu chúng ta có thật nhiều đề tài luận án thực sự đúng nghĩa là Phật học. Đây là một vấn đề không hề đơn giản nhưng cũng chính vì thế mà xã hội luôn tin tưởng những người theo học bậc cao sẽ ngoạn mục vượt qua.

Thứ ba, giáo dục không bao giờ chỉ gói gọn trong phạm vi trường lớp chính quy mà luôn tìm cách mở rộng, luôn sáng tạo những dạng thức mới hơn và phù hợp hơn đối với người học. Nhà Phật có ba lợi thế cần được phát huy mạnh mẽ. Một là hơn 16.000 ngôi chùa[8] đang hiện hữu trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Xin các nhà tu hành hãy tận tâm hướng dẫn cho chúng sinh thông qua hệ thống các nghi lễ, qua các buổi thuyết pháp và qua các sinh hoạt cộng đồng. Gần đây, một số nhà sư còn mạnh dạn tổ chức các lớp dự bị hôn nhân, rèn luyện kỹ năng sống cho nam nữ thanh niên và thậm chí còn cử hành hôn lễ cho không ít thiện nam, tín nữ trẻ tuổi nữa. Từ chối các nhu cầu tự nhiên và có thật của muôn đời là điều không nên, vì thế, tôi ủng hộ những việc làm thiết thực này, với điều kiện là làm trong khuôn khổ giới luật cho phép và làm trong khả năng có thể của mình. Hai là các cơ quan ngôn luận của giáo hội như báo và tạp chí, chưa kể gần đây chính tôi cỏn được mời tham gia một số chương trình truyền hình do giáo hội Phật giáo phối hợp thực hiện, hãy phát huy hết lợi thế to lớn của chính mình. Ai cũng biết tác dụng mạnh mẽ của phương tiện thông tin đại chúng nên việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tờ báo và tạp chí phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng. Thông qua các cơ quan ngôn luận, giáo hội Phật giáo nhất định sẽ đẩy mạnh hơn nữa quá trình hội nhập ngày càng sâu sắc với cộng đồng, kể cả cộng đồng ngoại đạo và khác đạo. Nếu có một bộ phận nào đó chưa hiểu Phật giáo thì đó là lỗi của họ, còn cơ quan ngôn l uận của giáo hội mà không quyết tâm làm cho bộ phận này hiểu đúng về Phật giáo thì lỗi thuộc về các cơ quan ngôn luận của giáo hội. Ba là hiện tại có rất nhiều nhà tu hành Phật giáo say mê nghiên cứu và chính họ đã chứng tỏ cho đời thấy trí lực cũng như bút lực rất dồi dào. Muốn thành công thì phải có chí cả và lòng đam mê nhưng muốn đạt được hiệu quả lớn lao và bền vững thì phải nhanh trí phát hiện ra những nhu cầu học hỏi rất chính đáng của xã hội. Tôi từng đọc không ít công trình được xuất bản nhờ sự tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau. Là tác giả của 313 đầu sách đã được xuất bản và nhiều lần tái bản, tuy chưa từng nhận bất cứ một chút tài trợ nào của ai, tất cả đều ra mắt theo quy chế xuất bản chung của nhà nước hiện hành, nhưng cũng không vì thế mà tôi đánh giá sai vai trò của nhà tài trợ. Điều tôi muốn tâm sự là khi đã có thuận lợi về kinh phí xuất bản, người cầm bút cần nghiên cứu thật kỹ về bạn đọc của mình. Có lẽ chúng ta nên cùng nhau nghiền ngẫm lại câu nói của bậc cao tăng Già-la Đồ-lê : hãy bắt đầu bằng việc nói cho bá tính biết những gì họ đang mong muốn biết chứ chưa vội nói với họ tất cả những gì chúng ta biết. Nên làm như thế và hãy cố gắng làm mãi như thế vì Phật giáo là một phần của máu thịt văn hóa Việt Nam chứ không phải là một phương tiện trợ giúp nào đó của văn hóa Việt Nam. Tôi đang nghĩ như vậy còn đúng sai ra sao, xin các bậc tu hành cao minh hoan hỷ chỉ bảo cho.

Tp.HCM, 3-2012

NGUYỄN KHẮC THUẦN

Phó Phân Hiệu Trưởng

Phân Hiệu KHXH & NV

kiêm Trưởng Khoa Việt Nam Học

Trường đại học Bình Dương


[1] Nghĩa là sinh ra đã có bẩm tính sáng suốt hơn người.
[2] Nghĩa là có thể đủ sức để chứng minh được các pháp.
[3]Nghĩa là có thể dùng trí tuệ để bảo vệ thân mệnh hoặc làm thay đồi ít nhất cũng là một phần của bản mệnh.
[4] Nghĩa là có thể dùng trí tuệ để tẩy sạch bụi trần và duyên trần
[5] Nghĩa là mắt có thể nhìn thấu tỏ cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
[6] Xin vui lòng tham khảo thêm Nguyễn Khắc Thuần, TIẾN TRÌNH VĂN HÓA VIỆT NAM TỪ KHỞI THỦY ĐẾN THẾ KỶ XIX (Nxb. Giáo Dục. Sách đã được tái bản lần thứ 3) hoặc Nguyễn Khắc Thuần, ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ VĂN HÓA VIỆT NAM (trọn bộ 5 tập. Nxb. Giáo Dục. Sách đã được tái bản lần thứ 7).
[7] Trí thức được đồng thời trang bị hiểu biết cả Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo.
[8] Đây chỉ là thống kê của cá nhân tôi. Trong khuôn khổ lao động cá nhân, hạn chế là điều không sao tránh khỏi, vì thế, xin hãy coi đây là một con số tham khảo. Tuy nhiên, sai số nếu có cũng không lớn.


© 2005 -2024  Chùa Vĩnh Nghiêm | Homepage